Thứ sáu, 26/04/2024 01:00 (GMT+7)

Kon Tum: Dù bị bỏ hoang trung tâm dạy nghề vẫn được rót kinh phí!

Hoàng Mai -  Thứ năm, 10/10/2019 08:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hàng năm, UBND huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum vẫn rót hàng trăm triệu đồng để sửa chữa Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên dù nơi đây không còn học viên theo học.

Không có học viên vẫn xin ngăn thêm phòng

Năm 2009, Trung tâm Dạy nghề Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum được nâng cấp, mở rộng thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên với số vốn đầu tư lên tới 28,7 tỷ đồng. Với quy mô đào tạo hơn 500 học viên, dự án hứa hẹn sẽ đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề cho người dân 2 huyện Kon Rẫy và Kon Plông.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện được đầu tư hàng chục tỷ nhưng nhiều phòng học bỏ hoang

Tuy nhiên, sau khi hoàn thành, Trung tâm rất ít được sử dụng. Nhiều năm qua, đa số các lớp học nghề đều được chuyển đến nhà văn hóa xã, thỉnh thoảng mới có 1 - 2 lớp dạy nghề tại Trung tâm. Năm 2019, không còn lớp dạy nghề nào được tổ chức tại đây nữa nên nhiều phòng học buộc phải đóng cửa. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, lãnh đạo Trung tâm vẫn lấy lý do thiếu phòng học để xin thêm vốn tách phòng, sửa chữa, nâng cấp chất lượng.

Nhiều phòng học được sử dụng vào mục đích khác

Ông Phạm Thanh Vận - Giám đốc Trung tâm, lý giải, 350 triệu đồng Trung tâm xin thêm là kinh phí sửa chữa, ngăn hai phòng hội trường để làm phòng học, chủ yếu lát nền và xây tường ngăn, quét vôi, đóng la phông. Các khu nhà lớn đó là kho chứa vật tư, phòng trống, giờ nâng cấp lên.

Bán cái cho tư nhân

Trên thực tế, không như lời ông Vận nói. Theo tìm hiểu của PV Môi trường & Đô thị điện tử, hiện Trung tâm đã được cho tư nhân thuê lại để nấu tinh dầu và cao sâm dây. Việc sửa chữa cũng đã được họ bỏ tiền ra.

Trong vai người đi thuê nhà xưởng, PV đã gặp bà Mai, 50 tuổi, đại diện Hợp tác xã Tuyết Sơn ở huyện Kon Plông để thuê Trung tâm. Bà Mai cho biết, bà thuê để nấu tinh dầu và cao sâm dây với số tiền 3 triệu đồng/tháng, thời hạn 3 năm, hết thời hạn thì sẽ ký thuê tiếp. “Nếu ai muốn thuê lại thì phải qua tôi, vì mọi công trình đang sửa chữa tại đây là do tôi làm. Trường có kinh phí sửa, nhưng tôi sửa theo ý của tôi, bằng kinh phí tự bỏ ra để phù hợp với việc kinh doanh”, bà Mai nói.

Trung tâm dạy nghề trở thành nơi chất phế liệu

Cũng theo bà Mai, kinh phí sửa chữa chỉ mất khoảng 20 triệu đồng: "Bắt đầu từ ngày 1/9 tôi mới vô, sợ mấy người kia thuê mất nên tôi làm hợp đồng thuê trước, đưa tiền trước và họ cho thời gian một tháng để sửa chữa lại. Tiền sửa chữa chỉ mất có 20 triệu thôi”.

Theo bản hợp đồng ký ngày 30/8/2019 giữa Trung tâm với Hợp tác xã Tuyết Sơn Kon Plông thì giá cho thuê là 40 triệu đồng/năm, thời hạn hợp đồng 3 năm, mỗi năm thanh toán một lần. Dù vậy, trong hợp đồng cho thuê lại không có số ký hiệu văn bản. Điều này được bà Mai giải thích: "Nói tế nhị là các phòng trong Trung tâm mấy anh cho thuê cũng có tiền, nếu huyện hỏi thì chỉ nói là cho mượn thôi chứ không nói cho thuê để dễ dàng kinh doanh, làm ăn hơn!".

Trung tâm được sửa chữa hàng năm nhưng không có ai theo học

Ông Hà Đức Vịnh, Chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện Kon Plông cho biết, huyện chưa nắm được việc này, chưa biết Trung tâm cho thuê với mục đích gì. "Trước những phản ánh của phóng viên, chúng tôi sẽ tiếp thu và báo cáo lên cấp trên", ông Vịnh nói.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kon Plông đang trong tình trạng ngừng hoạt động, nhiều phòng bỏ không nhưng UBND huyện vẫn cấp hàng trăm triệu để ngăn thêm phòng và hiện Trung tâm đã được “bán cái” cho tư nhân tự sửa chữa và thuê lại?

Môi trường & Đô thị điện tử sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.

Bạn đang đọc bài viết Kon Tum: Dù bị bỏ hoang trung tâm dạy nghề vẫn được rót kinh phí!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.