Thứ sáu, 29/03/2024 02:50 (GMT+7)

Công nghệ lọc nước của Viwasupco - “Cháy nhà ra mặt chuột”?

Lam Vy -  Thứ bảy, 19/10/2019 11:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Qua vụ việc này mới thấy công nghệ lọc nước của Viwasupco có vấn đề lớn khi không lọc hết được các loại tạp chất, chất độc hại như styren. Có thể gọi vụ việc này dưới dạng “Cháy nhà ra mặt chuột".

Nhiều ngày qua, hàng triệu hộ dân sinh sống tại Hà Nội phải đứng ngồi không yên vì nguồn nước sinh hoạt bị bốc mùi hôi thối, khó chịu, làm đảo lộn cuộc sống của người dân. Sự việc không chỉ ảnh hưởng đến môi trường, mà theo các chuyên gia, việc sử dụng nước nhiễm dầu, mỡ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người dân.

Đáng nói, một tuần kể từ ngày “nước sạch” Sông Đà có mùi nồng nặc, ngày 14/10, Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) mới có văn bản gửi Sở Xây dựng Hà Nội báo cáo về vụ việc nước sạch sông Đà có mùi lạ. Trong khi đó, dù nước mất an toàn như vậy, Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà không cảnh báo người dân về nguồn nước nhiễm dầu, vẫn bán nước cho người dân. Nhiều người cho rằng, điều này thể hiện sự vô trách nhiệm của Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà.

Dầu thải được đổ phía đầu nguồn khiến cả dòng nước sông Đà cung cấp cho dân bị ô nhiễm.

Mặc dù cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để làm rõ hành vi gây ô nhiễm môi trường nhưng hậu quả của vụ việc vẫn chưa được giải quyết.

Viwasupco từ “vô ý” thành “cố ý”, bất chấp mọi hậu quả

Để tìm hiểu rõ hơn về trách nhiệm của Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) bán nước ô nhiễm (có chứa chất styren vượt quá tiêu chuẩn cho phép nhiều lần) và việc bưng bít thông tin nguồn nước sông Đà nhiễm dầu có bị xử lý theo quy định của pháp luật hay không? PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Hùng- Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối. Luật sư Hùng chia sẻ: “Tất cả chúng ta đều muốn truy đến cùng trách nhiệm của đơn vị đổ dầu thải ra đầu nguồn làm cho Viwasupco “vô ý lọc nước không sạch”. Rõ ràng đây là hành vi hủy hoại, làm ô nhiễm môi trường, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế, sức khỏe rất nhiều người dân ở Thành phố Hà Nội hành vi này đủ căn cứ khởi tố hình sự đối với những cá nhân, tổ chức có liên quan tới vụ việc này”.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng- Trưởng Văn phòng Luật sư Kết nối.

"Cũng thật trớ trêu, khi qua vụ việc này mới thấy được công nghệ lọc nước của Viwasupco có vấn đề rất lớn khi không lọc hết được các loại tạp chất, chất độc hại cụ thể là styren. Có thể gọi vụ việc này dưới dạng “cháy nhà ra mặt chuột”. Vụ việc không khác gì bài test đã lật tẩy công nghệ lọc nước sinh hoạt của Viwasupco không đảm bảo các tiêu chuẩn, kĩ thuật khi không đủ khả năng kiểm soát. Qua đây, người dân có quyền nghi ngờ: Liệu rằng nước của Viwasupco từ trước đến nay có đủ tiêu chuẩn sử dụng hay không? Đây là một câu hỏi có lẽ chỉ có Viwasupco mới đủ khả năng trả lời".

Cần khởi tố hành vi che giấu, bưng bít thông tin nguồn nước bị dính dầu

Khi xảy ra sự cố, phía Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà luôn đổ lỗi cho kẻ đổ dầu thải vào đầu nguồn và cho rằng mình là nạn nhân lớn nhất, nên rất mong công an sớm tìm ra thủ phạm. Vậy Viwasupco đã đặt sức khỏe và cuộc sống của hàng triệu người dân Hà Nội ở đâu trong chuyện này. Chia sẻ về vấn đề này, Luật sư Hùng cho biết:

 “Viwasupco luôn đổ lỗi cho kẻ đổ dầu thải vào đầu nguồn vậy họ giải thích như thế nào khi biết nước không đảm bảo tiêu chuẩn nhưng vẫn “cố tình” bán cho người dân sử dụng?  Đây chính là hành vi cố tình, bỏ mặc mọi hậu quả, thoải thác, đổ trách nhiệm cho người khác. Mà bản thân Viwasupco có khả năng ngăn chặn, dừng lại nhưng lại không lựa chọn mà lại tiếp tục bán nước không đảm bảo cho người dân. Đương nhiên, người dân càng có quyền nghi ngờ Viwasupco còn nhiều uẩn khúc. Đối với hành vi cố ý, bán nước "bẩn" không đảm bảo tiêu chuẩn đã đủ căn cứ khởi tố hình sự về tội "sản xuất, mua bán hàng giả. Bởi nước cũng là loại hàng hóa, người bán không giao hàng đúng chất lượng, không đảm bảo các tiêu chuẩn cho phép thì vẫn đủ yếu tố cấu thành của tội này. Ngoài ra những người quản lý, đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm”.

Ban đêm, người dân thủ đô cũng phải xếp hàng chờ lấy nước sinh hoạt. Việc này diễn ra 1 tuần nay kể từ khi xảy ra sự cố nước sông Đà bị nhiễm dầu thải.

Đối với hành vi cố tình che giấu, bưng bít thông tin vụ việc nguồn nước bị nhiễm dầu thải, không thông báo tới người dân sử dụng nước tại công ty Viwasupco, để người dân sử dụng nước ô nhiễm, luật sư Hùng nhấn mạnh: “Theo quan điểm của tôi, cần phải khởi tố hành vi che giấu, bưng bít thông tin. Thực tế người đó biết thông tin dầu bị đổ ở đầu nguồn, biết rằng nước không đủ đảm bảo tiêu chuẩn để đưa vào sử dụng nhưng vẫn cố tình bưng bít để bán nước. Việc làm đó phải khởi tố hình sự”.

Được biết, Công ty Viwasupco khi phát hiện ra dầu loang ở nguồn nước nguyên liệu, nhưng không báo cáo ngay cho cơ quan chức năng. Đặc biệt, họ còn thể hiện sự yếu kém về nhận thức khi nước bị nhiễm dầu nhưng lại cho clo vào để tẩy, trong khi một nguyên tắc đơn giản ai cũng có thể hiểu là clo không thể làm sạch dầu.

Bạn đang đọc bài viết Công nghệ lọc nước của Viwasupco - “Cháy nhà ra mặt chuột”?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.