Thứ tư, 17/04/2024 05:36 (GMT+7)

Tân Phú, TPHCM: Nhà thuộc sở hữu Nhà nước mà “chia thừa kế”?

Nguyễn Dũng - Minh Đức -  Thứ tư, 24/07/2019 14:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Quyết định của Tòa đã gây tổn thất nghiêm trọng đến gia đình ông Phạm Chí Sơn nên ông đã làm đơn xin được giám đốc thẩm bản án phúc thẩm.

Từ đơn cầu cứu của ông Phạm Chí Sơn 73 tuổi, ngụ tại số 21, Tự Quyết, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh gửi đến tòa soạn, chúng tôi với mong muốn được dư luận quan tâm xem xét trường hợp gia đình ông Sơn cùng 9 nhân khẩu đã cư ngụ gần 21 năm tại địa chỉ trên mà phút chốc phải ra đường ở theo phán quyết của Tòa án.

Ông Phạm Chí Sơn và ngôi nhà số 21, đường Tự Quyết, phường Tân Sơn Nhì, thành phố Hồ Chí Minh mà gia đình ông Sơn  đã trú ngụ 21 năm qua

Bán sang tay nhà thuộc sở hữu nhà nước

Được biết năm 1998, gia đình ông Phạm Chí Sơn cùng vợ là bà Huỳnh Thị Ly có ký hợp đồng mua nhà của ông Đào Văn Kiểm và bà Đào Thị Đỉnh một phần căn nhà số 14 đường Tự Quyết, phường 17, quận Tân Bình (nay là số 21 đường Tự Quyết, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú) thành phố Hồ Chí Minh diện tích 7,2m x 20m với giá là 30 lượng vàng. Phần diện tích còn lại ông Kiểm cũng lập hợp đồng giấy tay bán cho hai hộ khác ở hai bên phần nhà ông Sơn. Theo thoả thuận ông Sơn giao cho ông Kiểm 4 lượng vàng trước để dọn vào ở, số còn lại sẽ trả đủ khi hoàn tất thủ tục sang tên, trước bạ. 

Qua quá trình làm thủ tục sang tên thì phát hiện căn nhà trên thuộc diện nhà nước quản lý, không mua bán được vì bị nhà nước kê biên. Cho nên hai bên không thể tiếp tục giao dịch mua bán. Sau đó ông Kiểm vẫn yêu cầu ông Sơn đưa hết số vàng còn lại, ông Sơn không đồng ý, ông Kiểm khởi kiện yêu cầu huỷ hợp đồng mua bán căn nhà trên và yêu cầu gia đình ông Sơn dọn ra trả lại nhà.

Đến năm 1999, Công ty Dịch vụ Giao thông Đô thị Tân Bình ký hợp đồng cho ông Đào Văn Kiểm thuê lại căn nhà ấy qua một lần gia hạn nữa cho đến năm 2009. Thực tế đây là hợp đồng ký khống vì ông Kiểm không còn lưu trú tại đây. Gia đình ông Kiểm đã rời khỏi căn nhà này từ năm 1998 (có xác nhận của công an địa phương). Trong khi đó vào ngày 07/4/2004, ông Kiểm đã ký hợp đồng sang nhượng căn nhà số 14 đường Tự Quyết trên cho Đào Văn Quảng. Việc mua bán này diễn ra tại Hoa Kỳ có xác nhận của Lục Quận Sự Orange, bang California – USA.

Đến năm 2005, UBND phường Tân Sơn Nhì đã cấp ba số nhà mới cho ba hộ mua nhà giấy tay với ông Kiểm, tổng diện tích phần đất ấy là số 19A, số 21 và số 23. Ông Sơn được cấp số 21 đường Tự Quyết (trước đây thuộc phường 17, quận Tân Bình). Được biết,  hộ ông Sơn và hai hộ còn lại đã nộp tiền thuế đất đầy đủ từ năm 1998 đến nay. Thể hiện rõ qua Biên lai Thu số 0006925, ký hiệu BC/2019T ngày 20/5/2019 của Chi cục thuế quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh.

Sở Xây dựng TP.HCM khi tiếp nhận đơn gia đình ông Sơn đề nghị được xem xét, ký hợp đồng thuê nhà số 21 Tự Quyết đã chuyển đơn cho Đội quản lý nhà quận Tân Phú đề nghị ký hợp đồng thuê lại cho ông Sơn theo thẩm quyền nhưng đến nay quận Tân Phú vẫn chưa giải quyết.

Bản án đã lấy đi mạng người

Qua hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm, phần thắng đều thuộc về ông Đào Văn Kiểm.

Theo đó, quyết định hủy hợp đồng mua bán một phần nhà số 21 Tự Quyết và buộc gia đình ông Sơn có trách nhiệm trả cho các thừa kế của ông Kiểm phần nhà đất nêu trên. Về phía các thừa kế của ông Kiểm phải trả cho ông Sơn bốn lượng vàng kèm chi phí di chuyển, sửa chữa nhà tổng cộng gần 200 triệu đồng.  

Bản án của Tòa không màng đến việc ông Sơn là người trực tiếp ngụ cư, vô tình đẩy một gia đình có chín nhân khẩu vào hoàn cảnh cùng cực, không nơi nương tựa, màn trời chiếu đất. Vụ việc trên đã gây tổn thất nghiêm trọng đến gia đình ông Sơn khiến bà Huỳnh Thị Ly (vợ ông Sơn) quá uất ức đã ngã quỵ tại toà, sau khi chuyển đến bệnh viện cấp cứu đã tử vong mấy ngày sau đó. Riêng ông Sơn kháng cáo toàn bộ bản án yêu cầu xét xử lại.

Cục Thi hành án dân sự TP. HCM đã có quyết định thi hành án theo quyết định bản án phúc thẩm và có kế hoạch cưỡng chế buộc ông Sơn và những người trong gia đình giao trả nhà. Tuy nhiên, ngày 09-04-2019, Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM ra văn bản hoãn việc cưỡng chế thi hành án. Trong văn bản nêu rõ: “theo yêu cầu của Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM, Cục Thi hành án phải báo cáo Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự TP, để có hướng chỉ đạo thực hiện, tránh tình trạng khiếu kiện phức tạp”.

Về thủ tục tố tụng trong vụ án phúc thẩm số 26/2017/DS-PT ngày 16/3/2017 của Toà án Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã vi phạm pháp luật. Cụ thể là ông Kiểm có ký giấy uỷ quyền cho con ông Kiểm là Đào Duy Tiến tham gia tố tụng nhưng vào cuối năm 2016, ông Kiểm đã chết vì bệnh nên theo quy định tại khoản 3, điều 422 của Bộ luật Dân sự 2015 “Chấm dứt hợp đồng” thì các hợp đồng dân sự liên quan đến ông Kiểm đều phải chấm dứt (hợp đồng thuê nhà với nhà nước và hợp đồng uỷ quyền cho con ông Kiểm).

Theo khoản 1 điều 74 Bộ luật tố tụng 2015 “Kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng”, tại buổi xét xử phúc thẩm, Toà án Nhân dân Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh không đưa ra các thừa kế của ông Kiểm mà vẫn xác định ông Đào Duy Tiến là đại diện hợp pháp cho ông Kiểm để tham gia tố tụng. Điều đó là trái luật, vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng dân sự.

Theo Luật sư Đặng Huỳnh Lộc, Đoàn luật sư TPHCM: “theo nhiều văn bản xác nhận thì nhà số 21 Tự Quyết thuộc sở hữu Nhà nước không phải tài sản cá nhân không thể nào biến thành tài sản thừa kế cho các con ông Kiểm. Trong khi đó, ông Kiểm ký hợp đồng thuê nhà đến hết năm 2015 là hết hạn, ông Kiểm chuyển quyền thuê nhà cho ông Sơn dù không được cấp thẩm quyền thừa nhận nhưng thực tế gia đình ông Sơn đang quản lý sử dụng, đã ngụ cư lâu năm, có hộ khẩu thường trú, đóng thuế nhà, đất hằng năm đầy đủ, theo Pháp luật Dân sự quy định ông Sơn là đối tượng ưu tiên, cơ quan quản lý nhà và Sở xây dựng phải xem xét cho ông Sơn trực tiếp ký hợp đồng thuê nhà dài hạn. Không thể lấy tài sản Nhà nước giao lại cho cá nhân khi người đó không phải người trực tiếp thuê nhà”.

Hiện ông Phạm Chí Sơn đã gửi đơn kêu cứu đến nhiều nơi và gửi đơn xin xét xử vụ án theo trình tự Giám đốc thẩm. Với tin thần thượng tôn pháp luật, bảo vệ sự nghiêm minh của công lý rất mong Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, sớm kháng nghị bản án phúc thẩm số 26/2017/DS-PT ngày 16/3/2017 theo thủ tục giám đốc thẩm,  đem lại sự công bằng, quyền lợi hợp pháp cho gia đình ông Phạm Chí Sơn.

Được biết, UBND TP.HCM vừa kiến nghị  Thủ Tướng Chính Phủ chấp thuận tiêu chí xác định thời điểm bố trí sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước đối  với các trường hợp người ở sữ dụng do chiếm dụng. Người ký hợp đồng thuê sau đó tự ý  tự chuyển quyền thuê cho người khác thì thời điểm bố trí sử dụng nhà ở được xác định theo thời điểm người chiếm dụng nhà được giải quyết ký hợp đồng thuê nhà.

Cụ thể trường hợp người đang sử dụng nhà ở có giấy tờ chứng minh việc bố trí sử dụng trước ngày 19-01-2007 thì thời điểm bố trí sử dụng được xác định theo thời điểm giấy tờ chứng minh  bố trí sử dụng nhà ở đó có hiệu lực thi hành.

Bạn đang đọc bài viết Tân Phú, TPHCM: Nhà thuộc sở hữu Nhà nước mà “chia thừa kế”?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đồng Nai: Nhà hàng Purli xây dựng trái phép giữa rừng cao su
Theo phản ánh của nhiều người dân, Nhà hàng – hầm rượu Purli (ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm và đi vào hoạt động từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại không hay biết.

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.