Thứ sáu, 26/04/2024 05:19 (GMT+7)

Liên Châu (Vĩnh Phúc): 18 tỷ đền bù cho dân... “chạy đi đâu”?

Nhóm PVĐT -  Thứ sáu, 01/06/2018 16:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Làng Thụ Ích được đền bù 18 tỷ đồng lẽ ra cần chia cho các khẩu nhưng số tiền đã đi đâu?

18 tỷ đồng là số tiền làng Thụ Ích được đền bù trong viêc giải tỏa đất liên quan đến "Dự án cải tạo nâng cấp đê tả Hồng" kết hợp làm đường giao thông, đoạn qua làng Thụ Ích đền bù 11 tỷ do mở rộng đê đã lấn vào diện tích đất khẩu này. Làng Thụ Ích còn được đền bù 7 tỷ đồng cũng là đất khẩu hồ sau Trường THPT Yên Lạc II.

Đây là số tiền rất lớn, tính trên đầu mỗi khẩu gần 10 triệu đồng, nhiều hộ gia đình đông khẩu số tiền nhiều chục triệu, còn đại gia đình gộp lại thì lên tới cả vài trăm triệu. Do cách lý giải, định hướng của lãnh đạo xã và cách làm thiếu minh bạch của Hợp tác xã, Ban quản lý công trình nên nhiều hộ dân Thụ Ích cho biết dù họ không tiếc công cống hiến cho xây dựng nông thôn mới nhưng cái gì cũng phải hợp lý và không minh bạch như thế thì từ giờ khó mà huy động được sức dân được.

Mê trận...

Trong “mê trận” khái niệm nếu không tìm hiểu các viện dẫn và hoàn cảnh cụ thể, Liên Châu là một vùng nông thôn thực sự được thiên nhiên ban tặng nhiều may mắn, đất đairộng, phì nhiêu nhưng lại không thể hiểu được tại sao lại có lắm loại đất sản xuất nông nghiệp ở xã như thế.

Khi tìm hiểu về nội dung này, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử cũng gần như bị lạc vào “mê trận” các loại đất nên khó cắt nghĩa được loại đất một cách chính xác. Cứ nghĩ đất “khẩu” thì chỉ có loại đất thực hiện theo Nghị định 64 năm 1993, chứ bây giờ lại có loại đất “khẩu xã” và “khẩu làng”.

Lý giải về điều này, một cụ cao niên trong làng giải thích, “khẩu xã” là quỹ đất chung cả xã làng nào cũng được, còn “khẩu làng” là quỹ riêng chỉ riêng các khẩu được chia trong làng đó mới được, ngoài quỹ đất khẩu mà cả xã được chia.

Ở làng Thụ Ích, quỹ “khẩu làng” này được hình thành từ những năm đầu thập kỷ 1980 và được chia trước năm 1993. Lẽ ra, theo Nghị định 64 cũng như quỹ riêng của 2 làng còn lại thì phải tính toán để nhập vào quỹ đất nông nghiệp của cả xã để giao chia theo đúng quy định chứ không phải tình trạng “cát cứ” quỹ riêng của từng làng với lý do cụ thể, hay tình hình lịch sử dù có thế nào.

Phải tiến hành giao chính thức, được cấp GCNQSD đất ổn định, lâu dài. Chính cấp xã phải có trách nhiệm cập nhật, kê khai, báo cáo thực tế, đề nghị huyện cấp giấy chứng nhận cho bà con và thời hạn giao đất được tính từ ngày 15/10/1993 thì mới đúng quy định của Nghị định 64. Làm như vậy có lẽ mới đảm bảo quyền lợi của bà con, sự công bằng, thượng tôn pháp luật.

“Đồng hào có ma...”

Đầu thập kỷ 90, xã Liên Châu phát động phong trào điện khí hóa nông thôn nhưng do nhân dân không có tiền góp nên xã bàn với dân góp bằng quyền khai thác sử dụng đất “khẩu làng” với thời gian 10 năm để Ban quản lý Hợp tác xã cho thuê lấy tiền xây lưới điện (cho thuê 10 năm từ 1993 – 2003). Nhân dân thôn Thụ Ích đồng ý luôn chủ trương này.

Hồ nước và trạm bơm thủy lợi.

Số đất khẩu đã được giao cho các chủ có nhu cầu thuê sản xuất, nhờ số tiền này mà lưới điện của thôn đã được làm xong.Những năm sau tuy có điện nhưng tải rất yếu lúc có lúc không, chập chờn trong khi nhu cầu về tiêu thụ điện ngày càng tăng. Trước yêu cầu phải nâng cấp hệ thông lưới điện, một lần nữa nhân dân rất có tinh thần xây dựng đồng ý thêm một thời gian theo phương án cũ, thêm 10 năm nữa (2003 -2013). Theo phương án này thì đến năm 2013, người dân sẽ lấy lại ruộng để canh tác nông nghiệp.

Nhưng năm 2011, tỉnh Vĩnh Phúc có Dự án cải tạo nâng cấp đê tả sông Hồng kết hợp làm đường giao thông, đoạn qua làng Thụ Ích được đền bù 11 tỷ do mở rộng đê ăn vào diện tích đất khẩu này. Làng còn được đền bù 7 tỷ đồng cũng là đất khẩu đó là hồ phía sau trường THPT Yên Lạc II. Hồ này là đất khẩu nhưng không thể giao cho từng hộ gia đình cá nhân nên theo tinh thần Nghị định 64 thì tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thuê sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp.

Khi giao cho các chủ thầu chủ yếu thả cá, nhưng trạm bơm của cơ quan thủy nông đặt tại đây lấy nước, công trình “vắt qua” để Trung ương cung cấp nước ra ngoài bãi. Khi hút nước hồ cạn dẫn đến cá chết nhiều, chủ thầu không nuôi được nên họ và thôn đều phản đối.Trước tình hình này, bên thủy nông mua lại toàn bộ diện tích hồ, trả 7 tỷ đồng cho “quỹ” khẩu làng. Như vậy tổng số tiền mà các hộ ở Thụ Ích được đền bù thời điểm năm 2011 là 18 tỷ đồng.

Lẽ ra phải chia cho dân vì họ mất đất khẩu rồi, cái hồ không được chia bằng đất cũng phải chia về giá trị. Nhưng một lần nữa, lãnh đạo xã định hướng cho hợp tác đưa hết 18 tỷ đồng vào “chương trình xây dựng nông thôn mới”.

Nhà văn hóa làng Thụ Ích được xây dựng 8 tỷ đồng

Ở việc này, họ tỏ ra thận trọng hơn, có đề cập trong Đại hội xã viên năm 2011. Nhưng, họ lại dẫn dắt, lợi dụng sự thiếu thông tin của người dân, nói vòng vo, nói tối nghĩa khiến dân không nhận ra quyền lời của mình.

Ông Trần Ngọc Toan (64 tuổi, thôn Thụ Ích 1) bức xúc: “Thôn chúng tôi được đền bù 18 tỷ đồng nhưng số tiền này lẽ ra phải chia theo khẩu cho người dân nhưng cán bộ xã lại tự quyết số tiền này. Họp đại hội xã viên (2014), tôi có hỏi cán bộ xã là số tiền của thôn xã dùng vào việc gì thì cán bộ xã không trả lời mà chỉ bảo còn hơn 3 tỷ. Trong khi nhà văn hóa thôn mà xây dựng kiểu gì đến 8 tỷ đồng…”.

Ông Nguyễn Ngọc Nguyên (thôn Thụ Ích) cho biết thêm: “Năm 2011, tại Đại hội xã viên họp công khai, lãnh đạo xã nói đã lấy 18 tỷ đồng cầm tay và gửi ngân hàng. Tháng 4/2014, Đại hội xã viên, xã báo cáo đã chi 15 tỷ còn hơn 3 tỷ đồng. Nhiều người hỏi dùng vào những việc gì thì không thể trả lời. Dân khi đó yêu cầu số tiền còn hơn 3 tỷ phải chia cho khẩu nhưng họ không chia. Đại hội cả hai bên thống nhất nhất, hôm nay không giải trình được thì tháng 6/2014 phải mở đại hội bất thường để giải thích rõ ràng. Nhưng 2 tháng sau, lãnh đạo cũng không triệu tập đại hội, từ đó đến nay thêm một đại hội nữa là năm 2017, giờ là giữa 2018 họ cũng vẫn thế. Im lặng là vàng! Quá nhiều bà con ngán ngẩm".

Người dân cho biết, xã, hợp tác gửi ngân hàng số tiền cụ thể thế nào người dân không biết. Chỉ biết, lãi suất những năm đó rất cao. Mỗi khi làng Thụ Ích xây dựng, mua sắm gì phục vụ nông thôn mới, từ cái bàn ghế sẽ phải báo cáo lên xã, hợp tác để họ cấp tiền xuống.

Một số người dân thông tin, trong 18 tỷ này thì lãnh đạo cho một số người "vay" nóng 2,276 tỷ trả cho đền bù 1105 m2 đất khi gỉai tỏa ở thôn Nhật Chiêu 5 mà chúng tôi đề cập ở bài trước. Vì thế, tiền mới có nhanh thế trong một hôm, chứ nếu đền bù theo quy trình thì sẽ rất chặt chẽ và có thời gian chứ.

Xã có “ăn chặn” kinh phí dồn điền đổi thửa của làng?

Dồn điền đổi thửa là một chủ trương quan trọng trong tiến hành xây dựng nông thôn, bắt đầu được thực hiện sau Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX, Chỉ thị 22/2003/CT-TTg năm 2003.Liên Châu là xã luôn đi đầu, sớm hoàn thành sau Nghị quyết 02/NQ-HU nhiệm kỳ 2000 -2005 của huyện. Thế nhưng đằng sau đó là gì?

Bản thông kê bán đất khẩu làng Nhật Tiến.

Ở xã Liên Châu giai đoạn này thì khi thực hiện dồn điền đổi thửa, làng Nhật Tiến số thửa mỗi hộ giảm bằng một nửa so với trước kia khi dồn ghép. Liên Châu nói chung có được thành tích nhanh hơn hẳn, bỏ xa các địa phương khác cũng là do có yếu tố “xã hội học” khi nhân dân nơi đây có truyền thống “dễ tính” và tinh thần xây dựng vì lợi ích chung rất cao. Nhưng một phần quan trọng khác cũng vì lãnh đạo xã thời điểm đó hứa trước bà con rất mạnh mẽ nhiều việc.

Người dân cho biết, trước tình hình dân không chấp nhận bỏ phí dồn điền rất lớn trong khi bà con còn rất nghèo, ông Thường là Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc lúc đó về và cũng có mặt toàn bộ các lãnh đạo xã, ông quyết định cho chuyển đổi sang đất ở và bán đất khẩu của bà con thôn Nhật Tiến để có kinh phí thực hiện.

Sau chỉ đạo này của ông Thường thì Hợp tác xã và bà con đã hy sinh quyền lợi, tự bỏ tiền, sản lượng ra làm ngay tổng cộng hết 300 triệu, xây đắp  gần 10 tuyến đường và mương dài hơn 6 km. Đo đạc, san lấp, làm nhiều việc khác liên quan, mọi chi phí đều rất minh bạch đến từng hào. Lão đạo xã cũng hứa trước dân sẽ hoàn trả đầy đủ nhưng sau đó nhưng không trả, chỉ đền bù tiền hoa màu và thưởng 10 triệu do làm tốt, huyện thưởng thôn 1 triệu.

Một trong những lá đơn của cán bộ làng và bà con đại diện.

Sự năng động của các làng là vì tin vào lời ông Thường, Chủ tịch UBND huyện, của lãnh đạo xã và chính sự năng động đó đã giúp ruộng đất không bị gián đoạn trong lúc "giao thời” của dồn điền. Và mới có thành tích được khen ngợi, lãnh đạo xã cũng được tiếng thơm.

Thời điểm này, xã Liên Châu đã tiến hành bán mấy chục xuất đất thu về 800 triệu đồng là từ quỹ đất khẩu của bà con, bản chất đó là “tài sản” của bà con. Khi cán bộ làng Nhật Tiến và nhân dân đòi hỏi nhiều lần phải đối trừ tiền mà làng đã ứng cho dồn điền thì ông Long khi đó là chủ tịch xã có nói “ông Thường chỉ nói mồm không thôi, không có quyết định thì không rút được tiền kho bạc trả cho HTX Nhật Tiến được” – trích nguyên đơn.

Cũng từ chỉ đạo “miệng” của ông Thường, Chủ tịch UBND huyện, trong cùng một buổi làm việc, vậy mà cái thì được thực hiện cái thì không vì cho là “chỉ nói mồm nói thôi”? Và đây liệu có phải là lời của ông Thường? Bởi bì dân không nhìn thấy quyết định "không trả" của huyện nào cả.14 năm qua, dân đòi nhưng không được. Vấn đề đặt ra là, nếu xã nói đúng thì huyện đã "bội tín" và dấu dân. Trường hợp ngược lại, thì xã đã "chiếm dụng" của dân. Nhưng nếu lỗi do huyện thì đáng ra xã phải bảo vệ dân. Đằng này, lãnh đạo không những không làm gì, chỉ biết đổ cho cấp trên.

Đúng ra, đất khẩu của người dân thì họ có quyền và quyền lợi lớn nhất, họ đã sẵn sàng hy sinh vì chủ trương cấp trên vậy mà đến ngay phần họ bỏ ra để làm vì cái chung cũng không được hoàn trả. Chưa kể phần chênh lệch còn lại là rất lớn thời điểm đó.

Cái nào khó, cái nào thiệt cho dân thì để xã theo chỉ đạo của lãnh đạo còn cái nào phải chi ra trả dân thì lại không thực hiện.

Được biết, trong công tác dồn điền đổi thửa Nhà nước còn có chủ trương hỗ trợ kinh phí. Trong khi ở xã Liên Châu thì người dân phải bỏ kinh phí ra để làm vì cái chung còn thành thành tích thì lãnh đạo nhận?

Khi tiếp xúc với PV, nhiều người dân thôn Thụ Ích khẳng định thôn được đền bù 18 tỷ đồng và lãnh đạo xã cũng nói công khai trong Đại hội xã viên.

Để thông tin khách quan, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã liên hệ UBND tỉnh Vĩnh Phúc để đặt lịch làm việc. Ông Đặng Xuân Vinh – Phó phòng tổng hợp UBND tỉnh Vĩnh Phúc hướng dẫn ghi lại nội dung làm việc, báo cáo cấp trên và liên hệ trả lời quý báo trong thời gian sớm nhất…

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Bạn đang đọc bài viết Liên Châu (Vĩnh Phúc): 18 tỷ đền bù cho dân... “chạy đi đâu”?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đồng Nai: Nhà hàng Purli xây dựng trái phép giữa rừng cao su
Theo phản ánh của nhiều người dân, Nhà hàng – hầm rượu Purli (ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm và đi vào hoạt động từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại không hay biết.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.