Thứ năm, 28/03/2024 19:44 (GMT+7)

Vụ kiện hành chính ở Bắc Giang: UBND H. Hiệp Hòa đề nghị hủy QĐ 4511

Thành Trung -  Thứ hai, 22/04/2019 08:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong phần xét xử tại phiên sơ thẩm, đại diện UBND huyện Hiệp Hòa (người bị kiện) đã “ngỏ ý” muốn thẩm phán tuyên hủy Quyết định 4511/QĐ-UBND ngày 19/12/2016 mà UBND huyện này ban hành.

 Người khởi kiện giữ nguyên quan điểm

 Ngày 19/4/2019, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã mở phiên tòa sơ thẩm, 29 hộ dân (thuộc các xã Bắc Lý, Hương Lâm, Châu Minh) kiện UBND huyện Hiệp Hòa đã ban hành Quyết định 4511/QĐ-UBND ngày 19/12/2016.

Thành phần tham gia tố tụng tại phiên tòa gồm có, Hội đồng xét xử: Thẩm phán – Chủ tọa phiên tọa ông Dương Thế Vinh, Các Hội thẩm nhân dân, ông Nguyễn Ngọc Sửu và ông Ngô Văn Bê; Người khởi kiện: Đại diện được ủy quyền của 29 hộ dân và luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của 29 hộ dân; Người bị kiện là: Ông Ngô Tiến Dũng - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa; Ông Phạm Văn Thịnh nguyên Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa, (nay giữ chức Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bắc Giang) cũng tham gia.

Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang

Diễn biến tại phiên tòa cho thấy, phía khởi kiện vẫn giữ nguyên quan điểm, yêu cầu tòa tuyên hủy bỏ Quyết định 4511/QĐ-UBND ngày 19/12/2016 của Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.

Để bảo vệ quan điểm này, đại diện được ủy quyền của 29 hộ dân và luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 29 hộ dân đưa ra nhiều luận cứ xác đáng.

Theo Quyết định 4511/QĐ-UBND ngày 19/12/2016 Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa xác định loại đất của các hộ dân là loại đất thuộc khu dân cư ở các vùng ven đô thị, thị trấn, trung tâm huyện, trục đường giao thông (quốc lộ, tỉnh lộ).... là không đúng, vì:

 Thứ nhất, theo quy định tại điểm a Điều 3 Mục 1 Thông tư liên tịch số 94/TT/LB ngày 14/11/1994 của ban vật giá chính phủ, bộ tài chính, bộ xây dựng, tổng cục địa chính quy định thửa đất thuộc khu dân cư ven đầu mối giao thông, trục đường giao thông chính cần đáp ứng đủ 2 điều kiện:

+ Đất khu dân cư ven đầu mối giao thông và trục đường giao thông chính bao gồm: đất ven ngã ba, ngã tư... trục đường giao thông, bến phà, bến cảng, sân bay do Trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý.

+ UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là UBND cấp tỉnh) quy định tiêu chuẩn cụ thể vùng đất ven.

Với điều kiện thứ nhất, đất thuộc khu dân cư ven đầu mối giao thông, trục đường giao thông phải do Trung ương và tỉnh đồng thời quản lý.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu và tìm hiểu, nguyên đơn không thấy có bất kỳ một văn bản pháp luật nào quy định đường 295 huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang do trung ương quản lý.

Hơn nữa, tại Quyết định này (QĐ 4511), trong các văn bản pháp luật được chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa căn cứ lại không có văn bản nào của UBND tỉnh Hà Bắc quy định về phân cấp quản lý đường bộ.

Với điều kiện thứ hai, UBND cấp tỉnh phải quy định tiêu chuẩn cụ thể vùng đất ven. Để một thửa đất được xác định là đất ven đầu mối giao thông, trục đường giao thông thì phải đáp ứng được tất cả các tiêu chuẩn của vùng đất ven này. Tuy nhiên, tại Hà Bắc thời bấy giờ UBND tỉnh không ban hành quy định về tiêu chuẩn vùng đất ven.

Do đó, các thửa đất của người dân 3 xã Bắc Lý, Hương Lâm, Châu Minh không đủ điều kiện để trở thành đất khu dân cư ở các vùng ven đô thị, đầu mối giao thông và trục đường giao thông chính, khu thương mại, khu du lịch, khu công nghiệp không nằm trong đô thị.

Việc UBND huyện Hiệp Hòa tự ý xác định loại đất của người dân thuộc nhóm đất này là không có căn cứ.

Thứ hai, tại Quyết định số 142/2004/QĐ-UB ngày 31/12/2004 của UBND tỉnh Bắc Giang quy định về Bảng giá mức giá các loại đất áp dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, tại Bảng 5 Bảng giá đất ở thị trấn, ven trục đường giao thông, quốc lộ, tỉnh lộ, khu công nghiệp, khu du lịch chỉ áp dụng đối với các thửa đất tại Thị trấn Thắng và xã Đức Thắng.

Tại Quyết định số 112/2005/QĐ-UB ngày 22/12/2005 của UBND tỉnh Bắc Giang quy định Bảng mức giá các loại đất áp dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang: Giá đất ở ven trục đường tỉnh lộ 295 áp dụng đối với đoạn từ trường THCS Đức Thắng đến cống Ba Mô.

Điều này chứng tỏ đến năm 2005 các thửa đất ven trục đường 295 tại các xã Bắc Lý, Hương Lâm, Châu Minh vẫn chỉ là đất khu dân cư ở nông thôn chứ không phải đất vùng ven trục đường giao thông chính (quốc lộ, tỉnh lộ).

Vùng quê nghèo bị áp mức giá đất cao nhất

Đối với các trường hợp bị áp giá đất tại thời điểm giao đất là 24.200 đồng/m2, nguyên đơn không đồng ý với việc Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa khi xác định các khu đất của các hộ thuộc hạng 2 (là hạng cao nhất trong bảng giá đất) và áp giá là 24.200 VNĐ/m2 (là giá cao nhất trong khung giá hạng 2), Bởi:

Thứ nhất, theo Bảng 2 Bảng giá các loại đất áp dụng tại Hà Bắc theo QĐ số 320 thì hạng đất đối với đất tại các xã trung du, đất khu dân cư ở nông thôn được chia làm 5 hạng (từ hạng 2 đến hạng 6) và có khung giá đất từ 500 đồng/m2 đến 24.200 đồng/m2 mà không có quy định cụ thể về điều kiện phân hạng và giá đất áp dụng cụ thể trong khung giá.

Thứ hai, theo quy định tại Điều 2 Mục I Thông tư liên tịch số 94 thì Hạng đất để xác định giá đất khu dân cư ở nông thôn được xác định căn cứ vào các yếu tố: khả năng sinh lợi, giá trị sử dụng, vị trí và giá đất thực tế ở địa phương.

Thời điểm năm 1995, người dân các xã thuộc huyện Hiệp Hòa với văn hóa làng xã từ lâu đời, họ sống tập trung trong khu dân cư, cách xa đường lớn và có “tập tính” sản xuất theo mô hình tự cung, tự cấp, không giao thương với bên ngoài. Để thuận tiện cho sinh hoạt, người dân còn lập chợ, trường học và các công trình công cộng khác tại trung tâm của khu dân cư. Vì vậy, đối với cơ sở hạ tầng của các thửa đất bám đường 295 thời điểm lúc bấy giờ không được đầu tư và không có giá trị sử dụng cao, đường 295 chỉ là con đường đất rộng 3 mét, mỗi năm từ tháng 4 đến tháng 9 do mưa nhiều dẫn đến bị lầy lội, trơn, trượt, gây khó khăn trong việc di chuyển.

Hơn nữa, về điều kiện kinh tế tại địa phương thực sự khó khăn, mỗi vụ lúa năng suất vẫn còn thấp mà nhà nào thì cũng đông con, để có tiền mua đất, những người dân này đã phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi.

Tại đơn đề nghị số 28/UB của UBND xã Hương Lâm đã có xác nhận của UBND huyện Hiệp Hòa còn ghi nhận xã Hương Lâm là xã cuối cùng có điện trong phạm vi toàn huyện.

Khó khăn là thế nhưng khi địa phương thiếu tiền làm điện, các đoàn thể ban ngành đã vận động người dân mua đất để có tiền phục vụ cho địa phương, người dân vẫn cố gắng để mua đất.

Vậy mà khi được cấp GCNQSD đất, những người dân này lại bị yêu cầu phải đóng thêm số tiền rất lớn nữa. Đáng chú ý là khi xác định hạng đất và giá đất cụ thể tại thời điểm giao đất, CT UBND huyện Hiệp Hòa lại không căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương mà tự ý xác định hạng đất của những hộ dân này là hạng 2, hạng cao nhất trong khung giá đất và áp giá cao nhất trong hạng này với giá 24.200 VNĐ/m2 mà không đưa ra được bất kỳ căn cứ nào.

Ghi nhận thực tế tại phiên tòa cho thấy, phía người bị kiện (UBND huyện Hiệp Hòa) cũng đã ngỏ ý muốn thẩm phán tuyên hủy Quyết định 4511/QĐ-UBND ngày 19/12/2016 mà UBND Hiệp Hòa ban hành.

Ngày 19/4/2019 phiên sơ thẩm đã kết thục phần tranh luận đang chuyên sang phận nghị án. Dự kiến phiên tòa sẽ tiếp tục mở vào ngày 24/4/2019.

 Môi trường và Đô thị sẽ tiếp tục thông tin!

Bạn đang đọc bài viết Vụ kiện hành chính ở Bắc Giang: UBND H. Hiệp Hòa đề nghị hủy QĐ 4511. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.