Thứ tư, 24/04/2024 18:32 (GMT+7)

TS. Phạm Sỹ Liêm -Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam: Có sự “bôi trơn” nên làm sai sẽ khó “hành” vì cùng lợi ích?

MTĐT -  Chủ nhật, 23/07/2017 13:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dư luận đang nóng câu chuyện, Tập đoàn FLC có nhiều công trình xây dựng sai phạm được “cất giữ” trong suốt nhiều năm. Chỉ đến khi Bộ Xây Dựng tổ chức thanh tra, kiểm tra, những sai phạm này mới lộ rõ. Đây là một trong những điều khiến dư luận bức xúc, bởi một tập đoàn lớn, xây dựng các công trình sang trọng ở những khu “đất vàng”, hà cớ gì qua mắt được các cơ quan chức năng?

Liên quan đến kết luận thanh tra, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có cuộc trao đổi với TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, nguyên thứ trưởng Bộ Xây Dựng.

TS. Phạm Sỹ Liêm -Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng

PV: Thưa ông, thời gian gần đây, câu chuyện Tập đoàn FLC xây dựng trái phép nhiều công trình đã khiến dư luận hết sức boăn khoăn. Điều khiến nhiều người ngạc nhiên hơn nữa là các dự án này đều nằm trên những vị trí “đất vàng”. Tuy nhiên, phải đến khi Thanh tra Bộ Xây Dựng vào cuộc mới phát hiện ra sai phạm, thậm chí là sai phạm lớn đã diễn ra nhiều năm. Phải chăng đang có điều gì bất ổn trong câu chuyện này thưa ông? Nếu cứ để sai phạm rồi hậu kiểm sẽ tạo tiền lệ xấu?

TS.Phạm Sỹ Liêm: Tôi rất hoan nghênh kết luận thanh tra của Bộ Xây Dựng. Hiện nay, công tác quản lý hiện nay có sự bất ổn. Việc xây dựng đều có quy hoạch, giấy phép xây dựng. Lúc xây xong, thường chủ đầu tư và nhà thầu bao giờ cũng tổ chức nghiệm thu để kiểm tra xem thử chất lượng, xác nhận công trình…

Thế nhưng, thiếu việc nghiệm thu toàn bộ một dự án, một khu vực dự án, quy hoạch chi tiết có làm đúng theo quy hoạch được cấp phép hay không. Chính sơ hở của việc không nghiệm thu dự án, không nghiệm thu việc thực hiện sau quy hoạch, nhiều chủ đầu tư đã lợi dụng điều này. Và sau khi xin phép xây dựng xong lại cố tình lấn đất, xây dựng không đúng với quy hoạch. Chẳng hạn, như đất cây xanh, bây giờ đặt nhà hàng, khách sạn để bán có giá trị; hoặc chung cư cao tầng, mỗi bề 25m, nhưng họ cố lấn ra mỗi bề 30m chẳng hạn; hoặc một con đường quy định trong thiết kế là từng đấy mét nhưng giờ lại làm hẹp lại…

Những việc lấn đất để đưa sai tiêu chuẩn, quy hoạch như vậy xảy ra rất nhiều nhưng không ai nghiệm thu, không ai đo đếm. Bộ Xây Dựng mới kiểm tra một vài nơi đã thấy những vi phạm như thế, sai với quy hoạch như thế, lúc thực hiện lại không kiểm tra.

Câu chuyện như chúng ta thấy đấy chỉ đến khi người dân có ý kiến, báo chí phát hiện mới đi thanh tra, phát hiện thì biết xử lý thế nào đây? Trên nguyên tắc làm sai chỗ nào sẽ phải sửa, phá đi, nhưng cũng rất khó. Chỉ có cách phạt thật nặng để triệt tiêu những lợi ích do lấn chiếm đất mang lại.

Cơ quan chức năng phải xem thật chi tiết đã lấn chiếm những gì, lấn chiếm đó mang lại bao nhiêu tiền, phạt đúng bằng số tiền đó sẽ mất hẳn đi. Như thế để lần sau không tái phạm, mới có tác dụng răn đe. Không để tình trạng chiếu cố, sửa quy hoạch một cách đối chiếu, qua loa.

Nhưng tôi thực sự băn khoăn việc xử lý sẽ thế nào mặc dù sai phạm đã được chỉ rõ ràng. Tôi vẫn nhấn mạnh, cần đặt chế độ nghiệm thu sau quy hoạch thật tốt.

FLC Resort Sầm Sơn (Thanh Hóa)

PV: Như ông nói, hậu kiểm mới phát hiện ra sai phạm sẽ khó xử lý. Vậy, cần thay đổi như thế nào trong vấn đề này và trách nhiệm của các bên liên quan ra sao, thưa ông?

TS.Phạm Sỹ Liêm: Nếu với bên cấp phép mà trước kia không có quy định thì bây giờ phải có quy định: Ai cấp phép gì, cấp phép như thế nào, nếu cấp phép quy hoạch thì phải kiểm tra xem chủ đầu tư có thực hiện đúng quy hoạch không? Đã cấp phép xây dựng phải có trách nhiệm kiểm tra đơn vị đó thực hiện có đúng với giấy phép đã được cấp hay không?

Tuy nhiên, có một vấn đề, số tiền dùng để kiểm tra, nhiều khi người ta thấy ngại vì đây là tiền Nhà nước. Các cơ quan càng cấp nhiều phép, càng cần nhiều tiền để thanh tra, kiểm tra. Do đó, ở các nước, khi cấp phép, họ sẽ thu một khoản tiền. Khoản tiền ấy dùng luôn để thanh tra, kiểm tra việc thực hiện có đúng không. Như vậy, lúc thanh tra là có tiền, không cần lo việc lấy đâu ra tiền để thanh tra. Nhiều người cho rằng, không có biên chế, kinh phí đi thanh tra.

Như vậy, việc cấp phép quy hoạch hay giấy phép xây dựng như hiện nay, tôi nghĩ đều phải thu một khoản tiền, tính toán khoản tiền đủ chi phí cho việc thanh tra, kiểm tra sau khi xây dựng.

Với người làm công tác thanh tra, kiểm tra, theo kinh nghiệm của Hoa Kỳ, họ dùng người trong xã hội, là các kỹ sư, tư vấn, ông nào trải qua một kỳ thi, kiểm tra đủ tư cách, trình độ làm thanh tra, kiểm tra sẽ được cấp một chứng chỉ hành nghề thanh tra, kiểm tra.

Với số tiền đã được thu từ khi cấp phép như tôi nói ở trên, cùng với lượng người đã có bằng như vậy, khi có việc ở bất cứ nơi nào, chính quyền, cơ quan cấp phép sẽ gọi điện cho đơn vị thanh tra này đến thanh tra, kiểm tra. Như vậy sẽ khách quan và nhanh.

Không cần có một biên chế thanh tra gì ghê gớm. Ở Hoa Kỳ, số người làm dịch vụ thanh tra, kiểm tra này có khoảng 10 vạn người, không phải ít. Kinh phí dùng chi trả cho những người này là kinh phí thu từ lúc cấp giấy phép quy hoạch, xây dựng. Tôi nghĩ điều này, Việt Nam có thể học được. Nhưng không hiểu sao hiện nay, các luật hiện hành còn sơ sài, chưa sát với thực tế.

PV:Trên thực tế, các khu xây dựng của FLC chọn, đều nằm ở những vị trí “đất vàng’’. Như vậy, việc xây dựng trong thời gian dài mà không phát hiện sai phạm. Dư luận đặt ra câu chuyện, có hay không việc tỉnh đã bao che cho các dự án của  Tập đoàn FLC?

TS.Phạm Sỹ Liêm: Lúc cấp, người ta có duyệt quy hoạch, đã biết ai sai ai đúng mà bao che? Vấn đề là cấp phép có sai so với tiêu chuẩn, quy định của Nhà nước không. Nhưng có một vấn đề, thường ở khâu cấp đất, dính dáng đến quy hoạch phải “bôi trơn” mới được cấp đất cho dự án. Số tiền “bôi trơn” cũng phải khá, những vị trí càng “đất vàng” càng phải “bôi trơn”.

Đáng lẽ, đất ở “vị trí vàng” phải đem đấu giá công khai, ai trả cao được sử dụng. Đấu giá như vậy mới mang lại lợi ích và đúng với giá thị trường. Tôi e rằng, đã có “bôi trơn” để được cấp phép. Vì có sự “bôi trơn” nên nếu cấp phép xong, làm sai sẽ khó “hành” vì cùng lợi ích với nhau. Còn nếu phát hiện có sự tiếp tục “bôi trơn” trong giai đoạn đã phát hiện ra sai phạm thì rõ ràng là bao che.

PV:Một trong những nội dung tại  kết luận thanh tra của Bộ Xây Dựng nêu rõ, từ năm 2013, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt quy hoạch sân gofl trước khi Thủ tướng đồng ý bổ sung vào quy hoạch tới 11 tháng?

TS.Phạm Sỹ Liêm: Nếu kết luận này đúng thì Thủ tướng phải yêu cầu các cáp ngành liên quan khiển trách, xử phạt với UBND tỉnh Thanh Hóa. Chúng ta chờ xem Thủ tướng sẽ xử lý thế nào. Nếu cấp phép trước khi Thủ tướng đồng ý là sai rõ ràng và phải chịu trách nhiệm. Tôi chưa nói việc xây dựng có sai không nhưng ngay từ thủ tục, trình tự cấp phép nếu đúng như kết luận thanh tra thì rõ ràng là sai.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Hân Nguyên (Thực hiện)

Bạn đang đọc bài viết TS. Phạm Sỹ Liêm -Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam: Có sự “bôi trơn” nên làm sai sẽ khó “hành” vì cùng lợi ích?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đồng Nai: Nhà hàng Purli xây dựng trái phép giữa rừng cao su
Theo phản ánh của nhiều người dân, Nhà hàng – hầm rượu Purli (ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm và đi vào hoạt động từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại không hay biết.

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.