Thứ bảy, 20/04/2024 13:18 (GMT+7)

Hải Bối, Đông Anh: Nhức nhối hoạt động bến bãi không phép

Trúc Mai -  Thứ năm, 30/05/2019 09:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trên địa bàn xã hiện này có 2 bến bãi đó là của công ty Thanh Hiền và Công ty Diệp Trang đều hoạt động trên đất nông nghiệp. Hiện 2 công ty này hoạt động bến bãi không phép...".

Bến bãi mọc trên đất công

Đi theo những chiếc xe quá tải chạy rầm rập trên tuyến đê, chúng tôi có mặt tại một trong những điểm tập kết, trung chuyển VLXD lớn nhất xã Hải Bối. Từ trên đê vào, chúng tôi tới một bãi tập kết VLXD rộng cả héc ta.

Các bãi tập kết nối san sát nhau, hàng chục đống cát được tập kết cao như những quả núi, các phương tiện như máy xúc, ô tô có trọng tải lớn ra vào tấp nập,…

Tiếng động cơ máy xúc, xe tải ầm ầm cùng với đó là bụi, khói trùm cả khu vực khiến ai đi qua địa điểm này cũng phải lắc đầu, bịt kín để tránh cát bụi từ các xe tải di chuyển trên đường.

Bến bãi trái phép trên đất nông nghiệp tại xã Hải Bối

Lượng cát tập kết tại đây lên tới hàng nghìn khối. Nguy hại nhất là các đoàn xe ra vào bãi tập kết này thường xuyên chở quá tải, che chắn không đúng quy định gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự an toàn của kết cấu đường trên mặt đê, cũng như gây bụi cho người dân.

Dù vậy, không hiểu vì lý do gì mà đến nay, cơ sở này vẫn chưa bị di dời và trả lại hành lang an toàn cho đê.

Một người dân sống tại đây chia sẻ: “Từ ngày những bãi tập kết vật liệu xây dựng xuất hiện cuộc sống của người dân chúng tôi bị xáo trộn hoàn toàn.

Xe trọng tải lớn phá nát đường, tạo nên những ổ trâu, ổ gà sâu hoắm. Mùa hè khói bụi, mưa xuống những ổ trâu, ổ gà bị nước che lấp khiến việc đi lại vô cùng nguy hiểm”.

Mỗi ngày có hàng chục binh đoàn xe quá tải chạy qua... gây ô nhiễm môi trường

 “Thời gian qua người dân chúng tôi đều phải sống chung với khói bụi. Mỗi lần đi qua đoạn đường này, chỉ cần một chút gió thôi thì lập tức tóc tai, quần áo đều bị phủ một lớp bụi trắng xóa. Mặc dù rất phẫn nộ trước tình trạng trên nhưng người dân chúng tôi đều bất lực buông xuôi vì không có cách nào để giải quyết”, một người dân bức xúc nói.

Liên quan đến vấn đề trên, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Ngọc – PCT UBND xã Hải Bối.

Ông Ngọc ông cho biết: “Trên địa bàn xã hiện này có 2 bến bãi đó là của công ty Thanh Hiền và Công ty Diệp Trang đều hoạt động trên đất nông nghiệp. Cách đây 5 năm về trước thì có phép nhưng kể từ đó đến nay thì 2 công ty này hoạt động bến bãi không phép và cũng không có công tác bảo vệ môi trường. Hai doanh nghiệp này không có đóng góp gì cho xã và xã cũng không thu bất kỳ một khoản phí nào”.

Tuy nhiên, khi PV yêu cầu được tiếp cận hồ sơ liên quan đến 2 doanh nghiệp này và các văn bản chỉ đạo của huyện, nhưng ông từ chối cung cấp và hẹn PV vào dịp khác để cho cán bộ chuẩn bị hồ sơ.

Theo tìm hiểu PV được biết, chính quyền địa phương cũng đã xuống lập biên bản xử phạt hành chính và yêu cầu dừng hoạt động. Tuy nhiên, do chính quyền sở tại chưa thực sự quyết liệt và thiếu biện pháp ngăn chặn, xử lý nên đến thời điểm này các chủ bãi vẫn tập kết, buôn bán vật liệu xây dựng trái quy định.

Hoạt động gây ra những hệ lụy trên, không chỉ có trách nhiệm của xã mà còn liên quan các cơ quan ban ngành khác trên địa bàn. 

Hệ lụy khôn lường…

Theo Chi cục Quản lý đê điều và PCLB, qua kiểm tra thực tế nhiều bãi tập kết, chất thải VLXD có diện tích và chiều cao lớn làm cản trở dòng chảy trong mùa lũ, gây ảnh hưởng đến an toàn của đê, kè, bờ sông; tiềm ẩn nguy cơ gây sụt bãi bờ, bãi sông và gây ô nhiễm môi trường trong khu vực lân cận.

Một số chủ bến còn tập kết, trung chuyển VLXD cát đen không rõ nguồn gốc. Việc trung chuyển VLXD bằng xe có tải trọng lớn đi trên đê làm hư hỏng mặt đê, ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của đê. Các hạt quản lý đê đã lập biên bản và đề nghị UBND các xã, phường, thị trấn xử lý, giải tỏa các trường hợp hoạt động khai thác, tập kết trung chuyển VLXD ngoài bãi sông không có giấy phép.

Tuy nhiên, nhiều năm nay, các trường hợp hoạt động không có giấy phép vẫn tồn tại chưa được xử lý dứt điểm.

Theo thống kê, số vụ sạt lở đê, kè ở Hà Nội tăng dần theo từng năm, cùng với đó là mức độ nghiêm trọng ngày càng đẩy mạnh hơn. Cụ thể, năm 2015 xảy ra 15 vụ, năm 2016 xảy ra 47 vụ.

Đặc biệt vào năm 2017, Hà Nội xảy ra sự cố đê Bùi 2 bị sạt trượt trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Sự cố trên đã khiến nhiều thôn, xã trên địa bàn bị cô lập trong nước, ảnh hưởng trực tiếp đến gần 1.000 hộ dân.

Theo thông tin từ Sở Nông ngiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn Thành phố phát sinh 5 sự cố đê điều. Cụ thể, sự cố sạt lở kè Chu Minh, kè Cam Thượng (huyện Ba Vì); cống Cẩm Đình, mái kè Cẩm Đình, cơ kè Xuân Phú (huyện Phúc Thọ).

Đáng chú ý, các sự cố trên khá phức tạp, đe dọa nghiêm trọng đến an toàn công trình đê điều, tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố.

Để xảy ra các sự cố sạt lở đê điều, ngoài nguyên nhân khách quan là do yêu tố thiên nhiên, còn một phần là do những nguyên nhân chủ quan. Dễ thấy nhất là tình trạng xây dựng công trình, tập kết vật liệu, đổ đất thải, phế thải san lấp mặt bằng, tôn nền ở bãi sông trong hành lang thoát lũ…

Đây là những vi phạm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn đê điều, làm cản trở dòng chảy, tiêu thoát lũ cho khu vực, tiềm ẩn nguy cơ gây sạt lở bờ, bãi sông, làm mất an toàn công trình đê điều.

Cùng với đó, tình trạng xe vượt quá giới hạn tải trọng cho phép lưu thông trên đê làm cho mặt đê xuống cấp nghiêm trọng, gia tăng nguy cơ gây nên sự cố công trình đê điều, mất an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông trên đê.

Trước thực trạng trên, đề nghị UBND TP Hà Nội, UBND huyện Đông Anh quyết liệt vào cuộc xử lý dứt điểm vi phạm, để tránh tạo thành tiền lệ xấu trên địa bàn.

Bạn đang đọc bài viết Hải Bối, Đông Anh: Nhức nhối hoạt động bến bãi không phép. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ