Thứ ba, 19/03/2024 09:33 (GMT+7)

Hòa Bình: Vì sao nhà máy gạch ngang nhiên hoạt động không phép?

Nguyên Bá -  Thứ tư, 18/09/2019 09:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không đủ hồ sơ pháp lý nhưng nhà máy gạch Phúc Lộc vẫn ngang nhiên hoạt động nhiều năm nay, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

10 năm hoạt động không phép gây ô nhiễm môi trường?

Theo phản ánh của người dân thôn Xuân Thanh, xã Thanh Lương (huyện Lương Sơn, Hòa Bình) từ nhiều năm nay trên diện tích đất nông nghiệp thuộc thôn Xuân Thanh bỗng mọc lên một nhà máy sản xuất gạch quy mô lớn, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

Cụ thể, người dân nơi đây cho biết, khu vực nhà máy sản xuất gạch của Cty Phúc Lộc đang hoạt động, trước kia là đất nông nghiệp của người dân dùng để trồng lúa và thả cá. Sau đó, ông Dương Quyết Chiến đứng ra thỏa thuận, mua lại một phần diện tích trên với mục đích là sản xuất nông nghiệp.

Khoảng cuối năm 2007, ông Chiến tiến hành san lấp và tự ý xây dựng nhà máy sản xuất gạch. Đến cuối năm 2018, do làm ăn thua lỗ ông Chiến đã bán lại nhà máy cho ông Dương Quang Phương để tiếp tục hoạt động.

Toàn bộ khuân viên nhà máy gạch Phúc Lộc nằm trọn trên diện tích đất nông nghiệp.

Kể từ khi nhà máy này đi vào hoạt động, hàng ngày bà con nhân dân nơi đây bị “tra tấn” bởi những tiếng ồn, mùi khói bụi khó chịu từ nhà máy này nhả ra.

Chị Q.T.Th, một người dân sống gần nhà máy cho biết, mỗi khi nhà máy hoạt động thường thải ra môi trường một lượng khói bụi rất lớn, gây ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của những hộ dân trong xóm.

“Nhà máy gạch này hoạt động từ khoảng những năm 2008, chủ ban đầu là ông Chiến, sau đó bán lại cho ông Phương. Do đốt bằng than nên thường xả khói bụi ra môi trường có mùi rất khó chịu, nhất là vào các thời điểm buổi tối. Khi chúng tôi hít phải thường bị tức ngực, khó thở, đầu óc choáng váng, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân chúng tôi”.

Ngoài việc gây ô nhiễm môi trường, người dân cũng rất bức xúc trước việc chính quyền địa phương “nhắm mắt làm ngơ” khi để nhà máy gạch hoạt động không phép. Không những không xử lý mà lãnh đạo địa phương còn tạo điều kiện cho nhà máy này hoạt động, bất chấp các ý kiến phản đối của người dân.

“Chúng tôi được biết nhà máy này hoạt động không phép, gây ô nhiễm môi trường nên đã nhiều lần ý kiến lên chính quyền xã. Sau đó ông Chiến giám đốc xin người dân cho hoạt động thêm 2 năm nữa rồi di chuyển. Tuy nhiên từ năm 2014 đến nay nhà máy này vẫn ngang nhiên hoạt động, khi được hỏi thì ông Chiến bảo đã đút lót tiền cho xã rồi”, bà B.T.B bức xúc cho biết.

Phế thải của nhà máy gạch đổ tràn lan ra mái đê Xuân Dương gây ô nhiễm môi trường.

Ghi nhận tại đây cho thấy, nhà máy gạch này được xây dựng theo kiểu lò vòng với công nghệ sản xuất khá lạc hậu. Thời điểm ghi nhận, mọi hoạt động sản xuất vẫn diễn ra bình thường, công nhân đang hối hả xếp gạch ra, vào lò rất tấp nập.

Tại khu vực hành lang bảo vệ đê Xuân Dương, Cty này còn ngang nhiên chiếm dụng làm nơi chứa đất, xây dựng nhà điều hành, sân phơi gạch, tường rào và các công trình phụ. Phía khu vực sản xuất, những đống đất được chất cao như núi, do không được che chắn nên nước thải, đất cát chảy tràn ra cả đường.

Không những hoạt động không phép, nhà máy gạch này còn ngang nhiên biến khu vực chân đê Xuân Dương cạnh nhà máy thành nơi chứa xỉ thải, gạch vụn. Tại đây, những đống gạch vỡ, gạch hỏng được đổ thành đống lớn, trải dọc khắp triền đê, hễ khi nào đầy phía công ty lại cho máy xúc ra gạt xuống dưới, gây ô nhiễm môi trường cho khu vực này.

Chính quyền xã có bao che cho sai phạm?

Tại buổi làm việc với PV, ông Bùi Văn Nhật, Chủ tịch UBND xã Thanh Lương cho biết, người dân mới chỉ phản ánh đến báo chí chứ chưa phản ánh đến chính quyền việc ô nhiễm môi trường của nhà máy sản xuất gạch Cty Phúc Lộc.

Ông Nhật thừa nhận, nhà máy gạch của Cty Phúc Lộc tồn tại đã nhiều năm nay, hiện chưa có giấy phép xây dựng, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa có chấp thuận đầu tư của UBND tỉnh, đồng nghĩa với việc đang hoạt động không phép.

“Chuyển đổi mục đích, phê duyệt quyết định đầu tư chưa có, nguồn gốc đất hiện nay là đất một lúa, các thủ tục hoạt động là chưa có”, ông Nhật cho biết.

Khu nhà sản xuất xây dựng trái phép lấn chiếm hành lang bảo vệ đê.

Khi được hỏi tại sao chính quyền xã biết nhà máy gạch trên hoạt động trái phép nhưng không xử lý, ông Nhật liền cung cấp một số biên bản kiểm tra, đình chỉ hoạt động của Cty Phúc Lộc và cho rằng xã đã làm hết trách nhiệm.

Theo các biên bản ông Nhật cung cấp thì từ ngày 5/4/2011, UBND xã Thanh Lương đã ban hành thông báo đình chỉ hoạt động sản xuất nhà máy gạch Phúc Lộc do vi phạm đê điều (xây dựng các công trình vào hành lang bảo vệ đê Xuân Dương – Thanh Lương), lấn chiếm đất đai do UBND xã quản lý, không xuất trình được các thủ tục cấp phép xây dựng sản xuất kinh doanh và hồ sơ về đất đai.

Đến ngày 10/8/2017, UBND xã Thanh Lương tiếp tục ban hành quyết định số 90/QĐ-UBND đình chỉ việc tự ý san lấp, mở rộng diện tích Cty Phú Lộc do chưa có các văn bản cấp phép của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Một phần đường đê bị biến thành nơi tập kết gạch gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Tiếp đó, ngày 23/8/2017, UBND xã Thanh Lương tiến hành lập biên bản với Cty Phúc Lộc do tự ý lấn chiếm ra khu đất công tại khu vực sản xuất gạch tại thôn Xuân Him – Xuân Thanh. Tại thời điểm lập biên bản, đoàn kiểm tra đã yêu cầu chủ cơ sở sản xuất Phúc Lộc xuất trình toàn bộ giấy tờ có liên quan đến việc san lấp mặt bằng và mở rộng tại khu vực sản xuất nhưng chủ cơ sở không cung cấp được.

Ông Nhật cũng cho biết thêm, ngoài các biên bản đình chỉ, UBND xã cũng nhiều lần thành lập các đoàn kiểm tra, yêu cầu Cty Phúc Lộc cung cấp các hồ sơ, giấy phép hoạt động của nhà máy. Tuy nhiên, phía Cty Phúc Lộc không đưa ra được bất cứ giấy tờ nào. Phía UBND huyện Lương Sơn cũng từng ban hành quyết định xử phạt Cty Phúc Lộc về hành vi sử dụng đất trái phép.

Dường như việc xử lý vi phạm của UBND xã Thanh Lương mới chỉ dừng lại ở trên giấy và cho có lệ.

Qua đây có thể thấy, mặc dù Cty Phúc Lộc tự ý xây dựng nhà máy trên đất nông nghiệp, ngang nhiên hoạt động không phép nhiều năm nhưng chính quyền xã Thanh Lương lại chỉ biết kiểm tra, xử lý vi phạm trên giấy tờ mà không hề có biện pháp ngăn chặn dứt điểm.

Phải chăng đang có sự "tiếp tay, bao che" của các cấp chính quyền cho việc biến hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp để làm nhà máy sản xuất gạch trái phép, gây ô nhiễm môi trường? Trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức khi để nhà máy gạch hoạt động “chui” trong 10 năm nay ra sao?

Môi trường và Đô thị điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Bạn đang đọc bài viết Hòa Bình: Vì sao nhà máy gạch ngang nhiên hoạt động không phép?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nghệ An: Quỳ Châu có tân Chủ tịch UBND huyện
Sáng 18/3, Hội đồng Nhân dân huyện Quỳ Châu khóa XX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc Kỳ họp thứ 14 (kỳ họp chuyên đề). Dự kỳ họp có đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lãnh đạo một số Sở, ban ngành.
Đặc sắc rừng dó trầm tại Hương Khê, Hà Tĩnh
Cây dó trầm mọc nhiều ở miền núi Hương Khê, nhưng người dân địa phương chỉ nhận ra giá trị của chúng sau khi nhóm người ngoại tỉnh đến mua. Điều này đã khơi dậy sự quan tâm về bảo vệ và phát triển tài nguyên tự nhiên.