Thứ bảy, 20/04/2024 22:34 (GMT+7)

Học viện Nông nghiệp VN: Đẩy doanh nghiệp vào đường cùng? (Kỳ 2)

Gia Huy -  Thứ hai, 18/02/2019 09:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những “lùm xùm” về thỏa thuận hợp tác giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Công ty An Nhiên đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.

Những “lùm xùm” về thỏa thuận hợp tác giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Công ty CP Xuất nhập khẩu và Phát triển An Nhiên (Công ty An Nhiên) đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.

Thỏa thuận còn mập mờ về giá cả
Ngày 18/1/2019, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã đăng bài “Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Nhiều khuất tất trong “thỏa thuận hợp tác”. Nội dung bài báo nêu rõ: ngày 30/1/2016, Công ty Phương Bắc ký kết Thỏa thuận hợp tác số 29012016/HTLK với Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Học viện) xây dựng công trình mang tên “Mô hình phục vụ đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ về cây trồng tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam”, dự án được triển khai tại khu 310, địa bàn thị trấn Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội.

Sau quá trình Công ty Phương Bắc triển khai việc xây dựng khu dự án, Học viện lại yêu cầu ký một thỏa thuận mới số 02012018/TTHT về việc: Triển khai đề án tăng cường năng lực đào tạo, thực tập rèn luyện nghề cho sinh viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Thỏa thuận này có thời hạn 5 năm kể từ ngày 1/1/2018 với nội dung 2 bên thống nhất sử dụng 29 ki ốt cùng các công trình tiện ích khác nhằm phục vụ dự án 310 của Học viện để làm nơi triển khai mô hình trình diễn, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp của Học viện, kết hợp là địa điểm để sinh viên thực hành nâng cao tay nghề, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tại Học viện.

Trong bản hợp đồng này có nhiều “khuất tất” ở điều khoản giá cả và thanh toán, nội dung thỏa thuận chung chung, hiểu theo nhiều cách dẫn đến 2 bên hiểu theo 2 hướng khác hoàn toàn và không có tiếng nói chung trong hợp tác. Giải thích về vấn đề sai sót đó, ông Nguyễn Công Tiệp, Chánh Văn phòng Học viện trả lời thản nhiên do “lỗi đánh máy”. Sau khi Tòa soạn đăng bài báo trên dư luận đặt câu hỏi thực sự do lỗi đánh máy như ông Tiệp trả lời hay có sự thỏa thuận “ngầm” nào trong việc thanh toán bị phá vỡ?

Dự án mới đi vào hoạt động từ ngày 24/3/2018, thì ngày 5/12/2018 Học viện cho người cưỡng chế khu vực “Cây hương” giáp nghĩa trang, lực lượng bảo vệ của Học viện đã “áp chế” cán bộ, nhân viên Công ty An Nhiên và cho dựng hàng rào chắn lối ra chính diện của các ki ốt, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của 29 ki ốt trên. Bên cạnh đó, Học viện đã liên tục cắt điện các gian hàng; tự ý họp với chủ, thành viên của các ki ốt; đe dọa tháo biển doanh nghiệp, mang tài sản đi nơi khác; tự ý thu tiền điện của từng ki ốt, làm Barie chắn trước cổng dự án 310, lắp bốt canh kiểm soát trước cổng dự án…trong khi thực tế 29 ki ốt đang hoạt động bình thường và đã ký hợp đồng thuê ki ốt với Công ty An Nhiên. Học viện cho người cưỡng chế, dựng rào chắn trước mặt các ki ốt với lý do là công ty An Nhiên không thực hiện đúng theo thỏa thuận.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã huy động lực lượng khóa cổng ra vào khu dự án.

Sau khi đăng bài báo trên, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có công văn gửi Học viện đề nghị phỏng vấn trực tiếp về vấn đề này, nhằm tìm hướng thống nhất phương án đền bù, trả lại sự kinh doanh bình thường cho doanh nghiệp hoặc chấm dứt thỏa thuận hợp tác nhưng chúng tôi không nhận được bất kỳ sự phản hồi mang tính thiện chí của Học viện.

Học viện có cố tình ép doanh nghiệp?

Theo phản ánh của Công ty An Nhiên, đến cuối tháng 1/2019, sự việc tưởng như hai bên đã ngồi lại với nhau để giải quyết thấu tình đạt lý. Thế nhưng, sau Tết Nguyên đán Học viện bất ngờ cho bảo vệ khóa cổng lối vào dự án khu 310, ngăn cản không cho công ty An Nhiên họp mặt đầu Xuân Kỷ Hợi với các chủ ki ốt tại dự án. Sự việc này làm náo loạn Khu 310, tổ dân phố An Đào, thị Trấn Trâu Quỳ, sau đó đã được công an thị trấn Trâu Quỳ vào lập biên bản vụ việc.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam xây bốt bảo vệ canh gác khu dự án

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Ngọc Chuyên, Giám đốc Công ty An Nhiên cho biết: “Công ty An Nhiên không gây hấn với Học viện, sẵn sàng ngồi lại đàm phán thỏa thuận nhưng Học viện đặt công ty An Nhiên vào thế đường cùng. Công ty phải buộc bảo vệ mình, bảo vệ thành quả đầu tư trong 3 năm qua, chưa kể đây là dự án dài hơi, chúng tôi đã tin tưởng vào Học viện mà tâm huyết cả về vật chất lẫn tinh thần để đầu tư công sức vào dự án nhưng Học viện định cướp trắng tiền bạc và công sức của Công ty An Nhiên cũng như quyền lợi của 29 hộ kinh doanh ki ốt tại dự án”. Ngoài ra, bà Chuyên cũng yêu cầu Học viện giải quyết tranh chấp thỏa thuận hợp tác, hợp đồng kinh tế theo đúng quy định của pháp luật không được đơn phương dùng sức mạnh cưỡng chế dự án của công ty An Nhiên, trả lại mặt bằng, mở khóa cổng vào dự án để các ki ốt hoạt động trở lại bình thường, tránh gây thiệt hại thêm cho công ty.

Liên quan đến việc này, Luật sư Nguyễn Thị Bảo Ngọc, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: căn cứ vào các thỏa thuận giữa công ty An Nhiên và Học viện Nông nghiệp Việt Nam, thì rõ ràng những hành động của Học viện như: khóa cổng không cho công ty An Nhiên và các ki ốt vào dự án hoạt động, dựng hàng rào trước mặt các ki ốt làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh trong thời gian qua là vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty An Nhiên cũng như 29 ki ốt. Khi các bên chưa giải quyết được tranh chấp thỏa thuận thì Học viện không có quyền đơn phương cưỡng chế, ép doanh nghiệp như vậy được. Nếu Công ty An Nhiên và Học viện không thỏa thuận được thì có thể đưa ra Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Mặc dù ông Nguyễn Công Tiệp, Chánh Văn phòng Học viện là người được ủy quyền ký thỏa thuận hợp tác với công ty An Nhiên, nhưng ông Tiệp lại không giải quyết được vấn đề tranh chấp đang xảy ra với công ty An Nhiên cho nên việc tranh chấp chưa được giải quyết đã xảy ra tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, ảnh hưởng trực tiếp đến 29 ki ốt đang kinh doanh bình thường tại đây.

Vấn đề tranh chấp cho đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm một phần là do Học viện chưa quyết liệt trong chỉ đạo, chưa có phương án xử lý, đền bù cho công ty An Nhiên một cách thỏa đáng, không thiện chí ngồi lại với lãnh đạo công ty An Nhiên để xem xét giải quyết một cách thấu đáo dẫn đến bức xúc cho doanh nghiệp và 29 ki ốt, gây thiệt hại lớn cho các hộ kinh doanh trong thời gian qua.

Thiết nghĩ, để tránh gây thiệt hại cho các bên liên quan cũng như tranh chấp kéo dài. Đề nghị Học viện giải quyết dứt điểm tranh chấp thỏa thuận giữa công ty An Nhiên. Trường hợp không thỏa thuận được với Công ty An Nhiên, đề nghị hai bên gặp nhau tại Tòa án để giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành, tránh tình trạng gây khó khăn cho doanh nghiệp trong khi Thỏa thuận 02012018/TTHT còn hiệu lực.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin./.

Bạn đang đọc bài viết Học viện Nông nghiệp VN: Đẩy doanh nghiệp vào đường cùng? (Kỳ 2). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đồng Nai: Nhà hàng Purli xây dựng trái phép giữa rừng cao su
Theo phản ánh của nhiều người dân, Nhà hàng – hầm rượu Purli (ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm và đi vào hoạt động từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại không hay biết.

Tin mới

Hàng loạt nguy cơ sức khoẻ khi thời tiết nắng nóng
Cái nóng như thiêu đốt đem lại gánh nặng và các bệnh liên quan đến nắng nóng (nhiệt) thường là tăng thân nhiệt. Tăng thân nhiệt đề cập đến bất kỳ tình trạng nào mà cơ thể không thể duy trì nhiệt độ và xử lý nhiệt đúng cách.
Kon Tum quyết định huỷ gói thầu hơn 77 tỷ đồng
UBND tỉnh Kon Tum vừa đưa ra quyết định hủy thầu đối với Gói thầu số 03 trong Dự án Xác định ranh giới sử dụng đất, đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng sử dụng đất...
Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất