Thứ sáu, 29/03/2024 09:13 (GMT+7)

Đồng Nai: Dân kêu cứu nhiều năm vì mất đất! (Bài 2)

Lê Hoàng - Mạnh Hùng -  Thứ năm, 25/06/2020 08:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Kết luận thanh tra cho thấy, việc cấp GCNQSDĐ cho hộ ông Phúc là không đúng thẩm quyền và sai về luật đất đai 2003, vậy ai là người chịu trách nhiệm?

Cấp GCNQSDDĐ sai pháp luật

Theo công văn 154/TB-UBND của UBND huyện Trảng Bom, thực hiện chính sách giao đất, giao rừng và khuyến khích các đơn vị tập thể và hộ gia đình trồng cây, gây rừng của Trung ương, tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch khu vực rừng phòng hộ sông Mây, xã Trảng Bom 1 cũ (nay là xã sông Trầu và xã Bình Minh).

Từ năm 1985, UBND tỉnh Đồng Nai đã bắt đầu việc giao nhận đất đưa vào trồng cây rừng và vốn đầu tư sử dụng đúng mục đích. Tỉnh giao cơ quan chuyên môn (Hạt Kiểm lâm) giúp UBND huyện thực hiện việc quy hoạch, giao đất trồng rừng, quản lý rừng, đầu tư vốn và thu hồi vốn.

Khu đất nhà bà Mai vẫn còn tranh chấp được giao cho Công ty Phú An Lành làm khu dân cư

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, giao đất không lập thủ tục ký kết hợp đồng trồng rừng, biên bản giao nhận đất tại thực địa, thiếu kiểm tra, không kịp thời báo cáo điều chỉnh để thu hồi diện tích đất giao với những hộ không có nhu cầu sử dụng đất trồng cây rừng. Từ đó, hộ ông Phúc tự quản lý, sử dụng vượt diện tích đất được giao. Tổng cộng, hộ ông Phúc quản lý, sử dụng 147,25 ha, gồm 64,5 ha được giao và 82,75 ha giao cho 12 hộ dân khác (là người nhà ông Phúc đứng tên xin giao đất nhưng không trực tiếp sử dụng).

Cây rừng bị chặt phá chuyển đổi thành khu dân cư

Sau đó, Nhà nước thu hồi bồi thường cho hộ ông Phúc diện tích 32,25 ha đất để xây dựng sân Golf, diện tích đất còn lại ông Phúc quản lý, sử dụng là 114,08 ha (tại xã Bình Minh: 5.6435 ha, tại xã Sông Trầu: 1088,4347 ha). Ngày 26/06/2000, ông Nguyễn Văn Phúc chết, vợ con ông Phúc khởi kiện chia tài sản thừa kế và được TAND tỉnh Đồng Nai xử tại Bản án số 47/DSST ngày 12/11/2002. Nội dung bản án: “Công nhận sự tự thỏa thuận về quyền được hưởng tài sản cây rừng trồng trên đất giao, các đương sự phải đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền liên hệ làm thủ tục xin cấp quyền sử dụng đất và thuê đất theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, các đối tượng được hưởng tài sản thừa kế đáng lẽ sẽ thỏa thuận chia tài sản là cây cối trên đất, nhưng lại tiến hành làm đơn kê khai, đăng ký quyền sử dụng đất. Bà Trần Thị Lành (con riêng ông Phúc) ở ấp Tây B, xã Đông Hòa, huyện Dĩ An, Bình Dương được cấp với diện tích 29,6311 ha đất lâm nghiệp (hồ sơ do ông Nguyễn Hiệp Quế, Phó Phòng ký trình cấp GCNQSDĐ đất ngày 21/11/2003). Đến ngày 15/12, xã Sông Trầu và Phòng TN&MT huyện xác lập hồ sơ cho phép bà Lành chuyển quyền sử dụng đất cho con là Nguyễn Ngọc Tú (cùng hộ khẩu) là biểu hiện của việc làm “lách luật” về hạn mức đất nhằm phục vụ cho việc cấp GCNQSDĐ đợt 2 vào ngày 13/1/2004. Tổng diện tích 2 đợt cấp GCNQSDĐ là 50,1072 ha đất, trong đó đã cấp sai mục đích sử dụng đất giao trồng rừng năm 1996-1987, từ đất trồng rừng sang đất nông nghiệp là 20,4455 ha.

Theo quy định, việc cấp GCNQSDĐ là chưa đúng: Không đúng quy trình, thủ tục, không chấp hành ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện, đất cấp GCNQSDĐ vượt hạn mức đất lâm nghiệp trên 20 ha và giao đất trồng rừng không đúng đối tượng (bà Lành không có hộ khẩu tại địa phương) và giao sai mục đích sử dụng đất (20,4455 ha đất nông nghiệp).

Tiếp đó là trường hợp bà Trần Thị Lệ (vợ không hôn thú với ông Phúc) ở ấp 4, xã Sông Trầu. Ngày 5/12/2003, cấp GCNQSDĐ diện tích 23,2436 ha đất trồng rừng. Việc giao đất cho hộ bà Lệ là đủ điều kiện, đúng mục đích sử dụng đất trồng rừng, nhưng hồ sơ thực hiện chưa đúng quy trình, thủ tục xét đề nghị, chưa tổ chức ký hợp đồng trồng rừng là sai quy định của Luật đất đai. Do đó. phải thu hồi GCNQSDĐ đã cấp; đồng thời tổ chức, xét duyệt, lập thủ tục giao đất trồng rừng và cấp GCNQSDĐ theo đúng quy định pháp luật.

Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo yêu cầu tổ chức thực hiện thu hồi toàn bộ giấy CNQSDĐ đã cấp sai cho các đối tượng nói trên. Tuy nhiên, đến 2009, UBND huyện Trảng Bom vẫn chưa thu hồi được. Lý do, các hộ gia đình ông Phúc không đồng ý giao nộp, đồng thời có ý kiến sẽ tiếp tục khởi kiện hành chính đối với UBND huyện về việc ban hành các Quyết định nêu trên.

Ai đứng đằng sau công ty Phú An Lành?

Ngày 02/12/2019, ông Lê Hữu Đảng - Phó Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom đã  ký quyết định 6019/QĐ-UBND, về việc phê duyệt phương án bồi thường và tái định cư để thực hiện dự án xây dựng khu dân cư Phú An Lành tại xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom. Trong những hộ bị thu hồi đất có hộ bà Nguyễn Ngọc Tú và ông Nguyễn Đức Ân với tổng số diện tích phê duyệt bồi thường, hỗ trợ là 912.603,6 m2 đất nông nghiệp và 22.680,7 m2 đất giao thông do UBND xã Sông Trầu quản lý. Tổng giá trị phê duyệt bồi thường, hỗ trợ cho 2 hộ này là 183.015.427.607 đồng (Tổng giá trị phương án bồi thường hỗ trợ hơn 186,6 tỷ đồng).

Theo tìm hiểu của PV, chính bà Trần Thị Lành (vợ không hôn thú với ông Nguyễn Văn Phúc, người có tranh chấp phần đất với bà Huỳnh Thị Mai) là người đại diện pháp luật, Giám đốc Công ty Cổ phần Phú An Lành. Chi nhánh Công ty Phú An Lành tại địa chỉ 374, ấp 4, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, người đại diện là bà Nguyễn Ngọc Tú.

Bà Huỳnh Thị Mai nhiều năm ngồi xe lăn đi đòi đất

Trong khi đó, bà Mai thu hoạch hết cây rừng trên đất, chuẩn bị trồng rừng mới thì có quy hoạch khu dân cư Phú An Lành rộng 95 ha trùm lên 12 ha đất của bà. Dự án này được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 vào ngày 3/4/2020. Như vậy, dư luận đang đặt câu hỏi, diện tích đất khu dân cư Phú An Lành được cấp như thế nào? Và quyết định 6019/QĐ-UBND của ông Lê Hữu Đảng có sai về thẩm quyền và trái pháp luật?

Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, sau khi Công ty Phú An Lành được phê duyệt  quy hoạch 1/500 thì đã chuyển nhượng cho đối tác khác để thu lợi hàng trăm tỷ đồng. Vậy là bà Nguyễn Ngọc Tú vừa lấy được tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư, vừa phù phép biến dự án thành khu dân cư và chuyển nhượng để thu lời rất lớn!

Ngày 20/12/2017, Thanh tra tỉnh gửi đơn của bà Mai tới UBND huyện. Ngày 22/12/2017, UBND tỉnh Đồng Nai có công văn giao cho Sở TN&MT kiểm tra. Sau đó, Sở TN&MT có báo cáo UBND tỉnh và ngày 30/3/2020, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Trảng Bom rà soát, thẩm tra việc cấp sổ đỏ cho vợ và con ông Phúc, báo cáo về UBND tỉnh.

Ông Đoàn Hải, nguyên Chủ tịch huyện Trảng Bom nói không có cơ sở cấp giấy chứng nhận đất cho gia đình ông Phúc

Đến nay, UBND huyện Trảng Bom vẫn chưa có báo cáo UBND tỉnh. Văn phòng UBND huyện cho biết, ngày 19/5 mới có công văn trả lời bà Mai là UBND huyện “đã giao Hội đồng bồi thường, hỗ trợ dự án khu dân cư Phú An Lành kiểm tra, rà soát lại hồ sơ bồi thường”.

Môi trường & Đô thị điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết Đồng Nai: Dân kêu cứu nhiều năm vì mất đất! (Bài 2). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.