Thứ sáu, 29/03/2024 20:06 (GMT+7)

Hành vi 'cướp điện thoại' của CVP H.Yên Lạc: Bàn về văn hoá công vụ

Ngọc Lan -  Thứ ba, 31/12/2019 10:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Từ câu chuyện "cướp điện thoại, xé văn bản" của ông Vũ Văn Thanh khi làm việc với phóng viên, chúng tôi muốn bàn thêm câu chuyện về chủ đề văn hoá công vụ.

                                    Trụ sở UBND huyên Yên Lạc nơi ông Vũ Văn Thanh công tác

Ngày 30/12, Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có bài phản ánh: Vĩnh Phúc: Chánh Văn phòng UBND huyện Yên Lạc “cướp” điện thoại phóng viên. Sau bài báo, có rất nhiều độc giả gọi điện, gửi thông tin đến toà soạn tỏ ra bất bình về hành vi ứng xử "lệch chuẩn" của một số cán bộ, công chức huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Từ câu chuyện "cướp điện thoại, xé văn bản" của ông Vũ Văn Thanh khi làm việc với phóng viên, chúng tôi muốn bàn thêm câu chuyện về chủ đề văn hoá công vụ.

Văn hóa là gốc. Văn hóa công sở xuất phát từ chính vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước trong đời sống xã hội và trong hoạt động của bộ máy hành chính, góp phần hình thành nét đẹp văn hóa của những con người cũng như động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Một công sở chỉ làm tròn nhiệm vụ và chức năng khi tạo dựng được mối quan hệ tốt giữa cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc; các chuẩn mực ứng xử, giao tiếp hành chính; ý thức chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính, tinh thần thái độ phục vụ nhân dân; hành vi ứng xử trong và ngoài cơ quan..., từ đó khơi dậy trong mỗi người tiềm năng sáng tạo và nỗ lực cống hiến, vì sự phát triển của xã hội.

Hành vi ứng xử "cướp điện thoại, xé văn bản" mang tính "côn đồ" của ông Vũ Văn Thanh, Chánh Văn phòng UBND huyện Yên Lạc là điển hình trong văn hoá ứng xử thiếu “đào tạo tư cách công vụ” cho mỗi công chức cán bộ của tỉnh Vĩnh Phúc.

 Việc "cướp điện thoại, xé văn bản" ngày 27/12 khi làm việc với phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam của Chánh Văn phòng UBND huyện Yên Lạc Vũ Văn Thanh là hành vi thiếu văn hoá, phản giáo dục, tạo hình ảnh xấu cho cán bộ, công chức của tỉnh Vĩnh Phúc nói chung và huyện Yên lạc nói riêng.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ : Văn hóa cơ quan, công sở, công vụ, hành chính… là nơi tựu trung giá trị của văn hóa xã hội nói riêng, mẫu mực cho sự phát triển văn hóa nói chung. Nó là động lực không chỉ cho một tổ chức, mà còn là động lực cho cả xã hội.

 Hành vi của ông Thanh đã đi ngược lại Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Đề ân Văn hóa công vụ của cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị  trong việc giao tiếp, ứng xử và đạo đức lối sống.

Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị cần phải nghiên túc chấp hành các quy định của pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị trong thực hiện văn hóa công vụ. Trong giao tiếp với người dân, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình giải thích và hướng dẫn cặn kẽ về quy trình xử lý công việc. Luôn thực hiện phương châm “4 xin, 4 luôn” - xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ. Các trường hợp vi phạm quy định về văn hóa công vụ sẽ bị xem xét, xử lý nghiêm theo quy định.

Trong xã hội hiện nay cũng có không ít những hành vi ứng xử lệch chuẩn văn hoá, nhưng với hành vi ứng xử mang tính "côn đồ" như ông Vũ Văn Thanh, Chánh Văn phòng UBND huyện Yên Lạc lại là điển hình trong văn hoá ứng xử thiếu “đào tạo tư cách công vụ” cho mỗi công chức cán bộ của tỉnh Vĩnh Phúc. Khi trở thành thành viên của một tổ chức, hình như không ai còn được tập huấn tư cách công vụ. Quy chế, giải pháp là cần thiết với tư cách một tổ chức xã hội và quy chế hay giải pháp đó phải rất cụ thể và khả thi. Còn thực hiện thì lại cần có tư cách cá nhân. Tôn trọng những giá trị chung là rất cần thiết để tạo nên sức mạnh chung, lớn hơn cố gắng từng người nhiều lần. Con người sống thành xã hội là vì như vậy.

Để văn hóa công sở ngấm và thấm trong mỗi cơ quan, đơn vị, trước hết là mỗi người đứng đầu phải đưa ra các giải pháp phù hợp với thực tế phát triển và phải thật sự gương mẫu trong tư duy, phong cách, lối sống...

Lãnh đạo phải là người đánh giá công tâm năng lực thực tế của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dưới quyền, phải là hạt nhân đoàn kết và có giải pháp giảm tải, đẩy các áp lực không đáng có để mỗi người trong “guồng máy” có thể phát huy khả năng sáng tạo, tinh thần trách nhiệm. Khi chuẩn mực văn hóa được phát huy thì những tiêu cực sẽ bị đẩy lùi, giá trị nhân văn trong mỗi con người sẽ trở thành động lực phát triển cho toàn xã hội.

Văn hóa công sở phản chiếu chiều sâu văn hóa tinh thần của con người. Qua sự việc ứng xử "lệch chuẩn" của ông Vũ Văn Thanh, Tỉnh Vĩnh Phúc cần thiết phải ban hành những quy định, quy chế về văn hoá ứng xử, để điều chỉnh các hành vi lệch chuẩn, để văn hóa công sở của cán bộ công chức trở thành một nét đẹp của người Vĩnh Phúc.

Đồng thời, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và ý thức trong mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp đối với hiệu quả, chất lượng nhiệm vụ tại cơ sở mình; tăng cường kỷ luật hành chính gắn với thực hiện tốt các quy tắc ứng xử; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất về trách nhiệm thực thi công vụ, đạo đức nghề nghiệp… Bên cạnh đó, cần kêu gọi người dân đồng hành, ủng hộ trong việc giám sát, lên tiếng trước những hành vi, việc làm không đúng, lệch chuẩn văn hóa công vụ như trường hợp "cướp điện thoại, xé văn bản" của ông Vũ Văn Thanh, Chánh Văn phòng UBND huyện Yên Lạc là một ví dụ.

Bạn đang đọc bài viết Hành vi 'cướp điện thoại' của CVP H.Yên Lạc: Bàn về văn hoá công vụ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới