Thứ sáu, 29/03/2024 19:22 (GMT+7)

Hoạt động bến bãi tại Gia Lâm, Hà Nội: Bến Lời trở thành 'vùng cấm'?

NHÓM PHÓNG VIÊN -  Thứ tư, 23/08/2017 10:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bến bãi hoạt động không có giấy phép, xe quá tải tàn phá đường xá, gây ô nhiễm môi trường trong thời gian dài.

Hàng ngày người dân xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm đang phải gánh chịu nhiều hậu quả từ hoạt động kinh doanh từ các doanh nghiệp tại khu vực bến Lời.

Xe quá tải vô tư tung hoành đường liên huyện

Theo phản ánh của người dân sinh sống tại xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm, Hà Nội), từ nhiều năm nay, người dân đang phải chịu đựng tình trạng xe quá khổ, quá tải chở sắt thép, vật liệu xây dựng ngang nhiên hoạt động gây hư hỏng đường xá, ô nhiễm môi trường.

Tuyến đường Ỷ Lan giờ đây đã bị xuống cấp trầm trọng

Theo lời của người dân nơi đây thì mọi hoạt động vận chuyển cát sỏi, sắt thép đều bắt nguồn từ khu vực bến Lời trên địa bàn xã. Mặc dù hai đầu đường đã được cắm biển hạn chế trọng tải 10 tấn nhưng hàng ngày tuyến đường Ỷ Lan chạy qua xã Đặng Xá vẫn đang phải “oằn mình” cõng hàng trăm lượt xe quá khổ, quá tải. Khu vực bến Lời trong nhiều năm qua cũng là nơi thường xuyên nhức nhối bởi nạn xe quá khổ, quá tải chở cát sỏi, sắt thép.... bất chấp các quy định của Luật giao thông. Những phương tiện này vẫn ngang nhiên hoạt động gây hư hỏng đường xá, ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao.

Ban ngày, các xe tải, xe rơ-móc cõng trên lưng hàng chục tấn hàng chạy rầm rập với tốc độ cao, liên tục ra vào khu vực bến Lời khiến tuyến đường Ỷ Lan bị xuống cấp nghiêm trọng. Mặt đường xuất hiện đầy rẫy những ổ voi, ổ gà, thậm chí nhiều đoạn còn bị cày nát thành những hố lớn, không khác gì những “chiếc bẫy” cho người tham gia giao thông. Để khắc phục tình trạng trên, người dân phải lấy gạch đá lấp những hố đó lại nhưng không có tác dụng do lượng xe tải quá lớn.

Ban ngày đã vậy, ban đêm là thời điểm các xe hoạt động với mức độ khủng khiếp hơn với hàng trăm lượt xe quá tải chạy qua mỗi đêm. Hoạt động vận tải của các doanh nghiệp trên khiến người dân nơi đây luôn mất ăn, mất ngủ bởi tiếng ồn của động cơ ô tô, tiếng còi xe đến tận sáng hôm sau.

Bà L.T.H (một người dân thôn Lời, xã Đặng Xá) cho biết: “Xe chở vật liệu, sắt thép từ bến Lời chạy qua đây toàn xe to hàng mấy chục tấn khiến đường xá lúc nào cũng bụi mù mịt. Nhà tôi có trẻ nhỏ nhưng lúc nào cũng phải nhốt trong nhà không dám cho ra ngoài đường. Ban đêm các xe chạy rầm rầm, bấm còi inh ỏi khiến dân chúng tôi, nhất là người gia và trẻ nhỏ không sao ngủ được”.

Đáng lo ngại hơn là tuyến đường Ỷ Lan là nơi tập trung đông dân cư với nhiều trường học, trạm xá, UBND xã nhưng những chiếc xe quá khổ, quá tải này vẫn ngang nhiên hoạt động, thậm chí còn chạy với tốc độ khá cao khi di chuyển qua đây, gây mất an toàn giao thông.

Anh P.Đ.T (một phụ huynh học sinh) bức xúc cho biết: “Khu vực này tập trung nhiều trường học các cấp nhưng xe ô tô chở sắt thép, cát sỏi chạy qua đây cực kỳ nhanh. Mỗi khi tan trường, phụ huynh chúng tôi đều luôn nơm nớp lo sợ những chiếc xe kia gây tai nạn”.

Nhức nhối cảng “chui” hoạt động không phép?

Theo tìm hiểu của phóng viên thì tại khu vực bến Lời hiện có 3 doanh nghiệp đang hoạt động khai thác, bao gồm Công ty TNHH kinh doanh vật tư và vận chuyển Hà Trang (có trụ sở tại Trâu Quỳ, xã Cổ Bi, Gia Lâm); Công ty TNHH đầu tư xây dựng An Thịnh (trụ sở tại 172 Hoàng Hoa Thám, quận Tây Hồ) và Công ty CPĐT và XD Gia Lâm (trụ sở tại phường Sài Đồng, quận Long Biên).

Cả ba công ty này đều được Sở TN&MT Hà Nội cho thuê đất. Trong đó, theo Hợp đồng số 72-2006/TNMTNĐ-HĐTĐTN ngày 27/6/2006, Cty Hà Trang được thuê 4.441m2 với giá hơn 22,2 triệu đồng/năm. Còn theo Hợp đồng số 32-2005/TNMTNĐ-HĐTĐTN ngày 7/4/2005, Cty An Thịnh được thuê 16.893m2 với giá thuê trên 42,2 triệu đồng/năm.

Căn cứ theo hợp đồng với Sở TNMT, hai doanh nghiệp này được thuê hằng năm và làm “bến bãi trung chuyển vật liệu xây dựng”. Theo quy định của pháp luật, bến thủy nội địa chỉ là bến bãi trung chuyển vật liệu xây dựng, tuy nhiên, không chỉ làm nơi tập kết vật liệu xây dựng, các doanh nghiệp này còn sử dụng sai mục đích, biến bến Lời thành các cảng trung chuyển các loại hàng hóa khác như sắt thép, thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, các công ty này còn tiến hành ép cừ, đổ đất lấn lòng sông để xây dựng cầu cảng nhằm mục đích cho xe cẩu và xe tải lớn vào bốc dỡ hàng hóa, gây cản trở dòng chảy và uy hiếp hành lang thoát lũ mùa mưa bão.

Hoạt động bốc dỡ hàng hóa tấp nập tại khu vực bến Lời

Ghi nhận của PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, hoạt động tập kết, vận chuyển cát sỏi, sắt thép, thức ăn chăn nuôi tại đây diễn ra rất tấp nập. Hàng loạt chiếc máy cẩu đang hoạt động hết công suất, liên tục bốc dỡ sắt cuộn, hàng hóa từ xà lan lên những chiếc xe “hổ vồ” để mang đi tiêu thụ.

Liên quan việc hoạt động bến bãi của các doanh nghiệp trên, ông Nguyễn Ánh Quang (PCT xã Đặng Xá) khẳng định, tất cả doanh nghiệp hoạt động tại bến Lời đều có đầy đủ hồ sơ, giấy phép hoạt động.

Tuy nhiên theo hồ sơ mà ông Quang cung cấp cho PV lại không hề thấy giấy phép hoạt động kinh doanh của Công ty CP ĐT và XD Gia Lâm. Khi được hỏi thì ông Quang nói là hồ sơ công ty này do một đồng chí khác lưu giữ. Bên cạnh đó, nếu căn cứ theo những tài liệu mà ông Quang cung cấp thì hợp đồng thuê đất của công ty Hà Trang với Sở TNMT Hà Nội đã hết hạn từ ngày 26/01/2013. Ngoài ra, giấy phép hoạt động bến bãi, giấy phép hoạt động bến thủy nội địa của ba doanh nghiệp này cũng không được ông Quang cung cấp đầy đủ như đã nói trước đó.

Khi được yêu cầu làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương khi để xe quá khổ, quá tải gây hư hỏng đường xá, ông Quang cho biết, việc xử lý phải do công an giao thông và thanh tra giao thông, UBND xã chỉ quản lý về mặt hành chính nên không có đủ thẩm quyền để xỷ lý tình trạng trên.

“Riêng về quản lý hoạt động của xe quá khổ, huyện giao cho thanh tra giao thông và đội công an giao thông, còn ủy ban xã chỉ quản lý về mặt hành chính. Đường là đường quốc lộ cho nên việc ấy xã không có chức năng” – Ông Quang cho biết.

Từng đoàn xe quá khổ, quá tải vô tư chạy ngang qua cổng UBND xã

Cũng theo lời ông Quang, UBND xã cũng đã nhiều lần báo cáo lên UBND huyện và đề nghị UBND huyện phải chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý các phương tiện vi phạm theo đúng quy định. Tuy nhiên, trong lúc trao đổi với ông Quang, hàng loạt xe tải chở sắt thép, cát sỏi, thức ăn chăn nuôi vẫn vô tư chạy ngang qua cổng UBND xã như đang “thách thức” cơ quan quản lý nhà nước.

Việc các bến bãi cùng “binh đoàn” xe tải, xe rơ-móc vô tư tập kết hàng hóa và hoạt động rầm rộ nhưng không hề gặp bất cứ trở ngại nào từ cơ quan chức năng. Phải chăng, khu vực bến Lời đang thực sự trở thành một vùng cấm không ai dám xử lý?

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc.



Bạn đang đọc bài viết Hoạt động bến bãi tại Gia Lâm, Hà Nội: Bến Lời trở thành 'vùng cấm'?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới