Thứ năm, 25/04/2024 05:32 (GMT+7)

TP.HCM: Nhiều uẩn khúc sau bản án tranh chấp đất thừa kế

Hoàng Minh - Nguyễn Hiếu -  Thứ sáu, 13/07/2018 17:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Người mua miếng đất thừa kế hợp pháp, ngay tình, nhưng bỗng dưng một trong những người được thừa kế lại đâm đơn kiện tụng. Điều đáng nói, tòa án lại tuyên hợp đồng chuyển nhượng trên là vô hiệu.

Khốn khổ vì mua đất thừa kế

Theo hồ sơ vụ việc, cụ Trương Văn Hai và cụ Đặng Thị Sắng có tạo lập được căn nhà trên phần đất 1.907m2 tại số 614/53A tổ 2, KP 1, phường Phước Long B, quận 9 và một phần nhà đất ở quận Thủ Đức. Hai cụ có 9 người con chung là Liếng, Lắm, Lem, Rồi, Út, Quý và 3 người đã mất không có gia đình con cái.

Phần đất đang xảy ra tranh chấp.

Sau khi hai cụ mất không để lại di chúc, bà Thu con dâu (vợ ông Rồi) do trước đó ở cùng cụ Sắng nên anh chị em của ông Rồi tạm thời giao nhà đất của cụ Sắng cho bà Thu quản lý.

Ngày 18/12/2002, các con của cụ Hai và cụ Sắng họp gia đình và có thỏa thuận phân chia tài sản. Theo đó phần diện tích đất 1.907m2 mà bà Thu tạm quản lý trên được chia đều cho sáu người con thừa kế của cụ Hai và cụ Sắng.

Ngày 21/12/2002, những người đồng thừa kế của cụ Hai và cụ Sắng cùng với cán bộ lãnh đạo UBND phường Phước Long B đã tiến hành đo đạc. Đồng thời, lập biên bản những phần đất được phân chia cho các đồng thừa kế căn cứ theo giấy thỏa thuận phân chia tài sản ngày 18/12/2002 nêu trên.

Sau đó, căn cứ vào giấy thỏa thuận phân chia tài sản ngày 18/12/2002 và biên bản đo đạc đất ngày 21/12/2002, anh Quốc (con bà Liếng), bà Lem và bà Út đã chuyển nhượng phần đất được thừa kế cho ông Nguyễn Văn Mười. Còn ông Quý, bà Phiến, anh Định (con ông Lắm) chuyển nhượng phần đất được thừa kế cho ông Trần Linh Ngọc.

Tưởng chừng mọi chuyện êm xuôi, bất ngờ bà Thu lại quay ngoắt không đồng ý với bản thỏa thuận phân chia tài sản mà chính bà đã ký. Bà Thu một mực cho rằng phần đất mà cụ Hai, cụ Sắng để lại là tài sản thuộc sở hữu riêng của chồng bà là ông Rồi chứ không phải tài sản chung của các đồng thừa kế.

Bản án 1117/2017/DSPT gây nhiều bức xúc cho người mua ngay tình.

Ông Mười và ông Ngọc vô tình vướng vào chuỗi ngày khốn khổ khi loay hoay đứng giữa cuộc chiến tranh chấp đất của những người thừa kế. Và bản án mà Tòa tuyên hợp đồng chuyển nhượng đất không có giá trị pháp lý thực sự đã khiến hai ông như chết đứng.

Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Không lâu sau, bà Thu khởi kiện vụ án tranh chấp tài sản thừa kế của cụ Hai và cụ Sắng ra Tòa. Ngày 19/1/2017, TAND quận 9 đã có bản án số 20/2017/DS-ST về việc tranh chấp quyền sử đất tại phần đất nêu trên. Theo đó Tòa công nhận hợp đồng mua bán của ông Mười và ông Ngọc đối với các đồng thừa kế là ngay tình hợp pháp. Qua đó công nhận thỏa thuận của phân chia tài sản ngày 18/12/2002 của các đồng thừa kế.

Cứ ngỡ tranh chấp khép lại sau khi dư luận hoàn toàn ủng hộ quyết định của tòa. Thế nhưng sau đó, ngày 11/12/2017, TAND TP.HCM tiếp tục có bản án số 1117/2017/DSPT (bản án số 1117) về việc tranh chấp quyền sử dụng đất và hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Tại bản án số 1117, tòa bất ngờ tuyên mảnh đất tranh chấp trên là của bà Thu và hủy hợp đồng sang nhượng đất của những đồng thừa kế đã chuyển nhượng cho ông Mười và ông Ngọc.

Xử lý kiểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” như trên, khiến dư luận không khỏi hoang mang và nghi ngờ về tính minh bạch khi mà bản án có quá nhiều mâu thuẫn và thiếu căn cứ.

Cụ thể, các đồng thừa kế đều khẳng định khi hai cụ mất đều không để lại di chúc và  vợ chồng bà Thu chỉ là tạm đứng ra quản lý tài sản chứ không phải được cho vì ở đó có nhà thờ. Ông Mười cũng chỉ ra rằng từ khi cụ Hai, cụ Sắng sau đến ông Rồi mất, các anh chị em ông Rồi không ai khiếu nại hay tranh chấp nhà đất.

Điều đó không có nghĩa là vợ chồng ông Rồi và các con của hai ông bà có quyền sử dụng đất của cụ Hai, cụ Sắng. Đó cũng không phải là căn cứ để xác định anh chị em ông Rồi từ bỏ quyền thừa kế.

Biên nhận đơn xin kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm của VKSND Cấp cao tại TP.HCM.

Ông Mười bức xúc cho biết: “Thực tế chúng tôi đã nhận chuyển nhượng đất của các ông bà trên từ ngày 27/12/2002, trả tiền đầy đủ và nhận nhà đất, cho đến nay không hề có tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng.

Thế nhưng, TAND TP HCM lại cho rằng các hợp đồng này là vô hiệu. Tòa không giải quyết hết về hậu quả hợp đồng vô hiệu và tách để giải quyết bằng vụ án khác là thiếu trách nhiệm, bỏ qua quyền lợi chính đáng của chúng tôi”.

Đáng chú ý, trong quá trình giải quyết vụ án, những đồng thừa kế đã có đề nghị công nhận các hợp đồng chuyển nhượng nhà đất cho ông Mười và ông Ngọc. Thế nhưng việc này đã không được Tòa xem xét. Theo đó, ông Mười cho rằng Tòa có dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng, ảnh hưởng trực tiếp quyền lợi của đương sự trong vụ án.

Ngoài ra, các đồng thừa kế còn cho rằng Tòa đã tự suy diễn trong bản án 1117 về việc ông Rồi lập biên bản họp gia đình vào ngày 2/11/1994 để chia số tiền đền bù đất đợt 2 ở Thủ Đức (thời điểm này cụ Hai, cụ Sắng đã mất, ông Rồi đứng ra nhận tiền giải quyết). Nhưng tại buổi họp gia đình, không ai đề cập đến việc chia nhà đất, từ đó công nhận việc ông Rồi được hai cụ cho phần đất trên là suy diễn thiếu căn cứ. Bởi bản chất của biên bản họp gia đình là chia số tiền đền bù chứ không phải chia đất. Theo đó không thể căn cứ vào việc gia đình không đề  cập đến việc chia đất là đồng ý việc hai cụ đã cho đất ông Rồi.

Theo ý kiến của VKSND TP.HCM về vụ án trên thì căn cứ giấy thỏa thuận ngày 18/12/2002 và biên bản đo đạc ngày 21/12/2002 nên bên bán đã lập hợp đồng sang nhượng đất cho ông Mười, ông Ngọc.

Do đó để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bên thứ 3 ngay tình và tính ổn định, cần bác yêu cầu kháng cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm là công nhận những hợp đồng chuyển nhượng trên.

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Nhiều uẩn khúc sau bản án tranh chấp đất thừa kế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đồng Nai: Nhà hàng Purli xây dựng trái phép giữa rừng cao su
Theo phản ánh của nhiều người dân, Nhà hàng – hầm rượu Purli (ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm và đi vào hoạt động từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại không hay biết.

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành