Thứ bảy, 20/04/2024 13:46 (GMT+7)

Gia Lai: Công ty Minh Phước gian dối trong dự án trồng rừng - Bài 1

Lê Hải - Mai Trung -  Thứ ba, 25/06/2019 13:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Công ty Minh Phước đã cố tình bỏ ngoài hồ sơ hỗ trợ đền bù của thôn Chư Wâu, xã Chư A Thai nhằm qua mặt các cơ quan chức năng.

Ngày 31/1/2019, UBND tỉnh Gia Lai ký quyết định phê duyệt cho Công ty TNHH TMDV Minh Phước (tỉnh Bình Định) tiến hành trồng gỗ rừng (keo) xuất khẩu và tiêu thụ trong nước với tổng diện tích 392,7 ha. Địa điểm thực hiện dự án tại tiểu khu 1163, 1164, 1166 xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tổng số vốn đầu tư hơn 18 tỷ đồng, thực hiện trong 30 năm.

Người dân chỉ nơi dự án thu hồi đất của dân

Dựa theo báo cáo Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai số 1931, dự án có tổng diện tích 392,7 ha, trong đó có 90,64 ha là đất trống, 291,38 ha đất người dân xâm canh sản xuất nông nghiệp, 9,85 ha đất cây trồng lâu năm và 0,83 ha đất khác. Trên tổng diện tích này có tổng cộng 5 thôn gồm: Tân Lập, Drok, Dlâm, Plei Pông và Chư Wâu. Tuy nhiên, Công ty Minh Phước chỉ mới tiến hành hỗ trợ cho 173 người với tổng diện tích lấn chiếm là 195,2 ha. Cụ thể: thôn Dlâm (44 người, lấn chiếm 35,8 ha); thôn Tân Lập (55 người, lấn chiếm 72,7 ha); thôn Drok (62 người, lấn chiếm 67,3 ha); thôn Plei Phông (12 người, lấn chiếm 19,4ha). Số diện tích chưa được hỗ trợ là 96,18 ha, đặc biệt là thôn Chư Wâu (hơn 40 hộ, diện tích gần 52 ha) không được đề cập đến trong danh sác các hộ nhận hỗ trợ (!)

Ông Nay Ưu - Trưởng thôn làng Chư Wâu, xã Chư A Thai, bức xúc: “Năm 2002, vì thiếu đất nên người dân ở đây phải lên núi để sống và canh tác rẫy. Sau khi làng tái định cư hình thành, bà con cũng không có đất nên vẫn bám theo ngọn núi Chư A Thai này. Khi có dự án trồng rừng, họ (Công ty Minh Phước - PV) đến và nói sẽ đền bù đất cho chúng tôi với số tiền là 4 triệu/ha. Nhưng đổi lại, chúng tôi không có đất canh tác, không chuyển đổi nghề gì được, nên chúng tôi không đồng ý. Chúng tôi không muốn giao đất vì đây là nguồn sống duy nhất của người dân ở đây, không có đất trồng rẫy thì chúng tôi không biết làm gì để sống. Đã 3 lần họp dân nói về vấn đề này, chúng tôi đều phản ứng gay gắt!”.

Tương tự, ông Roanh Son (SN: 1967, thôn Chư Wâu), nói: “Tôi không lấy tiền vì mất đất thì chúng tôi không biết phải làm gì. Chúng tôi đã trình đơn lên tỉnh nhưng từ đó đến nay vẫn chưa thấy phản hồi...”.

Ông Kpa Lock (SN: 1970, thôn Chư Wâu) cũng băn khoăn: “Nếu bây giờ họ thu hồi hết đất thì rất nhiều hộ dân ở đây, trong đó có gia đình tôi, phải thất nghiệp và còn rất nhiều hệ lụy về sau!”.

Một dự án nhưng có đến hai bản đồ quy hoạch diện tích khác nhau

Trả lời nhóm PV Môi trường & Đô thị điện tử, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện, cho biết: “Chư Wâu là một làng tái định cư. Người dân ở đây đa số đều canh tác trên đất lâm nghiệp. Khi có dự án trồng rừng thì giữa công ty và người dân tự thỏa thuận để đưa ra mức hỗ trợ hợp lý. Qua đó, công ty sẽ tiến hành thu đất để thực hiện dự án trồng rừng. Tuy nhiên, trong quá trình chưa thỏa thuận được với người dân. Chính vì vậy, diện tích đất thôn Chư Wâu vẫn chưa bị lấy và chưa hỗ trợ. Được biết, số diện tích trên là đã trừ ra thôn Chư Wâu… Hiện công ty đang tiến hành dọn dẹp để trồng rừng”.

Nhận thấy những mâu thuẫn giữa phát biểu của UBND huyện Phú Thiện và văn bản của UBND tỉnh Gia Lai, chúng tôi đã đăng ký làm việc với Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên, người đại diện được ủy quyền không nắm được vấn đề. Ông Nguyễn Hồng Lâm - Trưởng phòng Sử dụng và phát triển rừng, thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, phát biểu: “Đền bù bao nhiêu hộ với diện tích bao nhiêu ha thì Sở Tài nguyên Môi trường nắm!”.

Trong một diễn biến khác, khi được phỏng vấn qua điện thoại, ông Nguyễn Nhĩ - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Gia Lai lại cho rằng: “Nếu anh em chuyên môn mà không nắm thì mình cũng không nắm được. Vì trong quá trình công tác thì anh em hay phối hợp với các sở, ban ngành khác. Hơn nữa, một dự án được cấp phép thì là do Sở Kế hoạch Đầu tư chứ không phải bên này (Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn - PV), bên này chỉ khảo sát ban đầu thôi”.

Một góc làng Chư Wâu của xã Chư A Thai

Như vậy, đây là một dự án sai phạm rất rõ ràng ở nhiều khâu: chưa đền bù cho người dân; không chỉ gian dối trong hồ sơ lập bản đồ, Công ty Minh Phước còn “tự vẽ” ra hai bản đồ khác nhau để trình cơ quan chức năng. Thậm chí, với những toan tính từ lợi ích lớn mà đất rừng mang lại, Công ty Minh Phước đã cố tình lấp liếm, qua mặt các cơ quan chức năng trong khâu giải phóng mặt bằng (doanh nghiệp phải tự nguyện thỏa thuận với người dân - PV), khiến tổng thể dự án rừng vẫn đang rất chắp vá, loang lổ (do người dân thôn Chư Wâu sản xuất ở từng khoảnh khác nhau)… nhưng vẫn được các sở, ban ngành tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt. Rồi khi báo chí vào cuộc thì các cơ quan có trách nhiệm lại đổ qua, đổ lại cho nhau!

Vậy nguyên nhân là do cán bộ yếu kém trong khâu thẩm định hồ sơ, tắc trách trong công việc hay vì lợi ích riêng nào đó?! Người dân ở Chư A Thai đang cần nghe câu trả lời xác đáng từ các cấp chính quyền tỉnh Gia Lai.

Môi trường & Đô thị điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết Gia Lai: Công ty Minh Phước gian dối trong dự án trồng rừng - Bài 1. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ