Thứ năm, 25/04/2024 14:43 (GMT+7)

Bệnh viện tư nhân lớn nhất Hưng Yên lộ nhiều 'lỗ hổng'

PHAN NGÂN -  Thứ tư, 29/08/2018 06:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việc Bệnh viện Hưng Hà đưa hệ thống công trình bảo vệ môi trường vào vận hành hoạt động liệu có đảm bảo được mức độ an toàn khi mà các công trình này chưa có cơ quan chức năng có thẩm quyền xác nhận?

Nổi tiếng là bệnh viện tư nhân quy mô lớn nhất tỉnh Hưng Yên nhưng Bệnh viện Đa khoa Hưng Hà của Công ty Cổ phần Bệnh viện Đa khoa Hưng Hà đang để lộ nhiều bất cập trong việc chấp hành các quy định bảo vệ môi trường.

Quá trình hoạt động… khó hiểu!

Bệnh viện Đa khoa Hưng Hà - phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên là cơ sở y tế ngoài công lập đã được Bộ y tế thẩm định, cấp giấy phép hoạt động vào tháng 10 năm 2009. Bệnh viện được công nhận có chức năng nhiệm vụ khám chữa bệnh theo phân tuyến kỹ thuật tương đương hạng II.

Ban đầu cơ sở có quy mô 40 giường bệnh, sau nâng thành 100 giường bệnh. Sau khi nâng quy mô, Bệnh viện Đa khoa Hưng Hà phải tiến hành lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).

Bệnh viện Đa khoa Hưng Hà, TP. Hưng Yên.

Năm 2009, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên đã phê duyệt ĐTM cho bệnh viện (hay còn gọi là dự án) tại Quyết định số 25/QĐ-STNMT.  Sau đó 7 năm, tới tháng 2/2016, Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Hưng Hà mới được cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.

Giấy xác nhận này là căn cứ để chủ đầu tư dự án đưa dự án vào hoạt động chính thức và cũng là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của cơ sở.

Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường cấp tháng 2/2016.

Đáng lý, nó phải được cơ quan phê duyệt ĐTM là Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên kiểm tra, xác nhận hoàn thành trước khi đưa dự án vào vận hành chính thức. Việc này dựa trên Nghị định số 18/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Vậy mà, không hiểu lý do vì sao, Bệnh viện Đa khoa Hưng Hà có thể “an tâm” đưa các hạng mục vào hoạt động chính thức 7 năm trời mà không có Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường?

Hơn nữa, tới tháng 11/2012, cơ sở mới được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép xả thải vào nguồn nước số 178/GP-STNMT. Và cho tới nay, giấy phép này có còn hạn hay không, điều này cũng khiến dư luận không hỏi băn khoăn, lo lắng!

Tiếp đó, tháng 7/2018, Dự án “Bệnh viện Đa khoa Hưng Hà” được phê duyệt ĐTM lần hai vì điều chỉnh quy mô giường bệnh từ 100 lên 250 giường. Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên thì cơ sở chưa hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường của lần phê duyệt ĐTM thứ hai.

Quyết định Phê duyệt ĐTM của Bệnh viện Đa khoa Hưng Hà.

Nếu bệnh viện đưa hệ thống công trình bảo vệ môi trường vào vận hành hoạt động thì có đảm bảo được mức độ an toàn, bởi các công trình này chưa có cơ quan chức năng có thẩm quyền xác nhận?

Sở Tài nguyên và Môi trường lên tiếng

Trên website chính thức của bệnh viện cũng thông tin rõ về cơ sở hạ tầng bệnh viện, cập nhật mới nhất ngày 17/6/2018. Theo đó: Để đảm bảo theo đúng quyết định 28/2017/QĐ- UBND ngày 5/12/2017 của UBND tỉnh Hưng Yên ban hành quy định bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, chủ dự án sẽ tiến hành nâng cấp 2 hệ thống xử lý nước thải tập trung cụ thể nâng cấp hệ thống 1 từ 40m3/ngày, đêm lên 60m3/ngày, đêm và chất lượng nước thải sau xử lý cả 2 hệ thống đều đạt cột A, QCVN 28:2010/BTNMT.

Các hệ thống cần hoàn thiện, nâng cấp vẫn còn ngổn ngang, nhưng hàng ngày bệnh viện vẫn đón hàng trăm lượt bệnh nhân tới khám chữa bệnh, phát sinh nước thải ít nhất khoảng 120m3/ngày đêm. Vậy ai sẽ đảm bảo nước thải, rác thải y tế của bệnh viện trên không ảnh hưởng tới môi trường?

Thông tin trên website benhvienhungha.vn.

Trước những câu hỏi còn bỏ ngỏ, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có buổi làm việc với ông Lê Đức Lành – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên.

Ông Lê Đức Lành cho hay: “Đối với bệnh viện tư nhân họ phải đáp ứng được các yêu cầu rất cao về môi trường, như nâng cấp hệ thống xử lý.

Sau khi ĐTM được phê duyệt, trên cơ sở công trình vừa nâng cấp hiện đại hơn, Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu cơ sở lắp hệ thống quan trắc tự động.

Sau đó phải làm xác nhận hoàn thành công trình. Hôm trước, khi họp thẩm định phê duyệt ĐTM, đơn vị cũng chia sẻ còn nhiều khó khăn.

Mà vấn đề môi trường thì tỉnh chỉ đạo rất sát sao, chúng tôi cũng rất áp lực bởi phải làm theo pháp luật nhưng có nhiều vấn đề không thể làm mạnh ngay được mà phải dần dần”.

Đúng như ông Lành chia sẻ, dù là công lập hay ngoài công lập thì các cơ sở y tế bắt buộc phải chấp hành và đáp ứng tiêu chuẩn theo Luật Bảo vệ môi trường và các Thông tư, Nghị định hướng dẫn kèm theo.

Vậy, với những thiếu sót của Bệnh viện Hưng Hà trong nhiều năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên đã làm gì? Để rộng đường dư luận, PV đã liên hệ với ông Hoàng Văn Chiến – Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên.

Câu trả lời sẽ được Môi trường và Đô thị Việt Nam tiếp tục thông tin tới độc giả.

(Còn tiếp…)

Bạn đang đọc bài viết Bệnh viện tư nhân lớn nhất Hưng Yên lộ nhiều 'lỗ hổng'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.