Thứ sáu, 29/03/2024 13:57 (GMT+7)

Khởi tố 4 đối tượng vụ nhập 10.000 container phế liệu trái phép

MTĐT -  Thứ năm, 30/08/2018 11:22 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với 4 đối tượng liên quan đến đường dây nhập 10.000 container phế liệu trái phép vào Việt Nam

Theo thông tin trên Cổng thông tin điện Bộ Công an, ngày 29/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Lê Hữu Thiêm (Giám đốc) và Dương Tuấn Anh (quản lý) của Công ty TNHH sản xuất kinh doanh dịch vụ xây dựng Hồng Việt (địa chỉ tại phường 4, quận 4, TP. HCM) để điều tra về hành vi “Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới” theo Điều 189, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Kết quả điều tra cho biết, Công ty TNHH sản xuất kinh doanh dịch vụ xây dựng Hồng Việt do Lê Hữu Thiêm làm Giám đốc và Dương Tuấn Anh là quản lý điều hành có dấu hiệu làm giả các giấy tờ, tài liệu để nhập khẩu trái phép phế liệu vào Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ Công an cũng quyết định khởi tố, bắt giam đối tượng Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Công ty Sản xuất bao bì Trường Thịnh (có trụ sở tại tỉnh Ninh Bình) và Dương Văn Phương, nhân viên Công ty vào ngày 28/8 để điều tra về hành vi tương tự.

4 đối tượng bị khởi tố. Ảnh: Bộ Công an. 

Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung lực lượng phối hợp với Tổng cục Hải quan (Cục Điều tra chống buôn lậu) điều tra mở rộng triệt để các đối tượng và đồng phạm liên quan để xử lý nghiêm trước pháp luật. Đồng thời tiếp tục điều tra, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan đến việc để hơn 10.000 container đang tồn tại tại các cảng biển để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó vào tháng 6/2018, Cục Hải quan TP. HCM đã báo cáo lên Tổng cục Hải quan về tình trạng tồn đọng hàng ngàn container phế liệu tại các cảng ở TP.HCM. Sau đó, Tổng cục Hải quan đã có văn bản yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam.

Phần lớn trong số hơn 10.000 container đang tồn đọng tại các cảng biển này là các container chứa phế liệu không có người nhận, hoặc người nhận trên vận đơn từ chối nhận hàng, do hàng hóa không đúng với hợp đồng ngoại ký với đối tác nước ngoài.

Hàng ngàn container phế liệu vẫn đang tồn đọng ở các cảng biển không có người đến nhận. Ảnh: Internet. 

Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng đã có chỉ đạo Bộ Công an và Tổng cục Hải quan tiến hành làm rõ, xử lý nghiêm những doanh nghiệp, cá nhân vi phạm. Yêu cầu của Thủ tướng chi tiết đến mức yêu cầu nếu cần thiết, phải tiến hành khởi tố những vụ việc vi phạm điển hình để xử lý, làm gương, nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng kẽ hở chính sách để nhập phế liệu, rác công nghiệp về Việt Nam.

Theo Viettimes, số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, trong nửa đầu năm 2018, cả nước đã nhập khoảng 4 triệu tấn phế liệu các loại. Trong đó, lượng nhập khẩu nhựa phế liệu là 277.000 tấn, giấy phế liệu là 1,06 triệu tấn, sắt thép phế liệu là 2,7 triệu tấn. Tổng giá trị nhập khẩu khẩu phế liệu trong 6 tháng đầu năm là 1,2 tỷ USD.

Trong năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu 5,5 triệu tấn phế liệu với trị giá 1,8 tỷ USD. Con số này của năm 2016 là 4,9 triệu tấn phế liệu với trị giá gần 1 tỷ USD. Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc là các quốc gia Việt Nam nhập khẩu nhiều phế liệu nhiều nhất.

Đáng lưu ý, số liệu này không rõ có bao gồm lượng phế liệu nhập khẩu về Việt Nam theo khai báo là tạm nhập tái xuất, hàng chuyển khẩu hay không.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Khởi tố 4 đối tượng vụ nhập 10.000 container phế liệu trái phép. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới