Thứ sáu, 29/03/2024 11:43 (GMT+7)

Thức tỉnh trước thiên tai

MTĐT -  Thứ ba, 31/03/2020 09:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Và hãy nhìn sang những cánh rừng bị tàn phá khủng khiếp mới thấy chúng ta đang tự cầm kéo cắt đi một phần lá phổi của chính mình.

Ba tháng đầu năm 2020, thiệt hại do thiên tai trên cả nước cao gấp 9 lần so với cùng kỳ năm 2019. Con số này thực sự đáng lo ngại nhất là trong bối cảnh toàn xã hội đang căng mình chống chọi với đại dịch COVID-19 hành hoành.

Khi thiên tai, dịch họa xảy ra, con người thường xót xa coi mình là nạn nhân của tự nhiên hoặc đổ lỗi cho số phận. Song bình tĩnh chiêm nghiệm sẽ thấu tỏ, thiên tai - dịch họa ấy cũng đều là do gieo nhân gặt quả mà ra. Những khó khăn chất chồng hôm nay nhân loại đang phải đối diện, phải gánh chịu là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ của tự nhiên khi vượt quá “lằn ranh giới hạn”.

Rừng - lá phổi xanh cung cấp oxy cho sự sống. Tất cả chúng ta đều phải hô hấp bằng phổi. Khi bị nhiễm virus COVID-19, tất cả nhân loại đều chứng kiến những lá phổi của người bệnh bị tàn phá nghiêm trọng. Và hãy nhìn sang những cánh rừng bị tàn phá khủng khiếp mới thấy chúng ta đang tự cầm kéo cắt đi một phần lá phổi của chính mình.

Con người đang tự cầm kéo cắt đi một phần lá phổi của mình

Rừng bị phá tan hoang hóa thân thành những ngôi nhà gỗ kỳ vĩ và quy thành những đồng tiền nhuốm mùi lợi ích nhóm, những dự án được phê duyệt bằng sự “bôi trơn” mềm mại. Và hệ quả là lũ xuất hiện với tần suất cao. Lũ như những con “thú rừng” bị chọc giận, tấn công và phá hủy tất cả khi chúng đi qua. Tất cả đang diễn ra như một trò “domino” với hiệu ứng lan truyền đáng lo ngại.

Nhìn vào bản báo cáo của Tổng cục Thống kê khi tổng kết về kinh tế, an sinh xã hội trong điều kiện ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 và những thiệt hại do thiên tai gây ra trong 3 tháng đầu năm 2020 với những con số đầy lo lắng. Tính sơ bộ từ các địa phương thấy thiên tai đã làm 9 người thiệt mạng, 18 người bị thương, hơn 46.000 ha lúa và hoa màu hư hỏng, 24 ngôi nhà sập đổ, cuốn trôi và hơn 23.000 ngôi nhà hư hỏng. Đáng lo nhất là thiên tai làm thiệt hại khoảng 930 tỷ đồng, cao gấp 9 lần so với cùng kỳ năm 2019. Cũng trong thời gian này, cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 2.500 vụ vi phạm môi trường trên cả nước.

Chúng ta đều biết, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Và biến đổi khí hậu - câu chuyện đã được dự báo, ngày nay và mai sau chúng ta không thể không đối mặt. Song, theo cách này hay cách khác, người ta cho rằng biến đổi khí hậu là “kẻ có tội” hoàn hảo để che đậy những yếu kém trong quản lý hay thiết kế và quy hoạch vốn đã có thể giảm thiểu hoặc tránh những thiệt hại đó.

Người ta sẵn sàng biện hộ cho việc khai thác khoáng sản vô tội vạ gây lũ quét, sạt lở là do biến đổi khí hậu. Thi công cầu đường bị lún sụt, biến dạng, hư hỏng cũng tại hiện tượng nóng lên toàn cầu?! Hay san lấp các vùng trũng, thiếu giám sát để người dân đổ rác bừa bãi gây ngập úng cũng “cắt nghĩa” là do mưa bất thường, triều cường dâng cao.

Và nhiều dòng sông bị bức tử từ nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt bị chặn lại bởi các con đập cao hay những hồ chứa khổng lồ khiến dòng chảy xuống hạ lưu bị xáo trộn nghiêm trọng, nước mặn xâm lấn sâu hơn vào đất liền… được cho là hậu quả của “biến đổi khí hậu và nước biển dâng”?!

Phá rừng là nguyên nhân gây lũ quét và sạt lở đất


Chưa kể, nhiều dự án khủng, cần chi hàng ngàn tỷ để xây dựng cũng lấy lý do chống khô hạn, xâm nhập mặn, nước biển dâng, lấy ElNino làm dẫn chứng. Thậm chí, họ đòi làm những dãy công trình đê biển tốn hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng để chống nước biển dâng ở cuối thế kỷ hay để phòng ngừa... siêu bão và sóng thần.

Cần phải hiểu rằng, biến đổi khí hậu là một hiện tượng thiên nhiên đáng quan tâm và ứng phó, nhưng chắc chắn nó không phải là “thùng rác” để chứa những sai sót, sai lầm của ai đó đổ vào!

Chúng ta đang quên mất rằng, con người cũng chỉ là một thành phần trong hệ sinh thái tự nhiên rộng lớn. Nếu vẫn tiếp tục áp đặt những tư duy hạn hẹp nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế bằng mọi giá, chúng ta sẽ còn phải trả giá. Bởi, thiên nhiên có những lý lẽ riêng, hoạt động theo những quy luật vỗn dĩ đã có từ thuở hồng hoang. Thay đổi tự nhiên quá ngưỡng chịu đựng, bỏ qua những quy luật bất biến ấy, ắt hẳn con người sẽ phải gánh chịu sự đáp trả khốc liệt của tự nhiên.

Vũ trụ - tự nhiên luôn có sự cân bằng hoàn hảo. Bất cứ ai phá vỡ sự cân bằng đó đều phải trả giá. Những cường quốc số một thế giới, nhà băng đầy tiền, vũ khí đầy kho, khoa học phát triển như vũ bão, vẫn đang lấm lưng, trắng bụng toàn diện trước đối thủ không thấy bằng mắt thường mang tên VIRUS.

Theo Tổng cục Thống kê, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế, khiến tăng trưởng GDP quý I chỉ dừng ở mức 3,82% so với cùng kỳ năm trước. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,08% (đóng góp 0,2% vào mức tăng trưởng chung); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,15% (đóng góp 58,4%). Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,12%, tuy đạt mức tăng không cao nhưng vẫn đóng vai trò là động lực chính của tăng trưởng kinh tế quý I năm nay. Còn khu vực dịch vụ tăng 3,27%, đóng góp 41,4% vào mức tăng chung.

Trước đại dịch COVID-19, thêm một lần nữa chứng minh rất rõ: Mọi toan tính ích kỷ và vô cảm, vun vén cho riêng mình, hay một nhóm lợi ích nào đó, dù có khôn ranh đến mấy, cũng không thoát khỏi sự giáng trả của thế thời.

Chúng ta luôn có niềm tin đại dịch chắc chắn sẽ qua, song cần phải có thời gian. Còn ngay bây giờ, nhân loại phải thay đổi rất nhiều, từ cách ứng xử với tự nhiên, phương thức kinh doanh, bảo vệ sức khỏe, đến chuyển biến nội tâm và xếp lại thang giá trị trong mỗi con người, trước khi quá muộn.

Theo Báo Tài nguyên Môi trường

Bạn đang đọc bài viết Thức tỉnh trước thiên tai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Khúc giao mùa tháng Ba
Mộc miên thắp lửa đỏ trời///Lúa chiêm trong nắng xanh ngời chân mây///Giấc mơ lả cánh cò bay///Cố hương ơi! Những mê say cuối chiều.