Thứ bảy, 20/04/2024 00:21 (GMT+7)

Kim Bảng, Hà Nam: Dân kêu cứu vì xưởng tái chế bao bì gây ô nhiễm?

Nguyên Bá -  Thứ tư, 15/05/2019 16:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Một cơ sở tái chế bao bì bị phản ánh thường xuyên gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân nhưng các cấp chính quyền tỉnh Hà Nam vẫn chưa giải quyết dứt điểm.

Vừa qua, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử nhận được đơn thư cầu cứu của hàng chục hộ dân sinh sống tại xóm 7, thôn Thuận Đức, xã Nguyễn Úy, huyện Kim Bảng, Hà Nam về việc xưởng giặt và tái chế bao bì tại địa phương hoạt động gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Người dân chỉ vị trí cống xả thải ra hệ thống kênh mương của xưởng giặt và tái chế bao bì.

Theo nội dung đơn, người dân cho biết xưởng giặt và tái chế bao bì của ông Trần Quang Huy hoạt động từ năm 2016. Do nằm sát khu dân cư nên trong quá trình sản xuất gây mùi hôi thối khó chịu, phát sinh nhiều tiếng ồn ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống của người dân.

Đặc biệt, xưởng tái chế bao bì này còn thường xuyên xả nước thải chưa qua xử lý ra kênh mương thủy lợi, gây ô nhiễm môi trường khiến nguồn nước ngầm nơi đây có nguy cơ bị nhiễm độc.

Người dân lo lắng cho sức khỏe bởi tình trạng ô nhiễm do xưởng tái chế gây ra.

Người dân còn cho biết, từ nhiều năm nay, nguồn nước giếng khoan của các nhà lân cận xưởng tái chế bỗng bị chuyển màu, có váng nổi lên, khi sử dụng thường xuyên bị ngứa ngáy, nổi mụn và các bệnh ngoài da khiến người dân vô cùng lo lắng.

Chia sẻ với PV, bà Tạ Thị Hòe, người dân tại thôn 7, xã Nguyễn Úy cho biết, khoảng vài năm trước, khi xưởng tái chế bao bì này mới đi vào hoạt động họ liên tục xả thải ra môi trường và đồng lúa của người dân, có những lúc bốc mùi hôi thối ảnh hưởng trực tiếp đến nuôi trồng của các hộ dân xung quanh.

“Nước thải ra đến đâu, cá chết, cỏ chết đến đấy. Nguồn nước ở đây ô nhiễm hết cả, đến khi cơ quan quản lý về môi trường về xét nghiệm nước, cả làng này nước bị ô nhiễm. Trong khi cái nhà máy này trên huyện Sóc Sơn họ đuổi, về bên Trâm họ cũng không cho làm”, bà Hòe cho biết.

Cùng chung nỗi bức xúc, ông Đỗ Văn Lộc cho biết: “Cái ao trước bèo tốt ầm ầm, bây giờ không sống nổi, người dân chúng tôi nhiều người mắc bệnh rồi. Nguồn nước trước sạch lắm, bây giờ tẩy rửa bao bì phải có thuốc tẩy, hóa chất cho nên nguồn nước ngầm bị ô nhiễm rồi”.

Xưởng tái chế bao bì hoạt động nằm sát khu dân cư, gây mùi hôi thối ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.

Trưởng thôn Thuận Đức cũng xác nhận ý kiến của người dân, ông cho biết thêm là đến nay không biết mức độ ô nhiễm đến đâu nhưng nhiều người dân trong làng thường xuyên bị các bệnh ngoài da, bệnh chân tay. Đơn thư người dân cũng đã gửi lên tận cấp tỉnh và huyện nhiều lần nhưng chưa được giải quyết triệt để.

Theo ghi nhận của PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, xưởng giặt và tái chế bao bì xi măng của gia đình ông Huy nằm sát khu dân cư đang hoạt động tấp nập. Bao bì xi măng sau khi thu gom về sẽ được tiến hành giặt, tái chế thủ công, phía bên trong cơ sở trang thiết bị đều rất đơn sơ, công tác vệ sinh, an toàn lao động không đảm bảo khi công nhân làm việc không có bảo hộ lao động. Nguyên liệu, chất thải rắn chưa thu gom, chất đống ngổn ngang, bừa bãi trong và xung quanh làm mất mỹ quan trong khu vực, bốc mùi hôi thối rất khó chịu.

Điều đáng nói, cơ sở này đang hoạt động sản xuất ngay trong khu dân cư, trên diện tích đất đã được cấp với mục đích sử dụng đất ở khiến người dân vô cùng bức xúc.

Liên quan đến nội dung đơn thư của người dân, ông Trần Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Úy cho biết, xã cũng đã nhiều lần nhận được đơn thư phản ánh của người dân về xưởng tái chế bao bì xi măng gây ô nhiễm.

“UBND xã tiếp nhận nhiều lần rồi, cũng đã làm việc từ xã, đến huyện, đến tỉnh rồi”, ông Sơn cho biết.

Sau đó ông Sơn cho mời ông Dương Văn Giang, cán bộ địa chính - môi trường xã cung cấp các hồ sơ, thông tin hoạt động của nhà xưởng trên. Theo hồ sơ ông Giang cung cấp thì trong năm 2018, xưởng tái chế bao bì trên từng bị UBND xã đình chỉ hoạt động 2 lần do không có giấy phép hoạt động, trong quá trình sản xuất có hành vi gây ô nhiễm môi trường và xả nước thải ra đồng ruộng.

Khi phóng viên hỏi xưởng tái chế này hoạt động chui, gây ô nhiễm từ tận năm 2016, không có bất kỳ giấy tờ nào nhưng tại sao mãi đến năm 2018 xã mới kiểm tra, đình chỉ, ông Giang cho biết do xã không nhận được phản ánh của người dân, khi người dân có đơn thư thì xã đã vào cuộc xử lý ngay.

“Ở đây cấp xã chúng tôi làm nghiêm túc lắm, chứ đâu phải chuyện để chui từ 2016 đến 2018 mới làm có mà chết. Nó (tức người dân – PV) có mà lên cấp Trung ương, đang làm nó còn đi đến cấp tỉnh đấy”, ông Giang hùng hồn khẳng định.

Trong khi đó, các giấy phép sản xuất và báo cáo tác động môi trường trên mãi tận đến tháng 4/2018 cơ sở này mới được phê duyệt. Theo kết quả quan trắc nước thải tại bể lắng cuối sau xử lý trước khi bơm ra kênh tưới Hàm Long của Trung tâm Quan trắc Phân tích tài nguyên môi trường – Sở TNMT tỉnh Hà Nam thể hiện, trong nước thải của xưởng tái chế trên có một số chỉ tiêu vượt GHCP theo QCVN 40:2011/BTNMT (cột B, đã nhân hệ số). Cụ thể chỉ tiêu Ph vượt 1,085 lần, TSS vượt 4,907 lần, BOD5 vượt 1,407 lần, COD vượt 1,451 lần, độ màu vượt 1,507 lần.

Người dân đã nhiều lần có đơn thư phản ánh tình trạng này nhưng các cấp chính quyền tỉnh Hà Nam vẫn chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm. Đã đến lúc các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam phải vào cuộc xử lý dứt điểm tình trạng này.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết Kim Bảng, Hà Nam: Dân kêu cứu vì xưởng tái chế bao bì gây ô nhiễm?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đồng Nai: Nhà hàng Purli xây dựng trái phép giữa rừng cao su
Theo phản ánh của nhiều người dân, Nhà hàng – hầm rượu Purli (ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm và đi vào hoạt động từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại không hay biết.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...