Thứ bảy, 20/04/2024 07:25 (GMT+7)

Tuyên Quang: Mỏ đá cho doanh nghiệp bên ngoài vào vận chuyển đất?

Nhóm PV -  Thứ sáu, 16/08/2019 13:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mỏ đá của Công ty CP Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang tiến hành cho Công ty TNHH MTV Da giầy Phúc Sinh lấy đất số lượng lớn để san lấp dự án.

Liệu có phải đất đá thải phát sinh?

Liên quan đến việc mỏ đá vôi của Công ty CP Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang tại thôn Khuôn Ráng và thôn Hang Hút, xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang gây ô nhiễm ảnh hưởng bụi bặm trong quá trình vận chuyển tại thôn Khuôn Ráng có dấu hiệu khai thác tận thu tài nguyên đất bán cho doanh nghiệp bên ngoài theo phản ánh của người dân địa phương.

 Khu vực này chỉ có “mỏ đá” thì ngoài sản phẩm là đá xay thì họ còn thấy rất nhiều đất được chở ra khỏi khu vực mỏ nên nhiều người nghi ngờ rằng, chủ mỏ đá đã lợi dụng việc bóc lớp đất phủ để khai thác đất trái phép, thu lời.

Các xe tải vận chuyển đất từ mỏ đá của Công ty CP Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang ra dự án Công ty TNHH MTV Da Giầy Phúc Sinh.

Ngay sau khi nhận được phản ánh, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có mặt tại khu vực phản ánh và mỏ đá vôi của Công ty CP Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang ghi nhận thông tin.

Trao đổi với chị N.T.T. (người dân tại khu vực) cho biết: Dự án đang san lấp của Công ty Da Giầy lấy đất từ trong mỏ đá vôi ra san lấp. Thời gian này dự án đang trong quá trình đẩy nhanh san lấp nên các đoàn xe chở đất từ mỏ đá ra tấp nập gây bụi bặm, rơi vãi ra đường và ồn ào. “Dùng đất san lấp chứ dùng gì nữa đất thịt đất đỏ các anh nhìn xem”.

Tại đây, hàng ngày đoàn xe tải vẫn liên tục nối đuôi vận chuyển đất từ mỏ đá của Công ty CP Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang ra QL2C chuyển đến Dự án của Công ty TNHH MTV Da Giầy Phúc Sinh cách mỏ đá khoảng 1km. Trong quá trình vận chuyển các đoàn xe tải chạy tấp nập gây bụi mù và đặc biệt không hề được che chắn gây rơi vãi đất đá ra đường quốc lộ.

Sau đó, PV có cuộc trao đổi với ông Dương Văn Tuấn – Chủ tịch xã Phúc Ứng, ông Tuấn cho biết: Công ty Da Giầy Phúc Sinh mua lớp đất mặt (lớp bây - PV)” của Công ty Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang để san lấp mặt bằng, trong quá trình vận chuyển việc rơi vãi đất đá ảnh hưởng tới môi trường là không tránh khỏi. Tuy nhiên chúng tôi cũng đã kiểm tra nhắc nhở các bên liên quan khắc phục.

Tiếp đó PV đã có cuộc trao đổi với ông Triệu Quang Nghị, người đại diện cho Công ty CP Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang.

Trụ sở Công ty CP Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang.

Ông Nghị cho biết: Công ty CP Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang được đăng ký thành lập và hoạt động theo luật doanh nghiệp, có thông tin đầy đủ theo quy định. Việc mỏ đá vận chuyển đất đá thải ra khu vực nhà máy là được sự thống nhất tại Biên bản giữa Công ty CP Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang (CPLS&KS) với Công ty TNHH MTV Da giầy Phúc Sinh lập ngày 25/05/2019. Công ty CPLS&KS Tuyên Quang đồng ý cho Công ty TNHH MTV Da Giầy Phúc Sinh đất đá thải rắn công nghiệp không có thành phần nguy hại để tiến hành san lấp mặt bằng tại cơ sở sản xuất gia công giầy dép xuất khẩu của công ty Công ty TNHH MTV Da giầy Phúc Sinh. Số lượng đất đá thải cho Công ty TNHH MTV Da Giầy Phúc Sinh tiến hành san lấp khoảng hơn 1.000 m3.

Theo khoản 3 Điều 30 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 (Nghị định về quản lý chất thải và phế liệu ) về Trách  nhiệm  của chủ nguồn thải chất thải rắn công nghiệp thông thường: Tự tái sử dụng, sơ chế, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng thì phải “ký hợp đồng chuyển giao cho đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường.

Như vậy có thế thấy, nếu chủ nguồn thải không tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp thông thường thì phải ký hợp đồng chuyển giao cho đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường. Tuy nhiên, Công ty CP Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang lại chuyển giao chất thải rắn công nghiệp thông thường cho một công ty Da giày để san lấp mặt bằng liệu có đúng các quy định pháp luật hiện hành?

Ngoài ra, với số lượng đất mà các đoàn xe tải lớn nhỏ vẫn đang tiến hành vận chuyển liên tục hàng ngày từ mỏ đá ra để san lấp Dự án rộng lớn của Công ty TNHH MTV Da Giầy Phúc Sinh liệu đó có chỉ khoản hơn 1.000 m3 như khẳng định? Đặc biệt các xe chở đất ra khỏi mỏ không hề qua trạm cân của Công ty CPLS&KS Tuyên Quang.

Để làm rõ thông tin phản ánh và ghi nhận của báo chí, ngày 11/7 PV đã đặt lịch làm việc với Văn phòng UBND huyện Sơn Dương. Tuy nhiên, sau nhiều lần liên hệ, lãnh đạo UBND huyện Sơn Dương cố tình né tránh cung cấp thông tin liên quan đến vấn đề này.

Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục đưa tin:

Bạn đang đọc bài viết Tuyên Quang: Mỏ đá cho doanh nghiệp bên ngoài vào vận chuyển đất?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đồng Nai: Nhà hàng Purli xây dựng trái phép giữa rừng cao su
Theo phản ánh của nhiều người dân, Nhà hàng – hầm rượu Purli (ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm và đi vào hoạt động từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại không hay biết.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...