Thứ bảy, 20/04/2024 03:21 (GMT+7)

Vĩnh Phúc: Người “cầm cân nảy mực” huyện Sông Lô có tắc trách?

VĂN NGHĨA -  Thứ hai, 02/04/2018 05:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Liên quan đến vụ đòi quyền sử dụng đất lâm nghiệp do ông Vũ Cao Lưu là nguyên đơn, TAND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo TAND huyện Sông Lô giải quyết dứt điểm, song đến nay vụ án vẫn... dậm chân tại chỗ!

Nguồn gốc khu đất

Theo đơn phản ánh của bạn đọc gửi tới Tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử bị đơn trong vụ án là các ông: Nguyễn Hội Vui, Nguyễn Mai Hoa, Nguyễn Bá Quế và Nguyễn Đức Thịnh (đều trú tại xã Quang Yên, huyện Sông Lô); Đơn vị có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm: UBND huyện Sông Lô, UBND xã Bạch Lưu, UBND xã Quang Yên, Hạt Kiểm lâm huyện Sông Lô và một số cá nhân khác.

 Ông Vũ Cao Lưu (trú tại xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô) cho biết: Năm 1997 gia đình tôi được Nhà nước giao thầu đất rừng với diện tích 20 ha với thời hạn 50 năm tại khu vực núi Ba Chòm, đỉnh Trại Bò, đỉnh Dọc Dâu đến đỉnh Đầu Voi, kéo dài đến khu vực Trầm Bầu thuộc địa giới hành chính của xã Bạch Lưu, giáp ranh với địa giới hành chính của xã Quang Yên.

Ông Lưu có đầy đủ chứng cứ chứng minh quyền sở hữu đối với khu rừng này

 Cũng theo ông Lưu, thời điểm giao đất lúc bấy giờ có 4,84ha đất đã bị gia đình cụ Nguyễn Bách Thú (đã mất, là bố của các bị đơn) lấn chiếm và canh tác.

“Trước sự chứng kiến của Kiểm lâm huyện Lập Thạch (cũ), của đại diện UBND hai xã Quang Yên và Bạch Lưu, cụ Thú đã ký cam kết sẽ trả lại phần đất lấn chiếm cho gia đình ông Lưu sau khi thu hoạch hết hoa màu và cây trồng trên phần đất đó”, ông Lưu thuật lại.

Thế nhưng, theo ông Lưu, sau hơn 15 năm, gia đình cụ Thú cũng như các con cụ vẫn không hoàn trả lại diện tích đất đã lấn chiếm. Thậm chí, trước khi mất, cụ Thú đã chia phần đất đó cho 4 người con trai tiếp tục sử dụng. Đồng thời từ chối tất cả các yêu cầu trả đất của ông Lưu.

“Nhận thấy phần đất bị lấn chiếm và giá trị lợi tức hoa màu trong suốt thời gian qua không được hưởng, quyền lợi chính đánh, hợp pháp của mình bị xâm hại nên năm 2014 tôi đã làm đơn gửi lên TAND huyện Sông Lô đề nghị giải quyết theo luật định”, ông Lưu cho biết thêm.

Tòa huyện tắc trách?

Sau gần 2 năm khởi kiện, ngày 23/12/2015 TAND huyện Sông Lô đã xét xử lần một dưới sự chủ toạ của ông Nguyễn Thiên Thành. Kết quả là đã bác yêu cầu đòi quyền sử dụng đất của ông Lưu.

Cầm bản án trên tay, ông Lưu bức xúc: “Đó là phán quyết không hề có căn cứ pháp luật. Hội đồng xét xử đã bỏ qua chứng cứ chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp của tôi đã được các cơ quan có thẩm quyền cấp”.

Ông Lưu đau xót trước quyền lợi không được đảm bảo và bức xúc với cách làm việc của TAND huyện Sông Lô

Sau khi có bản án, ngày 07/01/2016, VKSND huyện Sông Lô đã kháng nghị bản án. Cùng với đó, ông Lưu đã làm đơn kháng cáo. Kết quả là, ngày 29/04/2016, TAND tỉnh Vĩnh Phúc xử bác bỏ bản án xét xử lần một của TAND huyện Sông Lô, đồng thời có chỉ đạo TAND huyện Sông Lô phải căn cứ vào chứng cứ và luật định để xét xử cho đúng.

Những tưởng sau khi có bản án của TAND tỉnh Vĩnh Phúc, quyền lợi của nguyên đơn sẽ được đảm bảo, song tại phiên xét xử ngày 17/04/2017 do bà Khương Đặng Khánh Hằng làm chủ tọa, TAND huyện Sông Lô vẫn tuyên ngược lại với sự chỉ đạo của TAND tỉnh Vĩnh Phúc.

Một lần nữa, ngày 28/04/2017 VKSND huyện Sông Lô tiếp tục kháng nghị bản án lần hai này của TAND huyện Sông Lô. Cùng với đó, ông Lưu đã làm đơn kháng cáo. Rồi, lại một lần nữa, ngày 06/09/2017, TAND tỉnh Vĩnh Phúc xét xử lần hai, tiếp tục bác bỏ bản án của TAND huyện Sông Lô.

Tại bản án này, TAND tỉnh Vĩnh Phúc nhận định: “Cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, chưa đánh giá toàn diện chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, đường lối giải quyết chưa triệt để dẫn tới việc giải quyết vụ án chưa được toàn diện. Những vi phạm này tại cấp phúc thẩm không thể khắc phục được”.

Bản án của TAND tỉnh Vĩnh Phúc cũng chỉ ra rằng, khi giải quyết lại, cấp sơ thẩm cần lưu ý xem xét các tài liệu, gồm: Hồ sơ và quyết định giao rừng cho ông Lưu năm 2011; biên bản làm việc giữa ông Thú, ông Lưu và UBND hai xã; so sánh hồ sơ và quyết định giao rừng năm 2011 với sơ đồ đo vẽ thực trạng để xác định đất của ông Lưu; so sánh tài liệu với các bản đồ, biên bản hiệp thương xác định địa giới hành chính hai xã; kiểm tra diện tích của cụ Thú và các con vào khoảnh rừng nào, lô nào, có lấn chiếm hay không;…

TAND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ ra nhiều vi phạm của TAND huyện Sông Lô

 Những chỉ đạo rất rõ ràng, thế nhưng dường như TAND huyện Sông Lô cố tình lờ đi hoặc bấp chấp quyền và lợi ích hợp pháp của các bên nên không tiến hành xét xử?!

Thêm một lần nữa, ông Lưu bức xúc, đặt ra nhiều nghi vấn về dấu hiệu tiêu cực, trình độ của quan tòa: Việc người dân kiện đòi quyền sử dụng đất và lợi tức hoa màu trên phần đất đã được giao, đã đóng thuế đầy đủ với Nhà nước, đã được các cơ quan có thẩm quyền chứng thực là việc rõ ràng. Vậy mà vì sao TAND huyện Sông Lô vẫn liên tiếp xử sai?

“Trong suốt quá trình gần 4 năm từ khi ông khởi kiện, ông Trần Quốc Hồng - Chánh án TAND huyện Sông Lô đã rất nhiều lần gọi điện trực tiếp mời tôi đến Tòa án huyện làm việc mà không hề có công văn, nói là đến để hòa giải nhưng thực tế là chỉ có mình tôi chứ không có các bị đơn.

Nội dung của mọi buổi làm việc đều giống nhau là ông Hồng thuyết phục tôi rút đơn khởi kiện. Tôi thắc mắc, vì lý do gì mà ông Hồng làm như vậy? Điều này tôi cần câu trả lời. Pháp luật là để bảo vệ sự công bằng chứ không phải để bảo vệ một nhóm người nào đó vì một lý do nào đó”, ông Lưu nghi vấn.

Một vụ án như vậy mà kéo dài trong 4 năm chưa thể kết thúc liệu có phải do năng lực của TAND huyện Sông Lô hay vì một lý do gì khác?

Ngày 21/03/2018, phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có buổi trao đổi với ông Trần Quốc Hồng. Tại đây, ông Hồng cho biết, đến nay đã ra quyết định gia hạn thêm thời gian thụ lý vụ án là hai tháng.

Khi được hỏi về những chứng cứ chứng minh quyền sự dụng đất của ông Lưu và những chỉ đạo của TAND tỉnh Vĩnh Phúc tại sao không được xem xét đến, ông Hồng trả lời “Hội đồng xét xử sẽ tiếp tục thu thập thêm chứng cứ”! 

Ông Hồng còn nói thêm với PV giọng với vẻ "bất lực": "Bây giờ chúng ta chỉ biết chờ đợi".

Vậy chờ đợi đến bao giờ, khi nào bản án được tuyên, hay người chiến binh già còn phải mỏi mòn tìm công lý? Phán quyết trong bản án tới đây sẽ như thế nào, liệu có để VKSND kháng nghị và TAND tỉnh Vĩnh Phúc tuyên hủy thêm lần nữa? Có để lại sự công bằng, minh bạch và nể phục của các bên hay là “tiếng tăm để đời” với bản án sửa đi sửa lại nhiều lần? 

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục phản ánh nội dung này!

Bạn đang đọc bài viết Vĩnh Phúc: Người “cầm cân nảy mực” huyện Sông Lô có tắc trách?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...