Thứ sáu, 26/04/2024 05:44 (GMT+7)

Sai phạm tại dự án công viên cây xanh Hà Đông: Xử lý để cho... tồn tại?

MTĐT -  Thứ hai, 14/08/2017 10:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mặc dù đã có yêu cầu xử lý những sai phạm trong sử dụng đất sai mục đích tại dự án Công viên cây xanh Hà Đông, Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay hàng loạt công trình xây dựng trái phép vẫn hiên ngang tồn tại và có dấu hiệu tiếp tục thi công một cách ngang nhiên.

“Biến tấu” một chủ trương đúng của Thành phố

Với chủ chương là chống lấn chiếm, khắc phục tình trạng hoang hóa và lãng phí nguồn tài nguyên đất, ngày 14/2/2015, UBND quận Hà Đông đã có văn bản số 320/UBND-VP gửi UBND thành phố Hà Nội đề xuất phương án quản lý khai thác sử dụng tạm thời đối với diện tích đất rộng 52,8 ha, thuộc khu đất quy hoạch xây dựng Khu công viên thể thao cây xanh quận Hà Đông.

Ngày 22/5/2015, UBND thành phố Hà Nội có Văn bản số 3461/UBND-KH&ĐT chấp thuận, cho phép UBND quận Hà Đông tổ chức quản lý sử dụng khai thác tạm, toàn bộ diện tích đã giải phóng mặt bằng thuộc khu đất được quy hoạch xây dựng công viên, thể thao cây xanh quận Hà Đông và phải đảm bảo nguyên tắc mục tiêu là phục vụ nhu cầu hoạt động thể dục, thể thao, phù hợp kế hoạch chung của dự án.

Hàng loạt nhà hàng được xây dựng kiên cố vẫn ngang nhiên tồn tại

Văn bản yêu cầu các đơn vị khai thác chỉ được phép xây dựng công trình tạm bằng các vật liệu tạm, khấu hao nhanh (sân bóng mini, sân tập golf, bãi đỗ xe tĩnh…); không xây dựng công trình kiên cố, xây dựng công trình cấp 4, 1 tầng và phải đảm bảo quản lý an ninh trật tự, vệ sinh môi trường.

Chủ trương của thành phố là vậy nhưng trên thực tế, khu đất này lại đang bị chi nhánh Phát triển Quỹ đất quận Hà Đông cho một loạt các đơn vị thuê để xây dựng công trình nhà kho, nhà hàng, gara ôtô, các ki ốt bán hàng.

Trên khu đất dự án này, hàng loạt nhà xưởng, kho bãi được dựng lên kiên cố với những khung sắt lớn, bốn bề quây tôn kín mít. Tại đây, cũng đang mọc lên một loạt nhà hàng được bài trí hoành tráng và bề thế.

Những sai phạm này cũng đã được UBND quận Hà Đông yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý và phải báo cáo kết quả lên quận trước ngày 15/05/2017. Tuy nhiên, đến nay nhiều công trình xây dựng vẫn chưa được tháo dỡ, xử lý theo quy định.

Bất chấp văn bản yêu cầu xử lý, những công trình này vẫn “án binh bất động”.

Đùn đẩy trách nhiệm

Để tìm hiểu về tình hình xử lý những công trình xây dựng sai phép và trách nhiệm của cơ quan quản lý, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có buổi làm việc với ông Đinh Công Đạt – Phó GĐ Chi nhánh phát triển quỹ đất Hà Đông.

Một loạt nhà xưởng vẫn hoạt động với hàng chục công nhân làm việc bên trong.

Những công trình được đầu tư tiền tỷ như này liệu có dễ xử lý tháo dỡ?

Trao đổi với PV, ông Đạt cho biết, tại dự án Công viên cây xanh Hà Đông hiện có 12 đơn vị đang vận hành khai thác và thừa nhận có tồn tại những công trình sử dụng không đúng chức năng, mục đích.

Khi phóng viên đặt vấn đề về những công trình nhà xưởng, nhà hàng được xây dựng sai mục đích, không có trong quy hoạch sẽ bị xử lý như nào và tiến độ xử lý ra sao?, Ông Đạt cho biết, những công trình xây dựng trái phép đó các phường thường nắm rõ hơn mình nên việc tháo dỡ sẽ do phường trực tiếp xử lý.

Dãy “biệt thự nhà vườn” đang được gấp rút hoàn thiện để sớm đưa vào sử dụng.

“Các vi phạm này đã được Quận, thanh tra xây dựng lập biên bản, xử phạt 90 triệu/1 trường hợp rồi, việc khắc phục các phường đang làm. Anh cũng có nắm thông tin nhưng nó không được sát, chỉ chung chung”, ông Đạt cho biết thêm.

Khi phóng viên yêu cầu được xem các văn bản xử lý vi phạm các đơn vị sai phạm thì ông Đạt từ chối cung cấp và đề nghị phóng viên xuống UBND các phường lấy với lý do những giấy tờ đó phường đều nắm giữ cả.

Bên cạnh đó là một loạt các công trình đang tổ chức thi công xây dựng

“Em cứ xuống dưới phường người ta sẽ có, bọn anh cũng có phối hợp nhưng không lưu giữ những cái đó, đơn vị chủ trì là thanh tra xây dựng, UBND các phường sẽ lưu”, ông Đạt biện minh.

Để tiếp tục tìm hiểu tiến độ xử lý, tháo dỡ những công trình sai phạm, phóng viên đã liên hệ làm việc với UBND phường Hà Cầu.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Chí Công (nhân viên kiểm tra xây dựng phường Hà Cầu) cho biết, tại địa bàn phường Hà Cầu có 8 (thực tế là 10) công trình xây dựng không đúng mục đích sử dụng. Hiện nay đã có 04 công ty tiến hành tháo dỡ, vẫn còn nhiều đơn vị chưa chịu khắc phục sai phạm như Cty Việt Bi, Cty Đức Thịnh, Cty Đăng Minh, Cty Hoàng Long.

Cũng theo ông Công, việc tháo dỡ những công trình quận giao cho phường xử lý chưa có thời gian cụ thể mà chỉ giao đến hết 15/5/2017, phường phải báo cáo tiến độ các đơn vị lập hồ sơ và tháo dỡ công trình. Khi được đề nghị cho xem những báo cáo của phường và những văn bản xử lý công trình sai phạm, ông Công cũng từ chối cung cấp và đề nghị phóng viên lên chi nhánh phát triển quỹ đất Hà Đông lấy, bởi những văn bản này đã được gửi lên trên chi nhánh.

Khi được hỏi về trách nhiệm trong công tác quản lý, giám sát của địa phương thì ông Công cho biết, khu khai thác tạm giao trực tiếp cho trung tâm phát triển quỹ đất thì trách nhiệm chính phải thuộc về trung tâm, phường chỉ là đơn vị liên đới.

Liệu đến khi nào, những công trình này mới được xử lý triệt để?

Ghi nhận thực tế của phóng viên tại khu đất dự án trên ngày 11/08 cho thấy, việc xử lý những công trình sai phạm trên dường như chỉ dừng lại ở mức độ đối phó. Hàng loạt công trình sai phạm vẫn còn ngang nhiên hoạt động như nhà hàng Minh Hương, nhà hàng TUKIBAR, cá giò Viễn Đông, gà Mạnh Hoạch… cùng với đó là những nhà kho, nhà xưởng đang được tiếp tục gia cố và sửa chữa.

Tại khu đất Hà Trì của phường Hà Cầu, hiện nay vẫn còn tồn tại một nhà xưởng rộng hàng nghìn mét vuông hoạt động tấp nập, phía ngoài xe tải nối đuôi nhau chờ bốc xếp hàng hóa, bên trong có cả trăm công nhân đang hối hả làm việc. Xung quanh nhà xưởng này, một loạt nhà kho của các công ty khác cũng đang hoạt động bình thường như chưa hề có sự vào cuộc xử lý của các cơ quan chức năng.

Đặc biệt, tại khu vực phía sau nhà hàng Mạnh Hoạch đang xuất hiện một loạt công trình dạng “biệt thự nhà vườn” được xây dựng rất kiên cố. Mỗi căn này có diện tích gần 100m2, bao quanh bằng hệ thống cổng sắt, tường rào thép gai chắc chắn. Tại những công trình này, một tổ công nhân đang gấp rút hoàn thiện để đưa những căn nhà vào sử dụng.

Tại khu đất đối diện, tại đây một nhóm công nhân khoảng 10 người đang tiến hàng đào đất, xây móng để rải sắt đổ bê tông. Bên cạnh là một lán trại công nhân, vật liệu xây dựng được tập kết ngổn ngang dưới lòng đường.

Việc cho các đơn vị thuê đất xây những công trình xây dựng sai phép của chi nhánh phát triển quỹ đất Hà Đông là đã rõ. Tuy nhiên những sai phạm này đến nay vẫn chưa được khắc phục, xử lý triệt để. Dư luận có quyền đặt nghi vấn, liệu có “lợi ích nhóm” đằng sau những công trình này không?

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin tình hình xử lý những công trình sai phạm này.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Bạn đang đọc bài viết Sai phạm tại dự án công viên cây xanh Hà Đông: Xử lý để cho... tồn tại?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đồng Nai: Nhà hàng Purli xây dựng trái phép giữa rừng cao su
Theo phản ánh của nhiều người dân, Nhà hàng – hầm rượu Purli (ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm và đi vào hoạt động từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại không hay biết.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.