Thứ năm, 25/04/2024 10:51 (GMT+7)

Tây Ninh: Khi người “đòi lại nhà ở” bị “lật kèo”! (Kỳ II)

Nhóm PVPL -  Thứ sáu, 03/07/2020 15:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau 03 năm xin ở nhờ, người ở nhờ “đền ơn” bằng đơn kiện với hy vọng chiếm hữu nhà đất! Người mua cho ở nhờ lao đao vì “nhận ơn” tại tòa!

Qua cầu rút ván!

Mặc dù việc giải quyết tranh chấp giao dịch liên quan đến QSDĐ trong vụ việc này giữa bà Ngân với ông Sẫn, bà Hiền, hòa giải tại xã, phường không phải là điều kiện khởi kiện tại tòa. Tuy nhiên, UBND phường Long Thành Trung vẫn làm hết trách nhiệm của mình nhằm tránh phát sinh hậu quả xấu do tranh chấp đất đai ảnh hưởng đến tình hình trật tự trong địa bàn. Do vậy, UBND phường đã chỉ đạo Tổ Hòa giải Ban Quản lý ấp Long Chí tiến hành hòa giải. Tuy nhiên theo văn bản ngày 10/3/2019 của UBND phường Long Thành Trung xác nhận là vào ngày 17/4/2019, ấp phải hủy cuộc họp hòa giải vì bà Phạm Thị Ngân vắng mặt không lý do.

Qua tìm hiểu, được biết bà Ngân không đến tham gia hòa giải, do sợ áp lực dư luận vây bủa mình thêm một lần nữa chung quanh chuyện nợ nần!

Ngày 18/6/2020, trao đổi với PV liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Văn Lộc, Phó Chủ tịch UBND phường Long Thành Trung khẳng định việc sang nhượng nhà đất này là có thật. Trước khi trả lời về quan điểm của mình, ông Lộc cho biết bản thân ông Sẫn, bà Hiền không hành nghề cho vay nặng lãi để ép người khác thu tài sản cấn nợ. Bà Ngân là người có hiểu biết, con bà có trình độ đại học. Từ khi chồng mất, bà không làm gì lớn lao, chỉ làm việc lặt vặt, khi khó khăn, ông Sẫn, bà Hiền thương tình giúp đỡ tiền bạc. Đây là việc sang nhượng QSDĐ hoàn toàn tự nguyện, phù hợp với quy định của pháp luật, không có việc thế chấp, đưa đất.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Phó Chủ tịch UBND phường Long Thành Trung( ngồi giữa) trao đổi với PV

Trong thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp cho vay tiền rồi HĐ mua bán nhà để đảm bảo khoản cho vay. Đương nhiên với các HĐ, khi chuyển nhượng, người chứng thực yêu cầu hai bên đọc lại thật kỹ các điều khoản. Hai bên đều tự nguyện, tự thỏa thuận, đủ năng lực hành vi dân sự, hồ sơ đầy đủ, đúng quy định. Trong trường hợp tranh chấp giữa bà Ngân, ông Sẫn thì cần chứng minh có thỏa thuận chuyển nhượng QSDĐ để vay tiền, giá mua nhà tương ứng với tiền vay trong giấy nợ trong khi giá trị tài sản gấp rất nhiều lần so với số tiền vay ghi trong giấy nợ. Khi đường sá dần được chỉnh trang, thị xã lên thành phố, giá đất trượt lên là bình thường. Sang nhượng cách đây 4, 5 năm thì nay giá trị đất phải khác trước. Là người bán, ai mà không tiếc, nhưng phải xử sự như thế nào cho có trước có sau.

Trong cùng ngày, trao đổi với PV, khi hỏi bà Ngân tranh chấp giữa bà với ông Sẫn, bà Hiền có được chính quyền địa phương công khai đưa ra hòa giải không, bà Ngân rất tự tin trả lời rằng bà chuyển thẳng đơn khởi kiện lên tòa! Vì sao sau 03 năm kết thúc thời hạn ở nhờ mà không lập giấy gia hạn, với vẻ chủ quan, bà Ngân nói mọi việc của tôi để tòa xử! Khi đề cập đến ông Sẫn thì bà Ngân “lên án” ông Sẫn lừa cả người thân bán đất lấy tiền. Ngoài ra, bà Ngân luôn miệng kể rằng vợ chồng ông Sẫn, bà Hiền năn nỉ dọn nhà về đây ở bà không cho. Bà còn “tự hào” mình là người quản lý ngôi nhà này liên tục trong thời gian dài. Với thái độ bất hợp tác với báo chí nên PV cũng không trao đổi gì thêm.

Qua xác minh nhiều hộ dân sống lân cận, hầu hết họ không đồng tình trước sự “trả ơn” của bà Ngân đối với ông Sẫn, bà Hiền bằng việc “kiện ngược”! Liên quan đến việc đòi nhà ở, có người cho biết rằng, vừa rồi do quá tức tối, ông Sẫn đã đến tháo gỡ hai cánh cổng nhà mà bà Ngân hiện đang ở nhờ, rất nhiều người chứng kiến nhưng không ai ngăn cản! Về phía chính quyền đến nay cũng không có ý kiến gì về vụ này.

Lòng tham lấn át nghĩa tình

Việc chuyển nhượng QSDĐ đã qua chứng thực của chính quyền địa phương, mọi giao dịch đã hoàn tất, HĐ bắt đầu có hiệu lực pháp luật. Nếu trong vụ việc này chuyển nhượng QSDĐ bằng giấy tay không đúng quy định, tuy nhiên người nhận chuyển nhượng đã thanh toán tiền chuyển nhượng QSDĐ ít nhất bằng 2/3 trên tổng số tiền phải thanh toán thì tòa án vẫn sẽ ra quyết định công nhận hiệu lực của HĐ.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS) thì HĐ đối với QSDĐ, tại khoản 1 Điều 502 quy định HĐ phải lập thành văn bản, hình thức phù hợp với quy định của BLDS, pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan. HĐ chuyển nhượng QSDĐ giữa ông Sẫn, bà Hiền với bà Ngân là hoàn toàn hợp pháp.

Ngày 18/6/2020, ông Sẫn, bà Hiền cung cấp cho PV một “HĐ thế chấp tài sản” (TCTS) viết tay, không ngày tháng, không chứng thực, không công chứng. Nội dung bà Ngân TCTS là GCN QSDĐ để vay ông Sẫn, bà Hiền 28.000.000 đồng, thanh lý HĐ trong vòng một tuần. Theo ông Sẫn, bà Hiền, tờ này do bà Ngân tự thảo ra để vu khống rằng ông Sẫn, bà Hiền đã từng đòi bà Ngân TCTS. Ông Sẫn, bà Hiền khẳng định không hề có việc này!

HĐ thế chấp không ngày tháng của bà Ngân 

Đối với HĐ TCTS thì ngoài việc các bên lập thành văn bản còn phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về hình thức như công chứng, chứng thực, đăng ký. Theo quy định tại Điều 167 Luật Đất đai năm 2013 và Điều 122  Luật Nhà ở năm 2014 (LNƠ) thì HĐ TCTS và tài sản gắn liền với đất và HĐ thế chấp nhà ở thuộc trường hợp phải công chứng, chứng thực. Do vậy, HĐ TCTS do bà Ngân trưng ra hoàn toàn không phù hợp.

Cần nhắc lại rằng việc HĐ chuyển nhượng QSDĐ giữa bà Ngân với ông Sẫn, bà Hiền nếu sau khi hoàn tất HĐ, bà Ngân phát hiện mình bị xâm hại quyền lợi thì phải lập tức báo ngay cho cơ quan chức năng để hỗ trợ, phối hợp giải quyết, nhằm ngăn chặn các hậu quả phát sinh tiếp theo, lớn hơn. Vậy, vì sao trong suốt 03 năm ở nhờ và còn kéo dài đến nay bà Ngân lại khởi kiện như mình là “nạn nhân” là thế nào? Ơn nghĩa chưa trả, nay lại đâm đơn “kiện ngược” nhằm lấy lại tài sản, nếu sự thật như vậy, thì rõ ràng không đúng đạo đức xã hội cũng như pháp luật!

Theo quy định tại Điều 117 LNƠ và Điều 494 BLDS thì thỏa thuận về cho mượn nhà ở là giao dịch dân sự về nhà ở.  Theo đó dựa trên sự thỏa thuận của các bên, ông Sẫn, bà Hiền, người cho bà Ngân mượn nhà ở trong một thời hạn mà không phải trả tiền, bà Ngân buộc phải trả lại nhà khi hết thời hạn, dù việc mua lại nhà đạt được mục đích hay không!

Trong vụ việc này, quy định tại Điều 154 LNƠ thì thỏa thuận cho ở nhờ chấm dứt, ông Sẫn, bà Hiền có quyền đòi lại nhà theo quy định tại Điều  499 BLDS.

Khi chủ nhà đòi lại nhà ở thì dễ dẫn đến tranh chấp với người đang ở nhờ,  trường hợp người cho ở nhờ đòi lại được nhà đất của mình thì quả là “kỳ tích” một khi người có thẩm quyền giải quyết vụ việc thiếu công tâm, trục lợi.

Bài học quý giá cho những người tham gia xác lập HĐ giao dịch dân sự. Xác định một HĐ có hiệu lực pháp luật hay không đến nay cơ quan tố tụng còn nhiều lúng túng. Do vậy, khi vướng vào vòng kiện tụng, các bên đương sự dễ bị rơi vào rủi ro.

Môi trường&Đô thị sẽ tiếp tục đưa tin!

Bạn đang đọc bài viết Tây Ninh: Khi người “đòi lại nhà ở” bị “lật kèo”! (Kỳ II). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành