Thứ bảy, 20/04/2024 03:20 (GMT+7)

Không có quyền sử dụng đất nhưng vẫn được “Bảo hộ” tranh chấp

Nhóm PV -  Thứ tư, 02/10/2019 08:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Giải quyết vụ việc, chính quyền địa phương tỏ ra vô trách nhiệm, thậm chí công khai bảo vệ người cố tình tranh chấp.

Mặc dù,  phần đất đã sang nhượng cho người khác nhưng ông Trần Văn Đưa, ấp Thành Nam, xã Thành Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh vẫn đứng ra tranh chấp đất với bà Nguyễn Thị Mong, 313 khu phố Ninh Thành, phường Ninh Sơn, TP.Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, người có đất liền kề trước đây.

Giải quyết vụ việc, chính quyền địa phương tỏ ra vô trách nhiệm, thậm chí công khai bảo vệ người cố tình tranh chấp. Động thái bất thường này khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi. Liệu có gì khuất tất?

Năm 2002, bà Nguyễn Thị Mong nhận sang nhượng một phần đất, diện tích trên 3,5 ha đất. Đất tọa lạc tại ấp Thành Nam, xã Thành Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Vị trí đông giáp đất ông Giáp Văn Giữ, tây giáp đất ông Nguyễn Văn Kế, nam giáp Đường Sỏi, bắc giáp đất ông Trần Văn Đưa. Năm 2014, phần đất này được UBND huyện Châu Thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ). Đất được bà Mong sử dụng ổn định, không tranh chấp.

Bà Mong trên phần đất với hàng cây bạch đàn làm ranh giới

Trong quá trình sử dụng đất, bà Mong cùng với ông Trần Văn Đưa  đã bàn bạc ý kiến mỗi bên góp vào 1,5 m làm đường đi chung tiện việc vận chuyển phân tro, hàng hóa.  Bà Mong cho biết, đôi bên vẫn chưa thống nhất phương án việc mở đường này. Vậy mà, ông Đưa  đã nhanh chóng thuê phương tiện cơ giới hình thành con đường trên phần đất của bà Mong cũng như xóa bỏ dấu vết hàng cây bạch đàn của bà Mong.  Đồng thời, ông Đưa còn sử dụng cọc bê tông  để ngụy tạo cột mốc chủ quyền!

Bà Mong trực tiếp gặp ông Đưa, phản đối việc làm tùy tiện, thiệt hại cây trồng, diện tích đất bị xâm hại này, ông Đưa không thừa nhận việc làm sai trái của mình mà còn tỏ ra hung hãn, hăm dọa đánh, giết nếu bà Mong còn thắc mắc.

 Bà Mong trên phần đất bị ông Đưa chiếm dụng

Qua tìm hiểu thì được biết, ông Đưa dự định sang nhượng phần đất hiện ông đang sử dụng, nếu tranh giành quyền sử dụng con đường trên đất của bà Mong thì được giá hơn. Do vậy, mặc dù không chứng minh được quyền sử dụng đất nhưng ông Đưa liên tục đứng ra ngăn cản việc sử dụng đất của bà Mong.

Từ tháng 12/2018 đến nay, bà Mong đã gửi nhiều đơn trình báo lên UBND xã Thành Long yêu cầu can thiệp! Mặc dù chính quyền xã Thành Long có cử cán bộ đến hiện trường như chiếu lệ nhưng đến khi giữa bà Mong và ông Đưa tranh chấp căng thẳng thì  UBND xã Thành Long lại tổ chức hòa giải nhưng công khai đứng về phía ông Trần Văn Đưa và khẳng định đây là đường công cộng.

Ngày 16/ 7 /2019, làm việc với phóng viên, bà Thái Thị Thu Trang, Phó Chủ tịch UBND xã xác nhận ông Đưa không có quyền sử dụng con đường đó nhưng xin được đi chung. Riêng 02 vị cán bộ địa chính (CBĐC) xã thì khẳng định đó là đường công cộng. Ông Lưu Truyền Lộc - CBĐC còn cho biết: “Diện tích đất được công nhận trong giấy của ông Đưa  đã chuyển nhượng hết sổ”.  Khi PV yêu cầu cung cấp diện tích thửa đất của ông Tùng  sang nhượng cho ông Quán, ông Quán sang nhượng cho ông Giữ theo hồ sơ, giấy CNQSDĐ thì cả hai tỏ ra lúng túng. Ông Lộc còn chống chế khi con ông Đưa sang nhượng cho ông Quán thì bán luôn cả con đường, sau đó ông Quán cho ông Giữ thì ông Giữ không nhận sử dụng. Tuy nhiên, sau khi rà lại các diện tích mỗi lần sang nhượng của ông Đưa, ông Quán thì cán bộ địa chính không chứng minh được phần con đường nguyên trước đây là của ông Đưa.

Bà PCT Thái Thị Thu Trang (áo trắng) và CBĐC Huyền Quý  tại buổi làm việc với báo chí

Khi PV hỏi, trên cơ sở pháp lý đã quá rõ,  ông Đua không phải là chủ hợp pháp  của con đường  nhưng vì sao vẫn được nhìn nhận, bảo vệ?  Lúc này, bà Thu Trang PCT cũng đã “phát hiện”  ra sự  không bình thường đó nên đã tạo điều kiện cho ông Lộc CBĐC lánh mặt “lên huyện để kiểm tra lại vì không thể có con đường, như thế là không hợp lý”!. Biết là không hợp lý, nhưng vì sao UBND xã vẫn cố tình khỏa lấp không đưa ra quan điểm để giải quyết ? Việc này trùng khớp với lời của ông Đưa thách thức lúc tranh chấp “mười bà Mong cũng không làm được gì?”

PV và địa chính cùng kiểm tra bản đồ tại xã Thành Long

Tại sơ đồ thửa đất do ông Nguyễn Văn Quán chủ sử dụng, bà Tô Thị Huyền Quý là người vẽ thửa đất ngày 27/12/2017,  bà Quý ghi chú là bờ đất, thể hiện như một con đường. Đối chiếu với bản đồ số 60 ngày 23/7/2012 do ông Nguyễn Xuân Văn, Giám đốc Sở tài nguyên và môi trường ấn ký thì cách vẽ, ghi chú của bà Qúy có dụng ý!

Ngày 18/7/2019, UBND huyện Châu Thành mời bà Mong đến giải quyết vụ việc, ông Lộc, cán bộ địa chính xã Thành Long bảo lưu với ý kiến của mình như trước đây làm việc với PV. Với sự công bằng, minh bạch để có hướng giải quyết, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Bí thư Huyện ủy, chủ trì cuộc họp đi đến kết luận giao phòng TNMT tổ chức thực hiện đo đạc lại toàn bộ diện tích của các bên, từ đó xác định con đường thuộc phần đất của người nào. Dù vấp phải phản ứng của ông Nhàn phòng TNMT nhưng bà Hiền vẫn giữ nguyên quan điểm.

Ngày 23/8/2019, bà Mong nhận được văn bản số 1027 do ông Nguyễn Trí Cường Phó Chủ tịch UBND huyện ấn ký. Nội dung trả lời cho bà Mong không như tinh thần cuộc họp ngày 23/8, bà Hiền, Bí thư huyện ủy chỉ đạo, tại Điều 2, hướng dẫn bà Mong nếu không đồng ý cách giải quyết của UBND huyện thì khởi kiện tại tòa mà không nói gì đến người bị khiếu nại trong đơn ?

 Công văn Ủy ban Nhân dân huyện Châu Thành.

Qua vụ việc cho thấy UBND xã Thành Long, UBND huyện Châu Thành đã vì lý do nào đó đã công khai chối bỏ trách nhiệm đối với khiếu nại của công dân, không thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy trong khi vụ việc đã quá rõ ràng, ông Trần Văn Đưa không có chứng cứ nhưng vẫn được chính quyền mời họp hòa giải, bà Nguyễn Thị Mong, người hợp pháp sử dụng đất đã không được bảo vệ theo luật định mà còn “phù phép” trở thành người đi tranh chấp?

Dư luận có quyền đặt nghi vấn trong vụ việc này, ai là người chủ chốt há miệng mắc quai ? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.                                                                                                

Bạn đang đọc bài viết Không có quyền sử dụng đất nhưng vẫn được “Bảo hộ” tranh chấp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...