Thứ năm, 28/03/2024 20:00 (GMT+7)

Kon Tum: Nhiều dấu hiệu ngụy tạo chứng cứ để tranh chấp nhà

Hạ Nguyên -  Thứ hai, 21/01/2019 09:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vì sao VKSND cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm của TAND tỉnh Kon Tum và đề nghị trả hồ sơ xét xử lại từ đầu?

Tranh chấp một nơi, tòa xử 1 nẻo

Trải qua 2 phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm, cả phía nguyên đơn, cơ quan tố tụng lẫn người làm chứng đều không chỉ ra được những bất cập, sai phạm liên quan đến chứng cứ duy nhất của vụ án… thế nhưng liên tiếp cả 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm của TAND tỉnh Kon Tum vẫn tuyên có lợi cho phía nguyên đơn.

Ngôi nhà đang tranh chấp

Trải qua quá trình xét xử sơ thẩm, ngày 06/12/2018 TAND TP.Kon Tum đã ban hành bản án số 18/2018/DSST về tranh chấp quyền sử dụng đất tại số nhà 69 Hoàng Văn Thụ, phường Quyết Thắng thành phố Kon Tum tỉnh Kon Tum. Quyết định bản án có nội dung “chấp nhận yêu cầu khởi kiện cùa nguyên đơn Bà Hà Thị Hữu về tranh chấp ½  giá trị quyền sử dụng đất; Yêu cầu chia lợi tức trên đất. Buộc ông Hà Văn Phước và bà Phan Thị Hường phải thanh toán cho bà Hà Thị Hữu giá trị ½ quyền sứ dụng đất tranh chấp tại số 69 Hoàng Văn Thụ, phường Quyết Thắng, thành phố KonTum,tinh KonTum... trị giá1.950.000.000đ  và ½ tiềnlợi tức do khai thác, sử dụng quyền sử dụng đất nói trên trong hoạt động kinh doanh từ ngày 15/7/2014 đến ngày xét xử sơ thẩm 06/12/2018 là 516.377.515 đồng. Như vậy, tổng số tiền mà ông Hà Văn Phước, bà Phan Thị Hường phải thanh toán cho bà Hà Thị Hữu là 2.466.377.515đồng ... ”

Đơn kêu cứu của gia đình ông Hà Văn Phước

Điều đáng nói trong vụ án này, và đó cũng là chứng cứ duy nhất để tuyên bà Hà Thị Hữu được nhận ½ giá trị căn nhà và hoa lợi  khai thác giá trị kinh doanh đó là căn cứ vào tờ giấy “hùn tiền mua nhà ở” được lập ngày 15/12/1981 với nhiều khuất tất và nhiều chứng lý bất cập.

Theo hồ sơ vụ án, năm 2017 bà Hà Thị Hữu trưng ra một tờ giấy “hùn tiền mua nhà ở” được lập ngày 15/12/1981 với nội dung: bà Hà Thị Hữu có đưa cho ông Hà Văn Phước (em ruột bà Hữu) 15.000 đồng để cùng mua căn nhà tại địa chỉ 14 Lê Văn Duyệt, thị xã Kon Tum, tỉnh Gia Lai - Kon Tum để khởi kiện vợ chồng ông Phước trả lại ½ (một phần hai) căn nhà (lúc đó căn nhà trị giá 30.000 đồng). Khi bà Hà Thị Hữu khởi kiện vợ chồng ông Hà Văn Phước chỉ căn cứ vào giấy hùn tiền và một giấy xác nhận, có chứng thực của UBND phường Quyết Thắng do ông Nguyễn Văn Hoà nguyên Phó chủ tịch UBND phường Quyết Thắng xác nhận năm 1990 đã ký và đóng dấu vào giấy hùn tiền mua nhà ở có đủ mặt các bên và 3 người công dân làm chứng là ông: Chu Văn Bình, Vũ Văn Dinh và Đinh Hữu Tạo đứng chứng kiến là đúng sự thật và ông sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu sai.

Bản sao giấy khai tử của ông Chu Văn Bình

Một điều hết sức tréo ngoe, theo gia đình ông Hà Văn Phước cho biết: “Vợ chồng tôi không hề biết căn nhà mái tôle, cửa sắt 14 Lê Văn Duyệt nằm ở đâu mà cùng năm đó vợ chồng tôi chỉ mua căn nhà 14 Hoàng Văn Thụ, phường Quyết Thắng thị xã Kon Tum tỉnh Gia Lai – Kon Tum có mái ngói, cửa gỗ nay là 69 Hoàng Văn Thụ, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum” thế nhưng Tòa vẫn công nhận tài sản nói trên và đưa ra xét xử.

Một thực tế khác, ông Chu Văn Bình là người làm chứng trong giấy hùn tiền mua nhà đã chết ngày 24/08/1983 nhằm ngày 13/07 năm Qúy Hợi. Thế nhưng, năm 1990 khi ông Nguyễn Văn Hòa (nguyên Phó chủ tịch UBND Phường Quyết Thắng) xác nhận việc mua bán này tại UBND phường Quyết Thắng thì ông Chu Văn Bình vẫn có mặt để làm chứng mặc dù đã chết trước đó 7 năm!?

Nhiều dấu hiệu giả mạo chứng cứ

Tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn là bà hà Thị Hữu đã thừa nhận: việc lập giấy hùn tiền không phải là ngày 15/12/1981. Giấy hùn tiền trên được lập sau ngày 02/01/1982, thời điểm này vợ chồng ông Hà Văn Phước đã hoàn tất các thủ tục liên quan đối với căn nhà tại 14 Hoàng Văn Thụ phường Quyết Thắng, thị xã Kon Tum tỉnh Gia Lai- Kon Tum - nay là 69 Hoàng Văn Thụ, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum tỉnh Kon Tum. Thời gian cụ thể, địa điểm lập giấy hùn tiền nguyên đơn nói không nhớ.

Trong thông báo số 636 ngày 3/5/2018 của Toà án nhân dân tỉnh Kon Tum cho bà Hà Thị Hữu do thẩm phán Trần Anh ký đã có đoạn “yêu cầu bà Hà Thị Hữu phải tiến hành bổ sung biên bản hoà giải tranh chấp quyền sử dụng đất các đương sự đang tranh chấp trong vụ án có đầy đủ nội dung và thủ tục được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật giải quyết về tranh chấp đất đai nói trên. Thời hạn để bà Hà Thị Hữu bổ sung chứng cứ là 45 (bốn mươi lăm) ngày… nếu không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ chứng cứ nêu trên thì Toà án sẽ căn cứ điểm b Khoản 1 Điều 192, điểm g Khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, đình chỉ giải quyết vụ án”. Thế nhưng, sau thời điểm nói trên bà Hữu vẫn không cung cấp được chứng cứ, không có bằng chứng để bổ sung theo đúng thủ tục yêu cầu nhưng Thẩm phán Ngô Văn Minh vẫn quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Luật sư Dương Đức Tâm - Đoàn luật sư TP. Hà Nội - cho biết là TAND tỉnh Kon Tum đã nhận được đơn khiếu nại khẩn cấp của người được ủy quyền tham gia tố tụng từ ngày 7 tháng 8 năm 2018. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà hơn 3 tháng nhận đơn vẫn không trả lời cho người khiếu nại. Chính điều này đã đặt ra một câu hỏi là “Tòa án là nơi giữ cán cân công lý” lại đi vi phạm luật Khiếu nại tố cáo, vậy khi tòa xử ai khâm phục.  

Đã vậy, trong phần xét hỏi tôi có hỏi nguyên đơn khi mua căn nhà có nắm rõ đặc điểm của căn nhà hay không? Nguyên đơn khai nhận là biết và xác định đặc điểm của căn nhà là nhà Tole, cửa sắt. Lời khai của nguyên đơn là hoàn toàn không đúng với đặc điểm của căn nhà tại thời điểm vợ chồng ông Phước mua của ông Đặng Liên. Đặc điểm căn nhà khi mua là nhà cấp 4, gác gỗ, tường gạch, mái la phông gỗ, lợp ngói vảy, cửa gỗ. Điều này chứng minh nguyên đơn hoàn toàn không biết về căn nhà vợ chồng ông Phước đã mua của ông Đặng Liên. Giấy hùn tiền đề ngày 15/12/1981 là do nguyên đơn tạo dựng”… Luật sư Dương Đức Tâm nhận xét thêm.

Ngoài ra phiên tòa ngày 06/12/2018 thể hiện sự thiếu tôn nghiêm của Tòa án, không khách quan. Cụ thể tại phiên tòa khi kiểm sát viên hỏi người làm chứng là ông Nguyễn Văn Hòa”lý do vì sao ông Bình chết năm 1983 mà đến năm 1990 ông Hòa vẫn ký xác nhận ông Bình là người làm chứng trong giấy hùn tiền mua nhà đất là vô lý vậy hôm nay ông có rút lại lời chứng thực của mình không?”

Giấy xác nhận “ma” của ông Nguyễn Văn Hòa

Khi ông Hòa chưa trả lời, thì những người tham dự (phía nguyên đơn) trong phiên tòa la lên và có thái độ không tôn trọng Hội đồng xét xử, mất trật tự. Họ yêu cầu ông Hòa không được rút…? Kết quả ông Hòa không dám rút lại lời khai gian dối mặc dù đã được kiểm sát viên giải thích lời khai đó là có dấu hiệu gian dối. Những vi phạm trên mặc dù kiểm sát viên và luật sư nhiều lần kiến nghị thẩm phán chủ tọa phiên tòa và Hội đồng xét xử nhưng không khắc phục, dẫn đến một phiên tòa diễn ra không nghiêm túc và lời khai của nhân chứng bị những người tham dự áp đặt tinh thần ép người làm chứng khai báo gian dối, không trung thực. Hội đồng xét xử chấp nhận ông Hòa là nhân chứng duy nhất trong vụ án này vì thế làm sai lệch sự thật.

Kháng nghị của VKSND cấp cao tại Đà Nẵng

Được biết vụ án tranh chấp đất đai giữa bà Hà Thị Hữu và ông Hà Văn Phước đang được dư luận rất quan tâm. Bởi đây là vụ khiếu kiện mà Tòa án nhân dân các cấp thụ lý giải quyết vụ án này cũng căn cứ vào chứng cứ không đáng tin cậy. Chính vì thế mà khi tranh luận tại phiên tòa, Kiểm sát viên Lê Văn Việt (người được phân công trong suốt quá trình giải quyết vụ án tại TAND tỉnh Kon Tum) cho biết: Nếu trong vụ án này có dấu hiệu ngụy tạo chứng cứ và tiếp tay cho người khác ngụy tạo chứng cứ thì Viện KSND tỉnh Kon Tum sẽ có kiến nghị chuyển cơ quan điều tra. Vì: “Rõ ràng ở đây ai cũng thấy, ông Chu Văn Bình đã chết năm 1983 thì không thể nào có mặt năm 1990 vậy tại sao tới tận năm 2018 ông Hòa vẫn khẳng định ông Bình có mặt, như vậy ở đây đã có vấn đề khuất tất”.

Điều khó hiểu hơn nữa là từ năm 1989 đến năm 2016, gia đình ông Phước ở đây, xây lại nhà mới sau đó cho con trai và cuối cùng là chuyển nhượng cho người khác công khai minh bạch mà bà Hà Thị Hữu cũng như gia đình không có động thái gì để bảo vệ tài sản của mình. Vụ án đã được VKS Cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm của TAND tỉnh Kon Tum và yêu cầu xét xử lại từ đầu.

Viện KSCC tại Đà Nẵng kháng nghị toàn bộ bản án vì nhiều sai phạm
Trước đơn kêu cứu của gia đình ông Hà Văn Phước, đồng thời xem xét lại vụ án. Viện kiểm sát cấp cao tại Đà Nẵng đã có bản kháng nghị số 09/KN-DC-VC2 ngày 05 tháng 1 năm 2019 chỉ ra sai sót của Toà án nhân dân tỉnh Kon Tum là “chưa làm rõ đã kết luận giấy hùn tiền mua nhà ở ngày 15/12/1981 giữa bà Hà Thị Hữu và vợ chồng ông Hà văn Phước, bà Phan Thị Hường là có thật cần công nhận chưa đủ cơ sở”. Và “ bản án dân sự sơ thẩm căn cứ giá thuê đất và ở vị trí khác để buộc ông Hà Văn Phước, bà Phan Thị Hường phải trả cho bà Hà Thị Hữu số tiền lợi tức phát sinh từ việc kinh doanh là không có cơ sở làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của ông Hà Văn Phước, bà Phan Thị Hường”. Nên Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã kháng nghị lại toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số 18/2018/DS-ST ngày 06/12/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum. Đồng thời đề nghị Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm, huỷ Bản án dân sự sơ thẩm số 18/2018/DS-ST ngày 06/12/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Bạn đang đọc bài viết Kon Tum: Nhiều dấu hiệu ngụy tạo chứng cứ để tranh chấp nhà. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.