Thứ năm, 25/04/2024 09:31 (GMT+7)

Tiền Hải - Thái Bình: Trại nuôi lợn Trần Dũng “đầu độc” Sông Lân?

Ngọc Tuấn - Thành Trung -  Chủ nhật, 18/10/2020 12:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mặc dù không phải là thời điểm xả thải, nhưng quanh khu vực này vẫn còn nguyên mùi hôi thối bốc lên rất khó chịu, bọt trắng xuất hiện kín mặt nước.

Sông Lân - thuộc hệ thống Sông Hồng, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân địa phương, là nguồn cấp nước cho nhà máy sản xuất nước sạch phục vụ người dân 9 xã khu nam của huyện Tiền Hải (Thái Bình). Thế nhưng, hiện nay con sông này đang bị “đầu độc” bởi nguồn xả thải của một trang trại nuôi lợn…

Được biết, năm 2014, ông Trần Văn Dũng là người địa phương, đã thuê đất tại thôn Quân Trạch, xã Tây Phong (huyện Tiền Hải, Thái Bình) để đầu tư xây dựng trại lợn mang tên Trần Dũng. Đến nay đã hoạt động được 6 năm. Quá trình hoạt động đã phát tán mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân địa phương. Vì vậy, người dân đã liên tục phản ánh tình trạng này đến chính quyền các cấp huyện Tiền Hải, nhưng đến nay sự việc vẫn chưa giải quyết triệt để khiến dư luận bức xúc.

Trang trại nuôi lợn Trần Dũng bị phản ánh xả thải gây ô nhiễm môi trường.

Để làm rõ sự việc, phóng viên đã về xã Tây Phong tìm hiểu thông tin. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình H cho biết: “Việc trại lợn Trần Dũng xả thải gây ô nhiễm môi trường đã diễn ra liên tục trong nhiều năm nay. Sau phản ánh của người dân, đã có một số đoàn kiểm tra về làm việc, nhắc nhở chủ trại lợn khắc phục mùi hôi thối, không được xả thải trực tiếp ra môi trường,… thế nhưng chỉ được một thời gian ngắn, tình trạng này lại tiếp tục tái diễn khiến chúng tôi rất bức xúc”.

Nói về dòng Sông Lân bị “đầu độc” bởi nguồn nước thải của trại lợn Trần Dũng. Ông Trần Văn B, một người dân trong xã khẳng định: “Quá trình xả thải trực tiếp ra Sông Lân được thực hiện rất tinh vi. Họ (chủ trại lợn – PV) xây dựng hệ thống ống thoát nước ngầm, chôn sâu dưới lòng đất dẫn thẳng ra bờ sông. Quanh khu vực cống xả thải này, chủ trại lợn đã rất “khéo léo” nguỵ trang để che đậy bằng việc trồng những bụi na dại dày đặc, che kín khu vực nên rất khó phát hiện”.

Cũng theo ông Trần Văn B: “Việc làm khuất tất trên đã không thể “qua mặt” được sự giám sát của người dân, bởi mỗi khi họ xả thải thì khu vực này bốc mùi hôi thối nồng nặc, bọt trắng nổi lên mặt sông, nguồn nước đen ngòm. Có thời điểm cá chết nổi lên hàng loạt. Đã nhiều lần người dân chèo thuyền ra khu vực này, bắt quả tang trại lợn xả thải trực tiếp ra sông”.

Dòng Sông Lân đang bị “bức tử” bởi nguồn xả thải trực tiếp từ trại lợn Trần Dũng.

Để chứng minh sự việc, người dân đã dùng thuyền nan chở chúng tôi ra tiếp cận khu vực được cho là vị trí đặt ống cống ngầm xả thải trực tiếp ra Sông Lân của trại lợn. Mặc dù không phải là thời điểm xả thải, nhưng quanh khu vực này vẫn còn nguyên mùi hôi thối bốc lên rất khó chịu, bọt trắng xuất hiện kín mặt nước, cùng đó là một nguồn nước màu đen vẫn còn tồn lại tại quanh khu vực xả thải.

Để có thông tin khách quan, chúng tôi đã có buổi làm việc với chính quyền xã Tây Phong. Tại buổi làm việc, ông Lê Văn Điềm – Chủ tịch UBND xã cho biết: “Ban đầu ông Trần Văn Dũng ký hợp đồng thuê đất với xã, nhưng mới đây thì ký hợp đồng thuê đất với UBND huyện. Nguồn gốc đất là đất 5% của xã. Quy mô hoạt động chăn nuôi của trại lợn được chia thành 2 khu, với 8 dãy chuồng trại, trung bình mỗi lứa từ vài trăm đến hơn 1.000 con”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc kiểm tra, xử lý vi phạm về lĩnh vực môi trường đối trại lợn trên, ông Lê Văn Điềm xác nhận: “Xã cũng đã có một số lần ra kiểm tra, tuy nhiên vì quy định của trang trại nên chỉ kiểm tra được trên hệ thống camera. Sau đó, xã cũng đã lập biên bản về phi phạm môi trường, nhắc nhở trang trại phải khắc phục mùi hôi thối. Sự việc chúng tôi chưa báo cáo lên UBND huyện là do xã vẫn có thể xử lý được”.

Tuy nhiên, phóng viên không tiếp cận được hồ sơ xử lý vi phạm trên, bởi lý do được vị Chủ tịch xã đưa ra: “Do cán bộ chuyên môn phụ trách lĩnh vực này mới chuyển công tác, nên hiện tại không thể cung cấp hồ sơ được. Đối với hồ sơ pháp lý về đất đai, môi trường của trại lợn do UBND huyện quản lý, lưu giữ”.

Toàn cảnh 2 khu trại chăn nuôi lợn Trần Dũng

Trong một diễn biến liên quan, theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ cách trại lợn Trần Dũng chừng hơn 2 km, là nhà máy sản xuất nước sạch của Công ty CP Xây dựng và vận tải Sông Hồng, đây là nơi cung cấp nước sạch cho người dân 9 xã khu nam, với hàng nghìn nhân khẩu của huyện Tiền Hải.

Theo đó, toàn bộ nguồn nước mà nhà máy trên sử dụng vào sản xuất đều lấy từ Sông Lân. Do vậy, người dân địa phương đang rất băn khoăn khi sử dụng nước do đơn vị này cung cấp.

Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Hoài Th băn khoăn nói: “Chúng tôi bị ám ảnh bởi nguồn nước Sông Lân đang bị “đầu độc” do nước thải từ trại lợn Trần Dũng. Chúng tôi rất lo lắng khi sử dụng nước sinh hoạt do nhà máy nước Sông Hồng cung cấp. Vì vậy, mặc dù tốn kém, nhưng nhiều hộ gia đình vẫn phải mua bình nước lọc của các hãng sản xuất nước có uy tín để dùng vào việc nấu ăn, nước uống...”.

Trao đổi qua điện thoại với phóng viên, ông Đào Văn Bình – Giám đốc Công ty CP Xây dựng và vận tải Sông Hồng cũng lo lắng về nước Sông Lân đang bị ô nhiễm, ông nói: “Trước đây, khi nước Sông Lân chưa bị ô nhiễm, thì hệ thống lọc nước của nhà máy lọc rất nhanh. Hiện nay, do nguồn nước con sông này bị ô nhiễm nặng nên chúng tôi phải lọc đi, lọc lại nhiều lần, rất tốn kém mà chất lượng nước không đảm bảo. Hệ thống lọc của nhà máy bẩn rất nhanh, bẩn bám đen sì”.

Ngoài ra, ông Bình còn cho biết: “Chúng tôi đang chuẩn bị gửi văn bản đến các cơ quan chức năng huyện Tiền Hải, đề nghị họ vào cuộc kiểm tra, xử lý những hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước Sông Lân”.

Việc phát triển chăn nuôi, nhất là nuôi lợn đang từng bước đem lại hiệu quả kinh tế cho các địa phương tại tỉnh Thái Bình. Tuy nhiên, do chủ các trại nuôi lợn không thực hiện đúng cam kết nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, nhất là công trình xử lý nước thải; đơn vị quản lý buông lỏng giám sát quá trình xây dựng, vận hành các trại nuôi lợn đã để lại nhiều hệ lụy cho môi trường.

Để đảm bảo môi trường sống, nguồn nước sinh hoạt của người dân địa phương. Rất cần sự vào cuộc của lãnh đạo UBND huyện Tiền Hải để chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với trang trại chăn nuôi lợn đang hoạt động trên địa bàn huyện, trong đó có trại lợn Trần Dũng để kịp thời xử lý và ngăn chặn tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin sự việc.

Bạn đang đọc bài viết Tiền Hải - Thái Bình: Trại nuôi lợn Trần Dũng “đầu độc” Sông Lân?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành