Thứ ba, 23/04/2024 18:58 (GMT+7)

Dự án K92: Lòng tin của người dân bị tổn thương - Bài 2

Mạnh Tưởng -  Thứ tư, 21/08/2019 14:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dự án K92 là tên viết tắt của công trình Kho bạc Nhà nước Trung ương được khởi xướng từ năm 1993.

Trải qua gần 3 thập kỷ, nhưng số phận của Dự án này vẫn long đong như chính cuộc sống của hàng chục hộ dân tại 36A Trần Hưng Đạo và từ số nhà 43F đến 47C phố Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Cùng nằm trong dự án bị thu hồi đất nhưng vẫn được cấp sổ đỏ

Ngày 18/7, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã đăng bài “ Nỗi khổ người dân sống trên đất vàng” ,phản ánh về những bức xúc của người dân sống trên khu đất bị thu hồi vào dự án K92 , họ cho rằng, việc UBND thành phố Hà Nội thu hồi đất của các hộ dân tại 36A Trần Hưng đạo và từ số nhà 43F đến 47C phố Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm để xây dựng Trụ sở Kho bạc Nhà nước Trung ương, trong khi đó khu đất trên đã được UBND TP Hà Nội xác định trên bản đồ quy hoạch chi tiết quận Hoàn Kiếm và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với chức năng là đất ở.

Khu 36 A Trần Hưng Đạo nhếch nhác lụp xụp

 
Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà TP Hà Nội lại ra quyết định thu hồi khu đất trên làm trụ sở cơ quan. Điều này đã gây bức xúc cho người dân, đơn thư khiếu kiện mỗi năm lại dày thêm, Dự án cứ thế mặc nhiên được Thành phố điều chỉnh “tùy ý” và chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Theo tìm hiểu của PV, trong quá trình Cục kho bạc Nhà nước Việt Nam triển khai công tác giải phóng mặt bằng theo Dự án đã được phê duyệt trên diện tích 1.417 m2 đất tại góc phố Trần Hưng Đạo và Ngô Quyền, thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội (từ số nhà 43E đến 47C Ngô Quyền và số 36A Trần Hưng Đạo), điều người dân thắc mắc nhất là tại sao khi Xí nghiệp quản lý nhà Hoàn Kiếm có hồ sơ xin dỡ bỏ nhà 43E phố Ngô Quyền (là nhà thuộc sở hữu nhà nước đang cho 03 hộ gia đình ở thuê) để xây dựng lại theo đề nghị của Công ty Dịch vụ du lịch và thương mại TST (vị trí xin phép xây dựng nằm trong khuôn viên ô đất mà UBND Thành phố đã giao cho Cục Kho bạc Nhà nước) nhưng đã nhanh chóng có sự đồng thuận của các cấp chính quyền Hà Nội?

Theo văn bản số 526/QLVC ngày 19/3/1994 của Sở Nhà đất, Công ty Dịch vụ du lịch và thương mại TST đã tự thỏa thuận, nhận chuyển nhượng Hợp đồng thuê nhà 43E phố Ngô Quyền của 03 hộ gia đình; Sở Nhà đất giao Xí nghiệp quản lý nhà Hoàn Kiếm hủy Hợp đồng thuê nhà, mọi giấy tờ có liên quan của 03 hộ gia đình và ký Hợp đồng cho Công ty Dịch vụ du lịch và thương mại thuê nhà.

Cùng với đó, văn bản số 209/CV-UB ngày 27/1/1995 của UBND Thành phố đã chấp thuận cho phép dỡ bỏ để xây dựng lại nhà số 43E phố Ngô Quyền; giao các sở, ngành lập hồ sơ thanh lý, hướng dẫn Công ty TST thực hiện đúng các quy định về quản lý nhà vắng chủ và điều lệ quản lý đầu tư xây dựng.

Ngày 19/4/1995, Kiến trúc sư trưởng Thành phố (nay Sở Quy hoạch Kiến trúc) cấp Giấy phép xây dựng số 127-4-95/GP.KTST cho Công ty Kinh doanh nhà số 2 dỡ bỏ, xây dựng lại nhà số 43E phố Ngô Quyền theo đề nghị của Công ty Dịch vụ du lịch và thương mại TST (doanh nghiệp này đang ký hợp đồng thuê nhà số 410 với Xí nghiệp quản lý nhà Hoàn Kiếm).

Như vậy có thể thấy rằng, mặc dù diện tích đất của khu nhà 43E Ngô Quyền nằm trong khu vực đất dự án đã được phê duyệt từ trước nhưng đã được Thành phố đồng ý chấp thuận “xẻ” đất dự án để bàn giao cho doanh nghiệp xây dựng theo mục đích khác.

Để hợp lý hóa khu đất trên cũng như diện tích đất Dự án, ngày 15/12/1995, Sở Địa chính (nay là Sở Tài nguyên và Môi trường) có ý kiến đề nghị Kiến trúc sư trưởng Thành phố (nay là Sở Quy hoạch Kiến trúc) xác nhận điều chỉnh các vị trí mốc giới trên mặt bằng theo thực tế hiện trạng khu đất là 1.233,7 m2 và giao cho Cục Kho bạc Nhà nước.

Với cách làm này, có thể hiểu Thành phố đã “tiền trảm hậu tấu”? Sau khi cấp đất cho doanh nghiệp, Thành phố mới ra công văn thông báo về việc điều chỉnh thu hẹp diện tích dự án với hơn 200m2 đất (từ 1.417m2 xuống 1.233,7m2).

Điều đáng nói hơn là, việc điều chỉnh này không thuộc thẩm quyền của Thành phố bởi theo theo Quyết định số 108/1988/QĐ-TTg ngày 20/6/1988 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch Thành phố Hà Nội và bản quyết định quy hoạch chi tiết số 96/2000/QĐ-UB của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội thì toàn bộ diện tích đất của dự án K92 bao gồm khu đất từ số nhà 43E đến 47C Ngô Quyền và 36 A, 36B Trần Hưng Đạo là khu vực dân cư được kí hiệu là C43/NO, không sử dụng vào xây dựng công trình trụ sở cơ quan. Như vậy, việc điều chỉnh cắt diện tích đất của số nhà 43E Ngô Quyền ra khỏi dự án K92 là trái với quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Tháng 5/2006 UBND TP.Hà Nội ra quyết định số 84/QĐ – UB phê duyệt điều chỉnh cục bộ chức năng sử dụng đất ô đất C43 – NO trong quy hoạch chi tiết quận Hoàn Kiếm thành 2 khu: C43.1 – CQ 1233,7m2 (trụ sở Kho bạc Nhà nước), C43.2 – NO đất ở.

Tuy nhiên, căn cứ Điều 27 Luật Đất đai năm 2003: “ Việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chỉ được thực hiện trong các trường hợp có sự điều chỉnh mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định...”

Ngoài ra, từ năm 1988, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch khu đất này là đất ở, nếu TP Hà Nội muốn điều chỉnh quy hoạch là đất cơ quan thì phải được Thủ tướng Chính phủ đồng ý và có văn bản điều chỉnh lại quy hoạch thành đất cơ quan.

Như vậy, quyết định trên của Hà Nội vừa trái với Quyết định của Thủ tướng vừa vi phạm quy định tại Luật Đất đai năm 2003.

Đáng nói hơn, ngôi nhà 43E Ngô Quyền sau khi được xây mới lại bằng ngôi nhà cao tầng kiên cố đã được cấp sổ đỏ, mua đi bán lại nhiều chủ. Người dân thắc mắc rằng, tại sao diện tích đất mà Công ty Dịch vụ du lịch và thương mại TST thuê lại của 3 hộ gia đình (các hộ dân này cũng thuê nhà của Nhà nước) lại có thể được chính quyền cấp sổ đỏ? Trong khi các hộ dân bên cạnh cũng nằm trong dự án K92 lại không được cấp sổ đỏ? Phải chăng đã có sự ưu ái mập mờ ở đây?

Người dân mong muốn được ở ổn định lâu dài

Ông Phạm Xuân Mai, sống trên khu đất bị thu hồi cho biết: “Hơn 26 năm, ông cùng những người dân nơi đây đã gửi đơn kêu cứu khắp nơi, từ Thành phố đến Trung ương nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng từ các cơ quan chức năng, nhưng dù có thế nào thì chúng tôi vẫn phải đòi lại công bằng đến hơi thở cuối cùng”.

Ông Mai, là thương binh hạng nặng bị cụt một chân, sống trong ngôi nhà lụp xụp tại 47 Ngô Quyền, năm nay gần 90 tuổi đời, 70 năm tuổi đảng nhưng vẫn miện mài gửi đơn kêu cứu. Ông Mai cho biết thêm, mong muốn của người dân chúng tôi là Thành phố hủy bỏ, dự án K92, thu hồi dự án đầu tư xây dựng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu tránh dây dưa kéo, khổ dân. Bởi thực tế theo quy hoạch, khu đất này không phải là khu đất dành cho trụ sở cơ quan.

Ông Phạm Xuân Mai, người thương binh gần 3 thập kỷ gửi đơn cầu cứu

Cùng quan điểm với ông Phạm Xuân Mai, các hộ dân trong suốt mấy chục năm mòn mỏi mang đơn đi “cầu cứu”. Họ cho biết thêm, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị được đối thoại, chất vấn với lãnh đạo thành phố về khu đất này nhưng không được đáp ứng, mỗi quyết định của thành phố đưa ra, chúng tôi lại cảm thấy người dân không được bày tỏ ý kiến của mình. Lúc này, tất thảy hộ dân mong muốn chính quyền Hà Nội hãy thực sự lắng nghe ý kiến của người dân, xem xét thấu đáo những ý kiến chính đáng của người dân để sớm có những quyết sách dứt khoát “đi hay ở” phù hợp với pháp luật.

Thế nhưng, càng “kêu cứu” dường như chính quyền Thành phố lại càng thờ ơ khi cách đây hơn 2 năm, ngày 31/3/2017, UBND quận Hoàn Kiếm đã có Thông báo Thu hồi đất số 106/TB-UBND gửi đến 15 hộ dân trong diện giải tỏa của khu dự án K92. Cụ thể, Thông báo này cho biết, khu đất số 36A Trần Hưng Đạo và 43F-47C phố Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội sẽ thực hiện Dự án đầu tư xây dựng trường Tiểu học Võ Thị Sáu thay cho Dự án Trụ sở Kho bạc Nhà nước Trung ương trước đây, dù  Trường tiểu học Võ Thị Sáu hiện đang hoạt động ổn định tại địa chỉ số 35 Trần Hưng Đạo, phường Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Và bất ngờ hơn, tại Thông báo số 325–TB/QU ngày 25/10/2018 của Quận ủy Hoàn Kiếm, Dự án đầu tư xây dựng trường Tiểu học Võ Thị Sáu được thông báo sẽ được thực hiện theo 2 phân kỳ. Phân kỳ 1 sẽ lập phương án thiết kế trên diện tích đất đã GPMB là 985m2, phân kỳ 2 sẽ tiếp tục GPMB phần còn lại để bảo đảm hoàn chỉnh tổng thể dự án.

Điều này có nghĩa rằng, tới đây nếu dự án được triển khai phân kỳ 1 trên diện tích đất đã được giải phóng thì số phận của gần 20 hộ dân vẫn tiếp tục sống trong chờ đợi, nhếch nhác, “Liệu có phải, chính quyền đang cố tình dồn người dân đến đường cùng?”- một người dân nghi ngại cho hay.

Gần ba thập kỷ, số phận của gần 20 hộ dân sống chung với dự án treo vẫn “ngàn cân treo sợi tóc”. Nhiều gia đình ba thế hệ đã sống trong cảnh nhếch nhác, dột nát mà không được sửa chữa. Dẫu biết rằng, đất đai là tài nguyên của quốc gia. Phục vụ dự án, công trình nhà nước, phát triển kinh tế xã hội là điều đúng đắn, phải làm, những hộ dân nơi đây sẵn sàng di dời để chuyển giao đất cho Nhà nước khi cần. Nhưng, với điều kiện mọi việc liên quan phải làm theo đúng pháp luật, hợp với lòng dân, tránh tình trạng áp đặt công quyền.

Cách làm của TP Hà Nội trong suốt thời gian dài vừa qua đã khiến lòng tin của nhiều người dân sống trên khu đất từ số nhà 43F đến 47C Ngô Quyền và 36A Trần Hưng Đạo bị tổn thương nặng nề. Đã có những người mất đi vì tuổi già, có những người đau yếu vì bệnh tật, có những đứa trẻ vẫn còn ngơ ngác trên mảnh đất ấy. Hơn lúc nào hết, người dân mong mỏi có sự giải quyết thỏa đáng từ phía chính quyền Hà Nội để họ có một cuộc sống ổn định, như ông cha ta vẫn nói “an cư mới lạc nghiệp”.

Đề nghị các cơ quan chức năng của Chính phủ như Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan cùng UBND thành phố Hà Nội vào cuộc xử lý dứt điểm những bức xúc kéo dài của các hộ dân tại 36A Trần Hưng đạo và từ số nhà 43F đến 47C phố Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đồng thời làm rõ trách nhiệm các cấp chính quyền của UBND thành phố “cố tình” kéo dài dự án, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của những hộ dân nơi đây.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết Dự án K92: Lòng tin của người dân bị tổn thương - Bài 2. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đồng Nai: Nhà hàng Purli xây dựng trái phép giữa rừng cao su
Theo phản ánh của nhiều người dân, Nhà hàng – hầm rượu Purli (ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm và đi vào hoạt động từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại không hay biết.

Tin mới