Thứ sáu, 29/03/2024 01:15 (GMT+7)

Hải Phòng: Doanh nghiệp phá dỡ tàu cũ 'quên' đề án bảo vệ môi trường

Sơn Hồng-Tiêu Diệp -  Thứ sáu, 24/05/2019 08:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Phá dỡ tàu cũ trái luật, hoạt động sửa chữa nhưng không có đề án BVMT, cam kết BVMT ... nhưng doanh nghiệp Hưng Phong vẫn vô tư hoạt động nhiều năm nay.

Theo thông tin phóng viên có được, ngày 25/2/2019, Công ty TNHH DV VT và TM Hưng Phong (Công ty Hưng Phong) có địa chỉ thường trú tại Thôn 7, xã Hợp Thành (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) thực hiện giao dịch với Công ty TNHH Thanh Châu Phát (TP. Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu) theo hợp đồng số 25/02/2019/ HĐMB/HP-TCP, về việc mua bán tàu Thanh Châu 26 với giá trị trên 3 tỷ đồng, tàu có trọng tải gần 2.500 tấn, chiều dài 84,55m, chiều 11m...

Trong hợp đồng mua bán giữa hai bên được ghi rõ: “Bên bán tàu cam kết bàn giao tàu nguyên hiện trạng và đang hoạt động ở trạng thái tàu nổi cùng các hồ sơ giấy tờ đăng ký, đăng kiểm và các tài liệu khác cùng toàn bộ trang thiết bị máy móc  trên tàu, vật tư phụ tùng, đồ nghề, tài sản của tàu kèm theo”.

Toàn bộ công nhân làm việc tại bãi tập kết của Công ty Hưng Phong đều không được trang bị bảo hộ lao động.

Ngay sau khi Công ty TNHH Thanh Châu Phát bàn giao tàu Thanh Châu 26 theo đúng hợp đồng, lúc này Công ty Hưng Phong lập tức chỉ đạo công nhân thực hiện phá dỡ tàu trái quy định khiến dầu máy, nước bẩn đáy tàu, lớp chất sơn bảo vệ thành tàu vương vãi trên mặt sông Cấm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Thời điểm phóng viên có mặt tại bãi sửa chữa và phá tàu Thanh Châu 26 (thôn 11, xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) gần 20 công nhân với nhiều loại mỏ hơi cỡ lớn, máy cắt, múc xúc, máy cẩu... gấp rút phá dỡ, chuyển khoang nồi hơi tàu, khoang lái, khu điều khiển, các hệ thống trang thiết bị máy móc phá dỡ nát vụn chuyển lên trên bờ tập kết.

Trong quy trình phá dỡ sửa chữa tàu, Công ty Hưng Phong không thực hiện đầy đủ các điều kiện về môi trường cũng như không có khu lưu trữ chất thải nguy hại, chất thải rắn, cùng hệ thống vòm bắn mái che ngăn nắng, mưa.

Dầu thải nguy hại chảy trực tiếp ra sàn đất, hệ thống PCCC chưa được nghiệm thu, đặc biệt, gần 20 công nhận làm việc tại đây không có bất kỳ bảo hộ lao động nào trong khi làm việc.

Toàn bộ diện tích quỹ đất rộng hàng nghìn m2 được Công ty Hưng Phong sử dụng vào mục đích sửa chữa tàu, mặt sàn nước bẩn tụ đọng thành nhiều vũng, mặt đất nhầy nhụa. Cát thẩm thấu dầu thải chất thành đống, hàng chục bình chứa khí ga, khí O2 gây nổ bỏ suông ngoài trời, hệ thống xử lý nước thải không xây dựng nhưng vẫn hoạt động nhiều năm.

Giám đốc Công ty Hưng Phong thừa nhận đến nay công ty vẫn chưa hoàn thiện đầy đủ giấy tờ liên quan đến môi trường.

Lúc này,  phóng viên chúng tôi đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương đến đâu khi doanh nghiệp không đủ điều kiện vẫn hoạt động bình thường suốt thời gian dài?

Trong buổi làm việc nhanh cùng ông Nguyễn Văn Phong - Giám đốc Công ty Hưng Phong cho biết: “Hiện nay công ty hoạt động chưa đảm bảo các điều kiện về môi trường là đúng, chúng tôi đang hoàn thiện dần vì kinh phí triển khai thực hiện đề án công ty không có".

Việc Công ty Hưng Phong phá dỡ tàu cũ có đảm bảo luật môi trường?

"Việc nghi vấn Công ty Hưng Phong phá dỡ tàu Thanh Châu 26 là không có cơ sở vì chúng tôi đang sửa chữa chứ phá dỡ đâu”, ông Nguyễn Văn Phong cho hay.

Trước câu hỏi, nếu tàu Thanh Châu 26 thực sự sửa chữa sao công ty lại cho gần 20 công nhân phá tung tất cả khoang tàu, khu nồi hơi, động cơ, trang thiết bị và vỏ tàu cũng cắt đứt?

Ông Phong chỉ cho biết: “Doanh nghiệp hoạt động chân chính nhưng rất nhiều cơ quan báo chí đến quấy nhiễu. Vì vậy, chúng tôi sẽ kiến nghị lên chính quyền, một số câu hỏi chúng tôi không nhất thiết phải trả lời các anh”.

Việc Công ty Hưng Phong phá dỡ tàu cũ đúng hay sai? Hoạt động có đảm bảo luật môi trường? Dư luận và báo chí đang chờ câu trả lời rõ ràng từ cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin!

Trước đó, căn cứ vào muc 2.b, điều 42 luật Bảo vệ môi trường, từ ngày 1/7/2006, các hoạt động nhập khẩu, phá dỡ tàu cũ, các phương tiện giao thông vận tải đã qua sử dụng đều bị nghiêm cấm trên mọi hình thức. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ có công văn 1884 chỉ cho phép các doanh nghiệp có hợp đồng nhập khẩu tàu cũ đến ngày 1/7/2006 được làm thủ tục thông quan và phá dỡ tàu cũ đến hết tháng 11/2009.
Bạn đang đọc bài viết Hải Phòng: Doanh nghiệp phá dỡ tàu cũ 'quên' đề án bảo vệ môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.