Thứ sáu, 29/03/2024 21:52 (GMT+7)

Hà Nội: Cần xác minh nguồn gốc đất trước khi “hô biến” đất công ích

Trinh - Mai - Linh -  Thứ sáu, 12/04/2019 11:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trao đổi với PV, ông Đỗ Xuân Huân, Bí thư Đảng ủy xã Phú Minh, Sóc Sơn cho biết: Sự việc đã được chính quyền xã nhiều lần đưa ra các cuộc họp giải quyết, đối thoại với gia đình.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử nhận được đơn kêu cứu của ông Dương Văn Nhĩ, thôn Đông, xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn tố cáo UBND xã Phú Minh và UBND huyện Sóc Sơn thu hồi đất không đúng trình tự, quy định của Luật đất đai, áp đặt chuyển đổi đất ao của gia đình thành “đất công ích”.

Đất ông cha sử dụng nhiều đời bỗng biến thành đất công ích

Theo đơn phản ánh của ông Dương Văn Nhĩ: Năm 1960 khi nhà nước có chính sách chuyển diện tích đất sản xuất nông nghiệp của cá nhân, hộ gia đình vào Hợp tác xã thì gia đình ông Nhĩ đã chuyển toàn bộ ruộng đất vào hợp tác xã, chỉ giữ lại phần diện tích đất ao này để thuận lợi cho việc tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập. Năm 1987 lập lại bản đồ thì diện tích đất ao này thuộc thửa đất số 208 tờ bản đồ 08 tại khu vực Cửa Làng, thôn Đông, xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Thửa đất này, sau khi ông nội mất thì do bố ông Nhĩ quản lý và sử dụng đến bây giờ. Trong thời gian tiếp quản sử dụng diện tích ao trên, gia đình không có tranh chấp với tổ chức, cá nhân nào và được gia đình ông sử dụng ổn định lâu dài từ năm 1960 đến nay.

Ông Nhĩ cho biết thêm “Nhiều vị cao niên là nhân chứng trong làng đều lên tiếng khẳng định nguồn gốc đất do cha ông chúng tôi để lại qua nhiều thế hệ, những người từng làm cán bộ xã qua các thời kỳ đến những hộ có đất sử dụng bên cạnh diện tích đất ao nói trên đều khẳng định diện tích đất ao đã được gia đình chúng tôi sử dụng bao đời nay, có giấy xác nhận gửi đến cơ quan chức năng có thẩm quyền để chờ xem xét”.

Tuy nhiên, năm 2018 gia đình ông Nhĩ bỗng dưng nhận được thông báo từ UBND xã Phú Minh là diện tích đất ao trên thuộc “đất công ích” gia đình ông phải tự thu dọn hoa màu, tài sản trên đất nằm trong chỉ giới quy hoạch khu đất giãn dân theo Quyết định số 1691 ngày 13/4/2016 của UBND thành phố Hà Nội.

Không đồng ý với thông báo của UBND xã Phú Minh, gia đình ông Nhĩ đã làm đơn khiếu nại gửi UBND huyện Sóc Sơn xác minh lại nguồn gốc đất ao trên để tránh thiệt thòi cho gia đình ông. Thế nhưng ngày 11/01/2019, UBND huyện Sóc Sơn vẫn “nhắm mắt” ban hành quyết định giải quyết khiếu nại số 120/QĐ-UBND với nội dung là UBND xã Phú Minh ban hành thông báo diện tích đất ao của gia đình ông Nhĩ là đất công ích, đúng thẩm quyền, đúng pháp luật.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

UBND xã thiếu chứng cứ chứng minh “đất công ích”

Liên quan đến việc này, chúng tôi có trao đổi với Luật sư Dư Văn Giang, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, LS Giang cho biết: Điều 132 Luật đất đai 2013 Quy định rõ ràng về đất công ích, thế nhưng trong trường hợp như hộ ông Nhĩ thì UBND xã Phú Minh đã không đưa ra được bằng chứng chứng minh đất ao nhà ông Nhĩ là “đất công ích”.

Theo Luật sư Giang, gia đình ông Nhĩ nhiều lần đề nghị UBND xã Phú Minh cung cấp hồ sơ địa chính cũng như các căn cứ để chứng minh đây là đất công ích do UBND xã quản lý nhưng đều không được chấp nhận, phía UBND khẳng định là UBND không có hồ sơ địa chính, chỉ có duy nhất tờ bản đồ được lập năm 1987 trong khi các khu vực khác vẫn có đầy đủ hồ sơ. Mặc dù khẳng định không có hồ sơ nhưng phía UNBD xã Phú Minh vẫn khẳng định đây là đất công ích trong khi không có sổ mục kê, không có sổ địa chính.

Như vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích của người sử dụng đất, người có đất bị thu hồi pháp luật hiện hành quy định từng bước khi tiến hành thu hồi như thông báo thu hồi, quyết định thu hồi, kiểm kê, khảo sát kiểm đếm đất đai, lấy ý kiến lập phương án bồi thường đến từng người dân có đất bị thu hồi. Nhưng tính đến thời điểm hiện tại gia đình ông Nhĩ chưa nhận được bất cứ một văn bản hay quyết định nào của cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất, mà chỉ nhận được duy nhất thông báo thu dọn hoa màu của UBND xã. Do đó, chưa thể coi diện tích đất ao của gia đình nhà ông Nhĩ là đất công ích được.

Trao đổi với PV, ông Đỗ Xuân Huân, Bí thư Đảng ủy xã Phú Minh, Sóc Sơn cho biết: Sự việc đã được chính quyền xã nhiều lần đưa ra các cuộc họp giải quyết, đối thoại với gia đình. Tuy nhiên, đây là sự việc đã được lãnh đạo huyện giải quyết và chỉ đạo, xã là cấp thực hiện. Việc cưỡng chế xã đã tiến tiến hành các bước, sau này nếu có vấn đề gì thì ai sai sẽ phải chịu trách nhiệm. Nếu gia đình có khiếu kiện ra tòa đúng sai có tòa án phán quyết.

Thiết nghĩ, diện tích đất đã được người dân sử dụng bao đời nay từ thế hệ này qua thế hệ khác, khi nhà nước thu hồi vào dự án, quy hoạch thì chính quyền các cấp cần phải xác minh lại nguồn gốc đất một cách thấu đáo, đền bù thỏa đáng, tránh làm thiệt thòi cho người dân, cũng như đừng để người dân mất lòng tin vào chính quyền, gây bức xúc trong dư luận.

Như vậy, việc xác minh nguồn gốc đất đã rõ ràng nhưng chính quyền xã Phú Minh cũng như huyện Sóc Sơn không lắng nghe ý kiến của dân, xác minh, làm rõ nguồn gốc đất. Việc đẩy trách nhiệm sang Tòa án giải quyết trong khi bản thân chính quyền hoàn toàn giải quyết được là vô cảm, thiếu trách nhiệm với người dân.

Đề nghị lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan chức năng vào cuộc khẩn trương, nghiêm túc nhằm trả lại công bằng cho gia đình ông Dương Văn Nhĩ trong việc thu hồi đất không đúng trình tự pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Căn cứ Khoản 2, Điều 101 Luật Đất đai năm 2013 “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01/7/2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được UBND cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” và Khoản 2, Điều 20 Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đất đai năm 2013 quy định về việc đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất và không vi phạm pháp luật đất đai “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có nhà ở, công trình xây dựng khác trong thời gian từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 017/2004; nay được UBND cấp xã xác nhận là không có tranh chấp sử dụng đất; phù hợp với quy hoạch hoặc không phù hợp với quy hoạch nhưng đất đã sử dụng từ trước thời điểm phê duyệt quy hoạch hoặc sử dụng đất tại nơi chưa có quy hoạch; chưa có thông báo hoặc quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp phải thu hồi thì được công nhận quyền sử dụng đất .
Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Cần xác minh nguồn gốc đất trước khi “hô biến” đất công ích. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới