Thứ sáu, 19/04/2024 10:34 (GMT+7)

Những con kênh kêu cứu (Bài 1)

Lê Bảo - Nam Việt -  Thứ hai, 09/07/2018 08:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những năm trở lại đây, tốc độ đô thị hóa ở TP. HCM diễn ra ngày càng nhanh, dẫn đến mất cân đối trong việc xây dựng, phá vỡ quy hoạch của thành phố.

Sự xuất hiện hàng loạt những nhà máy, xí nghiệp lớn nhỏ… bên những dòng sông, kênh, rạch đã làm môi trường ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân…

Những dòng nước chết…

Không chỉ các quận, huyện vùng ven mà ngay cả các quận trung tâm thành phố tình trạng lấn chiếm kênh rạch để xây dựng hoặc xả thải gây ô nhiễm môi trường không thể khắc phục trong thời gian ngắn. Nhiều năm nay, kênh Bà Mẫn thuộc ấp 2, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn và rạch Cầu Sa nối liền giữa hai Quận 12 và quận Bình Tân chảy ra kênh Tham Lương đang chết dần, chết mòn trong thời gian dài.

Những “dòng nước chết” đó hiện nay đang bốc mùi hôi thối, nước kênh nhiều màu so với màu gốc của nước. Không những vậy, rác từ trên bờ cho đến lòng kênh bủa vây cuộc sống của người dân.

Kênh Tham Lương có chiều dài khoảng 20km, chảy qua địa bàn các quận: Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, 12, Gò Vấp… Dòng kênh này từ lâu đã bị ô nhiễm nặng. Kênh Tham Lương chỉ là một phần trong hệ thống kênh Tham Lương – Bến Cát – Vàm Thuật – Rạch Nước Lên chạy thành hình vòng cung từ Đông Bắc sang Tây Nam khu trung tâm TP, nối liền sông Sài Gòn và sông Chợ Đệm.

 Rác thải lềnh bềnh trôi… trên kênh Bà Mẫn – Hóc Môn.

 Nước kênh Bà Mẫn- Hóc Môn có màu xanh da trời, có phải do doanh nghiệp xả thải?

 Rạch Cầu Sa đoạn nằm giữa Quận 12 và Bình Tân: trên bờ đầy rác, dưới nước xanh đen

Rạch Cầu Sa là tuyến thoát nước có phạm vi tương đối rộng, nối từ kênh Liên Vùng đến kênh Tham Lương với tổng chiều dài hơn 10 km, chảy qua các huyện Bình Chánh, Hóc Môn và quận Bình Tân cũng đang trong quá trình bị “bức tử” bởi sự xả thải của người dân và doanh nghiệp. Rạch Cầu Sa còn có nhiệm vụ tiêu thoát nước nông nghiệp cho quận 12, quận Bình Tân, Hóc Môn, KCN Vĩnh Lộc…

Kênh Trung Ương cũng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, là sự ám ảnh của người dân nơi đây. Kênh có chiều dài hơn 12 km chảy qua các huyện Bình Chánh, Hóc Môn hiện cũng đang bị “đầu độc” bởi sự thiếu ý thức của người dân và sự vô trách nhiệm, nhẫn tâm của những doanh nghiệp xả thải chưa qua xử lý xuống dòng kênh.

Mùi hôi của dòng kênh Trung Ương nồng nặc, rác thải lềnh bềnh, nước kênh đen kịt, có đoạn nước xanh đậm đen do các doanh nghiệp sản xuất xả thải vô tội vạ.

Chẳng những vậy, một bộ phận không nhỏ người dân và doanh nghiệp tại đây đã dùng các loại vật liệu chắn ngang dòng kênh để làm lối đi gây ra sự ứ nghẹn của dòng nước.

Ai đã “bức tử” dòng kênh Trung Ương?

 Kênh Trung Ương đoạn qua xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh với…rác

Doanh nghiệp xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý ra hệ thống thoát nước của Khu công nghiệp Vĩnh Lộc ?

…Và sự bất lực của chính quyền

Từ những con kênh trong sạch, môi trường trú ngụ lý tưởng của các loài thủy sản sinh sống, bỗng trở thành những dòng nước chết. Nước của các dòng kênh đó giờ đây đã nhuốm màu đen đậm, xanh dờn… bốc mùi hôi thối nồng nặc khiến cuộc sống, sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng.

Đặc biệt là khi mưa xuống nước kênh dâng lên cao, mùi hôi bốc lên càng dữ dội hơn, dẫu chỉ là đi ngang qua còn không chịu nổi huống hồ gì cư dân sống dọc các con kênh này.

Theo Cục Thống kê TP. HCM, tình hình phạm pháp về môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Trong 6 tháng đầu năm 2018, đã phát hiện và xử lý 337 vụ vi phạm về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, đề nghị khởi tố 09 vụ, 10 đối tượng. Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 307 vụ, thu về ngân sách Nhà nước khoảng 21 tỷ đồng.

Con số thống kê là vậy, nhưng cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thấy chính quyền của quận, huyện nào mạnh tay để trả lại vẻ đẹp của những con kênh này, và người dân thì vẫn quanh năm, suốt tháng sống chung với ô nhiễm. Mơ ước về một con kênh giống như kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè là điều hãy còn quá xa vời…

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Bạn đang đọc bài viết Những con kênh kêu cứu (Bài 1). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?