Thứ bảy, 20/04/2024 08:40 (GMT+7)

Loạn giá máy xét nghiệm COVID-19: Trách nhiệm thuộc về ai?

MTĐT -  Thứ hai, 04/05/2020 11:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau khi hàng loạt cán bộ lãnh đạo CDC Hà Nội và doanh nghiệp bị khởi tố do sai phạm trong mua máy xét nghiệm Covid-19, hàng loạt các địa phương cũng đã được điểm danh mua máy giá cao bất thường.

Ngay sau khi Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) khởi tố vụ án hình sự "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại CDC Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội), hàng loạt các địa phương đã được điểm danh mua máy giá cao bất thường như Quảng Ninh ký hợp đồng 8,4 tỷ sau đàm phán giảm còn 5,2 tỷ, Quảng Nam 7,2 tỷ, CDC Bắc Ninh, Ninh Bình mua với giá 5,9 tỷ, Thái Bình mua với giá 6,4 tỷ đồng sau giảm còn 5,85 tỷ đồng …

Một số địa phương khác đã hoặc đang làm thủ tục mua máy được dư luận “điểm danh” nghi ngờ mua giá cao đã thông báo rộng rãi là “máy đi mượn” của doanh nghiệp cho dù các địa phương này chỉ thông báo sau khi xảy ra vụ CDC Hà Nội.

Mới đây, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thanh tra việc thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc chữa bệnh… phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt là các gói thầu mua sắm hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa…nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra để điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Giá máy xét nghiệm COVID-19 tại nhiều địa phương cao bất thường.

Dư luận đặt ra câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai khi để xảy ra sự việc loạn giá mua máy Realtime PCR xét nghiệm COVID-19 tại nhiều địa phương?

Trao đổi với Kiến Thức, Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, nếu thanh tra xác định có sự việc các địa phương mua máy xét nghiệm cao hơn nhiều lần giá nhập khẩu thì đó là trách nhiệm của Giám đốc Sở Y tế và Giám đốc Sở Tài chính ở các địa phương.

“Sở y tế đề xuất, thậm chí là chủ đầu tư. Trong khi đó Sở Tài chính là đơn vị đề xuất, thẩm định về giá. Tuy nhiên, người cuối cùng ở UBND tỉnh ai ký duyệt thì người đó sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề này. Tôi cho rằng, có sự liên kết chặt chẽ với nhau trong vấn đề quan trọng này” – đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

Ông Hào cũng nhấn mạnh, việc mua vật tư, thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19 mà có tiêu cực không chỉ ở Hà Nội mà nhiều địa phương khác trên cả nước cần phải làm cho rõ.

Không thể nào chấp nhận lợi dụng trong tình hình dịch bệnh, khó khăn cho Nhà nước, cho nhân dân mà một tổ chức, một nhóm người lợi dụng để trục lợi cá nhân là không chấp nhận được. Khi phát hiện sai phạm phải truy cứu trách nhiệm hình sự tới nơi tới chốn, không trừ bất cứ một ai và không bỏ sót bất cứ người nào, tổ chức nào làm ra những sai phạm đó. Không có vùng cấm, ai sai phạm phải xử lý đến nơi đến chốn theo quy định của pháp luật” – đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Thiếu vai trò giám sát của ngành y tế?

Trao đổi với TTO, TS Nguyễn Việt Hùng - nguyên vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu (nay là Cục Quản lý đấu thầu), Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng: “Mua máy bằng tiền thuế của dân thì phải có bàn tay của Nhà nước trong kiểm soát giá, phải thuê tư vấn thẩm định giá độc lập để kiểm tra mặt bằng giá bán thiết bị trên thế giới và trong nước, chứ không thể buông lỏng quản lý."

Ông Hùng cũng cho biết, để rút ngắn thời gian mua sắm, cung ứng nhanh chóng các máy xét nghiệm COVID-19 phục vụ công tác chống dịch tại địa phương, theo Luật đấu thầu, các địa phương được quyền chỉ định thầu mua sắm thiết bị, hóa chất, vật tư y tế.

Nhưng thực trạng mỗi địa phương chỉ định thầu mua máy Realtime PCR xét nghiệm COVID-19 một giá, cao gấp nhiều lần giá nhập khẩu khoảng 2-3 tỉ đồng/máy là do cơ quan quản lý nhà nước ngành y tế không có định hướng về giá cho các địa phương thực hiện.

TS Nguyễn Việt Hùng - nguyên vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu

Thiếu vai trò giám sát, quản lý của Bộ Y tế nên không có một mặt bằng giá trong mua sắm máy xét nghiệm COVID-19 là đương nhiên. Bởi các doanh nghiệp cung cấp máy xét nghiệm COVID-19 có nguồn nhập khẩu thiết bị khác nhau, chất lượng khác nhau nên họ sẽ chào giá bán máy xét nghiệm khác nhau.

Thiết bị y tế là mặt hàng chuyên dụng, nhưng cơ quan quản lý ngành y tế không thực hiện vai trò quản lý thị trường trang thiết bị y tế dẫn tới việc doanh nghiệp muốn bán bao nhiêu thì bán. Vì lợi nhuận, doanh nghiệp nhập khẩu một nhưng bán gấp 2-3 lần cũng không ai giám sát để ngăn chặn những tiêu cực. Hạn chế của việc chỉ định thầu trong mua sắm tài sản công là chỉ có một người bán, một người mua nên rất dễ nảy sinh tiêu cực, trục lợi, tham nhũng.

Ông cho rằng, việc xác định giá nhập khẩu máy Realtime PCR xét nghiệm COVID-19 trên thị trường không khó, nhưng cơ quan quản lý ngành y tế đã không hướng dẫn kịp thời nên sở y tế các địa phương khi mua máy không có cơ sở để đối chiếu. Sở y tế các địa phương hoàn toàn có thể tham khảo giá mua máy từ các hãng sản xuất trước khi trình lãnh đạo tỉnh ký phê duyệt giá chỉ định thầu mua máy. Nhưng một số nơi đã không làm.

Theo quy định của Luật đấu thầu thì sở y tế địa phương sẽ chọn phương pháp lấy báo giá của 3 doanh nghiệp cung cấp máy xét nghiệm COVID-19, sau đó sẽ chọn doanh nghiệp có báo giá thiết bị thấp nhất để lập dự toán mua máy (thực tế cao gấp nhiều lần giá thị trường), sau đó sẽ chỉ định thầu thấp hơn dự toán được lập để mua máy xét nghiệm.

Thực tế dự toán giá mua máy xét nghiệm COVID-19 được các địa phương phê duyệt trong thời gian qua, cần làm rõ xem có phải không có nhiều ý nghĩa khi các bên liên quan cố tình lách luật để trục lợi. Các doanh nghiệp cung cấp thiết bị y tế có thể đã bắt tay với nhau để nâng giá bán sản phẩm ngay từ khâu báo giá cho các sở y tế. Vì thế phương pháp sử dụng 3 bảng báo giá của 3 nhà thầu khác nhau để xác định giá mua máy xét nghiệm sẽ không chính xác.

Vì không có ai quản lý, giám sát quá trình chỉ định thầu mua máy xét nghiệm COVID-19 nên việc các địa phương xác định giá mua máy xét nghiệm sai không bị phát hiện. Chỉ đến khi có đơn tố cáo CDC Hà Nội có gian lận trong đấu thầu, Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, các địa phương mới giật mình điều chỉnh giảm giá mua máy xét nghiệm COVID-19 để trốn tránh trách nhiệm.

"Về hình thức thì các địa phương chỉ định thầu mua máy xét nghiệm COVID-19 thời gian qua không sai, họ đã chỉ định giá mua máy xét nghiệm không cao hơn giá gói thầu, nhưng bên trong lại có thể có tiêu cực khi giá gói thầu được lập cao hơn nhiều lần giá trên thị trường và gây thiệt hại cho Nhà nước.", ông Hùng nhấn mạnh.

 P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Loạn giá máy xét nghiệm COVID-19: Trách nhiệm thuộc về ai?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...