Thứ sáu, 29/03/2024 02:12 (GMT+7)

Quảng Bình: Dân và doanh nghiệp “cạo trắng” hàng chục ha đất rừng.

PV -  Thứ hai, 01/06/2020 10:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Số ha rừng tự nhiên ở Quảng Bình biến mất sau mỗi năm lại tăng. Người ta tìm mọi cách để biến rừng tự nhiên, rừng phòng hộ thành loại rừng được giao cho dân và doanh nghiệp.

Mất 13ha rừng rồi, chính quyền xã mới nhận ra sai

Cuối năm 2019, khoảng 13 ha rừng tự nhiên tại Tiểu khu 157 trên địa bàn xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch đã bị cạo trọc. Theo quan sát của PV, khoảng hơn 13 ha rừng tự nhiên bị chặt trắng, những khu vực này người dân đã trồng keo, tuy nhiên nhiều gốc gỗ lớn có đường kính từ 20-40cm vẫn còn nguyên. Còn tại những điểm sát với rừng phòng hộ một số người dân vẫn đang cho xe tải lên để thu gom gỗ nhỏ và củi. Điều đáng nói là số diện tích rừng tự nhiên này do UBND xã quản lý, nhưng thay vì khoanh vùng bảo vệ thì chính quyền địa phương đã ký hợp đồng với 9 hộ dân chặt phá rừng để trồng keo.

Hợp đồng “sai một ly, đi 13ha rừng” của UBND xã Quảng Hợp ký với 9 hộ dân.

Điều đáng nói là việc UBND xã Quảng Hợp ký hợp đồng với nhiều hộ dân không hề thông qua Đảng ủy xã cũng như chưa có Nghị quyết HĐND cấp xã. Hơn nữa việc ký hợp đồng với người dân UBND xã Quảng Hợp không có văn bản trình xin ý, chưa được sự đồng ý từ các cấp. Tại hợp đồng ký với các hộ dân này cũng thể hiện rõ “…chỉ tận thu lâm sản dưới tán rừng nhưng không được xâm hại đến rừng, làm thay đổi trạng thái rừng…”. Tuy nhiên, đến nay số diện tích rừng tự nhiên mà UBND xã Quảng Hợp quản lý đã bị chặt trắng và đang uy hiếp rừng phòng hộ.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Quảng Trạch, cho biết: “Hợp đồng giữa xã và người dân như thế là sai, hợp đồng là để lập ra một tổ bảo vệ rừng chứ không phải cho sử dụng rừng đó. Trước đó, Hạt Kiểm lâm cũng đã tham mưu cho UBND xã thực hiện khoanh nuôi, bảo vệ và cũng đã có chỉ đạo kiểm lâm địa bàn. Đối với rừng tự nhiên và rừng sản xuất thì phải có phương án khoanh nuôi bảo vệ chứ không thể muốn làm sao thì làm được. Để xảy ra như vậy là do công tác quản lý của chính quyền địa phương, do chủ rừng thiếu trách nhiệm, anh ký hợp đồng với họ để bảo vệ rừng mà anh không giám sát thì phải chịu trách nhiệm và cũng có trách nhiệm của kiểm lâm địa bàn. Chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra, phối hợp làm việc với xã để có hướng xử lý”.

Ông Nguyễn Công Viên, Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp, Quảng Bình thừa nhận: Xã ký hợp đồng cho người dân là sai, thiếu sự giám sát dẫn đến việc những hộ dân này tự ý phá rừng tự nhiên và chuyển đổi sang trồng keo. Đồng thời, lý giải cho việc này do xã không có đủ lực lượng nên đã phải ký hợp đồng thuê người dân khoanh vùng bảo vệ.

Đại gia đứng sau để thu mua đất rừng?

4 năm trước, năm 2016, hơn 40ha rừng tự nhiên rộng lớn đầu nguồn sông Rào Nan bị cạo trọc để trồng keo. Ông Hoàng Minh Đề, Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa xác nhận có biết việc này, tuy nhiên, ông cho biết, đó là rừng nghèo kiệt nên dân được phép phá để trồng keo.

Lãnh đạo xã Quảng Sơn cho biết khu vực rừng bị cạo trắng này không phải nghèo kiệt. Mật độ rừng tái sinh ở đây dày đặc, có đường kính từ 20cm đến 50cm. Theo tiết lộ của một người được thuê phá rừng, các đại gia đã mua lại của 40 hộ dân 40ha rừng. Họ vừa chuyển đổi được 70ha rừng và đang tiếp tục làm hồ sơ chuyển đổi để phá rừng trồng keo.

Lãnh đạo và nhân dân 10 xã vùng Nam thị xã Ba Đồn đang rất bức xúc, đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình vào cuộc, dừng việc chặt phá rừng và xử lý những tổ chức, cá nhân đã biến tấu khu rừng tái sinh dày đặc cây cối thành rừng nghèo kiệt để tiếp tay cho phá rừng.

Rừng tự nhiên bị chặt phá trong một thời gian dài, sau đó lấn chiếm để trồng keo nhưng không hề có sự kiểm tra, ngăn chặn nào từ phía chính quyền xã Cao Quảng (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình).

Ở xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hoá thì câu chuyện chiếm đất rừng lại theo hướng khác. Được biết, số diện tích rừng tự nhiên do UBND xã Cao Quảng quản lý là trên 8.000 ha thì 1,6h trong số đó đã bị người dân chặt phá, lấn chiếm để trồng keo và những đối tượng vi phạm này đều là người nhà của cán bộ xã và tổng số diện tích rừng bị “cạo trắng” là 1,6ha.

Về vụ việc này, ông Mai Xuân Tuyên, Chủ tịch UBND xã Cao Quảng thừa nhận, thời gian qua trên địa bàn có xảy ra tình trạng phá rừng, phía xã và Hạt kiểm lâm huyện cũng đang tích cực phối hợp đo đếm và xử lý. “Chính quyền các cấp có xử lý một số đối tượng phá rừng, trong đó thôn Phú Xuân xử lý 15 người (phá hơn 3,6 ha rừng), phạt hành chính 14 đối tượng, khởi tố 1 bị can. Trong đó, thẩm quyền xã xử phạt 4 đối tượng, Hạt Kiểm lâm huyện Tuyên Hóa xử phạt 6 đối tượng, Chủ tịch UBND huyện ra quyết định xử phạt 4 đối tượng và Viện KSND huyện khởi tố 1 bị can”, ông Tuyên cho hay.

Ông Cao Xuân Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa khẳng định “Chúng tôi sẽ tổ chức họp liên ngành, đồng thời sẽ rà soát những trường hợp xử lý chưa nghiêm, chưa đúng diện tích. Nếu đủ điều kiện, cần thiết là chuyển hồ sơ qua viện kiểm sát để khởi tố. Quan điểm của lãnh đạo huyện là xử lý nghiêm, kiên quyết không nương tay dù đó là người nhà cán bộ”.

Trong khi đó, ông Phạm Hồng Thái – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình cho biết, sau khi báo phản ánh, đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Tuyên Hóa phối hợp với huyện, xã rà soát lại toàn bộ diện tích rừng bị phá và xác định đúng đối tượng tham gia phá rừng.

“Hiện phía Hạt đang phối hợp để làm, chưa có báo cáo lên, khi nào có số liệu cụ thể sẽ cung cấp cho báo chí” – ông Thái nói.

Bạn đang đọc bài viết Quảng Bình: Dân và doanh nghiệp “cạo trắng” hàng chục ha đất rừng.. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.