Thứ năm, 25/04/2024 04:14 (GMT+7)

Điểm mới của Bộ Luật hình sự 2015 về các tội phạm môi trường

MTĐT -  Thứ ba, 03/03/2020 09:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đồng thời với việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cấu thành tội phạm, BLHS năm 2015 còn quy định bổ sung và định lượng hóa cụ thể đối với các hành vi phạm tội của các tội phạm môi trường.

Tóm tắt:Trong những năm gần đây, tội phạm về môi trường ngày càng có chiều hướng gia tăng nhanh chóng với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi và khó phát hiện, tính chất, mức độ nguy hiểm, gây hậu quả lớn cho xã hội. Để đấu tranh phòng, chống có hiệu hiệu với các tội phạm về môi trường, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung về nhóm tội phạm này. Trong bài viết, tác giả phân tích những điểm mới, sửa đổi, bổ sung của Bộ luật luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 về các tội phạm về môi trường.

Từ khóa:Bộ luật hình sự; tội phạm môi trường.

  1. Đặt vấn đề

Các tội phạm về môi trường được quy định tại Chương XIX Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (say đây gọi tắt là BLHS năm 2015) đã thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các chủ trương, đường lối của Đảng thể hiện trong các văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Việc sửa đổi, bổ sung Chương XIX nhằm xây dựng Bộ luật hình sự phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước sau khi ban hành Hiến pháp năm 2013, phát huy hơn nữa vai trò của Bộ luật hình sự với tư cách là công cụ pháp lý sắc bén, hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ và thúc đẩy nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa phát triển đúng hướng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường xã hội và môi trường sinh thái an toàn, lành mạnh cho mọi người dân, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của nước ta.

  1. Một số điểm mới của BLHS năm 2015 về các tội phạm về môi trường

So với Chương XVII của BLHS năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 (sau đây gọi tắt là BLHS năm 1999), thì Chương XIX của BLHS năm 2015 quy định 12 điều luật quy định về các tội phạm về môi trường, trong đó quy định mới một một điều luật (Điều 238. Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông); sửa đổi, bổ sung, cơ cấu lại khoa học và hợp lý hơn 11 điều luật so với BLHS năm 1999. Việc sửa đổi, bổ sung Chương XIX BLHS năm 2015 tập trung vào các nội dung cơ bản, đó là: (i) quy định trách nhiêm hình sự của pháp nhân thương mại đối với một số tội phạm về môi trường; (ii) sửa đổi cấu thành và định lượng hóa cụ thể đối với các hành vi phạm tội; (iii) mở rộng phạm vi áp dụng và nâng mức phạt tiền đối với các tội phạm về môi trường. Cụ thể như sau:

- Thứ nhất, quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thượng mại đối với một số tội phạm về môi trường.

BLHS năm 2015 đã thể hiện bước phát triển quan trọng trong chính sách hình sự của Nhà nước, đánh dấu nhiều điểm tiến bộ thể hiện trong tư duy lập pháp hình sự. Đáng chú ý, lần đầu tiên BLHS năm 2015 đã bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Theo đó, pháp nhân thương mại chỉ chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm trong trường hợp được thực hiện nhân danh và vì lợi ích, dưới sự điều hành, chấp thuận của chính pháp nhân thương mại đó. Điều này thể hiện quan điểm hoàn toàn đổi mới của các nhà lập pháp về chủ thể của tội phạm và đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong việc xử lý các tội phạm trong các lĩnh vực kinh tế, môi trường, tài trợ khủng bố và rửa tiền, đồng thời, tạo điều kiện bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người bị thiệt hại do các vi phạm của pháp nhân thương mại gây ra, cũng như trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Theo quy định tại Điều 76 BLHS năm 2015, pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 9 tội danh trong tổng số 12 tội danh, bao gồm: Tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235); Tội vi phạm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường (Điều 237); Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông (Điều 238); Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam (Điều 239); Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản (Điều 242); Tội hủy hoại rừng (Điều 243); Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm (Điều 244); Tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên (Điều 245); Tội nhập khẩu, phát tán các loại ngoại lai xâm hại (Điều 246).

Bãi chôn trộm chất thải nguy hại ở Hải Dương do TC Môi trường và Đô thị Việt Nam phát hiện ra đã gây chấn động dự luận trong những ngày cuối tháng 2/2020 vừa qua . Điều nguy hiểm là việc chôn lấp này cạnh Nhà máy nước sạch Tiền Trung, chân đê Cầu Lai Vu, phường Ái Quốc, TP. Hải Dương. Nhà máy nước Tiền Trung cung cấp nước sạch cho toàn bộ người dân KV phường Ái Quốc và Khu công nghiệp Nam Sách.

Cũng như hầu hết các tội danh khác có quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại của BLHS năm 2015, việc quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại đối với các tội phạm về môi trường là vô cùng cần thiết và phù hợp, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế thị trường, xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Đồng thời, việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với một số tội phạm về môi trường đã mở ra một hướng giải quyết rất lớn trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường. Bên cạnh đó, quy định này tạo ra sự tương thích giữa pháp luật hình sự và pháp luật hành chính. Trong khi việc xử phạt hành chính không thể đủ sức răn đe và không tương xứng với tính chất nghiêm trọng của các hành vi vi phạm. 

- Thứ hai, sửa đổi cấu thành tội phạm và định lượng hóa cụ thể đối với các hành vi phạm tội của các tội phạm môi trường.

Trước đây, trong rất nhiều các cấu thành tội phạm, BLHS năm 1999 quy định một cách khái quát và chung chung các dạng hành ví dự như “người nào vi phạm quy định…’’, “người nào cố ý nhập khẩu...”, “người nào đốt, phá...”. Điều này dẫn đến việc khó khăn trong quá trình xác định hành vi phạm tội, trong quá trình định tội danh và xử lý các hành vi phạm tội của chủ thể, do vậy dẫn đến hiệu quả đấu tranh phòng, chống với các tội phạm về môi trường chưa đạt hiệu quả cao. Để khắc phục những hạn chế này của BLHS năm 1999 và nhằm tạo khung pháp lý vững chắc cho công tác đấu tranh phòng, chống các tội phạm về môi trường, BLHS năm 2015 đã bổ sung, sửa đổi nhiều cấu thành tội phạm, đó là quy định và mô tả chi tiết các hành vi phạm tội cụ thể trong các cấu thành tội phạm. Ví dụ: Đối với Tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 182 BLHS năm 1999) quy định: “Người nào thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường…”, thì Điều 235 BLHS năm 2015 đã mô tả và liệt kê một cách chi tiết các dạng hành vi gây ô nhiễm môi trường gồm: Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy xả thải, xả nước thải, chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn,… phát tán ra môi trường bức xạ, phóng xạ…

Đồng thời với việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cấu thành tội phạm, BLHS năm 2015 còn quy định bổ sung và định lượng hóa cụ thể đối với các hành vi phạm tội của các tội phạm môi trường. Nếu như trước đây, theo quy định của BLHS năm 1999 thì chủ thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng đối với môi trường. Điều này mang tính định tính, tạo ra sự khó khăn, phức tạp trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự và phải dẫn chiếu đến nhiều văn bản pháp luật khác có liên quan. Ví dụ: Tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 182 BLHS năm 1999) đã không quy định mức định lượng một cách cụ thể đối với hành vi phạm tội của tội này, mà chỉ quy định một cách chung chung là hành vi “ở mức độ nghiêm trọng hoặc làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trong hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác” (Khoản 1 Điều 182)…, thì Điều 235 BLHS năm 2015 - Tội gây ô nhiễm môi trường đã quy định mức định lượng cụ thể đối với hành vi “Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại từ 1.000 kilôgam đến dưới 3.000 kilôgam” (Điểm a, Khoản 1 Điều 235); hoặc “Xả thải ra môi trường từ 500 mét khối (m³) trên ngày đến dưới 5.000 mét khối (m³) trên ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 5 lần đến dưới 10 lần hoặc từ 300 mét khối (m³) trên ngày đến dưới 500 mét khối (m³) trên ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên” (Điểm c, Khoản 1, Điều 235). Hoặc Tội vi phạm các quy định về quản lý chất thải nguy hại (Điều 182a BLHS năm 1999) quy định “Người nào vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác” thì Điều 236 BLHS năm 2015 quy định tội này với mức định lượng cụ thể đối với chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về  các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy từ 3.000 kilôgam đến dưới 5.000 kilôgam (Khoản 1 Điều 236), từ 5.000 kilôgam đến dưới 10.000 kilôgam (Khoản 2 Điều 236), từ 10.000 kilôgam (Khoản 3 Điều 236). Và tương tự, đối với những tội phạm khác, BLHS năm 2015 cũng đã định lượng hóa như lưu lượng xả thải, khối lượng chất thải rắn thải ra, số lần vượt quy chuẩn môi trường… để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, BLHS năm 2015 cũng đã bổ sung rất nhiều các tình tiết định khung hình phạt. Ví dụ: “Phạm tội 02 lần trở lên” (Điểm c Khoản 2 Điều 236; Điểm b Khoản 2 Điều 238); “Làm chết người” (Điểm a Khoản 2 Điều 237; Điểm c Khoản 2 Điều 238; Điểm b Khoản 2 Điều 240; Điểm b Khoản 2 Điều 242); “Làm chết 02 người trở lên” (Điểm a Khoản 3 Điều 237; Điểm a Khoản 3 Điều 238; Điểm b Khoản 3 Điều 240; Điểm b Khoản 3 Điều 242); “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%” (Điểm b Khoản 2 Điều 237; Điểm d Khoản 2 Điều 238; Điểm c Khoản 2 Điều 242); “Gây thiệt hại từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 7.000.000.000 đồng” (Điểm c Khoản 2 Điều 237); Gây thiệt hại từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng” (Điểm đ Khoản 2 Điều 238); “Tái phạm nguy hiểm” (Điểm c Khoản 2 Điều 243; Điểm e Khoản 2 Điều 238; Điểm k Khoản 2 Điều 244; Điểm đ Khoản 2 Điều 245); “Có tổ chức” (Điểm a Khoản 2 Điều 238; Điểm đ Khoản 2 Điều 244; Điểm c Khoản 2 Điều 245).

- Thứ ba, mở rộng phạm vi áp dụng và nâng mức phạt tiền đối với các tội phạm về môi trường.

Theo quy định của BLHS năm 2015, 12/12 điều luật quy định về các tội phạm về môi trường thì hình phạt tiền được quy định là hình phạt chính, trong đó, có tội phạm (Điều 240 BLHS năm 2015) hình phạt tiền được quy định là hình phạt chính mà trước đây BLHS năm 1999 chưa quy định (Điều 186 BLHS năm 1999) và hình phạt tiền được quy định là hình phạt chính trong tội phạm mới (Điều 238 BLHS năm 2015). Việc quy định này xuất phát từ cơ sở thực tiễn đó là do chủ thể phạm tội về môi trường nhằm mục đích về lợi nhuận nên dùng hình phạt tiền thay thế cho hình phạt tù vẫn đạt được mục đích xử lý tội phạm, thực hiện chủ trương giảm hình phạt tù. Quy định theo hướng này cũng là sự thể chế hóa quan điểm mở rộng áp dụng hình phạt tiền trong Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

TC Môi trường và Đô thị Việt Nam đã đăng loạt bài phản ánh về tình trạng ô nhiễm sông Cầu vừa qua. Thủ phạm chính là Cụm công nghiệp Phú Lâm, Bắc Ninh.Tuy nhiên, Sở TNMT Bắc Ninh vẫn cấp phép cho Công ty này và hàng loạt doanh nghiệp khác đủ điều kiện xả thải hàng nghìn m3 ngày đêm gây ô nhiễm môi trường nhiều lần. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã 'làm ngơ" ký giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường cho Công ty Giấy và Bao bì Phú Giang và 1 số doanh nghiệp khác gây ô nhiễm.

Bên cạnh đó, BLHS năm 2015 cũng sửa đổi mức phạt tiền cụ thể trong các khung hình phạt theo hướng tăng nặng. Cụ thể có 5/12 điều luật quy định tăng mức phạt tiền là hình phạt chính (Điều 241, Điều 242, Điều 243, Điều 244, Điều 246). Ví dụ: Tội hủy hoại rừng Khoản 1 Điều 189 BLHS năm 1999 quy định chế tài phạt tiền “từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng”, trong khi đó Khoản 1 Điều 243 BLHS năm 2015 quy định chế tài phạt tiền đối với tội này là “từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng”. Mức phạt tiền trong BLHS năm 2015 tăng lên gấp năm lần so với BLHS năm 1999. Việc thay đổi này xuất phát từ thực tiễn tình hình kinh tế -xã hội của nước ta trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, việc tăng mức tiền phạt còn nhằm mục đích nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống ngừa tội phạm đối với loại tội phạm này bởi lẽ nó đánh mạnh vào kinh tế, tài chính của người phạm tội.

Ngoài ra, BLHS năm 2015 còn quy định bổ sung, đó là đưa ra chế tài lựa chọn giữa hình phạt tù và hình phạt tiền. Đây là điểm mới của BLHS năm 2015 so với BLHS năm 1999. Ví dụ: Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người (Khoản 1 Điều 240 BLHS năm 2015) quy định “Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng  đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”. Hoặc Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản (Khoản 2 Điều 242 BLHS năm 2015) quy định: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp say đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 05 năm”.

Với những quy định sửa đổi, bổ sung về các tội phạm môi trường nêu trên, BLHS năm 2015 đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đảm bảo đủ sức răn đe đối với việc ngăn chặn, xử lý một cách nghiêm minh và đẩy lùi những hành vi gây ô nhiễm môi trường có dấu hiệu tội phạm của các chủ thể, đồng thời cũng đã đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực hiện các điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường mà Việt Nam là thành viên./.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội, Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
  2. Quốc hội, Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
  3. Văn phòng Quốc hội, Văn bản số 01/VBHN-VPQH, ngày 10/7/2017 về hợp nhấtBộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hộiLuật số 12/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.
  4. Nguyễn Văn Thuyết (2018), So sánh và thống kê Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Đại úy, ThS Ngọ Duy Thi

Khoa Luật - Học viện Cảnh sát nhân dân

Bạn đang đọc bài viết Điểm mới của Bộ Luật hình sự 2015 về các tội phạm môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành