Thứ sáu, 19/04/2024 16:19 (GMT+7)

Vĩnh Long: Cựu tù chính trị trước khi nhắm mắt vẫn chưa đòi được đất

Thế Bôn - Hiền Anh -  Thứ sáu, 13/10/2017 13:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thời gian qua Ban biên tập Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã nhận được Đơn kêu oan của cụ Lê Thị Tư, 85 tuổi, ngụ tại ấp An Phú Tân, xã Bình Ninh, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

Cụ được sự ủy quyền của người chị dâu, vợ của người anh trai cả của bà là ông Lê Thái Thuận (tức Hai Sung) nguyên là một cựu tù chính trị đã quá cố để bà tiếp tục khiếu nại về một vụ việc đất đai được coi là hi hữu mà anh trai bà trước khi nhắm mắt vẫn chưa được mãn nguyện.

Diễn biến sự việc như sau:

Vào năm 1957, ông Lê Thái Thuận có mua 4.000m2 đất của bà Lê Thị Nhung, ngụ tại ấp An Phú Tân, xã Bình Ninh, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Khi mua bán trả tiền hai bên có viết giấy tay để làm bằng, có nhiều người dân cùng ấp làm chứng. Sau đó, ông Thuận đã canh tác và mướn một số người cùng làm phần đất này được khoảng 2 năm. Năm 1959, giặc kéo vào càn quét, đốt phá xóm ấp, nhà ông bị giặc đốt nhiều lần và giấy mua bán đất đó cũng đã bị thất lạc. Những ngày tháng chiến tranh ác liệt, ông Thuận hoạt động và nuôi chứa cách mạng ở nhà mình, đứa con trai lớn Lê Văn Lượng ông cho đi bộ đội rồi hy sinh. Tên Tổng Thưởng chính quyền Ngụy biết ông âm thầm nuôi chứa cách mạng nên đã bắt ông bỏ tù và lấy hết phần đất 4.000m2 đó của gia đình ông để cất trường học. Những năm tháng ông Thuận bị cầm tù ở nhà lao Vĩnh Long rồi đến nhà lao Chí Hòa, Sài Gòn ( ngày 11/12/2007, ông Nguyễn Văn Đời (tức Năm Dân), nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đã xác nhận bằng văn bản, cùng ở tù chung với ông Thuận từ tháng 3/1959 đến tháng 4/1962), cũng là những năm tháng quê hương ông bị giặc tàn phá ác liệt. Khu đất 4.000m2 của ông giặc lấy làm trường học đã bị tàn phá và bỏ hoang từ đó. Lúc bấy giờ tên lính ngụy Huỳnh Kim Long đã đến khu đất của ông Thuận bỏ trống để lên liếp trồng mía.

Cụ Lê Thị Tư 85 tuổi, một cựu tù chính trị đã hang chục năm đi đòi đất cho anh trai Lê Thái Thuận cũng là một tù chính trị đã quá cố.

Sau ngày đất nước giải phóng 1975, ông Thuận đã đến gặp ông Long để đòi lại phần đất đó nhưng ông Long không chịu trả và ông Thuận đã đánh nhau với ông Long. Khi đó, chính quyền xã Bình Ninh do ông Nguyễn Văn Điểm Chủ tịch và ông Phan Văn Khả Bí thư xã đã đứng ra giải quyết, buộc ông Long phải trả lại đất cho ông Thuận. Sau đó ông Thuận đã cất nhà cho người con trai là Lê Văn Hồng trên phần đất đó ở được khoảng 6 tháng (theo nhiều người dân và những người đứng đầu chính quyền địa phương trước đây xác nhận – PV). Ngày ấy, để có đất cất trường học cho con em trong xã, ông Nguyễn Văn Điểm - Chủ tịch xã, đại diện cho chính quyền địa phương đã đến trao đổi thương lượng để mượn 3.500m2 /4000m2 đất của ông Thuận trên nền ngôi trường cũ thời Ngụy và ông Điểm thỏa thuận sẽ để 500m2 đất còn lại của ông Thuận cặp mé sông để ông Thuận cất nhà trên đó ở. Nhưng ông Thuận chỉ đồng ý cho mượn đất để xây trường cho con em sớm được đến lớn học, chứ ông không đồng ý như thỏa thuận của ông Điểm đưa ra. Vì vậy, ông Điểm đã phải hứa sau này sẽ đổi đất cho ông Thuận qua chợ cho nên ông Thuận đã đồng ý. Năm 1980 ngôi trường cấp I Bình Ninh được xây dựng trên diện tích 3.500 m2 đất của ông Thuận cho mượn nhưng nhiều năm sau lời hứa trước đây của ông Điểm Chủ tịch xã vẫn không được chính quyền nơi đây thực hiện. Sau khi ông Điểm nghỉ, rồi đến nhiều đời Chủ tịch xã khác, chợ xây xong, đợi mãi mà ông Thuận vẫn không được giao đất bên chợ như ông Điểm đã hứa? Quá bức xúc, ông Thuận đã làm đơn khiếu nại từ xã, tới huyện rồi lên tỉnh hàng chục năm để đòi lại quyền lợi hợp pháp của mình. Nhưng ông chỉ nhận được một câu trả lời giống hệt nhau: “bác đơn khiếu nại của ông Thuận…với lý do: đất thành quả cách mạng”?

Cựu Chủ tịch xã ông Nguyễn Văn Điểm xác nhận có đứng ra mượn 3500m2 đất của ông Thuận làm trường học…Nhưng chính quyền 3 cấp tỉnh Vĩnh Long vẫn cố tình không trả hay bồi thường cho gia đình ông Lê Thái Thuận…

Về vấn đề này, ngày 04/01/2007, ông Điểm đã xác nhận: “Tôi Nguyễn Văn Điểm…Tôi biết vào năm 1957 ông Lê Thái Thuận có mua của cô Lê Thị Nhung một miếng vườn có diện tích 4.000m2. Chú Thuận canh tác trên phần đất này được 2 năm. Đến năm 1959 tên Tổng Thưởng lấy làm trường học, mãi đến 1975 hòa bình chú Thuận có cất nhà cho con là Lê Văn Hồng ở một thời gian thì xã Bình Ninh quy hoạch làm trường học. Lúc đó tôi Chủ tịch xã cùng ông Phan Văn Khả bí thư xã có mượn đỡ 3.500m2 đất để cất trường học, có giải quyết cho chú Thuận 500m2, nhưng chú Thuận lúc đó không đồng ý, mãi đến nay chưa được giải quyết rõ ràng…đề nghị cấp trên giải quyết cho chú Thuận, vì tôi thấy chú là gia đình liệt sỹ nghèo…”.

Ông Lê Văn Tuội, nguyên bí thư xã Bình Ninh xác nhận xã có mượn đất của ông Thuận là sự thật.

Và ông Lê Văn Tuội, nguyên bí thư xã Bình Ninh(sau thời ông Khả), xác nhận: “Tôi Lê Văn Tuội làm bí thư xã Bình Ninh từ năm 1976 đến 1978…Sự việc của địa phương tôi được nghe ông 9 Điểm Chủ tịch xã báo cáo lại, xã có mượn của ông Hai Sung 3.500m2 đất vườn ở cặp lộ đá, phần còn lại để sau này đổi cho ông Hai Sung qua chợ nhưng tới nay địa phương chưa thực hiện. Hiện nay gia đình có phát đơn khiếu nại…”.

Ngày 09/6/2000, một trong số những người làm đất cho ông Thuận ngày đó đã xác nhận: “Tôi tên Phùng Mỹ Hậu, sinh năm 1917. Vào năm 1957 gia đình tôi ở ấp An Phú, xã Bình Ninh, huyện Tam Bình. Hiện nay tôi cư ngụ tại khóm I, thị trấn Tam Bình. Nguyên vào tháng 2 năm 1958 gia đình tôi có làm vần công đào đất lên liếp với cháu Hai Sung, đất ở cặp lộ Ba Phố. Đến năm 1959 giặc lấy làm trường học, đến năm 1965 tôi chạy ra chợ Trà Ôn ở đến năm 1975 tôi về ấp An Phú ở, tôi biết cháu Hai Sung có nhiều đơn khiếu nại mà đến nay chưa giải quyết. Lời khai của tôi là đúng sự thật, nếu sai tôi chịu trách nhiệm trước pháp luật nhà nước”.

Cụ Lê Thị Tư thắp nhang cho anh trai là cựu tù Chính trị Lê Thái Thuận và cháu là liệt sỹ Lê Văn Lượng trên phần đất 500m2/4000m2 mà ông Thuận đã cho xã mượn xây trường 3500m2 còn lại 500m2 bà Tư đang dựng nhà thờ cúng cho ông Thuận và Liệt sỹ Lượng…Nhưng chính quyền nơi đây vẫn cố tình không làm thủ tục cấp giấy chủ quyền số đất này cho gia đình liệt sỹ…

Còn hàng chục giấy xác nhận của nhiều cán bộ lão thành và người dân làm chứng cho ông Thuận, là quá đủ để chứng minh việc khiếu nại của gia đình ông Thuận là đúng sự thật.

Vậy mà, ngày 02/10/2004, UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành Quyết định giải quyết cuối cùng số 152/QĐ-UBT, bác đơn khiếu nại của ông Thuận, với những nhận xét không khách quan: “Năm 1957 bà Nhung chuyển nhượng phần đất này lại cho ông Thuận sử dụng hiện nay không có giấy tờ chứng minh và trong quá trình sử dụng đất hai năm từ năm 1957-1959 ông Thuận tự bỏ đất, chính quyền chế độ cũ lấy đất xây dựng trường tiểu học của xã cho đến năm 1970 do trường tiểu học hư hỏng nặng nên bị sập, ông Huỳnh Kim Long vào sử dụng. Sau 30/4/1975, ông Thuận khiếu nại đòi lại đất và được chính quyền cách mạng xã Bình Ninh giải quyết là không công nhận phần đất 4 công này cho ông và ông Long, đồng thời buộc ông Long giao trả phần đất lại cho xã quản lý, vì đây là đất thành quả cách mạng. Từ đó nhà nước quản lý sử dụng vào mục đích xây dựng trường học cho đến nay”?

Một gia đình chính sách có nhiều công lao với đất nước đã hạng chục năm đi đòi công lý nhưng bị chính quyền 3 cấp tỉnh Vĩnh Long từ chối…

Nội dung trên của Quyết định 152 đã phủ định hoàn toàn những chứng cứ được coi là khách quan để xem xét khiếu nại của gia đình ông Lê Thái Thuận mà người dân ấp An Phú cũng như các nguyên cán bộ xã Bình Ninh là đồng chí của ông Thuận đã xác nhận ở trên.

Đây là các nhân chứng sống động, mang tính thuyết phục nhất… Qua đó cho thấy việc giải quyết khiếu nại của 3 cấp Chính quyền tỉnh Vĩnh Long về vụ việc của gia đình ông Lê Thái Thuận, đã có quá nhiều dấu hiệu không rõ ràng, do một bộ phận cán bộ tham mưu, đã làm thay đổi bản chất hồ sơ vụ việc nhưng lại được lãnh đạo tỉnh và huyện ký duyệt .

Đề nghị các cơ quan chức năng Trung ương, Thanh tra Chính phủ và Tỉnh ủy Vĩnh Long sớm xem xét giải quyết lại toàn bộ vụ việc một cách công minh, khách quan để quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình ông Lê Thái Thuận, một gia đình có truyền thống cách mạng không bị xâm phạm, không bị oan sai và để hương hồn của liệt sĩ Lê Văn Lượng và ông Lê Thái Thuận một cựu tù Chính trị được thanh thản nơi chín suối./.


Bạn đang đọc bài viết Vĩnh Long: Cựu tù chính trị trước khi nhắm mắt vẫn chưa đòi được đất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Phố giao mùa
Phố giao mùa bâng khuâng lối cũ//Lá sấu rụng đầy vướng chân đi///Cố dịu dàng qua thời con gái///Em nào có được gì?
Bài thơ: Tự...
Ta mạnh mẽ không phải ta không khóc///Thực chỉ là nước mắt ngược vào trong///Bởi ta biết giữa biển đời mênh mông///Sông núi rộng - hành trình ta tự bước