Thứ bảy, 20/04/2024 04:16 (GMT+7)

Hà Nội: Chính quyền 'ngoảnh mặt' trước mong muốn của Mẹ VN anh hùng

Phan Ngân, Văn Bình -  Thứ sáu, 09/02/2018 22:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thời gian gần đây, MT&ĐT Việt Nam điện tử nhận được đơn thư của cụ Đặng Thị Tý-bà mẹ Việt Nam anh hùng (Sóc Sơn, Hà Nội) về tình trạng "mập mờ" trong cách giải quyết tranh chấp đất đai của gia đình.

Đất đai "không cánh mà bay", chính quyền nói gì?

Ngay sau khi nhận được đơn thư của gia đình, nhóm PV đã có mặt tại thôn Đức Hậu, xã Đức Hòa, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội để tìm hiểu và xác minh làm rõ vấn đề.

Hỏi thăm nhà cụ Đặng Thị Tý - Mẹ Việt Nam Anh Hùng, người dân Đức Hậu không ai là không biết câu chuyện bà cụ hơn 90 tuổi cùng con cháu mấy năm trời đi đòi công lý.

Con cháu của cụ Tý vô cùng bức xúc và đem đơn khiếu nại, văn bản trả lời đơn thư của chính quyền chia sẻ với PV. Phải chứng kiến tận mắt những lá đơn suốt mấy năm nay cả gia đình tất bật lên xuống để đi tìm chân lý; phải chứng kiến nỗi vất vả, uất ức của bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng đã ngoài 90 tuổi vẫn đau đáu nỗi lo mất đất, có lẽ mới hiểu được mong muốn tột cùng của họ.

Cụ Đặng Thị Tý - Mẹ Việt Nam Anh Hùng

Theo đơn thư phản ánh: Gia đình cụ Đặng Thị Tý sở hữu 1 thửa đất ao với tổng diện tích là 1087m2. Năm 1984, diện tích đất đó được thể hiện trên tờ bản đồ số 06, chia thành 2 thửa 166 (diện tích 546m2), và thửa 167 (diện tích 541m2). Việc tách thửa đất lớn thành 2 thửa nhỏ (166 và 167) là do chính quyền tự ý đo đạc, chia tách, gia đình không hề biết xã làm khi nào và chia tách với mục đích gì.

Vậy là sau đó, gia đình cụ bị buộc tội "lấn chiếm đất công" vì bản đồ bị tẩy xóa, 1 trong 2 thửa đất trên bị biến thành đất của Hợp tác xã (HTX). 

Cho tới năm 1993, khi tiến hành đo đạc và thể hiện lại trên bản đồ số 06, thì 2 thửa 166 và 167 nhà cụ Đặng Thị Tý lần lượt được thể hiện thành thửa số 117 (diện tích 307m2) và thửa số 118 (diện tích 541 m2). Tổng diện tích 2 thửa đất của gia đình năm 1993 là 848m2, chênh lệch so với bản đồ năm 1984 là 239m2.

Không đồng ý với sự việc trên, gia đình cụ Tý đã gửi đơn khiếu nại lên UBND xã Đức Hòa và UBND huyện Sóc Sơn mong được trả lời thỏa đáng về quyền sử dụng đất và diện tích đất.

Ngày 29/5/2017 UBND xã Đức Hòa ra văn bản số 169/QĐ-UBND trả lời đơn thư của cụ Đặng Thị Tý. Theo đó, chứng nhận cả hai thửa đều thuộc về cụ Đặng Thị Tý, không có chuyện đất của HTX và cụ phải chấp hành cũng như sử dụng diện tích đất theo đúng bản đồ đo đạc năm 1993, tức diện tích đất sở hữu là 848m2.

Không chấp thuận với quyết định của UBND xã, đến ngày 01/6/2017 gia đình lại tiếp tục đâm đơn khiếu nại lên UBND thành phố Hà Nội, nội dung không đồng ý với trả lời của UBND xã Đức Hòa trong văn bản số 169/QĐ-UBND và đề nghị công nhận diện tích sử dụng đất theo bản đồ 1984 là 1087m2. 

"Chúng tôi chỉ mong chính quyền xác minh lại hiện trạng sử dụng đất thực tế của gia đình để cắm mốc cho chúng tôi sử dụng" - gia đình cụ Tý tha thiết mong muốn

 Trao đổi với PV, bà Đặng Thị Hương - con dâu cụ Đặng Thị Tý, người đại diện cho cụ Tý làm việc với chính quyền chia sẻ: "Năm nay cụ đã nhiều tuổi rồi, nhưng không lúc nào là cụ không lo lắng về việc đất đai đang bị mất dần. Gia đình chúng tôi vẫn sử dụng mảnh đất này từ xưa tới nay, nhưng giờ không hiểu vì lý do gì mà số liệu đất đai cứ hụt dần đi như thế".

Đến ngày 24/01/2018, UBND xã Đức Hòa đã ra quyết định số 10/QĐ-UBND giải quyết khiếu nại của bà Đặng Thị Hương. Trong văn bản khẳng định: thửa đất số 117 và 118 tờ bản đồ số 06, năm 1993 thuộc quyền quản lý và sử dụng của cụ Đặng Thị Tý (nội dung trả lời không khác gì quyết định 169/QĐ-UBND).

Đặc biệt hơn, văn bản có đối chiếu chênh lệch giữa 2 thửa đất của cụ Tý qua 2 giai đoạn 1984 và 1993. Theo đó, chỉ rõ chênh lệch giữa thửa số 166 (diện tích 546m2, năm 1984) với thửa số 118 (diện tích 541m2, năm 1993) là 5m2, con số nằm trong sai số cho phép.

Tuy nhiên lại không hề đề cập đến sự chênh lệch cũng như giải thích lí do chênh lệch ở thửa số 167 (diện tích 541m2, năm 1984) với thửa 117 (diện tích 307m2, năm 1993). Cùng là một thửa đất nhưng tại hai thời điểm lại chênh lệch tới tận 234m2.

Đem vấn đề này trao đổi với đại diện chính quyền xã, PV nhận được rất nhiều câu trả lời bất ngờ. Tại buổi làm việc có ông Nguyễn Văn Độ - Chủ tịch xã Đức Hòa và bà Huyền - cán bộ địa chính xã (khi làm việc với PV, mặc dù đã có sự ủy quyền làm việc của Chủ tịch, bà Huyền vẫn không đồng ý trao đổi họ tên).

Ban đầu, ông Độ khẳng định: "Một trong hai miếng đất ao nhà cụ Tý là của Hợp tác xã". Nhưng đến khi cán bộ địa chính "nhắc": "Mình đã ra văn bản công nhận đó là đất nhà cụ Tý lâu rồi mà chú!” thì vị Chủ tịch lại im lặng.

Không lẽ vị lãnh đạo của xã Đức Hòa, huyện Sóc Sơn ký văn bản mà không cần đọc nội dung? Ngay cả quyết định của mình ông Độ cũng phải cần người "nhắc" mới nhớ ra hay sao? 

Bà Huyền - cán bộ địa chính xã Đức Hòa chỉ cho PV vị trí của các thửa đất nhà cụ Tý trên tờ bản đồ năm 1993

Thêm vào đó, ông Nguyễn Văn Độ khẳng định “xã đã làm đúng theo tinh thần của luật” với sự việc này: "Hiện tại chúng tôi chỉ biết căn cứ vào bản đồ số 06 - bản đồ địa chính năm 1993 làm cơ sở pháp lý cao nhất để giải quyết vấn đề. Bản đồ năm 1984 chỉ mang tính chất tham khảo thôi".

"Chỉ muốn chính quyền làm theo những gì đã có"

Chia sẻ với PV, ông Đặng Đình Dị - con trai cụ Đặng Thị Tý bất lực: "Đành rằng gia đình đồng ý với quyết định trả lời cùa UBND xã Đức Hòa về diện tích đất, nhưng chúng tôi chỉ mong chính quyền xác minh lại hiện trạng sử dụng đất thực tế của gia đình để cắm mốc cho chúng tôi sử dụng, chứ hiện tại chúng tôi đang gặp phải tình trạng đất bị lấn chiếm. Không lẽ chỉ giao đất trên...giấy cho mẹ tôi hay sao?".

Sau khi trao đổi mong muốn của gia đình với đại diện xã Đức Hòa thì PV nhận được câu trả lời: “Chúng tôi không có đủ thẩm quyền tiến hành đo đạc và cắm mốc giới cho gia đình, chúng tôi chỉ tiến hành giải quyết mọi tranh chấp bằng việc hòa giải”.

Dẫu cho cả ông Độ và bà Huyền đã thừa nhận: Đầu năm 2016, khi xã tiến hành đo đạc thì thấy hiện trạng sử dụng đất cụ Tý bị thiếu so với diện tích thể hiện trên bản đồ năm 1993 và xác nhận có sự chồng lấn giữa thửa đất nhà cụ Tý và nhà bên cạnh.

Địa phận đất của cụ Tý

Vậy thì xã hòa giải nhằm mục đích gì? "Hòa giải" ở đây nghĩa là nhà ai đang có đất thế nào thì thì cứ dùng như thế, không cần biết có đúng diện tích trong trích lục bản đồ hay không, không cần biết ai được đất và ai mất đất? "Hòa giải" nghĩa là rút đơn kiện, nghĩa là bảo người dân thôi đi tìm công bằng?

Đến đây dư luận có quyền đặt câu hỏi: UBND xã Đức Hòa nắm giữ tờ bản đồ 1993, tại sao lại không chấp nhận xác định hiện trạng sử dụng đất theo bản đồ để người dân nhận mốc giới, trong khi đây là việc mà UBND xã Đức Hòa có thể làm được.

Biết dân mất đất, chính quyền chỉ tiến hành giải quyết bằng phương pháp hòa giải để đảm bảo "tình làng nghĩa xóm". Chủ tịch xã Đức Hòa đã hết cách giải quyết hay đang ngoảnh mặt đi trước mong muốn của một bà Mẹ Việt Nam anh hùng, một gia đình chính sách có công với đất nước!?

UBND huyện Sóc Sơn sẽ nói gì, mời quý độc giả đón đọc ở bài viết tiếp theo. 

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Chính quyền 'ngoảnh mặt' trước mong muốn của Mẹ VN anh hùng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đồng Nai: Nhà hàng Purli xây dựng trái phép giữa rừng cao su
Theo phản ánh của nhiều người dân, Nhà hàng – hầm rượu Purli (ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm và đi vào hoạt động từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại không hay biết.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...