Thứ năm, 18/04/2024 08:53 (GMT+7)

Đan Phượng,Hà Nội: Đột kích công trường khai thác cát trên sông Hồng

PV Môi trường -  Thứ sáu, 17/05/2019 13:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bất chấp các lệnh cấm của Chính phủ và UBND TP. Hà Nội, nhiều tàu hút cát vẫn công khai “dàn trận” trên sông Hồng khiến hàng loạt bãi bồi sạt lở nghiêm trọng.

 Thời gian qua, tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện Đan Phượng bỗng nóng trở lại. Ngày cũng như đêm, hàng chục tàu cát thi nhau “cày xới” các khúc sông Hồng chảy qua địa bàn các xã nằm trên huyện, kéo theo đó là hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp cuốn trôi theo dòng nước.

Theo phản ánh của người dân xã Thọ An, từ hơn một tháng nay, đoạn sông Hồng chảy qua khu vực bến đò Thọ An bỗng xuất hiện hàng chục tàu khai thác cát. Bất kể ngày hay đêm, tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra với số lượng tàu lớn đã gây nhiều bức xúc cho dư luận, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân ven sông, ảnh hưởng trực tiếp tới dòng chảy của sông Hồng đoạn chảy qua địa bàn xã Thọ An.    

Hàng loạt tàu "cát tặc" ngang nhiên dàn trận trên sông Hồng để hút cát trái phép.

Những ngày giữa tháng 5/2019, phóng viên đã về mục sở thị “đại công trường” khai thác cát trái phép tại khu vực bến đò Thọ An. Đứng từ xa đã nghe thấy tiếng máy nổ ầm ầm rung chuyển cả một khúc sông của các tàu hút cát đang hoạt động hết công suất. Phía dưới sông Hồng, hàng chục tàu hút cát đang thi nhau bơm cát từ dưới sông lên tàu.

Nhiều con tàu hút có sức chứa tới cả trăm mét khối cát xếp hàng dài, thả những chiếc vòi “bạch tuộc” khổng lồ xuống dòng sông để hút cát khiến khúc sông vốn yên bình trở nên đục ngầu.

Việc khai thác trái phép tràn lan, vô tội vạ khiến nhiều đoạn bãi bồi bị sạt lở nghiêm trọng.

Có mặt tại bờ sông sát bến đò Thọ An, PV đã ghi nhận được hiện trạng bờ sông bị khoét sâu vào bờ hàng nghìn m2, nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng, tạo thành các vách đứng. Trong khi khu vực này cách bến đò Thọ An chưa đầy 100m, hàng ngày có hàng trăm người và các phương tiện lưu thông qua đây.

Tiếp xúc với PVn, bà Ph.T.H, một người dân cho biết, tình trạng khai thác cát tại bến đò đã diễn ra cả tháng nay khiến người dân vô cùng bức xúc, tuy nhiên chính quyền sở tại lại không hề có bất kỳ động thái xử lý nào.

“Ngày nào cũng có tàu hút cát neo đậu và khai thác tại đây, có thời điểm lên tới hàng chục chiếc. Người dân chúng tôi cũng đã nhiều lần báo cáo sự việc cho UBND xã nhưng họ cũng chỉ ra đứng trên bờ nhìn mà không có động thái ngăn chặn nào. Tình trạng này kéo dài chả mấy chốc các bãi bồi sẽ cuốn trôi theo dòng sông mất.”, bà H bức xúc cho biết.

Trong vai một chủ thầu đi tìm nơi cung cấp cát. Chúng tôi bị một đối tượng "chim lợn" chặn xe khi phát hiện có dấu hiệu khả nghi.

Trong nhiều ngày quan sát và ghi hình tại đây, phóng viên đã nhiều lần chạm mặt các đối tượng “chim lợn” làm nhiệm vụ cảnh giới cho các tàu khai thác. Thậm chí, trong quá trình tác nghiệp, các đối tượng này thường xuyên bám đuôi gây áp lực và có thái độ thách thức, dọa nạt PV nhằm ngăn cản không cho PV tiếp cận công trường khai thác cát trên.

Qua tìm hiểu của PV, các tàu “cát tặc” trên là của một người có biệt danh là H. và một người tên Tr.. Đây là các đối tượng có “số má” trong việc khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện Đan Phượng, gây nhức nhối dư luận địa phương nhiều năm qua.

Một đối tượng khác bám đuôi ngăn cản không cho phóng viên tác nghiệp.

Liên hệ với chính quyền xã Thọ An, một cán bộ văn phòng cho biết, Chủ tịch xã đang đi tập huấn trên huyện, còn phó chủ tịch đang bận triển khai công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Trần Quyết, Chủ tịch UBND xã Thọ An xác nhận với PV có tình trạng khai thác cát trái phép tại bến đò Thọ An. Ông Quyết cho biết, sau khi nhận được thông tin của PV (vào ngày 9/5), ông đã chỉ đạo lực lượng công an xã xuống kiểm tra, ghi nhận tình hình.

“Cái đó anh đã báo lên huyện để cho huyện theo dõi rồi. Anh đã báo công an vào kiểm tra rồi, báo cả công an huyện rồi. Ở xã bọn anh chỉ biết báo lên công an huyện để anh em về kiểm tra thôi chứ bọn anh làm gì có phương tiện. Anh mấy hôm nay cho anh em vào kiểm tra liên tục, báo lên cả Đội Kinh tế môi trường rồi” – Ông Quyết cho biết.

Trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương trong công tác quản lý cát tặc ở đâu?

Trước đó, vào ngày 3/4/2019, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành và một số địa phương về tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ ra một trong những nguyên nhân khiến tình trạng khai thác cát trái phép phức tạp trở lại là do cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa làm hết trách nhiệm, có biểu hiện buông lỏng quản lý, thậm chí dung túng cho hoạt động này.

Phó Thủ tướng Thường trực đã chỉ đạo, nếu địa phương, lĩnh vực nào để xảy ra tình trạng khai thác hoặc lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng để khai thác cát, sỏi trái phép, thành lập bến, bãi tập kết cát, sỏi trái phép diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài và có cán bộ, công chức tiêu cực, tham nhũng thì phải kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu; xem xét điều chuyển, bố trí công tác khác.

Trước tình trạng khai thác cát trái phép xảy ra trên địa bàn xã Thọ An gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân nhưng chính quyền sở tại lại không có biện pháp xử lý. Dư luận có quyền nghi ngờ, phải chăng đang có sự bao che, “bảo kê” cho hoạt động “cát tặc” xảy ra tại đây? Trách nhiệm của các cơ quan chức năng, UBND huyện Đan Phượng đến đâu khi để tình trạng này xảy ra?

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc. 

Bạn đang đọc bài viết Đan Phượng,Hà Nội: Đột kích công trường khai thác cát trên sông Hồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3
Tối 17-4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba - năm 2024.