Thứ tư, 24/04/2024 07:50 (GMT+7)

Lâm Đồng: Truy tìm thủ phạm bức tử rừng thông

MTĐT -  Thứ tư, 08/05/2019 16:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hơn 3.500 cây thông rừng gần 20 năm tuổi đã bị các đối tượng "ken cây" bằng hình thức khoan vào gốc, hạ độc bằng thuốc trừ cỏ tại Lâm Đồng.

Báo Tuổi trẻ đưa tin, ngày 7/5, ông Trần Đức Tài - chủ tịch UBND huyện Lâm Hà, Lâm Đồng - cùng chủ rừng, lực lượng chức năng đã khảo sát, khám nghiệm khu vực phá rừng thông tại tiểu khu 292 thuộc xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà.

Trước đó, hơn 3.500 cây thông rừng gần 20 năm tuổi đã bị các đối tượng "ken cây" bằng hình thức khoan vào gốc, hạ độc bằng thuốc trừ cỏ tại địa bàn xã Tân Thanh. Hơn 10ha cây thông mọc san sát, thẳng tắp đã chết đứng.

Cả cánh rừng thông bị đầu độc. Ảnh: Báo Tuổi trẻ.

Theo thông tin từ Ban quản lý rừng nguyên liệu giấy Lâm Hà thuộc Xí nghiệp Nguyên liệu giấy Lâm Đồng (Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai), đơn vị này được giao trách nhiệm trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng trên diện tích trên 133ha tại địa phương. Diện tích này đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Khu vực bị phá được xác định là địa bàn hết sức phức tạp, từ năm 2018 đến nay liên tiếp xảy ra nhiều vụ phá rừng với mục đích chiếm, giành đất.

Vụ đầu độc rừng thông lần này được xác định là gây thiệt hại lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn huyện Lâm Hà do Công ty Tân Mai quản lý. Toàn bộ rừng thông bị đầu độc chết trắng được doanh nghiệp trên trồng cách đây khoảng 20 năm, hiện đường kính gốc mỗi cây dao động từ 25-40cm.

Vụ đầu độc rừng thông lần này được xác định là gây thiệt hại lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn huyện Lâm Hà. Ảnh: Báo Tuổi trẻ.

Trước khi bị tàn sát, đây là khu vực rừng trồng được đánh giá có chất lượng tốt, phát triển đồng đều và nhanh. Cánh rừng thông nổi bật giữa bao quanh là nương rẫy trồng cà phê, hoa màu của người dân trong khu vực. Ước tính, vụ tàn phá rừng thông đã gây thiệt hại khoảng 10ha. Số lượng cây thông bị đầu độc chết lên tới hàng nghìn cây san sát nhau.

Tại tiểu khu 292, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, Công ty Tân Mai có gần 60ha rừng trồng còn trụ lại nhưng liên tục bị các đối tượng đầu độc, lấn chiếm. Diện tích rừng tự nhiên khác xung quanh khu vực này đã bị lấn chiếm để làm nương rẫy từ nhiều năm nay nhưng chính quyền địa phương không có biện pháp hữu hiệu để giải tỏa, trồng lại rừng. Khu vực xảy ra đầu độc rừng thông hàng loạt có địa hình khá bằng phẳng, đất đai màu mỡ, lại nằm gần quốc lộ 28 và tuyến tỉnh lộ ĐT275. Mục đích của việc phá rừng chủ yếu là lấn chiếm lấy đất sản xuất, sang nhượng bất hợp pháp.

Liên quan đến vụ việc, trao đổi với báo Người lao động, ông Nguyễn Tất Thành, Phó ban phụ trách BQL Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, xác nhận mức độ tàn phá thông ở đây rất nghiêm trọng, ban phải cắm các biển cấm xâm hại, đồng thời bố trí nhân viên túc trực bảo vệ. "Trong quá trình tuần tra, chúng tôi biết nhiều đối tượng vào róc vỏ cây thông nhưng không bắt được mà chỉ thu giữ được một số dụng cụ róc vỏ cây của họ để lại" - ông Thành thông tin thêm.

Ông Kpah Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, đã trực tiếp đi thị sát vụ việc và yêu cầu xử lý trách nhiệm các cán bộ để rừng thông bị xâm hại. Đồng thời, có biện pháp ngăn chặn người dân xâm hại đến khu rừng.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Lâm Đồng: Truy tìm thủ phạm bức tử rừng thông. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đồng Nai: Nhà hàng Purli xây dựng trái phép giữa rừng cao su
Theo phản ánh của nhiều người dân, Nhà hàng – hầm rượu Purli (ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm và đi vào hoạt động từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại không hay biết.

Tin mới