Thứ sáu, 19/04/2024 13:42 (GMT+7)

Đồng Nai: Tùy tiện tách vụ án, tòa bỏ mặc oan sai!

Ban Pháp luật -  Thứ sáu, 26/06/2020 09:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vụ án (VA)“đòi nợ” không có nhiều yêu cầu, quan hệ pháp luật (QHPL) tranh chấp. Thế nhưng, TAND huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai cố ý tách VA, khiến VA ngốn hơn 21 tháng cùng với 5 phiên tòa. Vì sao?

Nội dung vụ án.

Ngày 18/4/2016, bà Thái Thị Khánh trú tại xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai (chủ cửa hàng bán cám) cho vợ chồng ông bà Trần Văn Thành và Phạm Thị Minh Lan (người cùng ấp, bạn hàng, chăn nuôi heo) mượn số tiền 100 triệu đồng, thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), thời hạn 1 năm hoàn nợ. Đôi bên không thỏa thuận lãi suất. 

Do nợ quá hạn, bà Khánh khởi kiện ông Thành - bà Lan tại tòa. Về phía bà Lan, do giá heo xuống thấp liên miên, không thể trả nợ đúng hạn. Tuy nhiên, bà Lan nói sẽ trả nợ nếu bà Khánh rút đơn khởi kiện.

Vợ chồng ông Thành, bà Lan đang chờ sự công minh của pháp luật

Sau khi có đơn khởi kiện “đòi nợ” tại tòa, bà Khánh lắp đặt hệ thống camera nhắm vào nhà bà Lan. Ngày 9/9/2017, bà Lan đến mua cám, camera ghi nhận lại việc bà Khánh “phủ đầu” bà Lan nợ lên đến 420 triệu đồng, đôi bên cự cãi gay gắt. Sau ba lần bà Khánh hỏi “bao nhiêu”, bà Lan trả lời “239 triệu mấy trăm ngàn”.

Nắm được con số, bà Khánh bổ sung đơn khởi kiện, kèm theo đoạn clip này làm chứng cứ yêu cầu tòa tuyên buộc bà Lan trả 100 triệu đồng tiền vay cùng với 239.818.000 đồng nợ tiền mua cám từ năm 2014 đến năm 2017.

Ngày 25/5/2018, Tòa sơ thẩm tòa án nhân dân (TAND) huyện Cẩm Mỹ đưa VA “tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản (HĐ MBTS) và tranh chấp hợp đồng vay tài sản” ra xét xử. Sau nghị án, bà Lê Thị Tùng, thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa tuyên bố và ra QĐ tạm ngừng phiên tòa. Ngày 27/9/2018, TAND huyện Cẩm Mỹ ra QĐ số 97, tách VA thành 2 vụ. VA khép lại bằng phiên tòa phúc thẩm ngày 25/7/2019.

Đến nay ông Thành - bà Lan đã thực hiện xong thi hành án trả gốc – lãi số tiền vay và hiện đang khổ đau, bế tắc bởi bản án “nợ tiền cám” oan nghiệt!

Động cơ nào khiến tòa “tách vụ án”?

Phiên tòa sơ thẩm (PTST) ngày 25/5/2018 của TAND huyện Cẩm Mỹ  tạm ngừng. Theo quy định, sau khi tòa tạm ngừng thì trong vòng 30 ngày, tòa phải tiếp tục tiến hành xét xử VA. Tuy nhiên sau hơn 4 tháng VA bị “ngâm tôm”, tòa lại ra QĐ tách vụ án (TVA)!? Điều tệ hại nữa là tòa không thực hiện một quy định rất quan trọng là giao QĐ TVA ngay cho bị đơn. Việc tòa ém nhẹm QĐ này đã tước đoạt quyền yêu cầu phản tố của ông Thành – bà Lan, đẩy họ về phía bất lợi! Do vậy việc giải quyết VA kéo dài, không bảo vệ kịp thời, không đảm bảo sự công bằng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của ông Thành – bà Lan!

Theo quy định tại Điều 42 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 (BLTTDS) thì toà án có thể nhập hoặc TVA, việc nhập tách phải bảo đảm đúng pháp luật, phải được tiến hành trong trường hợp VA có nhiều QHPL, phải đảm bảo việc giải quyết nhanh chóng và đúng pháp luật các yêu cầu của đương sự. Vì sao, VA không có nhiều QHPL tranh chấp và cũng không có nhiều yêu cầu khác nhau mà tòa lại TVA? Vậy trong VA này, tòa tách VA nhằm đạt mục đích gì? Chưa hết, cần xác minh rõ Chánh án TAND huyện Cẩm Mỹ ra QĐ TVA vào thời điểm nào, thực hiện đúng quy định hay không? Qua đó càng thấy rõ hơn động cơ của tòa.

Tại khoản 3 Điều 42 BLTTDS quy định: “Khi nhập hoặc TVA quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Tòa án đã thụ lý VA phải ra QĐ gửi ngay cho Viện Kiểm Sát (VKS) cùng cấp, đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan”.Ngày 19/10/2017, tòa thụ lý VA, ngày 25/5/2018, tòa đưa VA ra xét xử sơ thẩm, ngày 27/9/2018 tòa ra QĐ TVA. Như vậy, tòa ra QĐ TVA không phải vào thời điểm tòa đã thụ lý VA mà vào thời điểm sau khi tòa tạm ngừng. Phải chăng TVA nhằm phủ nhận PTST ngày 25/5/2018 bởi phiên tòa này có điểm bất lợi cho bà Khánh, cần “xí xóa”?

Tham gia công tác kiểm sát tại các phiên tòa, hầu như các Kiểm sát viên (KSV) chưa thực hiện đúng nhiệm vụ quyền hạn của mình, KSV phiên tòa 2 cấp sơ, phúc thẩm đều công nhận tòa chấp hành đúng pháp luật tố tụng. Rêng bà Lê Thị Mỹ Hạnh, kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân huyện là người tham gia hai PTST có ý kiến trái ngược nhau. Tại phiên tòa tạm ngừng ngày 25/5/2018, bà phát biểu quan điểm rằng: “Về thủ tục tố tụng còn vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử và cấp tống đạt văn bản tố tụng cho đương sự”. Tại PTST ngày 18/1/2019 thì bà Hạnh lại phát biểu: Tòa “tuân thủ đúng quy định pháp luật nên không có ý kiến gì”! Là KSV thực hiện quyền kiểm sát hoạt động tố tụng của tòa, vì sao lại “ngậm miệng”, bỏ qua vi phạm pháp luật tố tụng của tòa?

Vụ áncó nhiều dấu hiệu bất thường

Đơn khởi kiện ngày 21/9/2017, bà Khánh cho rằng từ ngày 23/10/2014 đến ngày 3/8/2017, ông Thành – bà Lan còn nợ lại số tiền cám là 239.818.000 đồng, 100 triệu đồng tiền vay quá hạn, bà Khánh nhiều lần yêu cầu trả số tiền nợ ông Thành, bà Lan “cố ý không trả nợ”.

Nếu số tiền nợ tiền cám là có thật thì uy tín, khả năng trả nợ của ông Thành - bà Lan đáng được bà Khánh cho vay? Ngoài ra, thời điểm cho vay nợ, có đủ mặt vợ chồng, bà Khánh phải “chốt nợ” bằng cách nhắc lại nợ cũ! Điều đáng ngờ là việc vợ mình nợ tiền cám hàng trăm triệu đồng trong thời gian dài mà ông Thành không hề hay biết! Tại Biên bản PTST ngày 25/5/2018, trang 3, bút lục số 77, ông Thành hỏi bà Khánh vì sao vợ ông đang nợ tiền cám, khi đến vay 100 triệu đồng  thì “tôi không nghe chị nói vợ tôi có nợ tiền cám của chị”? Bà Khánh trả lời “Anh không hỏi thì tôi không nói”! Thông thường là khi người vay không chịu trả, thì người đòi phải tác động đến người thân của người vay. Trong trường hợp này, bà Khánh phải tác động đến ông Thành sẽ có tác dụng cho việc đòi nợ. Việc bà Lan nợ, ông Thành không hề hay biết là thế nào? Trong khi ông Thành là người thường xuyên đến chở cám sau mỗi lần bà Lan giao dịch xong!

Điều đáng lưu ý nữa là vì sao bà Khánh chỉ yêu cầu tòa tuyên buộc ông Thành - bà Lan trả lãi trong vài tháng, “xí xóa” một năm tiền lãi? Cách tính toán này “bịt mắt thiên hạ” chăng? Nếu tính lãi sát sao thì con số nợ sẽ là trên 200 mấy chục triệu đồng tương ứng con số trong đoạn clip thì e “lộ tẩy”!

Trong VA này, TAND huyện Cẩm Mỹ đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dân sự. Xét xử tại PTST là giai đoạn quan trọng, quyết định nhất nhưng tòa tìm cách tái lập một PTST khác nhằm hợp pháp hóa chứng cứ  mơ hồ. Ý kiến, chứng cứ của bị đơn không được lắng nghe, không được đưa vào hồ sơ VA, trong khi chứng cứ, tài liệu phía nguyên đơn không thuyết phục thì được chấp nhận? Tòa cấp phúc thẩm thì xuề xòa, sơ sài. Mọi ý kiến của bị đơn, luật sư, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị đơn bị bỏ ngoài tai. Dư luận vô cùng bất bình trước những tuyên buộc sai trái, bao che người gian dối của tòa liên quan đến VA này và mong được cơ quan tố tụng có thẩm quyền ra kháng nghị, VA được giải quyết một cách khách quan, vô tư, công bằng!                                                                 

Bạn đang đọc bài viết Đồng Nai: Tùy tiện tách vụ án, tòa bỏ mặc oan sai!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đồng Nai: Nhà hàng Purli xây dựng trái phép giữa rừng cao su
Theo phản ánh của nhiều người dân, Nhà hàng – hầm rượu Purli (ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm và đi vào hoạt động từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại không hay biết.

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?