Thứ bảy, 20/04/2024 04:03 (GMT+7)

Xử lý hành vi phá hoại môi trường: Nhẹ tay dễ gây 'nhờn' luật?

Vũ Khoa -  Thứ hai, 02/11/2020 16:24 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

“Chất thải của chất thải” được xả thẳng ra môi trường, gây ô nhiễm nặng cả về không khí, đất và nguồn nước.. là thực trạng đang diễn ra tại Thanh Văn (Thanh Oai, TP.Hà Nội).

Ông Đỗ Văn Chiến – Chủ tịch UBND xã Thanh Văn (Thanh Oai, TP.Hà Nội) cho biết chính quyền địa phương vừa yêu cầu đình chỉ, bắt buộc di dời đối với một cơ sở hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Theo vị lãnh đạo xã Thanh Văn, xưởng sản xuất này hoạt động trên đất có nguồn gốc phục vụ nông nghiệp, chăn nuôi nhưng do không có hiệu quả kinh tế nên bị biến tướng.

Dù ông Chiến cho hay, vi phạm tại xưởng sản xuất này đã được lực lượng chức năng huyện Thanh Oai phối hợp với UBND xã Thanh Văn lập biên bản. Tuy nhiên, trong suốt buổi trao đổi với PV, ông Chiến tỏ ra mù mờ về thông tin cụ thể. Từ tên xưởng, chủ xưởng đến quá trình hoạt động hay vi phạm tại xưởng sản xuất nêu trên đã từng bị xử phạt hay chưa, ông Chiến đều không thể trả lời.

Trước khi mang theo những phản ánh đến UBND xã Thanh Văn, PV đã trực tiếp ghi nhận tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại đồng làng Quan Nhân (Thanh Văn, Thanh Oai). Nằm chơi vơi giữa cánh đồng làng, nấp giữa các dãy trang trại nông nghiệp là một nhà xưởng không tên lụp xụp sau cánh cổng luôn đóng kín, bên trong ì èo máy móc, mùi khét của dầu cháy và hóa chất đậm đặc khiến không khí trở nên khó chịu vô cùng.

Quan sát từ bên ngoài, trên nền đất đen đúa nhớp nháp là hàng chục thùng phuy bẩn thỉu lăn lóc, gần đó là hàng tá lon sơn lỉnh kỉnh. Xung quanh khu vực xưởng sản xuất cũng chất đống những thùy phuy lộn xộn. Người dân địa phương cho biết, đây là các thùng chứa xăng, dầu đã qua sử dụng được thu gom về để tái chế.

Nhà xưởng ô nhiễm nằm sâu bên trong cánh đồng Quan Nhân.

Xung quanh là nhiều thùng phuy dùng để tập kết xăng, dầu đã sử dụng.

Không cần đánh giá quá nhiều cũng đủ để thấy rằng tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng về đất, không khí đang diễn ra tại khu vực đồng làng Quan Nhân. Xăng dầu vốn đã là chất thải, vậy thứ chất lỏng phát sinh trong tái chế phải gọi là “chất thải của chất thải? Càng đi sâu vào bên trong xưởng tái chế, những hình ảnh càng trở nên kinh hoàng khiến PV phải đặt câu hỏi: Tại sao một cơ sở ô nhiễm đến vậy có thể tồn tại?

Bên trong gian nhà cũ nát, những chiếc máy hoen ố loang lổ được vận hành bởi tốp 4-5 người thợ, xô, chậu đựng hóa chất, vật liệu chất đầy cho thấy hoạt động tại đây vẫn diễn ra bình thường, không có dấu hiệu bị đình chỉ. Từ các thiết bị tiếp nhiệt, nước thải được dẫn qua các ống nhựa lộ thiên tới một ô chứa nhỏ rồi đổ thẳng ra phần ao nước vốn được sử dụng trong nông nghiệp phía sau xưởng tái chế.

Ao trữ nước phục vụ nông nghiệp phía sau xưởng bị ô nhiễm nghiêm trọng, không thể canh tác.

Các gốc cây cũng bật rễ vì dòng nước thải chảy qua trong thời gian dài, trở thành những rãnh hóa chất độc hại. Cả vùng ao nước phải chịu sự tàn phá của hóa chất đã trở thành lớp bùn sình lệt xệt, vàng ố cho thấy nguồn nước đã không thể sử dụng. Khắp xung quanh, lỏng chỏng can nhựa rỗng không ghi những dòng chữ “Chất thải nguy hại”; “Rác nguy hại”.. rõ ràng những người đang hàng ngày phá hoại môi trường cũng ý thức được việc mình đang làm, thế nhưng vì lợi nhuận mà họ vẫn cố tình vi phạm.

Các can chứa chất thải nguy hại, rác nguy hại không được thu gom mà bị vứt ra môi trường.

Với những hình ảnh mà PV ghi nhận, chỉ lập biên bản đình chỉ, yêu cầu di dời theo lời ông Đỗ Văn Chiến – Chủ tịch UBND xã Thanh Văn thể hiện sự “nương nhẹ” thiếu quyết liệt trong xử lý vi phạm về môi trường dễ dẫn đến “nhờn luật”. Đề nghị UBND xã Thanh Văn và UBND huyện Thanh Oai nghiên cứu các quy định về xử phạt đối với hành vi nêu trên, đồng thời thực hiện các bước kiểm nghiệm, đánh giá mức độ ô nhiễm do xưởng tái chế này gây ra để có biện pháp thực thi đúng quy định của pháp luật.

 

Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định hình thức xử phạt tại Khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 13, nếu vi phạm dưới 1,1 lần thì chỉ bị phạt cảnh cáo: "1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải dưới 1,1 lần (tương đương mức vượt quy chuẩn kỹ thuật là 10%)".

Đồng thời, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quá được quy định taị Khoản 13 Điều 14 Nghị định 155/2016/NĐ-CP, theo đó:

  1. a) Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra;
  2. b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này;
  3. c) Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Điều này.

Tội gây ô nhiễm môi trường được quy định tại Điều 235 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi) có khung hình phạt nhẹ nhất là bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Nặng nhất là bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Bạn đang đọc bài viết Xử lý hành vi phá hoại môi trường: Nhẹ tay dễ gây 'nhờn' luật?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...