Thứ sáu, 29/03/2024 03:17 (GMT+7)

Lộ thêm những “lình xình” từ KĐT Gamuda Gardens

Văn Bình -  Thứ năm, 24/05/2018 17:25 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cư dân KĐT Gamuda Garderns (Hoàng Mai, HN) đang phản đối mạnh mẽ việc CĐT Gamuda Land Việt Nam xin điều chỉnh quy hoạch. Cũng từ đó, lộ thêm những lình xình vấn đề của nhà máy xử lý nước thải Yên Sở.

 Bàn giao chậm tiến độ, chênh lệch quyết toán

Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở trước đây là một hạng mục của Công viên Yên Sở, được đầu tư bằng 100% vốn nước ngoài của Tập đoàn Gamuda Berhad.

Sau đó, dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở được tách ra thành dự án riêng, được đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) tại Biên bản thỏa thuận ngày 14/8/2007 giữa UBND TP Hà Nội và Tập đoàn Gamuda Berhad. 

Khu đô thị Gamuda Gardens (Yên Sở, Hà Nội).

Quy mô đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải theo công nghệ xử lý sinh học theo mẻ với công suất 200.000m3/ngày đêm. Tổng mức đầu tư của Dự án là 319.205.770 USD. 

Theo quy định của hợp đồng BT được các bên ký kết, thời gian hoàn thành Dự án là ngày 15/3/2012. Thực tế, việc hoàn thành và bàn giao cho UBND TP Hà Nội bị chậm so với thời gian đã ký kết 17,5 tháng (thời gian bàn giao chính thức ngày 30/8/2013).

Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước và con số tổng giá trị quyết toán của dự án do nhà đầu tư đưa ra chênh lệch lên tới cả nghìn tỷ đồng.

Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về việc việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông, môi trường thuộc địa bàn TP Hà Nội thì nguyên nhân của việc chậm tiến độ và chênh lệch quyết toán được cho là:

Dự án thực hiện trong khi chưa có kết quả thẩm tra thiết kế cơ sở của Bộ Xây dựng và thẩm tra phê duyệt công nghệ của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, chưa có quyết định phê duyệt dự án đầu tư tại thời điểm kí hợp đồng BT, toàn bộ quá trình thi công, thực hiện dự án trước khi kí hợp đồng BT không có sự giám sát, thẩm định, kiểm tra của các cơ quan quản lí nhà nước, của sở, ban, ngành thuộc UBND TP Hà Nội;

Chưa có đầy đủ cơ sở về hồ sơ, tài liệu theo quyết định để xem xét quyết toán đối với nội dung hạng mục chi phí (chi phí lãi vay, chi phí luật, chi phí luật chung,....) theo đề nghị của Nhà đầu tư;

Việc phải kéo dài hoàn thành dự án 18 tháng, nguyên nhân chính là do việc thực hiện công tác xây dựng đối với một số nội dung, hạng mục bị điều chỉnh thiết kế; chất lượng nước thải đầu ra chưa được làm rõ và xử lý triệt để các thông số Ni tơ, Phốt pho; việc chậm trễ trong thành lập nghiệm thu, bàn giao, vận hành nhà máy. 

Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở.

 Chất lượng nước thải sau khi xử lý không đạt chuẩn

Cũng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về chất lượng của Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở: Trong điều kiện bình thường, chất lượng nước thải sau khi xử lý không đạt theo yêu cầu của hợp đồng BT (Cột A quy chuẩn QCVN 24; 2009/BTNMT), thậm chí, tại một số chỉ tiêu cụ thể, trường hợp có bổ sung định lựng carbon cũng không đạt tiêu chuẩn theo yêu càu của hợp đồng BT.

Việc Sở Tài nguyên và Môi trường cùng liên ngành có văn bản số 2109/STNMT – BDA ngày 08/5/2013 gửi Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đề nghị áp dụng giá trị cột B quy chuẩn QCVN 40:2011/ BTNMT là chưa phù hợp với quy định của hợp đồng BT.

Toàn bộ nước thải sinh hoạt của khu Công viên Yên Sở, các khu đô thị C1, C2 (Khoảng 10.000m3/ngày) chưa được Công ty Gamuda Việt nam tiến hành qua các bước thu gom xử lý theo quy định.

Dựa trên kết quả thanh tra, Thanh tra chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lí về kinh tế đối với dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở. 

Thông báo kết luận thanh tra các dự án đầu thư theo hình thức BT, BOT trong đó có nhà máy xử lý nước thải Yên Sở.

 Lộ “ý đồ” mới của chủ đầu tư

Công trình Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, có thể xử lý một nửa lượng nước thải hàng ngày của toàn TP Hà Nội. Ngoài việc góp phần thúc đẩy, thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội khu vực, Dự án còn đáp ứng yêu cầu xử lý nước thải của lưu vực sông Kim Ngưu và sông Sét, góp phần hoàn chỉnh mạng lưới thoát nước chung của TP Hà Nội, nâng cao điều kiện vệ sinh môi trường và chất lượng sống cho nhân dân quanh khu vực.

Tuy nhiên, với những tồn đọng cũng như hạn chế, sai phạm của nhà máy, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, thì có lẽ dư luận không khỏi băn khoăn về tính tích cực của Nhà máy, cũng như nghi ngại về “ý đồ” của Chủ đầu tư.

Không những thế, hiện nay một vấn đề nữa mà dư luận hết sức quan tâm, và đã tốn rất nhiều giấy mực của báo chí, cũng liên quan đến Chủ đầu tư là Công ty Gamuda land Việt Nam đó là: Việc xin điều chỉnh quy hoạch khu độ thị mới C2 (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội), với mục đích chia nhỏ khu ST5 tăng thêm số căn hộ, cũng như tăng thêm mật độ dân số của khu đô thị. Hiện tại, việc này đang trong quá trình xin ý kiến điều chỉnh, tuy nhiên đang vấp phải một làn sóng phản đối vô cùng mạnh mẽ của cư dân khu đô thị và dư luận.

Đáng chú ý, Dự án Khu đô thị mới C2 chính là đối ứng của Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở. Chính vì vậy, khi Dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Sở có rất nhiều những tồn đọng và hạn chế được phát hiện sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ thì dư luận hoàn toàn có quyền nghi ngại về Dự án đối ứng của nó là khu đô thị mới C2.

Đến thời điểm hiện tại, với việc xin điều chỉnh quy hoạch khu đô thị mới C2, chia nhỏ khu ST5, tăng thêm số dân và số căn hộ, đang vấp phải sự phản đối kịch kiệt và mạnh mẽ có cơ sở của dân cư khu đô thị và dư luận, thì rõ ràng bạn đọc có quyền đặt ra câu hỏi: Phải chăng “ý đồ” của Chủ đầu tư bắt đầu manh nha xuất hiện? Và lúc này, ai sẽ đảm bảo tính đúng đắn, cũng như sự bền vững nếu quy hoạch xin điều chỉnh được phê duyệt? Hay chỉ biết, lợi nhuận sẽ chảy về phía chủ đầu tư?

Môi trường và Đô thị Việt Nam tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc. 

Bạn đang đọc bài viết Lộ thêm những “lình xình” từ KĐT Gamuda Gardens. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.