Thứ sáu, 26/04/2024 01:13 (GMT+7)

Bạc Liêu:Toà cho rằng Quyết định của UBND tỉnh là đúng pháp luật (2)

Huỳnh Minh Đức -  Thứ hai, 18/11/2019 08:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

HĐXX không yêu cầu người bị kiện cung cấp chứng cứ, chứng minh việc thu hồi đất là do người dân tự nguyện hiến đất.

Việc cung cấp các tài liệu, chứng cứ về việc thu hồi đất là nghĩa vụ của người bị kiện. HĐXX không yêu cầu người bị kiện cung cấp chứng cứ, chứng minh việc thu hồi đất là do người dân tự nguyện hiến đất.

Hành trình khởi kiện

Như Môi trường và Đô thị Việt Nam đã thông tin về việc ông Huỳnh Minh Hùng (ngụ tại 5/141B lộ Bờ Tây, Khóm 5, Phường 2, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) là người có đất bị UBND thị xã Bạc Liêu (nay là TP Bạc Liêu) thu hồi mà không ban hành bất kỳ quyết định hay văn bản về việc thủ tục thu hồi đất.

Nguồn gốc phần đất trên là do ông cha để lại, vào năm 1996 UBND thị xã Bạc Liêu tiến hành đào đất làm lộ trên phần đất của ông Hùng với tổng diện tích là 2.370m² (ngang 20m, dài 118,5m). Vào thời điểm đó, chính quyền các cấp không có thông báo phương án giải toả, thu hồi đất, bồi thường thiệt hại cho người dân và cũng không có văn bản thông báo về dự án xây dựng lộ Bờ Tây. Không đồng ý trước những việc làm trên, ông Hùng khiếu nại đến UBND thị xã Bạc Liêu yêu cầu được đền bù phần đất bị giải toả.

Đến tháng 12 năm 2013, khi Nhà nước tiến hành làm lộ kiên cố trên phần đất đó và không bồi thường nên ông Hùng tiếp tục khiếu nại đến các cấp có thẩm quyền. Ngày 11/02/2914, Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu ban hành Quyết định số 40/QĐ-UBND (Quyết định 40) với nội dung không chấp nhận yêu cầu bồi thường phần đất đã thu hồi. Ông tiếp tục khiếu nại, ngày 28/3/2014 Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu ban hành Quyết định số 49/QĐ-UBND (Quyết định 49) với nội dung điều chính một phần Quyết định 40.

Không đồng ý đối với Quyết định 49 nên ông tiếp tục khiếu nại, đến ngày 21/4/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu ban hành Quyết định số 556/QĐ-UBND (Quyết định 556) với nội dung không chấp nhận yêu cầu khiếu nại của ông Hùng. Việc ban hành Quyết định 556 của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của ông. Bức xúc trước hành xử và việc làm của chính quyền, ông Hùng đã khởi kiện vụ việc ra TAND tỉnh Bạc Liêu.

Ông Huỳnh Minh Hùng (85 tuổi) trình bày nỗi oan khi bị thu hồi đất qua toà sơ thẩm.

Toà cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên như nhau

Ngày 25/8/2015, TAND tỉnh Bạc Liêu mở phiên toà xét xử sơ thẩm, tại phiên toà, đại diện UBND tỉnh Bạc Liêu phát biểu và không đồng ý bồi thường phần đất của ông Hùng bị thu hồi với lý do thời điểm này (thời điểm thu hồi- PV) pháp luật về đất đai không quy định chính sách bồi thường đối với việc thu hồi đất phục vụ vào mục đích quốc phòng, an ninh, giao thông thuỷ lợi.

Tại tòa, HĐXX đã nhận định vào năm 1996 UBND thị xã Bạc Liêu, tỉnh Minh Hải (tỉnh Minh Hải được tách thành hai tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau- PV) có chủ trương ủi lộ Bờ Tây để phục vụ đi lại cho người dân. Lúc này được nhân dân có đất đồng ý không khiếu nại, trong đó có hộ ông Huỳnh Minh Hùng. Đối với chính sách bồi thường thiệt hại khi thu hồi đất theo Luật Đất đai năm 1993, Chính phủ đã ban hành Nghị định 90/NĐ- CP ngày 17/8/1994, hướng dẫn bồi thường thiệt hại khi thu hồi đất. Theo quy định của Nghị định 90, khi cần thiết Nhà nước mới thu hồi đất để phục vụ an ninh quốc phòng, công cộng... Nghị định 90 là trên tinh thần đất đổi đất khi bị thu hồi toàn bộ đất. Nếu ông Hùng thuộc trường hợp được xem xét bồi thường thì áp dụng theo Nghị định 90 chứ không áp dụng theo Nghị định 22/NĐ-CP ngày 24/4/1998 của Chính phủ.

Thông báo 107/CV ngày 28/02/2008 chứng tỏ ông Hùng vẫn liên tục khiếu nại cho đến nay.

HĐXX sơ thẩm cũng cho rằng, theo quy định của Điều 17 Nghị định số 90-CP thì nếu ông Hùng có quyền khiếu nại trong thời hạn 15 ngày, nếu hết 15 ngày thì không còn quyền khiếu nại và không xem xét bồi thường. Nên năm 2008 ông Hùng mới khiếu nại yêu cầu bồi thường là đã hết thời hiệu. Từ những phân tích trên, HĐXX sơ thẩm đã bác yêu cầu khởi kiện của ông Hùng.

Chia sẻ về phán quyết của HĐXX sơ thẩm- TAND tỉnh Bạc Liêu, ông Hùng cho biết phán quyết của HĐXX sơ thẩm đã chưa xem xét và làm rõ bản chất vấn đề. Bởi lẽ, theo quy định của Điều 27, Luật Đất đai 1993 và Điều 3, Nghị định 90/NĐ- CP ngày 07/8/1994 của Chính phủ thì gia đình ông được đền bù thiệt hại về đất và tài sản hiện có trên đất. Hơn nữa, việc đại diện UBND tỉnh Bạc Liệu cho rằng thời điểm đó không có chính sách về đền bù là sai vì Luật Đất đai 1993 thời điểm năm 1996 (thời điểm thu hồi đất- PV) đã có hiệu lực thi hành.

Về căn cứ HĐXX sơ thẩm đưa ra là hết thời hiệu khiếu nại tại Điều 17 Nghị định số 90-CP ngày 07/8/1994 của Chính phủ cũng không đúng, vì ông Hùng không nhận được bất kỳ văn bản nào về việc thu hồi đất nên không thể thực hiện quyền khiếu nại theo Nghị định số 90-CP.

Tiếp đó, HĐXX sơ thẩm việc lấy ý kiến nhân dân và nhân dân đồng ý không khiếu nại là không chính xác. Ông Hùng cho biết, gia đình tôi liên tiếp khiếu nại và bằng chứng là năm 2000, gia đình có đơn khiếu nại gửi Đoàn Công tác liên ngành giải quyết khiếu nại, tố cáo của Trung ương, đơn đề ngày 01/12/2000. Sau đó có Thông báo 107 của Văn phòng HĐND và UBND thị xã Bạc Liêu trả lời là không bồi thường với lý do tại thời điểm này không có chính sách giải quyết bồi thường.

Ông Hùng cho biết thêm, các hộ dân ở đây có hộ thuộc diện Nhà nước giao đất hoang hoá (đất phèn) xây dựng kinh tế mới theo chủ trương khuyến khích di dân từ thành thị sang các vùng sâu vùng xa, có hộ tự khai vỡ trồng lúa, canh tác. Vì thế có hộ đồng ý có hộ không đồng ý. “Còn gia đình tôi khai vỡ từ năm 1960, canh tác ổn định nên tôi yêu cầu phải bồi thường”, ông Hùng nói.

Tại phiên toà phúc thẩm, lần nữa HĐXX nhận định, xét thấy lập luận của người khởi kiện không có cơ sở để chấp nhận. Mặt khác trên thực tế năm 1996 ông Hùng cũng tự nguyện hiến đất để làm đường như các hộ dân khác. Vào năm 1997, hộ ông Hùng được cấp Giấy CNQSDĐ, qua nhiều lần cấp đổi giấy chứng nhận thì trên giấy đều thể hiện có trừ kênh và lộ nên ông Hùng yêu cầu bồi thường là không có cơ sở để chấp nhận.

Theo ông Hùng điều này hoàn toàn nghịch lý, bởi lẽ tại phiên toà phúc thẩm việc cung cấp các tài liệu, chứng cứ về việc thu hồi đất là nghĩa vụ của người bị kiện. Tại phiên toà, HĐXX không yêu cầu người bị kiện cung cấp các tài liệu, chứng cứ để chứng minh việc thu hồi đất là do Nhà nước và nhân dân cùng làm, cũng không chứng minh ông Hùng tự nguyện hiến đất, cũng không yêu cầu cung cấp hồ sơ cấp Giấy CNQSDĐ năm 1997 cho ông Hùng.

Bản án số 13/2015/HC-ST ngày 25/8/2015 của Toà án Nhân dân tỉnh Bạc Liêu.

Tiếp đó, HĐXX phúc thẩm cho rằng, theo Nghị định 90 thì khi cần thiết Nhà nước mới thu hồi đất để phục vụ an ninh quốc phòng, công cộng... và trên tinh thần đất đổi đất khi bị thu hồi toàn bộ đất, còn về phía hộ ông Hùng chỉ bị thu hồi 2.370m2 nên không được xem xét giải quyết. Ông Hùng bức xúc, Tất cả điều luật của Nghị định 90 không có điều luật nào quy định khi bị thu hồi toàn bộ đất mới được bồi thường.

Sau khi HĐXX phúc thẩm tuyên án, không đồng ý với phán quyết của TAND cấp cao tại TPHCM, ông Hùng đã làm đơn xin Giám đốc thẩm toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm lên TAND tối cao.
(Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin)

Bạn đang đọc bài viết Bạc Liêu:Toà cho rằng Quyết định của UBND tỉnh là đúng pháp luật (2). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.