Thứ sáu, 29/03/2024 21:48 (GMT+7)

Vụ dân bao vây nhà máy thép: “Chúng tôi muốn nhà máy phải di dời...'

Nam Hà -  Thứ ba, 27/02/2018 20:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chiều 27/2, ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cùng lãnh đạo UBND huyện Hòa Vang đã có cuộc đối thoại với người dân thôn Vân Dương 1, Vân Dương 2 (xã Hòa Liên, Hòa Vang) sau vụ việc.

Chiều 27/2, ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cùng lãnh đạo UBND huyện Hòa Vang đã có cuộc đối thoại với người dân thôn Vân Dương 1, Vân Dương 2 (xã Hòa Liên, Hòa Vang) sau khi hàng trăm người dân địa phương bao vây nhà máy thép Dana Ý.

Chiều 27/2, nhiều người dân vẫn bao vây nhà máy thép Dana Ý.

“Chính quyền đừng hứa suông nữa, chúng tôi muốn di dời nhà máy càng sớm càng tốt. Dân chúng tôi không chịu nổi ô nhiễm nữa rồi…”, người dân thôn Vân Dương 2 (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) bức xúc cho biết. 

Đến 15 giờ chiều cùng ngày, người dân lúc đầu không chấp nhận tham gia đối thoại vì cho rằng đã có quá nhiều cuộc họp nhưng vấn đề vẫn không được giải quyết. Sau khi được vận động,hơn một trăm người dân đã chấp nhận vào hội trường, tuy nhiên vẫn còn hàng chục người dân vẫn tiếp tục tập trung trước cổng nhà máy Dana Ý.

Anh Lê Văn Vĩnh, trú thôn Vân Dương 2.

Anh Lê Văn Vĩnh, trú thôn Vân Dương 2 cho biết, 2 nhà máy thép Dân Ý và Dana Úc hoạt động gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhiều năm nay. Nhưng UBND TP Đà Nẵng đã thất hứa khi không tiến hành di dời nhà người ra khỏi vùng ảnh hưởng của nhà máy như cam kết trước đó.

Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, ông Lê Quế (trú thôn Vân Dương 1) cho biết, làng quê trước đây cây trái xanh tốt, nước trong veo. Từ khi xây dựng nhà máy thép, sản xuất nông nghiệp đình trệ, khói bụi, ô nhiễm, mùi hôi nồng nặc khiến cuộc sống đảo lộn.

"Tôi nhớ đây là cuộc đối thoại lần thứ 20 mấy rồi. Ông Hồ Kỳ Minh (Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - PV) cũng đến nghe dân nói nhiều lần rồi. Tóm lại, hoặc bây giờ di dời dân, hoặc là di dời nhà máy ngay lập tức, chứ đừng hứa suông nữa…", ông Quế bức xúc nói.

Ông Nguyễn Hữu Tiến (thôn Vân Dương 1, Hòa Liên) phát biểu.

Ông Nguyễn Hữu Tiến (thôn Vân Dương 1, Hòa Liên) cho biết, đây không phải là lần đầu tiên TP về đối thoại với dân và mong muốn lần này thành phố phải có giải pháp rõ ràng.
“Biên bản hơn 20 cuộc đối thoại từ trước đến nay đâu rồi? Giờ đối thoại dân chúng tôi cũng chỉ nói chừng đó. Dân chúng tôi ở đây từ mấy đời, thành phố đã đặt các nhà máy ô nhiễm ở đây làm đảo lộn cuộc sống của người dân thì dứt khoát phải dời đi”, ông Tiến nói.

Cũng đồng quan điểm ông Lê Qúy, trú Thôn Vân Dương 2, liệt kê hơn 10 người thân, hàng xóm qua đời vì ung thư chỉ trong vài năm qua, trong đó có nhiều người trẻ tuổi.

“Hơn 10 người ở đây chết vì bệnh ung thư rồi, bản thân tôi cũng bị bệnh phổi nặng do sống gần nhà máy thép Dana Ý này. Chúng tôi chỉ lo sợ đời con cháu của mình bị ảnh hưởng ngày càng nặng nề thêm thôi”, ông Qúy lo lắng.

Ông Phan Mười, trú thôn Vân Dương 2 cho biết, theo lịch trình, đến cuối năm 2017 người dân trong vùng bị ảnh hưởng sẽ được đưa đến nơi tái định cư. Tuy nhiên, hiện việc di dời mới chỉ thực hiện được vài hộ.

“Dân chúng tôi cứ chờ đợi mỏi mòn, môi trường sống ngày càng ô nhiễm, nhà máy thì ngày càng sản xuất ồ ạc còn chính quyền thì cứ chậm trễ trong việc di dời khiến chúng tôi không thể bình tĩnh được nữa…”, ông Mười nói.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cùng lãnh đạo UBND huyện Hòa Vang tại cuộc đối thoại

Kết thúc buổi đối thoại, ông Hồ Kỳ Minh mong muốn người dân binh tĩnh và không tụ tập trước nhà máy thép. "Do thời gian gấp quá nên chưa thông báo đầy đủ cho người dân đến buổi đói thoại. UBND TP Đà Nẵng sẽ hẹn gặp lại bà con vào chiều mai (28/2) với đầy đủ Sở, Ban, ngành để lắng nghe hết ý kiến…", ông Minh nói.

Cuộc đối thoại kết thúc, tuy nhiên nhiều người dân khẳng định vẫn tiếp tục bao vây nhà máy đến khi yêu cầu được giải quyết.

Trước đó, như Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã đưa tin, từ chiều 26/2, người dân thôn Vân Dương 1, 2 tập trung trước cổng nhà máy thép Dana Ý để ngăn cản việc sản xuất vì cho rằng nhà máy này gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Bạn đang đọc bài viết Vụ dân bao vây nhà máy thép: “Chúng tôi muốn nhà máy phải di dời...'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới