Thứ bảy, 20/04/2024 17:33 (GMT+7)

Tp Đà Lạt - tỉnh Lâm Đồng: Tranh chấp hợp đồng trong gia đình - Vì đâu nên nỗi?

Nhóm PV -  Thứ sáu, 23/03/2018 14:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vụ án tranh chấp hợp đồng cho/tặng tài sản giữa bà Nguyễn Thụy Ánh Nga và bà Nguyễn Thị Tiến được Tòa án nhân dân thành phố Đà Lạt thụ lý từ ngày 17/5/2017

Sự việc cũng không có gì phức tạp. Theo đó, nguyện vọng của các bên tranh chấp đều yêu cầu Tòa sớm đưa vụ án ra xét xử nhằm mục đích ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, cho đến nay đã gần một năm trôi qua mà vụ án chưa được giải quyết bằng một bản án theo trình tự sơ thẩm, điều này gây bức xúc cho các bên tranh chấp. Vì sao TAND Tp Đà Lạt cố tình kéo dài thời gian xét xử khi vụ án thụ lý đã vượt quá thời hiệu theo quy định của Pháp luật?

Diễn biến sự việc

Năm 2008, UBND thành phố Đà Lạt có nhu cầu thu hồi đất để xây dựng công viên kết hợp khu vui chơi giải trí ở đường Bà Huyện Thanh Quan, phường 10 Tp Đà Lạt, trong đó có một phần đất do bà Nguyễn Thụy Ánh Nga sử dụng.

Vì vậy, khi thực hiện việc thu hồi, UBND thành phố Đà Lạt có bố trí tái định cư cho bà Nguyễn Thụy Ánh Nga một lô đất với diện tích 132m 2 tại lô đất LK 97- Khu quy hoạch dân cư đường Yersin (theo Quyết định số 3261/ QĐ- UBND) và bà Nga phải đóng tiền sử dụng đất theo quy định của nhà nước.

Sau khi nhận được lô đất tái định cư nêu trên, cha mẹ của bà Nga là ông Nguyễn Đức Năm và bà Nguyễn Thị Tiến có bàn với bà Nga về việc xây dựng nhà ở trên đất. Theo bà Nga cho biết: Vì bà là giáo viên nghèo, không có tiền nên hai bên có thỏa thuận với nhau, bà Nga để cho bà Tiến đứng tên đồng sở hữu tài sản trên thửa đất có diện tích 132m 2 mà bà Nga đã được nhà nước bố trí tái định cư khi thu hồi đất, ngược lại ông Nguyễn Đức Năm (cha của bà Nga) bỏ tiền ra xây dựng 02 căn nhà trên đất để hai bên cùng về ở. Sau này bà Nga có điều kiện trả lại tiền đầu tư xây dựng nhà cho ông Năm thì bà Nga được toàn quyền quyết định nhà và đất nói trên. Việc xây dựng nhà do ông Năm phụ trách trông coi và bố trí về mặt kiến trúc

 Ngôi nhà đang tranh chấp

Trong thời gian khởi công xây dựng nhà, bà Nga có vay mượn ngân hàng số tiền là 80.000.000đ để phụ cho ông Năm lo việc mua vật tư. xây dựng sai thiết kế và không đúng với thỏa thuận

Cuối năm 2011, khi công trình xây dựng hoàn tất bà Nga dọn về ở thì mới phát hiện ra sự nghịch lý của công trình này, cụ thể như sau:

Nhìn vào hình thức bên ngoài ai cũng tưởng là hai căn nhà có sự bố trí độc lập cho hai gia đình. Tuy nhiên, khi vào bên trong mới thấy rõ được sự bố trí tuy hai mà một. Căn nhà được bố trí có cửa thông qua nhau. Gian phía sau có diện tích lớn hơn gian phía trước, được bố trí nhà bếp rộng rãi, có 02 phòng ngủ, có bồn nước và sân phơi quần áo nên tiện cho việc sinh hoạt gia đình, nhưng tuyệt nhiên không có phòng khách. Ngược lại, gian phía trước có phòng khách rộng rãi nhưng lại không có nhà bếp, bồn nước, và sân phơi như gian phía sau. Như vậy, cách bố trí theo hiện trạng này rõ ràng là vẫn sinh
hoạt lệ thuộc chung chứ không phải tách biệt một cách đập lập như thỏa thuận ban đầu giữa bà Nga, ông Năm và bà Tiến…

Bản vẽ thiết kế ngôi nhà đã được phê duyệt

Đây là cách làm 2 trong 1 một cách cố tình và có ý đồ của ông Năm vì theo bản thiết kế, 2 căn nhà được bố trí hoàn toàn độc lập. Vì vậy, khi xây xong căn nhà không được hoàn công và không đủ điều kiện để cấp giấy chủ quyền nhà ở. Điều lạ lùng là, Sở Xây dựng Lâm Đồng cấp phép xây dựng nhưng không giám sát, chủ nhà xây sai thiết kế, sử dụng đến nay mấy năm vẫn không thấy Thanh tra Sở đến kiểm tra theo luật định (!).

 Hợp đồng cho/tặng giữa bà Nga và bà Tiến

Vì sự việc đã rồi nên buộc bà Nga phải chọn căn nhà phía sau để có chỗ sinh hoạt gia đình. Khi bà Nga chọn căn nhà phía sau về ở thì ông Năm thông báo cho bà Nga biết: Căn nhà phía sau có 04 tầng lầu, diện tích lớn hơn căn nhà phía trước là 24m 2 , do đó, bà Nga phải trả lại tiền chênh lệch diện tích này cho ông Năm. Điều đáng nói là mặc dù đã giao căn nhà phía sau cho bà Nga sử dụng nhưng ông Năm và bà Tiến lại lấy tầng trệt cho người khác thuê để kinh doanh.

Đến năm 2015, bà Nga có đề cập đến việc mua lại phần nhà và đất mà bà Tiến đồng sở hữu nhưng ông Năm bà Tiến không chấp thuận. Lúc này, Chính quyền địa phương cho phân quyền sở hữu đồng tài sản. Thời điểm này bà Nga đang bán Cafe’ nên đồng nghĩa với việc bà phải trả tiền thuê mặt bằng cho ông Năm, do đó, bà Nga chọn căn nhà phía trước để tiện việc buôn bán và sinh hoạt. Văn phòng đăng ký QSD đất thành phố Đà Lạt hướng dẫn phân chia theo tỷ lệ 50/50 nhưng ông Năm bà Tiến không đồng ý mà chỉ đồng ý phân chia theo hiện trạng đang sử dụng. Phần phía sau có diện tích lớn hơn phần phía trước 24m 2 nhưng ông bà Năm không nói gì đến việc trả lại tiền chênh lệch diện tích cho bà Nga, mặc dù trước đó ông bà Năm buộc bà Nga trả tiền chênh lệch khi chọn gian phía sau (!). Đã vậy, vài tháng sau đó, ông Năm bà Tiến còn yêu cầu chị Nga bàn giao lại toàn bộ giấy tờ nhà và phần đất đang đứng quyền sử dụng lại cho ông bà. Qua đó, ông bà sẽ trả lại số tiền 40 triệu đồng mà trước đây chị đóng tiền đất khi mua lại của nhà nước. Mặc dù chưa được các cấp có thẩm quyền phân định tài sản đồng sở hữu riêng cho hai bên nhưng khi bà Nga không đồng ý yêu cầu nói trên, ông Năm - bà Tiến lại tự ý lập hợp đồng cho tặng quyền sử dụng đất này cho các người con khác mà không thông báo gì việc này cho bà Nga biết. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà Nga vì thực tế trên đất đã có nhà ở được xây dựng (sai thiết kế chưa khắc phục - PV), đồng thời đang có tranh chấp chưa được giải quyết bằng một quyết định có hiệu lực pháp luật của các cấp chính quyền.

 Hợp đồng cho/tặng giữa bà Tiến và các người khác.

Vì đâu nên nỗi?

Trên thực tế, sự thỏa thuận giao kết giữa bà Nga - ông Năm - bà Tiến ngay từ lúc ban đầu là một hợp đồng có điều kiện. Cụ thể là, bà Nga có đất, ông Năm bà Tiến bỏ tiền ra để xây 02 căn nhà độc lập, hoàn toàn sử dụng riêng cho 2 gia đình. Nếu khi tiến hành xây dựng, ông Năm - bà Tiến tuân thủ đúng theo bản thiết kế đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền các cấp phê duyệt thì đâu đến nỗi phải xảy ra tranh chấp. Tuy nhiên, vì mưu đồ và lợi ích nhỏ nhen của mình, ông Năm đã xây dựng nhà sai với thiết kế được phê duyệt, mọi cái sai khác cũng từ đó mà ra. Căn nhà này ngày nay không thể hoàn công được do xây dựng sai thiết kế và không được nhà nước công nhận để cấp quyền chủ sở hữu, từ dó thành vật có xác mà không có hồn. Như vậy, bà Nga có tài sản nhưng không thể đưa tài sản này ra giao dịch, bà Nga phải chịu thiệt thòi về quyền lợi? Mặt khác, công trình xây dựng sai thiết kế được tồn tại gần 08 năm giữa trung tâm thành phố Đà Lạt không lẽ các cơ quan ban ngành lại không biết để can thiệp và điều chỉnh?

Theo hồ sơ thể hiện, phần đất tại GCN số CD 213211 được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp ngày 05/10/2016 cho Nguyễn Thụy Ánh Nga và bà Nguyễn Thị Tiến là tài sản đồng sở hữu. Điều đó được quy định rất rõ tại Bộ luật Đất đai 2013 và Bộ Luật dân sự năm 2015. Thế nhưng không hiểu sao, những người đồng sở hữu khác lại tự ý mua bán /cho tặng mà không hề thông qua chủ sở hữu còn lại. Đây là hành vi xâm phạm trắng trợn quyền, lợi ích hợp pháp của đồng sở hữu này.

Điều quan trọng là, đây là một hợp đồng có điều kiện, vì việc thực hiện điều kiện không đúng theo như thỏa thuận nên về nguyên tắc, hợp đồng này bị vô hiệu. Xét về cả tình và lý thì ông Năm - bà Tiến đều sai khi cố tình phá vỡ điều kiện thỏa thuận, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà Nga. Do đó, bà Nga mới có cơ sở khởi kiện đến Tòa án với yêu cầu hủy hợp đồng tặng cho tài sản giữa bà Nga và bà Tiến…

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, đã quá thời hiệu quy định của pháp luật về việc thụ lý, giải quyết hồ sơ mà Tòa án nhân dân dân Tp Đà Lạt vẫn còn “ngâm” vụ án (!). Từ những dẫn chứng nêu trên, chúng tôi kiến nghị đến Tòa án nhân dân thành phố Đà Lạt sớm đưa vụ án ra xét xử theo nguyện vọng của các bên tranh chấp nhằm mục đích sớm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trên sự công bằng của Pháp luật./.

Bạn đang đọc bài viết Tp Đà Lạt - tỉnh Lâm Đồng: Tranh chấp hợp đồng trong gia đình - Vì đâu nên nỗi?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đồng Nai: Nhà hàng Purli xây dựng trái phép giữa rừng cao su
Theo phản ánh của nhiều người dân, Nhà hàng – hầm rượu Purli (ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm và đi vào hoạt động từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại không hay biết.

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất