Thứ sáu, 26/04/2024 01:53 (GMT+7)

Hà Tĩnh: Rừng phòng hộ bị bức tử (Bài 2)

Hà Thoan – Nguyễn Chiến -  Thứ ba, 18/05/2021 14:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đến nay, cơ quan chức năng huyện Kỳ Anh vẫn chưa có bất cứ phản hồi gì về việc hàng trăm ha rừng đầu nguồn xã Kỳ Sơn bị bức tử.

Rừng tiếp tục bị đốn hạ

HTX sinh thái Khe Xai mở đường đào ao và xây dựng công trình trái phép nhưng không thấy cơ quan chức năng vào cuộc xử lý.

Ngày 20/04/2021, Môi trường và Đô thị điện tử có bài viết “Rừng phòng hộ bị bức tử”, phản ánh một hợp tác xã cùng nhiều hộ dân đã lợi dụng khoanh nuôi bảo vệ, ngang nhiên mở đường, chặt phá hàng trăm ha rừng để đào ao và xây dựng công trình trái phép trong rừng đầu nguồn xã Kỳ Sơn. Tuy nhiên, sau nhiều lần PV liên hệ làm việc, đến nay, cơ quan chức năng huyện Kỳ Anh vẫn chưa có bất cứ phản hồi gì.

Hàng trăm cây gỗ có đường kính từ 20-30 cm bị cắt hạ.

Ngày 03/05/2021, PV tiếp tục đi theo quốc lộ 12C vào tận nơi rừng vừa bị đốn hạ, tại đây có hàng loạt cây rừng tự nhiên thuộc các loại trường, dẻ, đẻn… có đường kính từ 30-50 cm bị lâm tặc dùng máy cưa cắt hạ ngổn ngang, không thương xót. Diện tích bị chặt hạ và khai thác trái phép lên đến vài chục ha. Điều đáng nói, địa điểm rừng bị khai thác cách quốc lộ 12C không quá 100 m, cách đó 1 km có tấm biển cấm chặt phá rừng phòng hộ đầu nguồn!

PV nhiều lần đến UBND xã Kỳ Sơn liên hệ phối hợp xác minh rừng bị phá, song không nhận được sự hợp tác.

Để tìm hiểu rõ hơn về sự việc, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với Chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu và câu trả lời “đang có dịch không tiếp!”.

Sau khi báo chí đăng tải, rừng tại tiểu khu 382 do UBND xã Kỳ Sơn quản lý tiếp tục bị chặt phá ngổn ngang.

Ngoài ra, PV cũng đã nhiều lần liên hệ với kiểm lâm và Hạt Kiểm lâm địa phương cùng các cơ quan quản lý để kiểm tra xác minh, xử lý tình trạng để rừng bị xẻ thịt, băm nát, mở nhiều tuyến đường, ngăn ao đắp hồ trên đất rừng. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng địa phương lại chối bỏ trách nhiệm, phớt lờ nội dung báo chí và người dân phản ánh, mặc cho rừng phòng hộ tiếp tục bị phá!

Trong một lần hiếm hoi, Chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn là ông Nguyễn Anh Ngọc tiếp PV sau khi xem những hình ảnh phá rừng mà chúng tôi cung cấp. Ông Anh cho biết, rừng vừa bị chặt phá là tại tiểu khu 382 do UBND xã quản lý. Sau khi phát hiện phá rừng, xã đã vào kiểm tra, đo đếm và lập biên bản, giao cho kiểm lâm xử lý. Khi được hỏi vì sao rừng lại để cho lâm tặc phá hiên ngang mà chính quyền không có chế tài gì xử lý, hay có ai đang bao che cho nạn phá rừng thì ông Ngọc vin vào lý do “rừng rộng, lực lượng mỏng”!

Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng, PV ghi nhận có hai tiểu khu bị người dân chặt phá rừng để lấy đất sản xuất (tiểu khu 382 và 394). Ước lượng diện tích bị phá lên đến hàng trăm ha, nhưng đến nay, chưa có một cá nhân nào bị xử lý!

Ai chịu trách nhiệm cho việc rừng bị mất?

Từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn xã Kỳ Sơn, diện tích rừng bị mất ngày càng nhiều, quy mô phá rừng ngày càng lớn và thủ đoạn ngày càng trắng trợn. Chỉ trong vòng 3 năm, có hàng chục ha rừng bị chặt, đốt trụi để trồng keo tràm cũng như mở đường, ngăn ao, xây dựng nhiều công trình trang trại trong rừng…

Nhiều cây rừng bị máy cưa cắt xẻ không thương xót

Để rộng đường dư luận, PV tiếp tục liên hệ ông Lê Khắc Hựu - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Anh, thì được biết : “Sau khi nắm thông tin từ báo đăng, tôi đã chỉ đạo khẩn lực lượng kiểm lâm và UBND xã Kỳ Sơn vào hiện trường kiểm tra và đã tiến hành lập văn bản. Hiện vụ việc đã báo cáo về Chi cục Kiểm lâm tỉnh để làm rõ, sau khi có kết quả điều tra sẽ trả lời báo chí sau”.

Với nghi vấn có hay không việc kiểm lâm và chính quyền địa phương bao che, chối bỏ trách nhiệm, buông lỏng quản lý dẫn đến rừng bị chặt phá trong thời gian dài, ông Hựu nói: “Sau khi có kết quả kiểm tra sai đâu sẽ xử lý tới đó, quyết không bao che!”.

Thực tế, theo từng năm, rừng tự nhiên bị chặt hạ, đốt phá dần, diện tích ngày càng bị thu hẹp, còn UBND xã Kỳ Sơn và kiểm lâm huyện Kỳ Anh vẫn cứ “bình chân như vại”. Chưa kể, đây còn là rừng phòng hộ đầu nguồn. Nên sự thờ ơ của các cơ quan quản lý đang gây nguy hiểm cho người dân sinh sống quanh khu vực này mỗi khi lũ tràn về.

Môi trường và Đô thị điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết Hà Tĩnh: Rừng phòng hộ bị bức tử (Bài 2). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.