Thứ sáu, 19/04/2024 19:58 (GMT+7)

Mỹ Đức: Ai 'bảo kê' cho các lò gạch hoạt động trái phép? (kỳ 1)

PV -  Thứ năm, 27/06/2019 08:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mặc người dân phản ánh, thành phố chỉ đạo và hàng loạt cơ quan báo chí vào cuộc, nhưng không hiểu vì lý do gì UBND huyện Mỹ Đức vẫn để cho các lò gạch gây ô nhiễm ngang nhiên hoạt động.

Vừa qua, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử nhận được phản ánh về tình trạng lò gạch sử dụng nguyên liệu hóa thạch tại một số xã trên địa bàn huyện Mỹ Đức gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và sức khỏe người dân khu vực.

Lò gạch hoạt động ngày đêm “bức tử môi trường”

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung, UBND TP Hà Nội đã có Công văn số 4509/UBND-ĐT, yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã thực hiện xóa dần các lò gạch thủ công trên địa bàn.

Thay vì phát triển du lịch, thủy sản Công ty Cổ phần Thủy sản và Du lịch Quan Sơn lại cho gần chục lò gạch hoạt động, gây ô nhiễm môi trường.

Và đã có nhiều cuộc họp do lãnh đạo UBND thành phố được diễn ra nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm môi trường từ lò gạch. Thực hiện nghiêm chỉ đạo đó, đã có nhiều địa phương tích cực triển khai, người dân nhiệt tình hưởng ứng. Tuy nhiên, tại huyện Mỹ Đức, nhiều lò gạch sử dụng công nghệ lạc hậu vẫn vô tư hoạt động gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.

Tại xã Hồng Sơn, suốt một thời gian dài, người dân sống tại thôn Bình Lạng (xã Hồng Sơn - huyện Mỹ Đức) đã phải sống trong tình trạng khói bụi, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tới từ hoạt động của gạch thủ công do Công ty Cổ phần Thủy sản và Du lịch Quan Sơn làm chủ, quản lý khu đất.

Các lò gạch của Công ty Cổ phần Thủy sản và Du lịch Quan Sơn bị phản ánh sử dụng xỉ than của nhiệt điện Phả Lại trộn lẫn với cát biển, khi đốt lên...gây mùi khó chịu.

Ông Nguyễn Quang Tú - Trưởng thôn Bình Lạng cho biết: "Dân đã kêu nhiều rồi, kêu lên xã, lên huyện rồi...Nhưng dân chúng tôi không có quyền gì, đã làm đơn ra huyện thì các ông lại bảo rút về". Theo ông Tú, Công ty Cổ phần Thủy sản và Du lịch Quan Sơn trước đây xin nạo vét lòng hồ để tận dụng nguồn nước phát triển du lịch và mục đích là để chứa thêm nhiều nước, tưới cho nông nghiệp...nhưng cuối cùng nước cũng chẳng có mà tưới.

Chia sẻ thông tin về việc gây môi trường ô nhiễm của các lò gạch, trưởng thôn Bình Lạng bức xúc: "Ngay nhà tôi, bác gái cũng bị viêm phổi, do khói từ mấy lò gạch này có nhiều tạp chất, đặc biệt là lưu huỳnh. Họ sử dụng xỉ than của nhiệt điện Phả Lại trộn lẫn với cát biển, khi đốt lên...có mùi rất kinh. Hôm nào trời mưa, nước chảy xuống nước đen không thể ăn được, nhà bác hay đi khám bệnh, mỗi lần đi khám là mất hơn chục triệu...con cháu nhà tôi cũng tìm cách chạy hết".

Còn đường doanh nghiệp tự ý làm, chặn dòng chảy của sông Mỹ Hà, mặc dù đã bị các đơn vị thủy lợi nhắc nhở nhưng vẫn cố tình vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi.

Trao đổi với PV, ông Trần Văn Duy, Phó chủ tịch UBND xã Hồng Sơn cho biết, bây giờ khu vực này có khoảng 7 lò hoạt động...về vấn đề ô nhiễm, nhiều lúc cũng ý kiến, nhân dân cũng có ý kiến nhiều, rồi nhiều cơ quan báo chí về phán ánh...cũng đề nghị, nhưng khổ cái là không phải tầm mình quản lý.

UBND huyện Mỹ Đức chống lệnh UBND thành phố?

Từ năm 2012, để giải quyết những bức xúc của người dân liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường từ các lò gạch, ngày 17/10/2012, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch số 130/KH-UBND về thực hiện xóa bỏ các lò gạch thủ công trên địa bàn thành phố. Kế hoạch có nêu các địa phương cần "hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc chuyển đổi sản xuất gạch nung bằng lò thủ công sang công nghệ lò nung mới đảm bảo các quy định về môi trường, công nghệ sản xuất gạch không nung tại một số khu vực, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên đất làm gạch ngói...khôi phục và cải thiện chất lượng môi trường.

Công nhân làm việc không sử dụng khẩu trang, không mũ, không gang tay...không có bất cứ bảo hộ gì.

Ngày sau Kế hoạch này thành phố cũng ban hành hàng loạt các công văn, chỉ đạo khác đôn đốc các địa phương thực hiện. Năm 2013, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã ban hành Công văn số 4101/UBND-QHXDGT. Trong đó lãnh đạo TP yêu cầu các địa phương "tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện của các cơ sở sản xuất tuân thủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương; phương án chuyển đổi; bản cam kết bảo vệ môi trường".

Công văn cũng yêu cầu lấy mẫu khói lò quan trắc môi trường theo quy định; vận hành hệ thống xử lý khói lò nung không để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, mất an toàn, an ninh, trật tự, khiếu nại trong quá trình thực hiện; không vi phạm, ảnh hưởng đến hàng lang thoát lũ, công trình đê kè, thuỷ lợi; các quy hoạch liên quan; bảo đảm không sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất gạch nung; hoàn trả mặt bằng sau khi hết thời hạn sản xuất theo đúng các quy định...

Doanh nghiệp sử dụng đất khai thác ngay tại chỗ, trộn với cát, than để làm gạch gây ô nhiễm môi trường.

Mặc dù đã có sự chỉ đạo như vậy, nhưng không hiểu vì lý do gì, trong suốt một thời gian dài, huyện Mỹ Đức đã không thực hiện. Toàn bộ gần 7 lò gạch của Công ty Cổ phần Thủy sản và Du lịch Quan Sơn vẫn ngang nhiên hoạt động trong hàng lang thoát lũ. Công ty này tự ý đổ đất, làm đường chắn ngang sông Mỹ Hà, chặn dòng chạy của sông.

Việc này đã làm trái với Quyết định số 37/2013/QĐ-UBND ngày 18/9/2013 của UBND thành phố Hà Nội về quy định phạm vi bảo vệ đối với công trình thủy lợi trên địa bàn Hà Nội... thực tế đã cho thấy huyện Mỹ Đức và Chương Mỹ là 2 địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do lũ lụt gây ra hàng năm. Như vậy, chưa cần bàn về việc đơn thư phán ánh của người dân về ô nhiễm môi trường, riêng các vi phạm pháp luật về đề điều, thủy lợi những sai phạm này hoàn toàn có thể xử lý.

Những sai phạm tại huyện Mỹ Đức chưa dừng lại ở đây, ngày 12/4/2018, UBND thành phố Hà Nội có thông báo số 358/TB-UBND, thông báo kết luận của tập thể lãnh đạo UBND TP (Chủ tịch Nguyễn Đức Chung chủ trì) tại cuộc họp về tình hình hoạt động của các lò gạch thủ công, cải tiến có hệ thống xử lý khói thải, lò vòng sử dụng nguyên liệu hóa thạch đang tồn tại trên địa bàn TP.

Lò gạch của ông Nguyễn Bá Khẩn (Mỹ Đức) tự ý đào đất ven đê để làm gạch trái phép từ nhiều năm nay.

Văn bản này nêu rõ các đơn vị cần thực hiện xây dựng lộ trình chấm dứt hoạt động của các lò gạch theo các nhóm đối tượng... Gồm nhóm không phù hợp với quy hoạch, có khiếu nại, khiếu kiện (chấm dứt trong tháng 6/2018). Chấm dứt nhóm không đúng quy hoạch và gây ô nhiễm môi trường...dừng hoạt động trong năm 2018....Tuy nhiên theo quan sát của PV, từ nhiều năm nay và cho đến thời điểm này tháng 6 năm 2019, các lò gạch của Công ty Cổ phần Thủy sản và Du lịch Quan Sơn vẫn hoạt động rầm rộ ngày đêm.

Có thể nói sai phạm đã rõ ràng, các quy định của pháp luật đã có, chỉ đạo của thành phố cũng rất kịp thời để giải quyết nguyện vọng chính đáng của người dân. Nhưng không hiểu vì lý do gì, UBND huyện Mỹ Đức vẫn cố tình để xảy ra những sai phạm này...Việc này khiến dư luật đặt ra câu hỏi, có hay không bảo bao che cho sai phạm? Và liệu có "lợi ích nhóm" ở đây hay không?

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Thực tế ở nhiều địa phương, việc duy trì sản xuất lò gạch thủ công cải tiến đã biến hàng trăm ha đất nông nghiệp có hàm lượng chất đất tốt sang dạng hoang hóa; hoa màu bị ảnh hưởng. Cùng với đó, hàng chục ha đất nông nghiệp bị biến thành ao hồ do lấy đất để làm gạch khiến cảnh quan môi trường bị phá vỡ.

Không những vậy việc sử dụng than, củi để đốt lò sẽ thải ra môi trường hàng loạt khí độc hại, rất nguy hiểm cho sức khỏe người dân như: cacbon đioxit (CO2), cacbon monoxit (CO), lưu huỳnh đioxit (SO2), lưu huỳnh trioxit (SO3);...
Bạn đang đọc bài viết Mỹ Đức: Ai 'bảo kê' cho các lò gạch hoạt động trái phép? (kỳ 1). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đồng Nai: Nhà hàng Purli xây dựng trái phép giữa rừng cao su
Theo phản ánh của nhiều người dân, Nhà hàng – hầm rượu Purli (ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm và đi vào hoạt động từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại không hay biết.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...