Thứ tư, 17/04/2024 00:40 (GMT+7)

Hà Nội: Nhiều sai phạm trong hoạt động bến đò ngang sông Hồng

Nguyên Bá -  Thứ ba, 21/05/2019 08:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tại một số bến đò ngang sông Hồng, hoạt động vận chuyển người và các phương tiện qua sông có nhiều sai phạm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy.

Nhiều năm qua, mỗi khi mùa mưa bão đến gần thì nỗi lo mất an toàn giao thông đường thủy lại càng gia tăng. Việc hàng loạt bến đò ngang sông Hồng trên địa bàn Thành phố Hà Nội chưa chấp hành đầy đủ các quy định trong kinh doanh vận tải hành khách đường thủy, khiến nguy cơ tai nạn giao thông luôn hiện hữu.

Theo ghi nhận của PV tại một số bến đò ngang tại Hà Nội, hầu hết các bến đò này hoạt động đều không đúng quy định pháp luật, chở quá tải, thu phí sai quy định, không trang bị áo phao cho hành khách… trong khi mùa mưa bão đang cận kề.

Đơn cử như tại bến đò xã Vân Phúc (Phúc Thọ, Hà Nội), mặc dù bến đò không đủ điều kiện cấp phép để chở ô tô nhưng bất chấp lợi nhuận và tính mạng hành khách, chủ đò vẫn ngang nhiên nhận chở các phương tiện ô tô con và xe tải, gây ra tình trạng quá tải phương tiện và mất an toàn giao thông.

Bến đò Vân Phúc (Phúc Thọ) thường xuyên chở ô tô dẫn đến tình trạng quá tải.

Một người dân thường xuyên qua đây cho biết, cả 2 chiếc phà tại đây đều có diện tích rất bé, tuy nhiên chuyện chủ đò chở một lúc vài chiếc ô tô là bình thường, thậm chí nhiều hôm chở quá tải phà không ra được phải cho bớt phương tiện đi chuyến sau.

Ghi nhận ngày 16/5, chiếc phà sắt số hiệu Hta 0140h thậm chí còn chở một lúc hai chiếc xe ô tô cùng hàng chục hành khách và các phương tiện xe máy. Do chở quá nặng, chiếc phà loay hoay mãi không ra được khỏi bến, hành khách sau đó được yêu cầu dồn về hết cabin để mũi tàu nâng lên mới ra được khỏi bờ.

Trong quá trình lên phà và di chuyển, chủ tàu cũng không hề nhắc nhở hành khách mặc áo phao. Trong khi theo quy định an toàn giao thông đường thủy, các đò ngang chở khách phải được trang bị đầy đủ áo phao, phao cứu sinh và trước khi đưa khách sang sông, chủ đò có nhiệm vụ nhắc nhở hành khách mặc áo phao phòng khi xảy ra tai nạn.  

Mặt khác, theo quy định, mỗi chuyến phà phải có một lái đò và một phụ đò, tuy nhiên tại đây không hề có phụ đò. Mỗi khi tàu xuất hoặc cập bến, lái đò lại phải nhờ hành khách quan sát và đóng, mở thanh chắn đò.

Hành khách trên chuyến đò Thọ An không được trang bị các áo phao theo quy định.

Tại bến đò xã Thọ An, tình trạng cũng xảy ra tương tự, chủ đò tại đây trang bị áo phao hình thức theo kiểu đối phó, không hề nhắc nhở người dân mặc. Hàng loạt áo phao được treo ở lan can đò nhưng không khách nào mặc. Gần đó, nhiều dụng cụ nổi được trang bị nhưng cũng không ai ngó ngàng đến. Mặc cho chuyến đò mỗi khi ra giữa sông gặp con sóng lớn lại chòng chành, nghiêng ngả.

Bà Phạm Thị Hà, người dân thôn Bắc Hà, xã Thọ An cho biết: “Hôm nào tôi cũng đi đò sang Yên Lạc, Vĩnh Phúc để đi chợ nhưng không thấy chủ đò nhắc nhở gì việc mặc áo phao nên tôi cũng kệ, biết là nguy hiểm nhưng đi suốt có bị gì đâu”.

Bên cạnh đó, các bến này đều không công khai bảng giá, thu phí không có vé dẫn đến việc thu phí vô tội vạ, cao gấp nhiều lần quy định của pháp luật. Theo mức thu phí qua đò trên địa bàn thành phố do UBND thành phố quy định tại Quyết định 89/2014/QĐ-UBND ngày 22-12-2014, mức phí đối với hành khách là 2.000 đồng/người/lượt; 1 người, 1 xe đạp là 3.000 đồng/lượt; 1 người, 1 xe máy là 4.000 đồng/lượt…

Thu tiền gấp nhiều lần quy định nhưng không hề phát vé hay giấy tờ chứng thực.

Tuy nhiên, người đi đò thường xuyên bị thu phí cao gấp nhiều lần so với mức giá này. Tại bến đò Vân Phúc, giá mỗi xe máy là 25.000 đồng/lượt, người đi bộ là 10.000 đồng/lượt, ô tô 4 chỗ là 70.000 đồng/lượt, xe tải nhỏ là 90.000 đồng/lượt, tất cả đều không hề có vé hay bất cứ một giấy tờ chứng thực nào.

Liên quan đến việc bến đò Vân Phúc hoạt động sai phép, ông Đặng Văn Kiều – Chủ tịch UBND xã Vân Phúc cho biết, chủ bến đò Vân Phúc là ông Bùi Xuân Thức được xã giao thầu trong 5 năm với giá thuê là 80 triệu đồng.

Ông Kiều khẳng định, tại bến đò Vân Phúc hiện nay có hai chiếc phà đang hoạt động, trong đó có một chiếc được phép chở ô tô, nhưng cụ thể chiếc nào ông không biết. Tuy nhiên, Trưởng công an xã Vân Phúc lại khẳng định, bến đò Vân Phúc không được phép chở ô tô, việc chở ô tô như trên là sai phép.

Khi PV cho ông Kiều xem các clip, hình ảnh về việc bến đò hoạt động không đúng quy định, ông Kiều cho biết nếu cứ hoạt động sai phép thì xã sẽ thanh lý hợp đồng.

“Chúng tôi đã quán triệt rồi, tuyệt đối không được chở quá tải, sai đâu do bên kiểm tra đường thủy xử lý theo quy định thôi… Nếu bến đò có sai phạm mình mà bắt được, xử lý sai phạm nhiều lần, nhắc nhở không được thì mình sẽ thanh lý hợp đồng”, ông Kiều cho biết.

Khi PV đề nghị được xem hồ sơ quản lý bến đò của xã, ông Kiều tỏa ra lúng túng và sau đó thừa nhận là xã không có, nếu PV cần thì xuống bến đò mà lấy.

Qua đó có thể thấy, UBND xã Vân Phúc đang không mấy quan tâm đến hoạt động của các bến đò, do đó không kịp thời phát hiện vi phạm hoặc phát hiện nhưng làm ngơ không xử lý.

Mùa mưa bão đến gần nhưng các chủ đò lại chưa chấp hành các quy định trong kinh doanh vận tải hành khách đường thủy, gây mất an toàn giao thông. Điều này rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý dứt điểm.

Môi trường và Đô thị Việt nam Điện tử tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Nhiều sai phạm trong hoạt động bến đò ngang sông Hồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.