Thứ sáu, 19/04/2024 11:05 (GMT+7)

Không cần báo trước khi thanh tra đột xuất về môi trường?

MTĐT -  Thứ năm, 11/06/2020 15:25 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Một trong những nội dung mới của dự án Luật Bảo vệ môi trường trình kỳ họp 9, Quốc hội xem xét lần này là việc thanh tra, kiểm tra đột xuất về bảo vệ môi trường không cần thông báo công bố trước.

Theo đó, điểm b, khoản 2, Điều 174 (dự thảo) nêu: Thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng hoặc do Bộ trưởng Bộ TN&MT, Chủ tịch UBND cấp tỉnh giao. Việc thanh tra đột xuất không công bố trước trong trường hợp cần thiết.

Liên quan đến đề xuất này, báo cáo thẩm tra dự luật của Uỷ ban khoa học công nghệ và môi trường (cơ quan thẩm tra dự luật) cho biết, có nhiều ý kiến đồng ý với việc cần có quy định về thanh tra, kiểm tra đột xuất.

Không cần báo trước khi thanh tra đột xuất về môi trường. Ảnh minh họa: Internet.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần thận trọng xem xét kỹ vấn đề này, vì việc thanh tra đột xuất đã được quy định mang tính nguyên tắc tại Luật Thanh tra; trường hợp cần quy định trong dự thảo Luật thì phải xác định rõ nguyên tắc, điều kiện tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất, để tránh tình trạng áp dụng tùy tiện, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường của doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc phân công trách nhiệm cho Chủ tịch UBND cấp huyện tổ chức thanh tra chuyên ngành về BVMT tại điểm c khoản 5 Điều 56 và điểm đ khoản 1 Điều 185 là chưa phù hợp với pháp luật về thanh tra.

Trao đổi với báo chí về đề xuất này, ông Lương Duy Hanh, đại diện Vụ pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, lý do đưa ra đề xuất trên nhằm tăng cường hiệu quả các cuộc thanh tra đột xuất, đề phòng trường hợp đối tượng bị thanh tra biết trước có hành động đối phó với công tác thanh tra.

“Thực tế có lần chúng tôi vào thanh tra môi trường một đơn vị ở Lào Cai thì thấy đơn vị này ghi hẳn lên bảng kế hoạch cách đối phó với đoàn thanh tra”, ông Hanh cho biết.

Ông Hanh cũng khẳng định, việc thanh tra đột xuất không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các đơn vị bị thanh tra, vì đã được quy định chặt chẽ, cụ thể. Đặc biệt, chỉ được tiến hành thanh tra đột xuất khi được Bộ trưởng Bộ TN&MT hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh giao nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng quy định thanh tra về bảo vệ môi trường không quá một lần trong một năm đối với một tổ chức, cá nhân hoặc không quá một lần trong hai năm liên tiếp đối với các tổ chức, cá nhân. Quy định này sẽ hạn chế thấp nhất việc ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp.

Thanh tra đột xuất không cần báo trước

Theo báo Pháp luật VN, về nội dung này, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chỉ công bố trước khi tiến hành thanh tra theo kế hoạch, thanh tra hành chính, thanh tra thường xuyên.

Còn khi có tin báo hoặc tố cáo về hành vi vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm thì cơ quan quản lý phải được thanh tra đột xuất không cần báo trước, vì nếu thông báo trước, những chứng cứ vi phạm sẽ bị tẩu tán hết.

"Tôi đồng ý với dự luật là thanh tra đột xuất không cần thông báo trước để việc ngăn chặn vi phạm hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cần quy định rõ người ký quyết định thanh tra, trưởng đoàn, thành viên đoàn thanh tra phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về việc thanh tra của mình", Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.

Để việc thanh, kiểm tra không bị chồng chéo giữa các cơ quan, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết, việc kiểm tra, thanh tra, đánh giá, xem xét, xử lý việc chấp hành pháp luật thì giao cho cơ quan quản lý nhà nước. Còn việc trinh sát, phòng chống tội phạm về môi trường thì giao cho cảnh sát môi trường, từ đó phân định rõ trách nhiệm.

Cũng theo Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, để tránh tình trạng “sáng gặp thanh tra của ngành tài nguyên - môi trường, chiều lại gặp cảnh sát môi trường” hoặc gặp cùng lúc cả hai lực lượng thì Thủ tướng Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công an cần có quy chế phối hợp, phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền để tránh chồng chéo.

Thanh tra đột xuất cũng phải báo trước

Tuy nhiên, theo PLO, nói về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp lại cho rằng việc thanh tra đột xuất vẫn cần phải công bố cho đối tượng bị thanh tra biết trước.

Vì mục đích của thanh tra là phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật.

“Đối với việc thanh tra, dù là đột xuất, cũng phải theo tuân theo quy định, tránh xáo trộn, thiếu hiệu quả hoặc sai lầm đáng tiếc” – bà Thoa nói.

Theo bà Thoa, quy định về các trường hợp về thanh tra đột xuất đã được nêu rõ tại Luật thanh tra. Trong đó có yêu cầu đối tượng bị thanh tra phải cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Trưởng đoàn thanh tra... và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp.

“Do đó cần phải thông báo cho đối tượng thanh tra để họ có thời gian chuẩn bị đầy đủ các tài liệu theo quy định” – bà Thoa nói.

Về lo ngại nếu thông báo trước có thể dẫn đến tạo cơ hội cho đối tượng bị thanh tra tẩu tán tài liệu, đối phó, bà Thoa nêu quan điểm: “Cần lưu ý rằng thanh tra cả quá trình thực thi nhiệm vụ chứ không phải là một hoạt động cụ thể, đơn lẻ nào cả, nên khả năng này có thể có, nhưng ít”

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Không cần báo trước khi thanh tra đột xuất về môi trường?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?