Thứ sáu, 29/03/2024 01:40 (GMT+7)

Ứng Hòa-Hà Nội: Dự án nâng cấp cải tạo đê tả Đáy bị phản đối?

Yến Oanh -  Thứ hai, 11/06/2018 13:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dự án nâng cấp cải tạo đê tả Đáy đoạn qua xã Đồng Tiến (Ứng Hòa-Hà Nội) đang bị phản đối vì có nhiều dấu hiệu bất cập.Thậm chí, người dân cho rằng "chưa từng được lấy ý kiến" dù phê duyệt từ năm 2014!

Theo phản ánh của người dân tới tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử ngày 11/5/2018, tại nhà văn hóa thôn Vân Đình, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa (TP Hà Nội) đã tổ chức lễ khởi công Dự án "Nâng cấp và cải tạo đê tả Đáy đoạn qua xã Đồng Tiến và thị trấn Vân Đình". 

Trong lễ khởi công có một số hộ dân trong thôn Đoàn Xá được mời tham dự. Khi ấy, người dân mới biết một số thông tin về dự án này.

Đơn phản ánh của tập thể nhân dân thôn Đoàn Xá, xã Đồng Tiến có ghi rõ rằng: Chúng tôi là những hộ dân sẽ phải chịu ảnh hưởng, tác động bởi Dự án nhưng không được chủ đầu tư cũng như các cấp chính quyền lấy ý kiến theo quy định của pháp luật.

"Chúng tôi vô cùng bất ngờ, bức xúc! Đây là lần đầu tiên chúng tôi được nghe về Dự án trong khi Dự án đã được UBND T.P Hà Nội phê duyệt từ năm 2014, chưa một lần các cấp chính quyền thông báo hoặc xin ý kiến cộng đồng dân cư về việc này", người dân cho hay.

Nếu theo nội dung của "dự án nâng cấp cải tạo đê tả Đáy" thì phần trước cửa nhà của dãy nhà giáp đê này sẽ bị đào sâu 2-3 mét để làm đường gom. Ngươi dân bức xúc "chúng tôi không thể bắc thang lên nhà được"...

Và, căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện thành thì chủ đầu tư và các cơ quan hữu quan có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan đến dự án.

"Như vậy, chủ đầu tư và chính quyền đã không tuân thủ quy định ngay từ khâu lập dự án ban đầu", người dân bức xúc.

Được biết, thôn Đoàn Xá có tổng hơn 800 hộ dân, trong đó có gần 100 hộ dân có nhà sát mặt đường đê và khoảng 400 hộ dân lân cận mặt đê tả Đáy. Các hộ dân đã sinh sống bám mặt đê từ nhiều đời, xây dựng nhà kiên cố, nền nhà cao hơn mặt đê,.. hầu hết đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Một dự án được lập và phê duyệt kéo dài gần chục năm nhưng đến nay người dân không hề hay biết, bức xúc vì cho rằng đến ngày khởi công thì dân mới biết sự có mặt của dự án, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân.

Theo nhận định của người dân, nếu làm đường gom (lu, lèn) sẽ gây nứt, lún, rạn, thậm chí gây đổ, sập các công trình nhà cửa. Nếu thiết kế đường gom bằng hạ độ cao thấp hơn mặt đê 2-3m thì chúng tôi sẽ đi vào nhà bằng cách nào khi đường gom thấp hơn nhà, và nhà lại tiếp ráp đường gom khiến việc đi ra vào nhà của các hộ sẽ vô cùng khó khăn, không thể bắc thang lên nhà được. Hoạt động đồng áng của các hộ xung quanh cũng bị ảnh hưởng khi xây đường gom.

Nếu dự án thiết kế làm mở rộng mặt đường đê thay vì làm đường gom sẽ tiết kiệm kinh phí rất nhiều và hoàn toàn khả thi, tạo khối vững chắc bảo vệ chân đê trước mùa mưa lũ thiên tai...

Người dân cũng kiến nghị phải tổ chức một cuộc đối thoại giữa các bên để nghe người dân trình bày, góp ý về dự án, “thay vì làm đường gom, hạ độ cao đường như thiết kế thì điều chỉnh lại quy hoạch theo hướng làm đường bằng mặt đê như thiết kế của đoạn đường qua địa phận thị trấn Vân Đình vừa đảm bảo giao thông thuận lợi, tiết kiệm chi phí và phù hợp với thực tế xây dựng của địa bàn, thuận lợi cho các hộ dân trong giao thông”.

Để có thêm thông tin khách quan, PV đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Hưởng - Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tiến. Qua trao đổi, ông Hưởng cho biết: "Về các văn bản thì vì chủ đầu tư là UBND huyện mà đại diện là Ban Quản lý dự án nên các văn bản xã không lưu và không cung cấp được"?!

Theo ông Hưởng, UBND T.P Hà Nội đã có văn bản chấp thuận bố trí kinh phí cho Dự án, được ý kiến thẩm định của sở: TN&MT, Giao thông vận tải, Quy hoạch kiến trúc, Chi Cục quản lý đê điều,... 

"Mới hôm 25/5 vừa qua, bên tư vấn thiết kế người ta cũng về và đưa ra hướng làm đường gom dân sinh. Số hộ ven đê vào khoảng 7-80 hộ. Từ tim đê vào là 9-12m là không vào các hộ, chỉ vào mái vẩy chìa ra ngoài nên tôi nghĩ không có vấn đề gì. Theo tôi, làm đường gom tầm 3m5 như vậy cũng chẳng có khác gì so với làm thêm mặt đê, mái đê lát bằng đá...", ông Hưởng phân tích.

Điều này nhân dân thôn Đoàn Xá đã bức xúc phản ánh với PV rằng: "Chúng tôi không thể bắc thang lên nhà được".

Về việc xã đã phổ biến với người dân như thế nào về dự án trên để nhân dân được biết, ông Hưởng khẳng định rằng: "Trước đây, các hộ vi phạm về đổ đất, lấn chiếm đều lập các biên bản và khi đó chúng tôi đã nói về chủ trương của thành phố sẽ làm đường gom"???

"Dân đã có đơn lên xã, huyện. Thẩm quyền thì chúng tôi cũng không có thẩm quyền, đối với người dân thì người ta đang sống yên ổn, thấy làm như vậy thì họ cứ ý kiến thôi...", ông Hưởng thông tin thêm. 

Khi hỏi về quan điểm của xã đối với Dự án trên cũng như phản ánh kiến nghị của nhân dân thôn Đoàn Xá, ông Hưởng lại cho biết: "Cái này thuộc thẩm quyền của huyện nên xã cũng không có ý kiến gì...".

Được biết, người dân đã gửi đơn kiến nghị lên UBND huyện Ứng Hòa để làm rõ những khúc mắc cũng như đợi câu trả lời, giải thích thỏa đáng từ cấp chính quyền liên quan đến Dự án trên.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin về nội dung này!

Dự án nâng cấp cải tạo Đê tả Đáy đoạn qua xã Đồng Tiến và thị trấn Vân Đình được UBND T.P Hà Nội phê duyệt theo Quyết định số 5551/QĐ-UBND ngày 28/10/2014, do UBND huyện Ứng Hòa làm chủ đầu tư. Dự án có chiều dài 5.646,4m. Đơn vị thi công là Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng Hùng Linh và Công ty Cổ phần phát triển xây dựng Đông Quang.

Điểm đầu triển khai Dự án là đoạn Km59+515,29 - Km 63 + 59,09, thuộc khu vực giao giữa xã Sơn Công và Đồng Tiến. Được biết, Dự án nâng cấp, cải tạo có tổng kinh phí dự toán trên 45,8 tỷ đồng.

Mục tiêu thực hiện Dự án là nâng cấp, cải tạo đê tả Đáy nhằm đảm bảo an toàn đê điều chống tái lấn chiếm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phòng chống lụt bão, hộ đê khi mưa lũ xảy ra kết hợp cải thiện điều kiện giao thông góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bạn đang đọc bài viết Ứng Hòa-Hà Nội: Dự án nâng cấp cải tạo đê tả Đáy bị phản đối?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.