Thứ sáu, 29/03/2024 12:35 (GMT+7)

Sở TN&MT Hải Dương trả lời Môi trường và Đô thị VN về Nhôm Đông Á

Phan Ngân - Dương Luyện -  Thứ hai, 09/07/2018 14:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trước những kết quả mà Sở TN&MT cung cấp cho Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, hy vọng công ty Nhôm Đông Á thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, tránh lặp lại vi phạm như những năm trước đây.

Trước đó, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có bài viết: “Hải Dương: Lãnh đạo địa phương nói về việc Nhôm Đông Á gây tiếng ồn” phản ánh buổi làm việc giữa PV với chủ tịch UBND xã Tân Dân (Chí Linh, Hải Dương).

Theo đó, ông Trần Trường (Chủ tịch UBND xã Tân Dân) cho rằng, UBND xã không có nhiệm vụ phải giữ báo cáo quan trắc định kì hàng quý của doanh nghiệp trên địa bàn mình quản lý.

Hàng quý ai quy định hàng quý, người ta năm nào cũng có đoàn kiểm tra về, nếu có đơn thư thì kiểm tra rồi người ta trả lời kết quả cho mình thôi. Không có cái luật nào quy định kiểu thế!

Trong địa bàn, anh thấy có vấn đề gì thì anh hợp tác, chứ lại bảo quy định này khác, ai quy định kiểu đấy. Nếu ô nhiễm người ta không bao giờ đóng trên địa bàn này được, nói thẳng!” - Ông Trường thông tin.

Về quan điểm này, PV đã có buổi trao đổi với Luật sư Hà Huy Phong (Giám đốc điều hành công ty luật INTECO). Ông Phong trả lời: “Tôi cho rằng, phát biểu như vậy vừa không thể hiện tính hợp tác, thiếu tích cực, vừa không đúng pháp luật. Với trách nhiệm là cơ quan quản lý tại địa phương, UBND xã phải nắm và có trách nhiệm nắm bắt thông tin về kế hoạch bảo vệ môi trường và các thông số quan trắc định kỳ”.

Đây cũng là dấu hỏi lớn về thực trạng trong quản lý nhà nước đang diễn ra tại xã Tân Dân. Liệu rằng đây có phải là một trong những lý do khiến nhiều công ty trên địa bàn trong đó có công ty TNHH Nhôm Đông Á?

Công ty TNHH Nhôm Đông Á có những hồ sơ gì trong bảo vệ môi trường?

Sau khi PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử phản ánh tới UBND tỉnh Hải Dương và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương về những ý kiến của người dân xung quanh quá trình hoạt động của công ty Nhôm Đông Á, thì Sở Tài nguyên và Môi trường đã có câu trả lời.

Công ty TNHH Nhôm Đông Á.

Cụ thể, theo dự án đầu tư, Công ty đã lập Báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được UBND tỉnh phê duyệt theo quy định. Tháng 5/2009 phê duyệt cho dự án sản xuất các sản phẩm khung nhôm, hợp kim nhôm công suất 20.000 tấn/năm theo Quyết định số 1672/QĐ-UBND. Tháng 11/2014, phê duyệt ĐTM cho dự án nâng công suất lên 22.000 tấn/năm tại Quyết định số 2788/QĐ-UBND.

Triển khai hoạt động dự án, Công ty đã đầu tư các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường và được Sở TN&MT xác nhận hoàn thành theo quy đình theo Giấy xác nhận mới nhất số 45/GXN-STNMT ngày 16/4/2015.

Đồng thời, công ty đã kê khai đăng kí chủ nguồn thải và được Sở TN&MT cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải mã số 30.000118.T.

Đồng thời công ty đã được UBND tỉnh cấp Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước số 2360/GD-UBND ngày 18/10/2013.

Công ty cũng thực hiện quan trắc, giám sát môi trường định kỳ và kê khai, nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải theo quy định.

Nội dung phản ánh là có cơ sở

Về nội dung phản ánh công ty có xả khí thải và tiếng ồn ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân, những năm trước đây còn xả nước thải làm ảnh hưởng đến chất lượng nước gây thiệt hại hoa màu, Sở TN&MT tỉnh Hải Dương xác nhận là phản ánh có cơ sở.

Nguyên nhân là do thời gian trước đây (giai đoạn 2010-2015) khi triển khai dự án các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp Tân Dân (gồm ba doanh nghiệp: Công ty Cổ phần Thế Giới, Công ty Cổ phần Bông Sen, Công ty TNHH Nhôm Đông Á) đầu tư hoàn thiện các công trình, biện pháp xử lý môi trường còn chậm tiến độ, quy trình hoạt động sản xuất chưa ổn định nên hiệu quả xử lý môi trường chưa được đảm bảo, có thời điểm đã gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các hộ dân canh tác khu vực canh cụm công nghiệp. 

Riêng với Công ty TNHH Nhôm Đông Á, năm 2012, trong quá trình khai thác nước ngầm, Công ty để nước của quá trình súc rửa hệ thống xử lý nước ngầm chảy qua tường rào và vào các ao, ruộng canh tác tiếp giáp.

Năm 2014, tiếp tục để bục đường ống dẫn dầu, làm phát tán dầu ra ngoài môi trường. Các nội dung tồn tại, vi phạm về môi trường của Công ty đã được các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý theo quy định.

Năm 2010, UBND tỉnh xử phạt vi phạm 112 triệu đồng do các hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn ra môi trường, chôn chất thải không đúng quy định, chuyển giao chất thải nguy hại cho đơn vị không có đủ chức năng, năng lực xử lý.

Năm 2011, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xử phạt vi phạm 215 triệu đồng do các hành vi vi phạm: Thực hiện không đúng nội dung ĐTM; không phân loại và thu gom triệt để chất thải nguy hại vào khu vực lưu giữ tạm thời đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo quy định; xả nước thải vượt quy chuẩn môi trường cho phép; Công ty được đưa vào danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường tại Quyết định số 3162/QĐ-UBND ngày 17/11/2011.

Năm 2012, Thanh tra Sở TN&MT đã xử phạt 16 triệu đồng do các hành vi vi phạm: Thực hiện không đầy đủ chương trình giám sát môi trường định kỳ; xả khí thải vượt quy chuẩn môi trường cho phép.

Năm 2014, Công ty để xảy ra sự cố tràn dầu, Thanh tra Sở TN&MT đã xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu đồng.

Khắc phục các nội dung tồn tại, vi phạm về môi trường, Công ty đã đầu tư, cải tạo hoàn thiện, đầy đủ các công trình, biệp pháp bảo vệ môi trường, chuẩn hóa quy trình vận hành, đánh giá hiệu quả xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường cho phép và được Sở TN&MT cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường tại Giấy xác nhận số 45/GXN-STNMT ngày 16/4/2015.

Giám sát của Sở Tài nguyên và Môi trường từ 2016 đến nay

Từ 2016 đến nay, Sở TN&MT giám sát chặt chẽ đối với công ty này vì đã vi phạm rất nhiều lần trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Công ty đã dừng hoạt động đối với hệ thống sấy bùn phát sinh khí thải; lắp đặt hệ lọc bụi tay áo để xử lý khi thải lò luyện thay thế hệ thống dập bụi bằng nước; sử dụng nhiên liệu bằng gas thay thế nhiên liệu băng than cho lò luyện, cải tạo lại hệ thống xử lý nước thải.

Kết quả kiểm tra, lấy mẫu phân tích của Đoàn kiểm tra Sở TN&MT năm 2016 đối với công ty, các thông số phân tích nước thải, khí thải đều đạt kết quả cho phép. Tổng hợp báo cáo kết quả giám sát, quan trắc môi trường định kỳ của công ty, kết quả cũng đều đạt quy chuẩn.

Kết quả thanh tra việc chấp hành về bảo vệ môi trường của Tổng cục Môi trường đối với công ty tháng 2/2018 cho thấy: Công ty đã cơ bản chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, đã hoàn thiện các thủ tục hành chính về môi trường, đã đầu tư các công trình, biệp pháp bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất, kết quả đo đạc và phân tích các mẫu nước thải, khí thải đều đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường cho phép.

Đồng thời, UBND xã Tân Dân cũng đã xác nhận: UBND xã không nhận được đơn thư phản ánh nào của người dân về tình trạng ô nhiễm của công ty này. Qua công tác giám sát tại địa phương không phát hiện tình trạng xả chất thải gây ô nhiễm ra ngoài môi trường.

Về hoạt động cấp nước sinh hoạt của Trạm cấp nước Vạn Thắng trên địa bàn xã, trước khi lấy nước để xử lý nước cấp, Trạm đều thực hiện việc kiểm tra chất lượng nước đầu vào, kết quả phân tích, đánh giá chưa phát hiện dấu hiệu ô nhiễm.

Ông Trần Trường, Chủ tịch UBND xã Tân Dân.

Hiện trạng, kênh trước cửa công ty không ô nhiễm, rau muống mọc cao và nhiều, nước không có mùi, màu lạ trắng đục.

Trước những kết quả mà Sở TN&MT tỉnh Hải Dương cung cấp cho Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, hi vọng công ty Nhôm Đông Á thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, tránh lặp lại vi phạm như những năm trước đây.

Đồng thời các cơ quan báo chí cũng như các ban ngành chức năng sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát hoạt động của công ty để đảm bảo việc duy trì thực hiện.

Bạn đang đọc bài viết Sở TN&MT Hải Dương trả lời Môi trường và Đô thị VN về Nhôm Đông Á. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới