Thứ tư, 17/04/2024 05:25 (GMT+7)

Đăng ký đất đai

MTĐT -  Thứ tư, 03/07/2019 11:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhà tôi ở phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng đang sử dụng mà chưa có sổ, nhưng có mấy cán bộ vào nhắc nhở ra Ủy ban nhân dân làm đăng ký đất đai.

Câu hỏi:

Nhà tôi ở phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng đang sử dụng mà chưa có sổ, nhưng có mấy cán bộ vào nhắc nhở ra Ủy ban nhân dân làm đăng ký đất đai. Xin hỏi thủ tục này bắt buộc hay không, có gây ảnh hưởng hay được lợi gì hay không? Nếu không đăng ký thì tôi có phải chịu phạt gf hay không? Xin được trả lời chi tiết và hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục để đăng ký đất đai. Cám ơn!

Luật sư trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho chuyên mục hỏi đáp Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử. Vấn đề của bạn chúng tôi xin được trả lời như sau:

Về yêu cầu đăng ký đất đai:

Theo quy định của pháp luật đất đai thì đăng ký đất đai, nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất là việc kê khai và ghi nhận tình trạng pháp lý về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và quyền quản lý đất đối với một thửa đất vào hồ sơ địa chính.

Căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều 95 Luật Đất đai năm 2013 thì: “Đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý; đăng ký quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thực hiện theo yêu cầu của chủ sở hữu”.  Đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất gồm đăng ký lần đầu và đăng ký biến động tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

Đối với trường hợp của gia đình bạn, hiện đang sử dụng đất mà chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì thuộc trường hợp được quy định tại điểm b khoản 3 Điều 95 Luật Đất đai: “Thửa đất đang sử dụng mà chưa đăng ký”. Và việc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào Sổ địa chính.

Về trách nhiệm đối với việc không đăng ký đất đai: Căn cứ vào Điều 12 Nghị định số: 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Cụ thể như sau:

Điều 12. Không đăng ký đất đai

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký đất đai lần đầu.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với các trường hợp biến động đất đai quy định tại các Điểm a, b, h, i, k và l Khoản 4 Điều 95 của Luật Đất đai nhưng không thực hiện đăng ký biến động theo quy định.”

Như vậy, đối với hành vi không đăng ký đất đai lần đầu thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền lên đến 1 triệu đồng.

Về trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký đất đai lần đầu: Căn cứ vào khoản 3 Điều 1 Quyết định số: 24/2018/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội và Điều 8 Thông tư số: 24/2014/TT-BTNMT và khoản 1 Điều 7 Thông tư số: 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Điều 70 Nghị định số: 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ thì:

Hồ sơ bao gồm:

+/ Đơn đăng ký theo Mẫu số 04a/ĐK;

+/ Bản sao một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định số: 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;

+/ Bản sao một trong các giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định số: 43/2014/NĐ-CP đối với trường hợp đăng ký về cả quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Trường hợp đăng ký về quyền sở hữu nhà ở hoặc công trình xây dựng thì phải có sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng (trừ trường hợp trong giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng đã có sơ đồ phù hợp với hiện trạng nhà ở, công trình đã xây dựng);

+/ Bản sao chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có);

+/ Trường hợp có đăng ký quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề phải có hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận hoặc quyết định của Tòa án nhân dân về việc xác lập quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề, kèm theo sơ đồ thể hiện vị trí, kích thước phần diện tích thửa đất mà người sử dụng thửa đất liền kề được quyền sử dụng hạn chế.

Trình tự, thủ tục giải quyết và cấp Giấy xác nhận đăng ký đất đai:

Bước 1: Người đăng ký đất đai nộp một bộ hồ sơ nêu trên tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất để được giải quyết và lấy phiếu tiếp nhận.

Bước 2: Trong thời hạn không quá tám (08) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội làm thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn, liền với đất vào sổ đăng ký, cập nhật hồ sơ địa chính theo quy định và cấp Giấy xác nhận đăng ký đất đai cho người sử dụng đất.

Lưu ý: Trường hợp người sử dụng đất đã đăng ký đất đai mà nay có nhu cầu được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì nộp đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận theo Mẫu số 04a/ĐK và Giấy xác nhận đăng ký đất đai tại UBND cấp xã nơi có đất.

Nếu cần có sự hỗ trợ, tư vấn thêm bạn đọc có thể liên hệ theo địa chỉ phía dưới đây.

Luật gia: Lê Minh

Địa chỉ: Tòa nhà New Skyline Khu đô thị Văn Quán, phường Văn Quán, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.

Hotline: 0961.272.396

Email: [email protected]

Bạn đang đọc bài viết Đăng ký đất đai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.