Thứ sáu, 19/04/2024 00:09 (GMT+7)

'Điểm tên' hàng loạt dự án du lịch nghỉ dưỡng ở Hòa Bình sai phạm

MTĐT -  Thứ sáu, 05/03/2021 15:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thanh tra Chính phủ vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình xem xét năng lực nhà đầu tư, xử lý thu hồi lọat dự án du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng vi phạm trên địa bàn.

Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có thông báo kết luận thanh tra về việc quản lí, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường thời kỳ từ 2011-2018.

Buông lỏng quản lý, tự do chuyển nhượng, mua bán hợp đồng giao khoán

TTCP cho rằng, tại tỉnh Hòa Bình, quá trình quản lý, sử dụng đất của các nông lâm trường trải qua nhiều lần thay đổi pháp luật quản lý đất đai và các quy định, chính sách pháp luật đất đai nhưng việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn, tổ chức thực hiện của các bộ ngành còn chậm, chưa đồng bộ.

Chủ trương sắp xếp, đổi mới nông lâm trường quốc doanh thời gian qua mới chủ yếu làm thay đổi hình thức tổ chức quản lý, chưa làm thay đổi căn bản về cơ chế quản lý và quản trị doanh nghiệp.

Ngoài ra, tỉnh Hòa Bình còn buông lỏng quản lý, áp dụng không đúng chủ trương chính sách khoán nên một số lâm trường không còn thực chất là doanh nghiệp nhà nước, nhưng vẫn áp dụng cơ chế chính sách sắp xếp, đổi mới như nhau là không phù hợp.

Đất rừng ở tỉnh Hòa Bình đang bị khai thác trái phép.

Chất lượng kiểm tra, giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm pháp luật của các nông lâm trường vẫn còn hạn chế, chưa kịp thời, chưa chủ động phát hiện các vấn đề, vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai của các nông lâm trường có nhiều biến động và diễn biến phức tạp; có tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai tồn tại nhiều năm nhưng không được giải quyết dứt điểm…

"Trách nhiệm thuộc về các Công ty TNHH đang quản lý và sử dụng đất nông lâm trường, Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Đà. Trách nhiệm liên quan công tác quản lý nhà nước thuộc về Ban Chỉ đạo sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh tỉnh Hòa Bình, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện trên địa bàn nơi có đất nông lâm trường và trách nhiệm của UBND tỉnh Hòa Bình", TTCP kết luận.

Liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất đai của các nông, lâm trường, TTCP cho rằng, việc giao khoán đất rừng, đất lâm nghiệp và đất sản xuất nông nghiệp đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, như giao khoán không đúng đối tượng trực tiếp sản xuất nông lâm nghiệp.

"Nhiều nông lâm trường, nhất là nơi khoán trắng, không quản lý chặt chẽ quá trình sử dụng đất sau khi giao khoán, để xảy ra tình trạng người nhận khoán đất của công ty nông lâm nghiệp tự do chuyển nhượng, mua bán hợp đồng giao khoán, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật, tự ý xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ trên đất nhận khoán là phổ biến, nhất là đất vùng ven đô thị", TTCP nêu rõ.

TTCP cũng chỉ rõ, tại các đơn vị sau khi chuyển đổi, công tác quản lý đất đai vẫn còn lỏng lẻo, nên một phần diện tích đất trước đây nông lâm trường đã giao khoán cho người lao động đã bị chuyển mục đích sử dụng hoặc chuyển nhượng trái phép.

"Trách nhiệm thuộc các Công ty TNHH đang quản lý và sử dụng đất nông lâm trường, Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Đà", TTCP kết luận.

Tại tỉnh Hòa Bình nhiều dự án trồng rừng bị san gạt, phân lô xây biệt thự trái phép và đang được rao bán rầm rộ trên các website và mạng xã hội.

Hàng loạt dự án chậm tiến độ

 Đáng chú ý, TTCP cho biết, hàng loạt Dự án sử dụng đất có nguồn gốc từ đất Nông Lâm trường đã vi phạm, chậm tiến độ.

Cụ thể, Dự án Khu du lịch sinh thái Hồ Ngọc tại TP.Hòa Bình của Công ty cổ phần Đại Phú Phát: Dự án đã giải phóng mặt bằng 16,82ha (16%) nhưng chưa lập Quy hoạch chi tiết dự án, chưa đầu tư xây dựng… Dự án chậm tiến độ 6 năm 5 tháng. 

Bên cạnh đó, Đồ án quy hoạch phân khu tại TP.Hòa Bình chậm triển khai, không phù hợp với quy định của Chính phủ. "Sở Xây dựng Hòa Bình không kiểm tra việc lập quy hoạch chi tiết, việc đầu tư xây dựng hạ tầng khi chưa có quy hoạch chi tiết tại dự án từ năm 2007 đến nay" - TTCP nêu.

Đối với Dự án Tổ hợp thể thao – văn hóa vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch sinh thái kết hợp nuôi trồng thủy sản Đồng Tâm tại huyện Lạc Thủy của Công ty CP du lịch Đồng Tâm, TTCP cho rằng nhiều diện tích đất thuộc dự án của Công ty có quy hoạch là đất rừng phòng hộ. Hiện dự án đang lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, chưa đầu tư xây dựng trên đất, chậm tiến độ 7 năm.

Dự án Khu nghỉ ngơi vui chơi giải trí thung lũng Nữ hoàng tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Dự án Khu nghỉ ngơi vui chơi giải trí thung lũng Nữ hoàng tại huyện Lương Sơn của Công ty CP du lịch thung lũng Nữ Hoàng: Dự án đã GPMB và nhận bàn giao mốc giới ngoài thực địa 67,8ha, còn khoảng 30ha/90 thửa của 65 hộ dân nằm xôi đỗ chưa GPMB nên gặp nhiều khó khăn cho việc triển khai thi công xây dựng; Chủ đầu tư đã xây dựng một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật, hiện đang tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết. Dự án chậm 2 năm 5 tháng.

Những việc này, TTCP kết luận: "Trách nhiệm chính thuộc về chủ đầu tư các dự án nêu trên; trách nhiệm liên quan thuộc các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng; trách nhiệm chung thuộc UBND tỉnh Hòa Bình".

Đề nghị thu hồi dự án theo quy định

Trên cơ sở kết luận thanh tra nêu trên, Tổng TTCP báo cáo, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo Sở, ngành và đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát và chấn chỉnh, có biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, vi phạm đã được nêu tại kết luận thanh tra.

Kiểm tra, rà soát các số liệu về diện tích biến động để làm rõ nguyên nhân, hoàn chỉnh hồ sơ về đất đai để lưu trữ theo quy định, xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao.

Chỉ đạo Sở, ngành liên quan, phối hợp chủ đầu tư dự án sử dụng đất có nguồn gốc nông lâm trường gồm: Công ty cổ phần Đại Phú Phát, Công ty Cổ phần du lịch Đồng Tâm, Công ty cổ phần thung lũng Nữ Hoàng khẩn trương hoàn thiện việc điều chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng. "Nếu dự án tiếp tục chậm tiến độ, xem xét năng lực Nhà đầu tư, xử lý thu hồi dự án theo quy định của pháp luật", TTCP nêu rõ./.

Theo Thành An/Dân Việt

Bạn đang đọc bài viết 'Điểm tên' hàng loạt dự án du lịch nghỉ dưỡng ở Hòa Bình sai phạm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.